Yên Hoa Tam Nguyệt

Chương 4




8.

Ta đang lơ mơ ngủ thì có người gõ cửa.

"Thư Nhiên cô cô..."

"Ừm?" Ta đáp lại trong cơn mê.

"Thư Nhiên cô cô?"

Ta cố gắng nhấc mí mắt nặng trĩu, hỏi: "Ai đấy?"

"Thư Nhiên cô cô, Tiểu Lan đây ạ. Hoàng thượng say rượu cho gọi cô cô đến chăm sóc."

Nghe thấy hai chữ "hoàng thượng" ta tỉnh hẳn người, nhưng tâm tình buồn bực.

Phiền thật! Đêm giao thừa cũng không yên! Ngài có cả hậu cung bao nhiêu mỹ nữ giai nhân, ngủ đâu mà chẳng được gọi ta làm gì chứ?

Ta thầm kêu ca chứ không dám nói ra, Tiểu Lan vẫn còn ở đó.

Ban đầu đúng là hoàng thượng đến chỗ Lệ phi, nhưng hình như bị đuổi.

Những vị phi tần địa vị thấp hơn thấy ngài đã sợ, nếu không thì hay nũng nịu. Mệt lắm, ngài không chịu ở cùng.

Tâm trí hoàng hậu nương nương chỉ đủ để nghĩ đến tiểu hoàng tử, không rảnh tiếp đón hoàng thượng. Hoàng thượng chán nên không ở lại lâu.

Hiền phi...ừ thôi, từ lúc còn là Kỳ vương, hoàng thượng nhìn nàng đã không thuận mắt.

Hiền phi rất coi trọng quy tắc, lễ nghi. Trước đây, nàng hay thúc giục Kỳ vương phải chăm chỉ, cầu tiến. Bây giờ hay nhắc nhở hoàng thượng phải cần chính, thương dân.

Tiên đế đúng là chọn được cho con mình một thê tử giỏi. Chỉ với danh vị phi mà nàng có thể quản lý mọi chuyện đâu ra đó. Tất cả đều là minh chứng cho năng lực và lễ độ của nàng.

Tiểu Lan đưa ta đến chỗ hoàng thượng rồi lủi ngay.

"Tham kiến hoàng thượng."

Ngài ngồi lên bậc thềm trên điện, tay cầm một vò rượu. Ta lặng lẽ quan sát, dưới đất có ba vò rượu rỗng đang nằm chỏng chơ.

Sau khi đăng cơ, ngài rất biết giới hạn thường không uống nhiều, hôm nay chẳng biết bị gì.

"Đứng lên đi, lại đây ngồi với trẫm một lát." Ngài nói và đưa tay ra vỗ vào chỗ trống ngay bên cạnh.

"Bẩm hoàng thượng, làm thế không đúng quy tắc." Ta không dám đứng dậy.

"Quy tắc?" Ngài cười: "Trước đây ngươi ít lần làm trái quy tắc lắm sao?"

"Hoàng thượng, bây giờ khác ạ."

"Ngươi nói xem khác thế nào?"

Ta hít một hơi thật sâu, tự dặn mình phải bình tĩnh, cẩn trọng.

Vậy, khác thế nào?

Thực ra vẫn luôn như vậy, ta là nô tỳ, chính ngài đã nói với ta phải biết thân phận của mình.

"Trước đây nô tỳ hành xử vô lễ, mong hoàng thượng thứ tội." Ta kiên trì theo đuổi hướng đi này.

Ngài không bắt bẻ nữa: "Trước đây khi trẫm phiền lòng, Lệ phi hay tâm tình với trẫm, bây giờ chẳng có ai trò chuyện với trẫm nữa."

Có lẽ Lệ phi là nàng phi gần gũi với hoàng thượng nhất. Nàng luôn quan tâm đến cảm xúc của hoàng thượng, kẻ nào làm hoàng thượng giận, nàng chửi kẻ đấy bất chấp đúng sai.

Nhưng bây giờ, ngài đày cả nhà người ta đến vùng heo hút đói khổ, đúng cái ngày đoàn viên này, ngài còn mong người ta đầu gối tay ấp với ngài như chưa có chuyện gì xảy ra ư?

"Nếu đã vậy, sao hoàng thượng không đến thăm Lệ phi nương nương?"

Ngài uống một hớp rượu: "Trẫm đến rồi, Thục phi đang ở đó, nên nàng không cần trẫm nữa."

Ta hiểu mà, phải là bị hai nàng phi đuổi đi mới đúng.

"Ngồi đây với trẫm một lát, trong cung trẫm chỉ có thể gọi ngươi đến thôi."

"Vâng." Hoàng thượng phân phó ta phải làm theo.

Đêm giao thừa, cuối cùng khoảnh khắc bước sang năm mới lại là ở cùng hoàng thượng.

Trong các vị phi tần, nếu nhắc đến người không sợ hoàng thượng nhất, chắc chắn phải gọi tên Thục phi nương nương.

Thục phi nương nương từng xông pha sa trường, không ngại sinh tử. Chẳng qua là vì người nhà nên nàng mới bằng mặt với hoàng thượng.

Thục phi nương nương xuất thân từ Lục gia, là dòng dõi của nhiều tướng quân anh hùng. Cả gia tộc người khảng khái quên mình vì nghĩa lớn. Tổ phụ là Tĩnh An hầu, đời sau cha truyền con nối giữ vững tước vị.

Bách tính tung hô đội quân Lục gia anh dũng thiện chiến, là người bảo hộ cho vương triều Đại Lương.

Năm xưa, quân địch xâm chiếm đất nước, phụ thân Thục phi dẫn binh xuất trận, đẩy lui quân thù, giữ vững biên cương bờ cõi quốc gia. Chỉ tiếc máu ngài đã mãi nhuộm đỏ sa trường.

Phụ thân và nhị thúc của người đều chết trong trận chiến ấy. Huynh trưởng cũng bị trọng thương, cố gắng cứu chữa nhưng cũng chỉ qua được hai ngày hai đêm.

Lục gia hi sinh mạng sống của mình để đổi lại sự an yên của Đại Lương. Song cũng vì vậy, nhà họ Lục rơi vào tình thế vô cùng éo le.

9.

Nam nhi trai tráng nhà họ Lục hầu hết đều hi sinh ngoài sa trường. Tổ phụ Tĩnh An hầu tuổi tác đã cao. Còn đệ đệ thân thể suy nhược không luyện võ được, cũng nhờ vậy mới sống được đến nay.

Bấy giờ không có ai tiếp quản đội quân Lục gia. Nhiều quan viên triều đình lăm le thèm khát. Dù là quan văn hay võ tướng, ai cũng muốn cho con cháu, đệ tử gia tộc mình đứng ra húp lấy món hời.

Nhìn tổ phụ tuổi già sức yếu, nhìn khuôn mặt mẫu thân in hằn nỗi đau, nhìn đệ đệ vừa nhỏ dại vừa xanh xao, Thục phi nén đau thương mai táng phụ thân, huynh trưởng.

Trong đại hội võ thuật do tiên đế tổ chức, người đánh bại toàn bộ đệ tử thế gia, giành lại binh phù đội quân Lục gia, vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người.

Người dìu dắt, nâng đỡ đệ đệ kế thừa sự nghiệp. Người trấn áp cánh thổ phỉ càn quấy bấy lâu, lập nên công danh lẫy lừng, khiến cho đám quần thần chỉ biết chống chế bằng khuôn sáo lễ nghi phải ngậm miệng.

Hồi ấy, dân chúng ai nấy đều không tiếc lời ca ngợi nữ mãnh tướng Lục gia.

Lục Ngâm Ngâm, diệt sơn tặc, trừ bạo loạn, đánh Man Di.

Yếm, khăn đội đá vá trời, nữ nhi cũng chẳng kém loài bồng tang. [1]

Đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện liên quan đến nữ anh hùng Lục Ngâm Ngâm.

[1] Thỏa chí tang bồng: thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thoả mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào.

Song, sau khi đăng cơ Kỳ vương liền hạ thánh chỉ phong người thành Thục phi, dồn người vào chốn thâm cung này.

Tấm binh phù Lục gia người giành giật bất chấp tính mạng dễ dàng trở về tay hoàng thượng.

Từ nữ tướng trở thành cung phi, nếu không phải vì người thân, có lẽ Thục phi đã lấy mạng hoàng thượng từ lâu.

_________

Thức đến giờ này là không còn cơ hội được ngủ nữa, ta bèn sai người đi chuẩn bị canh giải rượu. Năm mới hoàng thượng còn phải lên chầu với văn võ bá quan.

Làm hoàng thượng khá vất vả, vất vả cho cả người khác nữa. Chúng nô tỳ đều phải bận bịu vì ngài.

Hành lễ kết thúc, quan viên giải tán, hoàng thượng được nghỉ ngơi rồi.

Cả đêm ngài không ngủ nên giờ ngủ rất sâu. Ta đốt hương an thần cho ngài rồi khép cửa lui ra.

Dịp lễ Tết cung nhân vẫn phải làm việc bình thường, nếu không ai sẽ hầu hạ chủ tử.

Ta đã dặn trước Tiểu Lan để phần cho mình bát cháo, nhưng về mới kịp ăn một chút lại phải vội đi đến phủ nội vụ dặn dò chuẩn bị đầy đủ lễ vật để mang tặng các phi tần thay cho hoàng thượng.

Thực ra chỉ quẩn quanh mấy thứ vàng bạc ngọc ngà, trân châu trang sức, lĩnh la tơ lụa. Địa vị cao được nhiều hơn, địa vị thấp được ít hơn.

Từ tần vị đổ lên là ta phải đích thân mang lễ đến để thể hiện sự coi trọng của hoàng thượng đối với phi tử.

Lễ vật nhiều, phi tử cũng nhiều, nên ta phải gọi không ít người đến khiêng, thành thử đội ngũ khiêng đồ xếp thành hàng dài.

Mặc dù cung nhân đã dọn tuyết nhưng đường vẫn trơn trượt khó đi.

Điểm đến đầu tiên là Trường Nhạc cung của hoàng hậu, vừa bước vào gian chính hương thơm đã vấn vít quanh mũi.

Lúc này đang đúng thời gian dùng bữa trưa, ta mới kịp ăn tí cháo không đủ lót dạ. Ta nuốt nước bọt, cung kính hành lễ.

Hoàng hậu nương nương vẫn hiền hậu như mọi khi. Nương nương sai người đem tiền thưởng ra, ta vội tạ ân rồi nhận.

"Ngươi đi đường trơn vất vả quá, ở lại Trường Nhạc cung dùng bữa vậy?" Hoàng hậu nương nương cười.

"Đa tạ nương nương, tiếc là nô tỳ còn phải chúc tết các vị nương nương khác." Ta khéo léo từ chối, ta biết người chỉ mời lấy lệ thôi.

"Thế thì không làm khó ngươi nữa, nhanh đi kẻo muộn."

Gia Hòa điện của Hiền phi nương nương gần cung hoàng hậu nhất. Không hổ là Hiền phi nương nương, khi đến ta thấy người đang luyện chữ. Đúng là chăm chỉ, Tết nhất cũng không buông thả.

Chúc Tết Hiền phi là nhàn nhất vì nàng vô cùng hiểu lễ nghi. Vả lại ta và nàng cũng đã biết nhau từ lâu, nên nàng không tỏ vẻ khách sáo với ta.

Ta không cần phải quá xã giao, chỉ cần làm đúng quy củ là được.

Điểm đến tiếp theo là Chiêu Nguyệt cung của Lệ phi nương nương. Lúc ta đến, Thục phi đang dùng bữa cùng Lệ phi.

Xem ra, đêm qua người ở lại Chiêu Nguyệt cung.

Ánh mắt Thục phi lạnh nhạt lướt qua người ta. Người quay mặt đi hướng khác, rõ là không vui.

Ta biết người chưa bao giờ muốn gặp ta. Bởi vì người ghét hoàng thượng, trong mắt người, ta chính là tay sai của hoàng thượng.

Thực ra ta hơi buồn. Làm gì có nữ nhi nào không từng sùng bái nữ tướng Lục Ngâm Ngâm?

Có duyên được gặp người, nhưng người lại không muốn gặp.