Xuyên Về Làm Tấm

Chương 28: Nguy cơ bốn phía




Sau nhiều nỗ lực cứu chữa, đến cuối canh giờ tỵ nhà Vua mới dần hồi tỉnh. Thái y viện kết luận, do ngài lao lực, thương tâm quá độ, lại không chú ý sinh hoạt cá nhân,  đã làm ảnh hưởng nặng nề đến chức năng tỳ vị, dẫn đến khí hư thoát, thổ huyết. Các thái y đều đồng lòng khuyên nhủ Vua nên tĩnh tâm, nằm dưỡng thương, bỏ chính sự sang một bên. Vua yên lặng chờ họ nói hết, chỉ hỏi một câu:

- Vậy trong các khanh, ai tự tiến cử thay ta làm Vua? - Tức thì mặt ai nấy đông cứng lại, vẻ trăm điều muốn nói mà tắc nghẹn, thật đủ đặc sắc. 

Thái y khám tỉ mỉ lần cuối xong liền để Hoàng quý phi đỡ Vua nửa nằm nửa ngồi tiếp tục nghe báo cáo chính sự. Các bà phi còn lại đều phải ngồi chờ cả bên ngoài, người khẽ kiễng chân ngóng vào, người thì vặn ve áo xoắn cả lại. 

Tấm cùng Cám là kiên nhẫn hơn cả, hai mái đầu xanh cúi thấp yên tĩnh như tượng, giữa lúc rối ren này các nàng cũng không muốn làm cho Vua cảm thấy phiền lòng thêm.

Từng lượt quan các cấp phủ huyện nối nhau vào báo cáo. Mỗi người lại mang thêm vài tin xấu, gương mặt vàng vọt vì bệnh của Vua càng ngày càng tăm tối. 

Từ lúc vỡ đê chính tầm giờ tý hôm qua, tất cả các cấp phủ, huyện, tổng, lý, sở chăm lo đê điều trị thủy đã dùng hết mọi cách, huy động hết mọi lực lượng, vật dụng có thể nhằm cứu đê, ngăn cản chỗ vỡ loang ra, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Thế mà, cho đến giờ dần sáng nay, theo tính toán sơ bộ đã có hơn trăm người chết, hàng ngàn ha ruộng đất, nhà cửa, hoa màu bị nước cuốn trôi. 

Ngồi nghe ngóng bên ngoài, nhiều bà không cầm được nước mắt, người thân của họ ngoài cung hiện giờ còn đang không biết sống chết ra sao. Tiếng khóc nghẹn dễ dàng lây lan, nhuốm điện Càn Thành trong bầu không khí u ám. Vua nghe thấy, vừa nóng ruột, vừa bức bối lớn tiếng quát át đi:

- Khóc lóc cái gì, Trẫm còn chưa có chết, còn bao nhiêu người sống phải lo ngoài kia.

Thế là các bà im bặt, Vua nói không sai, người chết đã chết rồi, của mất đã mất rồi, quan trọng bây giờ là người sống.

Hoàng quý phi đang quỳ giữ sau lưng Vua bỗng leo xuống khỏi giường, dập mạnh đầu thưa:

- Thần thiếp nhận thánh sủng đã nhiều năm, tài vật tại cung cũng không phải là ít, nay nguyện lấy ra 500 quan tiền, 300 phương gạo kính phân ưu cho Hoàng thượng.

Con số không phải nhỏ, bằng cả năm bổng lộc của chức quan tòng nhất phẩm lúc bấy giờ làm nhiều người giật mình. Vua cười lớn, phá lệ cúi xuống làm động tác nâng đỡ:

- Tốt, thật là tốt, ái phi hãy đứng lên, trẫm thay mặt lê dân cảm tạ ân đức của nàng.

Sau lời này của Vua, người có tâm, người không muốn cũng đều xông đến cầu dâng của cải. Chẳng mấy chốc, thái giám Nguyễn Toàn đã ghi được một danh sách dài. 

Mới vào cung như Tấm, Cám, lại trong tình trạng không được ân sủng, tiền bạc chẳng có gì nhiều, góp hết tài vật liền xin đi góp công trừ lũ, nhưng thân là phi tử của Vua cũng không ai cho các nàng cơ hội ra tuyến đầu, đành nhập hội cùng Hoàng thái hậu ngày đêm dâng hương cầu thần phật phù hộ cho lũ rút mau.

Không biết có phải lời cầu xin đã đến được tai ông trời hay không mà sang ngày hôm sau trời ngớt mưa dần rồi tạnh hẳn. Trong cung mọi người dọn dẹp cây gãy, đất cát ùn lại, rồi hò nhau leo lên tháp lên tường thành nhìn tình hình xung quanh. Cảnh tượng đập vào mắt làm không ít người rơi nước mắt. 

Quanh Tử Cấm thành, nước lũ vẫn còn chưa rút hết, ước phải ngập đến đùi người . Theo dòng nước đục ngầu xao động, dập dềnh những cành cây, rác rưởi, xác động vật chết. Mùi ẩm mốc, hôi thối gặp trời tạnh ráo bắt đầu bốc thẳng lên. Kinh thành vốn cao ráo đã thế, những vùng dân cư xung quanh còn khủng khiếp đến độ nào.

Buổi sáng Vua ăn được lưng cháo, uống xong bát thuốc Thái y viện kê,  lại nén ho lên buổi chầu. Đi qua cổng điện Vua dừng lại bỏ tượng trưng mấy đồng tiền vào hòm. Học theo hậu cung, bên ngoài điện đã đặt một cái hòm gỗ, để mỗi quan đi qua tùy theo bổng lộc ít nhiều sẽ ghóp tiền vào đó. Còn lúa gạo, nhà quan nào còn dư dả sẽ mang thẳng đến các kho lương trữ lúa cho việc cứu tế - Bình Chuẩn Thương. Tại đây những người nghèo túng có thể mua gạo rẻ hơn bình thường và không giới hạn, từ 1, 2 phương tới cả thưng, đấu, bát.

Trong điện Cần Chính, hai hàng quan đứng ủ rũ, mặt ai nấy đều lo lắng, thất sắc. Sợ Vua trách tội là một lẽ, đến bản thân các quan trên đường vào chầu cũng không tránh khỏi thương tâm. Trời dù đã ngớt mưa, bên ngoài cung thế nước vẫn còn lớn, các quan biết tội thất trách để đê chính vỡ, chẳng ai dám ngồi kiệu, đành lội bộ vào cung nên hình dung ai cũng như chuột lội, ướt từ đầu đến chân.

Lần lượt từng người lên báo cáo. Mỗi lần một người lui xuống là con số thương vong, thiệt hại trong trận lũ lại tăng lên. Vua nén cơn nghẹn trong ngực, trầm tĩnh bàn tiếp về kế sách giải quyết sau lũ, ổn định đời sống cho người dân. Ngài ra chiếu thành lập thêm nhiều Bình chuẩn thương, các Nghĩa thương ở các vùng địa phương bị thiệt hại nhiều nhất - chuyên phát chẩn lương thực miễn phí cho người nghèo, miễn thuế khóa cho các vùng lụt nặng tùy theo trong vòng sáu tháng đến một năm. 

Chính sách rất tốt, các bước vạch ra đủ sâu sát, nhưng muốn tiến hành suôn sẻ, tiền bạc mới là cả một vấn đề đau đầu. Dựa theo cách đã làm trong cung, Vua ra lệnh cho các quan lại kêu gọi sự ủng hộ của giới thương nhân, địa chủ. Vua một câu, tôi một lời, buổi chầu cứ thế kéo dài đến tận giờ chiều.

Việc tốt chưa thành, việc xấu lại kéo đến. Hai ngày sau, rất nhiều bản tấu cùng dâng lên mô tả nạn dịch đang hoành hành ở các vùng lũ. Người dân sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, không có điều kiện vệ sinh, các loại bệnh về mắt, về da, đường ruột thi nhau phát sinh. 

Hình dung tình hình lúc này thật là, cái khổ vồ cái nạn, khó khăn trùng trùng, nguy cơ bốn phía.