Xuyên Tới Nữ Tôn Nuôi Bốn Chồng

Chương 63: C63: Gần ngày lâm bồn




Kể từ sau hôn lễ, Quan Dương Dương vẫn để tâm mấy lời nói của Nguyệt Hải Đường, nhân lúc chuẩn bị hồi kinh, hắn ta lựa lời nói với thê chủ qua Tống gia làm lành.

“Nàng xem, sắp tới cả nhà chúng ta về kinh, một mình đại ca ở đây, nếu quan hệ với thê chủ không tốt, ca biết dựa vào ai.”

“Dựa vào ai thì kệ hắn chứ, một tướng quân như hắn không chống nổi thê chủ à.”

Hắn ta nhiên nhẫn khuyên nhủ: “Không thể nói thế được, nội quốc khác với biên cương. Với lại liên luỵ tới đệ đệ ta, nhà nội hắn là người kinh thành, quay về kinh rồi họ tới kiếm chuyện thì sao?”

“Hừ.” Ngô Bình Tú khinh miệt hừ một tiếng từ lỗ mũi. “Từ gia mà dám động tới Ngô gia?”

“Dĩ nhiên họ không dám động vào nàng, nhưng ta thì vẫn phải ăn chút giáo huấn.” Quan Dương Dương ỉu xìu buồn bực, cố gắng bày ra vẻ mặt đáng thương nhất.

Rời khỏi huyện Dĩ Chuyển, chức Tri huyện của Quan Thiên Đông chẳng có trọng lượng gì, nếu Từ gia thật muốn làm khó, Ngô gia cũng chỉ có thể che chở để hắn không quá mức khó coi.

Nghĩ tới vụ việc suýt sảy thai do mình bày trò, Ngô Bình Tú thấy xấu hổ với Quan Dương Dương, dẫu sao cũng tại mình.

“Để ta đi với ngươi.”

Ngô lão thái thái thấy cháu gái mình chủ động tới Tống gia cầu hoà, không khỏi khen ngợi nàng ta trưởng thành, lại nhìn sang cháu rể mới vào cửa, bụng nghĩ đứa nhỏ này biết khuyên nhủ thê chủ, chưa biết chừng sau này Tú nhi sẽ tốt hơn.

Bà hào phóng đưa bạc cho hai người mua quà, không thể đến tay không.

Mang tâm trạng vui vẻ mà tới, giờ đụng tường khó ở Tống Kiều Thư, hai người rối loạn.


May cho họ Tống Kiều Thư nghén ngủ, ngồi tiếp chuyện một lúc mắt díu vào. Nàng nói mát thêm mấy câu rồi nhận lễ, bảo họ đằng nào cũng không sống ở đây nữa, sau này mỗi năm gửi nhiều quà về là được. Nàng thì nàng chẳng cần mấy thứ đó, chẳng qua họ nợ tiểu phu nàng, họ phải trả.

Đây coi như đã bắc cho họ bậc thang đi xuống, hai người kia đồng ý.

Nếu đưa đồ giải quyết được thì không cần phải dây dưa chịu đựng nhau thêm, vợ chồng trẻ Ngô Quan vội vàng cáo lui để thu xếp hồi kinh.

Ôi mệt chết mất. Tống Kiều Thư ngả người ra sau, nửa nằm nửa ngồi đầy tuỳ ý.

Vì Thanh Nhạn về nhà nên bữa tối Quan Tự Phong đảm nhận. Vết thương ở mông vừa đỡ, hắn đã cuồng chân cuồng tay chạy nhảy khắp nơi, thời gian dưỡng thương quả thực nhàm chán muốn chết.

Hôm nay hắn đặc biệt làm món gà ác hầm hạt sen cho thê chủ bồi bổ dưỡng thai.

Thê chủ nhìn nồi gà khóc nửa dòng sông, hẳn là cảm động lắm.

“Mau ăn đi. Nàng nói lười nhai nên ta đặc biệt hầm nhừ, thịt mềm nhũn chỉ việc nuốt thôi.”

Tống Kiều Thư: “…”

Ý nàng là thịt dai lười nhai, hãy đổi sang ăn rau, chứ không phải hầm nhừ rồi kêu nàng nuốt cả con gà. Cứ dưỡng thai kiểu này chẳng mấy chốc nàng sinh một đứa con còn được khuyến mại một rổ mỡ mất.

Dưới sự chăm sóc tận tình của tiểu phu, tháng thứ 8 thai kỳ nàng phải bí mật gặp Bách đại phu, trình bày bản thân xương cốt mỏng manh, sợ đi vào vết xe đổ sinh xong mất nửa cái mạng như mẹ mình, hi vọng bà có thể khuyên mấy tên ngốc kia giảm bớt ân cần bồi bổ nữa.

Đúng là có khổ không dám nói mà.


Thời gian này việc làm ăn ở Bán Chi Liên tăng trưởng khá tốt, thu mua nhiều dược liệu từ chỗ khác mang về bán, vườn thuốc ở nhà cũ chỉ chuyên cung cấp các loại thảo dược trị hiếm muộn. Nàng cũng có vài đơn hàng từ kinh thành, hay một số khác xa tới cầu phương thuốc.

Bách đại phu theo đó nghĩ thông, nhận một số trẻ mồ côi có tư chất để dạy dỗ. Con cháu năng lực có hạn, bà nhận đồ đệ kéo dài danh tiếng cũng ổn.

Hôm nay Ngô Kiêu theo Tống Kiều Thư đi ra ngoài, nàng mang mấy thang điều hoà thân thể giao cho Lý gia. Chủ mẫu nhà này đã 34 tuổi, sau khi con gái đầu lòng không may chết đuối bà gấp gáp sinh thêm, lại sinh liên tiếp ba người con trai.

“Ta nói bà rồi, tuổi này sinh con rất nguy hiểm, bà đã sinh bốn đứa, chưa kể mấy đứa không được chào đời vì thầy bói xem mệnh nói con trai, thân thể nào chịu nổi.”

Lý chủ mẫu tinh thần lẫn thể chất suy nhược, hốc mắt lõm sâu, sắc mặt nhợt nhạt nắm chặt khăn tay, không cam lòng lắc đầu: “Ngươi không hiểu đâu, nếu ta không sinh thì đứa em gái ăn chơi trác tác sẽ kế thừa gia sản mất.”

Bao năm làm lụng của bà sao mà chấp nhận dâng cho kẻ ăn không ngồi rồi hưởng hết, chỉ vì không con gái sao?

Nhớ ngày nào bà còn cao ngạo cho nó tiền nuôi một hậu viện đầy tiểu phu, giờ nó cậy vào cái bụng đẻ bốn đứa con gái mà vênh váo hất cằm. Để kế thừa tài sản của bà, dùng tiền bà, khinh miệt bà?

Đừng có mơ!

Nàng chống tay lên bàn, xoa xoa thái dương. Chuyện nhà người ta nàng không muốn xen vào, nhưng người sắp làm mẹ hơi nhạy cảm, biết bà Lý đây tàn nhẫn quyết đoán, chỉ cần nghe mình mang thai con trai thì lập tức uống hoa hồng thang, nàng không khỏi khó chịu.

Cứ cho bà ta có quyền với thân thể mình, thì bà ta cũng đang tàn phá thân thể chính mình.

“Cứ tiếp tục tình trạng này, e rằng chưa kịp sinh con gái bà đã về chầu tổ tiên rồi, khi đó không chỉ tiền bạc, đám chính phu thứ phu của bà đều mặc bà ta chơi đấy.”


Bàn tay nắm khăn run lên, bà Lý giả bộ lắc cánh tay che dấu.

“Ta…” Xúc động không nói lên lời.

“Thôi bỏ đi.” Nàng đỡ bụng giơ tay. Ngô Kiêu hiểu ý bước tới nâng nàng đổi tư thế. Bụng to nặng nề, ngồi lâu khó chịu, tâm trạng nàng còn nóng nảy hơn. “Bà thấy đấy, ta bụng to vượt mặt vẫn phải tới đây khuyên nhủ bà, đừng nói Tống mỗ không có tình người. Sắp tới ta lâm bồn, không có thời gian giúp bà đẻ đứa nữa đâu.”

“Nhưng…”

“Dừng.” Nàng gắt. “Không sinh là không sinh, bà thích chết thì tuỳ, đừng liên quan tới ta là được. Trên dưới nhà ta còn có chục con người cần nuôi, à đúng, chẳng phải em gái bà có tận bốn đứa con gái sao? Bắt một đứa về nuôi thừa tự đi, mắc mớ gì đẻ tới chết?”

Không phải chưa có người nói với bà như vậy, nhưng em gái bà chơi bời lêu lổng, sinh con toàn không rõ cha, khác gì tạp chủng…

Khoan đã, có một đứa bà biết cha nó.

Thấy mắt bà Lý sáng rỡ, biết bà đang ngộ ra đường đi nước bước tiếp theo, nàng âm thầm nhẹ nhõm, tìm thời điểm thích hợp nói mấy câu tốt đẹp rồi cáo lui.

Chân bước vừa bước khỏi cửa, chân sau quản gia đã chạy đi tìm Lý nhị gia.

“Thê chủ giỏi quá.” Ngô Kiêu cười cười bật ngón cái.

“Hứ, ta mà lại, mau hôn nhẹ một cái nào.” Nàng vênh váo đòi hỏi.

Hắn nhìn trái nhìn phải, thấy không có ai mới nhanh nhẹn hôn chụt vào má nàng.

Hai người ngồi xe ngựa, sợ đường xóc nảy nên đi chậm rì rì về nhà.


Trong phòng khách, Thanh Nhạn và Quan Tự Phong đang tụm đầu may quần áo trẻ con. Kì thật đã may đầy hai rương, từ mùa đông tới mùa không thiếu món nào, thê chủ cũng dặn trẻ con lớn nhanh đừng may nhiều quá, nhưng bọn họ như phát cuồng, cứ rảnh rỗi là lại lôi kim chỉ ra may may vá vá.

Hơn nữa tất cả đều là quần áo nữ nhi.

Tống Kiều Thư hỏi đùa: “Nếu ta sinh con trai thì sao? Các chàng tính cho nó ở trần à?”

Ngô Kiêu không biết may vá, phụ gấp đồ bỏ vào rương, nghiêm túc trả lời: “Ngoài biên cương, nam hài tử dưới bảy tuổi thường cởi trần chạy nhong nhong.”

“Ở đây không làm vậy được.” Thanh Nhạn mở to mắt. Nông gia bọn họ có nghèo cũng phải có manh áo rách che thân.

“Qua tiệm may mua mấy món.” Quan Tự Phong giơ tay xung phong. “Để ta.”

Tống Kiều Thư: “…” Tên nhóc kia, đừng tưởng ta không biết chàng âm mưu làm giàu cho tiệm may nhé!

Hi vọng đứa bé này là con gái, nhà đã có quá nhiều nam nhân rồi. Nàng vuốt bụng thầm nghĩ.

Tiếng bước chân sột soạt vang lên, Từ Phụng Niên xách giỏ trừng gà đi từ ngoài vào, hiếu kì hỏi: “Mọi người đang nói gì vậy?”

“Vẫn là quần áo cho hài tử thôi.” Nàng lười biếng nghiêng người. “Nhà hết trứng rồi sao?”

Hắn gật đầu: “Vừa vặn Lý đại nương đi chợ, ta nhờ bà mua giúp. À, Lý đại nương hỏi nàng có muốn đi chùa cầu phúc không?”

Huyện Dĩ Chuyển có một ngôi chùa khá linh, thi thoảng Tống Kiều Thư cũng thắp nhang lễ bái, cầu cho làm ăn phát đạt.

“Đi chứ.” Nàng mỉm cười.

Cửa sinh là cửa tử, cầu mong mẹ con mình thuận lợi vượt qua.