Your Life Is Around You!

Chương 27: Ngày thứ hai mươi mốt: môn nhạc!




Scandal của cô Linh dạy Nhạc quả thực làm kinh động đến không ít giáo viên chứ không chỉ là học sinh. Một tuần sau, chúng tôi lại có tiết Nhạc. Lớp tôi cũng không hay bàn tán xì xào nhiều, khả năng cập nhập thông tin thì nhanh nhưng thật chất lại chẳng hề quan tâm quá lâu. Vì vậy, chúng tôi vào lớp học như bình thường, không xì xào, bàn tán.

Cô Linh là một giáo viên rất trẻ, là giọng ca vàng của trường tôi. Mỗi khi trường có văn nghệ hay dịp lễ gì, cô đều tham gia một tiết mục để “khoe” khả năng hát live khá ổn của mình.

-Cô đã đọc confession của trường mình…

Tôi không biết mấy đứa khác thế nào, nhưng trong lòng lại “ồ” lên một tiếng kinh ngạc.

-Cô lo bản thân mình còn chưa xong, dĩ nhiên sẽ không để tâm đến những câu như thế làm gì. Cô đâu thể sống để được lòng hết tất cả các bạn được. So với cô giáo chủ nhiệm của các bạn, cô còn rất trẻ. Cái gì nó nổi lên thì một thời gian nó sẽ tự chìm.

-Cô giáo của các con có chia sẽ, an ủi với cô. Vì cô đã từng lâm vào tình huống tương tự, bị học sinh nói này nói nọ. Nhưng cô nói với cô ấy rằng: “Cô ạ, cháu không quan tâm đến những vấn đề đó. Cháu rất biết ơn cô khi đã giúp đỡ cháu khi đến nay. Cháu còn trẻ, còn nhiều ước mơ hoài bão hơn là để ý đến những tiểu tiết thế này”

Chúng tôi lắng nghe, còn cô vẫn rất thẳng thắn chia sẻ.

-Cô cũng rất thông cảm cho học sinh lớp 9 bây giờ, nên đã cố gắng hết sức tạo điều kiện để các con học môn Nhạc một cách nhẹ nhàng nhất. Dù vốn dĩ nó không hề nặng nề như các con tưởng tượng. Vì thế, các con cũng phải phối hợp với cô. Cô trò cũng cố gắng.

Không ai nói gì, chúng tôi ngồi nghe. Tôi rất thông cảm, mà ngay từ đầu tôi cũng đâu có câu nệ vụ bài tập này đâu. Nhưng mà tôi không chắc những đứa lớp khác nó hiểu, mỗi người đều có một suy nghĩ mà.

-Lớp 9B là lớp chọn, cô biết các con nói học vất vả thì chắc chắn là vất vả. Chứ không như các học sinh lớp G, H, I, toàn lấy lí do bận học toán văn để nói năng này nọ, chửi giáo viên. Trong khi bản thân các bạn ấy không cố gắng, đến giờ học môn chính còn nằm lăn ra ngủ, nói chuyện, chứ đừng nói đến một môn phụ như môn Nhạc của cô.

Cái này, quá chính xác! Trừ câu đầu tiên ra thì vế đằng sau chuẩn 100%. Tôi chúa ghét bọn lớp thường. Có thể là tư tưởng của tôi khác mấy đứa cùng lớp hay có quan hệ mật thiết với các lớp thường, nhưng mà quả thực tôi không hề thích học sinh lớp khác chút nào. Thế mới nói việc tôi thích Nhật Minh học lớp G gây chấn động tâm lí cho tôi lớn như thế.

Tôi không ghét cô Linh. Giáo viên thẳng thắn thế này sao mà ghét được, mà cô cũng chẳng làm gì quá đáng (với tôi). Người trẻ tuổi thường ăn nói rõ ràng, rành mạch, chứ không thâm sâu như cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, nhẹ nhàng nhưng khó hiểu vô cùng..

Nói kĩ hơn đến vụ bài tập Nhạc, tối qua tôi tốn không quá nửa tiếng nghĩ lời cho đoạn nhạc ngắn này. Tôi khá tự tin khi hát nhẩm thử cái lời “siêu bựa” của mình với nhịp điệu gốc. Ừm, khá ổn! Tôi biết thừa khi đến lớp sẽ khối đứa vẫn không nghĩ được, hoặc do lười nghỉ.

Đúng như tôi đoán, vừa đặt chân vào lớp, nhìn xung quanh đã thấy đứa nào cũng đang lúi húi kẻ khung nhạc.

Thằng Bốp thấy tôi đến, quay xuống nở nụ cười “tươi hơn hoa”, hỏi:

-Oppa, anh nghĩ ra lời chưa?

-Rồi! – Tôi đáp

Bây giờ thì đến cả My A – bạn gái thằng Minh ngồi cạnh thằng Bốp quay xuống, kéo áo tôi nài nỉ:

-Oppa, em mượn xem thử chút.

Tôi lắc đầu. Đùa, tôi đã xác định là ngoài ba câu hỏi đầu ra thì câu cuối “chế” lời này sẽ không cho ai mượn.

Bên cạnh, thằng Hoàng cười hì hì, chìa cho tôi tờ giấy kiểm tra, nói:

-Này, vẽ đi.

Tối qua tôi có nhận lời kẻ khung và vẽ nốt nhạc cho nó. Còn phần lời parody của nó, đương nhiên nó phải tự xử rồi.

Sau phần cô Linh chia sẻ, cô thu bài của chúng tôi và bắt đầu nhận xét từng đứa một cách công khai. Tất nhiên có rất nhiều đứa thiếu câu 4. Đến khi tôi đang úp mặt xuống bàn, chợt có tiếng gọi như sét đánh ngang tai:

-Bạn Ngọc Thanh đâu nhỉ?

Tôi giật mình, máy móc đứng lên. Loáng thoáng tôi nghe thấy tiếng cười, quay mặt lại trừng mắt nhìn lũ đằng sau một cái.

Cô Linh đọc bài của tôi rồi ngẩng lên nhìn, gương mặt cô trông có vẻ rất cố gắng nhịn cười. Cả lớp thấy vậy cũng lăn bò ra cười.

Này bọn kia, biết cái gì mà cười? Tôi chửi thầm một tiếng.

-Cô cứ nghĩ bạn viết bài này là một bạn con trai.

Cả lớp cười, tôi cũng cười. Sau một giây sững người, tôi lập tức đón nhận cái nhận xét “bạn viết bài này là một bạn con trai của cô”, quay mặt sang một bên cười. Cái này, tôi quen rồi. Giọng tôi trầm, dáng vẻ cũng giống đàn ông, tính cách cũng “manly” theo như cách nói của bọn cùng lớp (lũ khốn nạn =.=), bị nhầm n lần không đếm được. Ngoại trừ mái tóc dài ra thì tôi chẳng có gì giống con gái. Vì vậy bọn nó mới gọi tôi là “oppa” một cách thuận miệng như vậy.

Có đứa nào đó hỏi: “ Nó viết cái gì vậy cô?”

Á đù, tao viết gì mày không cần biết đâu!

Cô Linh nói: “Trong này toàn về bia rượu, nhậu nhẹt”

Lại một tràng cười điên đảo trong một cái lớp được gọi là lớp chọn “gương mẫu” của trường.

Nguyên bản nó như sau:

“Một ngày trời không nắng gió mát mây xanh xanh khắp trời

Mẹ của em mua chó, heo, dê, ngan đem mang về

Cả nhà cùng chung vui, nâng chén cạn ly đến khi trời sáng

Ngày hôm sau thức dậy bố con ta cùng say rượu”

(Parody bài Tập đọc nhạc số 1: Cây sáo – Các bạn có thể hát thử)

Rất may là không ai đọc được khác ngoài tôi và cô Linh.