Cái phận làm thầy của tôi lần này nó hên gì đâu, không đến nỗi xui như tôi đã trằn trọc nghĩ cả đêm hôm qua. Sáng nay, tôi lò dò đến nhà Trân, trong cặp chuẩn bị sẵn xấp bài tập Toán thuộc loại căn bản của căn bản, nhòm cái vô là thấy đáp án ngay, chỉ để gọi là tạo….niềm vui cho cô học trò khi tôi chắc mẩm cô bé này chắc cũng giải được hơn một nửa số bài toán tôi ra.
Sau màn nhấn chuông, cô Nguyệt đon đả mời tôi vào nhà, chào hỏi xã giao xong tôi được cô dẫn lên….giảng đường, rồi bảo tôi đợi chút, Trân chỉ vừa mới ngủ dậy.
- Ngủ gì lắm thế? À, chắc là tối qua con bé thức khuya học mớ công thức của mình cho đây mà! – Tôi nghĩ thầm trong đầu, lục tục mở cặp lấy tập vở ra.
Nhưng tôi đã nhầm, nhầm to, chỉ vì ít phút sau, khi Trân đã yên vị ngồi khoanh tay trước mặt tôi thì tôi mới biết:
- Hôm qua học quá mắt thâm quầng luôn à? – Tôi hỏi.- Dạ…không! – Cô bé lắc đầu.
- Chứ sao? – Tôi thắc mắc.
- Dạ…em thức đọc truyện, hì hì! – Trân nói xong rồi khoe răng khểnh trắng ngần cười khì tỉnh bơ.
- Cái gì? Em giỡn mặt với anh hả? – Tôi ngã bổ ngửa ra sau.
- Hông đâu, em mê truyện lắm, nhưng mà bây giờ em học nè anh! – Cô bé vội lật tập ra nhưng vẫn nói liên hồi.
- Bây giờ học thì sao anh kịp giảng bài cho em? – Tôi cau giọng.
- Kịp mà, thật đó! – Trân đáp.
- Hừ, vậy anh cho em 15 phút, tụng hết mớ công thức đó đi! – Tôi hừ nhạt.
- Em chỉ cần 5 phút! – Nói rồi cô bé chăm chú nhìn vào vở.
Lạy hồn, mớ công thức này nếu là một người mất căn bản mà muốn học thuộc thì cũng phải tầm 30 phút, tôi cho Trân 15 phút là đã đánh đố cô bé rồi, cho chừa cái tật không nghe lời tôi. Ấy vậy mà giờ chỉ nói là cần 5 phút, ừ thì được, 5 phút thì 5 phút, tôi ngồi bắt đầu canh giờ.
- Xong 5 phút! – Chốc sau, tôi gõ gõ lên bàn.
- Rồi, em cũng vừa thuộc hết! – Trân gấp vở lại.
- Chắc không? – Tôi nghi ngờ.
- Chắc như bắp Mĩ, anh dò hết đi! – Cô bé nhún vai đáp tự tin.
Và quả thật là con bé đọc ro ro hết gần 5 công thức và 15 cái định lí đi kèm, tôi giờ đã bắt đầu nhìn Trân bằng con mắt khác, nhưng hãy còn nghi hoặc vì biết đâu đây chỉ là học vẹt, tụng đâu thuộc đó chứ không áp dụng vào thực tiễn làm bài được.
Tôi đoán y chóc, Trân nhìn vô trang đầu tiên của xấp bài tập tôi đưa rồi xịu mặt xuống:
- Em…hông biết làm!
- Thì cứ áp dụng công thức vào mà làm thôi, em thuộc hết rồi còn gì! – Tôi sửng sốt.
- Nhưng tại sao lại có công thức này chứ? – Cô bé chỉ tay vào vở hỏi.
- Thì các nhà toán học đặt ra và phân tích như vậy! – Tôi trả lời.
- Nhưng lí do tại sao người ta lại tìm ra công thức chứ? – Trân hỏi tiếp.
- Ớ…em làm Toán hay học Lịch sử thế? – Tôi ngơ ngác.
- Ý em là, không biết rõ ràng cụ thể công thức thì em không chịu học Toán đâu, gì mà nhìn vào toàn a với b với c, khô khan lắm! – Cô bé lắc đầu nguầy nguậy.
- À, hiểu rồi! – Tôi vỗ vỗ trán.
Hoá ra Trân là thuộc dạng người mà chỉ học tốt qua thực tiễn ví dụ có minh hoạ hẳn hoi, chứ không phải dạng dân Tự nhiên khô khan như tôi hay bọn thằng L thằng T. Nếu biết trước thế thì tôi đã nghĩ ra cách dạy khác rồi, gì chứ vụ này thì tôi có thừa tự tin, vì tôi cũng từng một thời cày xới hết các công thức đến tận cùng mà.
- Như vầy nhé, còn 2 tuần nữa là trường em thi học kỳ đúng không? – Tôi hỏi.
- Dạ đúng òi! – Trân gật đầu.
- Vậy, giờ em hứa với anh một chuyện? – Tôi nói.- Không chịu đâu! – Cô bé đổi nét mặt lắc đầu ngay.
- Anh đã nói gì đâu mà em không chịu? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Em biết, anh định bảo em hứa là anh sẽ nói với mẹ em toàn bộ mà em không được giận anh chứ gì! – Trân làm mặt dỗi, lùi ra khỏi bàn.
- Vớ vẩn, không có đâu, lại đây! – Tôi lắc đầu khoát tay bảo.
- Vậy thì là gì? – Cô bé ngồi lại gần hỏi như thở.
- Từ giờ đến lúc thi học kỳ, anh dặn em học gì thì phải nghe đó, đừng viện lí do là em bận hay là bài khó, anh không cần biết! – Tôi bắt chước lời giáo huấn của Tiểu Mai.
- Dạ…. hứa! – Trân phụng phịu gật đầu, vẻ như hơi bị ép buộc.
- Nhưng đổi lại, nếu em thi Toán được 6 điểm trở lên thì anh sẽ tặng em một bộ truyện bất kỳ! – Tôi ra phần thưởng.
- Thiệt hở anh? – Cô bé mắt sáng rỡ.
- Ừ…mà bộ tầm 10 cuốn thôi nhé, mắc quá anh kham ko nổi đâu! – Tôi thấy mình hơi bị hớ vội chữa lại tí chút.
- Ôi, em hứa mà, iu thầy nhất, hi hi! – Nói rồi con bé chồm tới bá vai tôi hệt như mấy đứa em nhỏ hay bá vai tôi ở nhà.
- Này, này…làm cái gì đấy? Con gái con đứa, lớp 9 rồi! – Tôi nhăn mặt gỡ tay Trân ra.
- Hì hì, vậy giờ học liền đi thầy ơi! – Trân nhảy ngay vào bàn học.
- Ờm, nhưng bữa nay cho em nghỉ sớm! – Tôi nói.
- Sao vậy? Hic! – Cô bé này cũng lạ, học trò được thầy cho nghỉ sớm mà lại rầu rĩ.
- Anh về chuẩn bị lại giáo án, sáng mai anh sẽ qua dạy, từ giờ đến lúc đó em khỏi học công thức gì cả! – Tôi cất tập vở lại vào cặp.
- Chứ làm gì? – Trân ngơ ngác.
- Thì học môn khác hay làm gì đó tuỳ em! – Tôi nói rồi đứng dậy.
- Đọc truyện được hôn thầy? – Cô bé hỏi.
- Thả giàn đi, rồi mai bắt đầu học hết sức! – Tôi khoát tay đáp.
- Hì hì, dạ, nhớ rồi! – Trân lại cười khểnh răng.
Ra khỏi nhà cô nguyệt, tôi không vội về nhà ngay mà mò lên thư viện thành phố, bới tung cả dãy sách Toán trong đó lên rồi hí hoáy nghiền ngẫm và ghi chép lại những gì cần thiết. Loay hoay cả buổi sáng, cuối cùng tôi cũng ghi ra được một nùi những tiểu sử các nhà toán học cho đến tình huống khám phá hay phân tích ra các công thức toán học, rồi tôi tìm lại những bài toán cũ trong sách lớp 9. Đến gần trưa thì tôi vội về nhà ăn cơm, xong tót lên trường ngồi vật lộn với mớ giấy viết tay, xem qua một lượt để có một cái nhìn tổng quan nhất và tìm một mạch dẫn chung nhất, hòng tìm ra cách giảng dạy phù hợp với bé Trân. Tôi cũng không quên dặn K mập thấy Vy hay Tiểu Mai đi xuống là phải đánh động báo tôi ngay lập tức, chứ Vy mà bắt gặp thì xé xong mớ giấy này rồi quay sang xé xác tôi là cái chắc, mà bị Tiểu Mai thấy thì dám nàng đuổi cổ về nhà không cho sang học Guitar luôn cũng không chừng, vì tôi đồ rằng thái độ của Vy với Tiểu Mai ngày hôm qua chắc là đang bực tôi chuyện này đây!
Nhưng biết làm sao được, đã nhận làm thì phải cho ra ngô ra khoai, đã nhận giúp thì phải giúp cho trót, và đã nhận dạy thì tôi phải đào tạo cho đến cùng, học trò của tôi tệ tệ không giỏi thì cũng phải có bước đột phá không tưởng. Thế là giờ tan học, chở Vy về nhà xong, từ chối buổi tối lên nhà em ấy chơi với lí do phải học bài Anh ngữ sắt đá, tôi phóng như bay về nhà, ăn xong bữa tối là xem sơ qua bài vở trên trường một chút rồi bắt đầu công việc…soạn giáo án.
- Mày làm cái gì đấy? – Ông anh tôi bất thình lình đứng đằng sau hỏi.
- À…soạn bài, mai đi dạy ấy mà! – Tôi đáp.
- Soạn chi? Sao mày không đi tập thể lực? – Ổng nói tiếp.
- Tập thể lực? – Tôi ngơ ngác.
- Ừ, để lấy sức mai lên oánh học trò! - Ổng cười nham hiểm.
- Còn lâu, lần này sẽ khác! – Tôi xua tay.
- Khác thế nào? Oánh dữ hơn à? – Ông anh tôi hỏi mồi câu.
- Bậy, học trò sẽ giỏi hơn cả thầy! – Tôi bực quá nên nổ văng trời.
- Hê, mày bị hoang tưởng rồi! – Nói rồi ổng quay đi.
Tôi mặc kệ, bắt đầu trải mớ công thức toán lớp 9 ra đầy bàn, rồi xếp tương ứng các mẩu giấy về giai thoại hay tình tiết về tiểu sử nhà toán học đó, xong xuôi tôi lại viết thêm các ví dụ minh hoạ thật tượng hình theo cách hiểu của mình, rồi tổng hợp lại thành một tập vở chừng vài mươi trang.
Nói thì có vẻ nhanh, nhưng tôi loay hoay đến gần 4h sáng hôm đó mới hoàn tất mọi việc, chợt nghĩ phải chăng lúc soạn Guitar bí kíp thì Tiểu Mai cũng thức như tôi hôm nay?
Rồi như những lần chuẩn bị thuyết trình trước lớp, tôi cầm tập tài liệu xuống dưới nhà, đứng trước gương và bắt đầu…nói, đó là cách tập thuyết trình tốt nhất mà tôi tự nghiệm ra, điều quan trọng nhất khi nói trước đám đông là nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không quá lâu để họ cảm thấy bối rối, nhưng cũng không quá nhanh đủ để tạo ấn tượng. Vậy nên chuẩn bị cho buổi sáng đi dạy ngày mai cũng vậy, tôi vừa nắm những ý chính trong đầu vừa nói thêm những ý phụ theo cách hiểu của bản thân. May phước thay lúc này nhà tôi không có ai đi xuống dưới, chứ gặp tôi đang nói một mình thế này dám lăn đùng ra xỉu vì tưởng tôi bị ma nhập lắm.
Thế là ngày hôm đó tôi chỉ ngủ được có 3 tiếng đồng hồ, sáng dậy trắng mắt ra nhưng cũng đạp xe sang nhà Trân, vừa đi vừa ngoác mồm ngáp muốn rách miệng, nhưng cực kỳ tự tin, đường hoàng bước vào nhà, oai phong lẫm liệt, đầy khí khái của một thầy giáo “ siêu phàm “ vừa được phục chức không lâu.