Tạm khoan kể chuyện Tạ Thiên Hoa và Đỗ Thải Hà đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc dưới đáy sông Ngân, trước nói chuyện tại Lão thụ cổ viện.
Nguyễn Đông Thanh nằm bắt chân chữ ngũ trên giường, nghĩ xem nên làm món gì mừng sinh thần cho Trư đế.
Trong đầu hắn điểm qua một loạt món ăn, tự cổ chí kim, từ đông sang tây, cả các món truyền thống Việt Nam lẫn các món ăn của Châu Âu, Châu Mỹ.
Món đầu tiên hắn nghĩ tới là bún đậu mắm tôm. Thế nhưng rồi ý này bị Nguyễn Đông Thanh gạt sang một bên, để ủ được mắm tôm ngon, cần cỡ ba tháng trời, không làm kịp!
Nhân nghĩ đến các món truyền thống Việt Nam, Nguyễn Đông Thanh lại nhớ đến hồi sinh viên. Chả là hồi ấy hắn chơi thân với một thằng bạn, khá là sành ăn, thường xuyên được tên này lôi đi ăn khắp ngõ này ngách nọ, ăn đủ thứ của ngon vật lạ. Người ta bảo, biết ăn ngon thì mới biết nấu ngon, thế nên tay nghề làm món Việt của hắn tuy không dám tự nhận là xuất sắc, nhưng cũng không đến nỗi nào.
Ngặt một nỗi thời còn cắp sách tới trường, Nguyễn Đông Thanh tuy không dốt sử, nhưng cũng không đặc biệt giỏi sử. Thành thử, tuy hắn nhớ được đại khái các thời kỳ lịch sử Việt Nam, cũng nắm qua qua về các danh nhân từng thời, đặc biệt là thi từ của họ, nhưng muốn tìm hiểu gì sâu xa thì hắn vẫn cần tra cứu lại. Hà huống lịch sử thế giới này cũng chả biết giống với lịch sử mà hắn biết được bao nhiêu phần, nên cũng chả rõ tại nước Việt bản tu chân giới này món nào đã là đặc sản, món nào còn chưa ra đời. Nguyễn Đông Thanh tự nhận nấu ăn không đến nỗi tệ, nhưng hắn cũng không có ý định múa rìu qua mắt thợ để rước nhục vào thân.
Thế là, hắn chuyển sang tập trung nghĩ món Tây. Dù gì, tại cái thế giới này chả biết có nơi nào có văn hoá giống phương Tây ở địa cầu hay không. Mà dù có, ở thời đại này, chắc hẳn dẫu cho món tây có thể du nhập được sang, thì chúng vẫn cứ là của lạ. Nếu lại cải biên một chút, kết hợp với thay thế món ăn kèm thành phở hay xôi gì đó, hẳn là thành món vừa độc, vừa lạ, làm hài lòng lão hoàng đế.
Kỳ thực, món Tây đầu tiên Nguyễn Đông Thanh nghĩ tới là bánh ga-tô. Nói đùa, từ thuở toàn cầu hóa, thậm chí sớm hơn, sinh nhật có bánh ga-tô đã là một lẽ hiển nhiên. Thế rồi, hắn lại gạt phắt ý nghĩ này đi. Khoan nói việc vận chuyển bánh ga-tô tới tận kinh đô từ biên ải xa xôi này liệu có thể xảy ra sai sót hay trục trặc gì hay không, hay việc kỳ thực hắn thậm chí còn chưa có lò nướng hay dụng cụ làm bánh, nguyên việc tìm nguyên liệu thôi đã quá ư là khó khăn rồi.
Vắt óc nghĩ một hồi, chợt hắn nghe tiếng bò rống vọng vào từ bên ngoài, thế là nghĩ đến một món: Bò sốt vang.
Nguyễn Đông Thanh ngồi nhỏm dậy, nhìn về hướng chuồng bò, rồi lắc đầu. Khoan nói việc hắn vẫn cần con bò này kéo xe mỗi lần ra vào ải Quan Lâm, thịt bò già ăn cũng không ngon, chẳng thể dùng để tiến vua được. Lại thêm con bò này cảm nhận được nguy hiểm, Nguyễn Đông Thanh đâu có ngại mạng mình quá dài mà lại đi giết thịt một “thần thú” như thế chỉ để lấy lòng một lão hoàng đế hắn còn chưa chắc sẽ gặp. Cái được thật không bù nổi cái mất.
Thế nhưng bò sốt vang thì thực sự không phải là một ý tệ. Nguyên liệu dễ kiếm, gia vị dễ tìm, lại có thể ăn cùng phở thay vì khoai tây, thành một món ăn khô thì tựa như phở trộn, ăn nước thì lại vừa giống với phở bò lại cũng rất khác phở bò, ngon thì đừng hỏi! Mà ấy là chưa kể, dù có không ăn với phở thì ăn với khoai lang hay bánh mì cũng được.
Nói đến phở và bánh mì, đây có lẽ cũng là hai món Nguyễn Đông Thanh ngạc nhiên nhất khi bắt gặp tại trong thành. Phải biết, trong lịch sử Việt Nam thì phải đến cuối thế kỷ XIX, bánh mì mới du nhập sang, và cũng phải đầu thế kỷ XX thì bánh phở mới ra đời. Bánh mì ở địa cầu quê hương hắn vốn là món ăn của người phương Tây, nên phải đến thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam mới có. Phở còn xuất hiện muộn hơn, tương truyền người miền Bắc nước ta thấy ăn bún với xáo bò không hợp nên mới thái bánh cuốn thành sợi, lại chan thêm nước dùng, từ bấy mới có món phở bò.
Cái khó nhất, cũng là tinh túy của món bò sốt vang này, có lẽ là rượu vang. Thế nhưng việc này Đông Thanh lại không quá lo lắng, cùng lắm hắn sang xin Hồng Vân một vò là được chứ gì? Cái con sâu rượu đó, cái gì có thể thiếu chứ hẳn là xin chút chút rượu nấu ăn không thành vấn đề!
oOo
Lại nói chuyện xảy ra ở đáy sông Ngân.
Tạ Thiên Hoa thấy tình hình không ổn, không dám chậm trễ một giây, một mặt truyền âm cho Đỗ Thải Hà, báo việc bùa tránh nước hết linh, mặt khác chiếu Thanh sắc thần quang vào mấy cái kén trong phòng.
Đỗ Thải Hà nghe được lời sư tỷ, lại cảm giác được khí thế của kẻ địch, con tim thiếu điều nhảy ra khỏi người từ đường cổ họng, vội vàng rút một là bùa tránh nước mới ra, vừa niệm chú kích hoạt, vừa phi đến sát cạnh sư tỷ. Lá bùa mới vừa phát huy tác dụng thì Tạ Thiên Hoa cũng lắc mình, hiện ra bản thể Thanh Tước, rồi cõng sư muội lên mình, nhắm hướng mặt nước mà chạy trối chết. Phía sau còn nghe thấy mấy tiếng nổ nhỏ cùng lời chửi bới của hai tên áo đen.
Cũng may Tạ Thiên Hoa nhanh trí, đã tạo được chút hỗn loạn để cầm chân hai cường giả kia. Thế nhưng, bản thân nàng cũng biết, việc này chẳng tranh thủ được cho hai người họ bao nhiêu thời gian. Quả nhiên, còn chưa đến một khắc thời gian, Tạ Thiên Hoa đã cảm nhận được uy áp từ phía sau.
Cô nàng lại càng tăng thêm tốc độ, bay vọt lên phía trước. Cũng may bùa tỵ thủy đã giảm hết lực cản cũng như áp suất của nước, chứ không chỉ với tốc độ bay của Tạ Thiên Hoa nãy giờ, thì sợ là cô sư muội trên lưng nàng ta cũng đã bị ép thành đống thịt nhũn.
Thế nhưng uy áp phía sau không hề giảm chút nào, lại nghe một tiếng quát:
“Chạy đâu cho thoát?”
Thế rồi, cánh bên phải của Tạ Thiên Hoa bỗng nhói đau.
Cô nàng loạng choạng, tuy vết thương không có vẻ quá nặng, nhưng cũng làm cô bị mất thăng bằng, bay lệch vể một phía. Đỗ Thải Hà ngồi trên lưng nàng ta cũng suýt vì biến cố này mà ngã lộn xuống.
Đỗ Thải Hà vừa sợ vừa tức, lôi bừa một nắm bùa ở trong nhẫn chứa đồ ra, ném về phía sau. Chỉ nghe thấy vài tiếng nổ cùng thêm vài lời chửi bới nữa từ hai kẻ đang truy sát bọn họ.
Thế nhưng hai thiếu nữ cũng chả còn tâm trí quan tâm mấy chuyện đó, vì mặt nước cuối cùng cũng hiện ra trước mắt họ.
oOo
Tạ Thiên Hoa bay được lên khỏi mặt nước thì cũng kiệt sức, ngã lộn nhào xuống ven sông, hóa lại thành hình người. Đỗ Thải Hà cũng bị văng xuống gần đó.
Hai chị em còn đang đau điếng, chưa kịp cả bò dậy thì hai tên áo bào đen cũng vọt ra khỏi sông Ngân, lăng không mà đứng.
Hai tên này đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, ánh mắt có tia lửa giận, hẳn là do trong lúc vội vã truy đuổi hai cô nàng không kịp phòng hờ nên mới bị đống bùa phép của Đỗ Thải Hà làm cho mất mặt đến như vậy.
Thế nhưng, chứng kiến cảnh hai cô gái như cá nằm trên thớt thì khóe miệng hai tên này lại nhếch lên. Tên đi trước liền nói:
“Chạy nữa đi! Các ngươi chạy nữa đi! Chạy đâu cho thoát ông đây?” Ngưng một chút hắn ta lại nói, “Hừ, dám làm ông đây ra nông nỗi này, tao phài hành hạ chúng mày trước khi giết mới xả được cơn tức này!”
Hắn vừa nói vừa tiến về phía hai người.
Bỗng…
Chỉ nghe thấy mấy tiếng “tách” như có vật gì đập nhẹ lên mặt nước, rồi tên áo đen đang lăng không tiến về phía hai chị em Hoa, Hà bị vật gì đó cứng đập vào mặt, đau đến nổ đom đóm mắt, lộn nhào trên không, chỉ thiếu điều lộn cổ xuống sông.
Hai tên áo bào đen giật mình, ngoảnh đầu lại nhìn thì chỉ thấy một thiếu niên áo đen đã đứng đó tự bao giờ. Mặt y một vẻ biếng nhác, trong tay cầm một mảnh đá dẹt, hai mắt có thần đang khóa chặt hai kẻ bọn họ.
Hai tên này nhìn nhau, đều thấy sự sợ hãi trong mắt đối phương. Nguyên việc thiếu niên áo đen kia có thể đến mà chúng chẳng hề hay biết đã thể hiện y nguy hiểm đến thế nào, việc y chỉ ném thia lia một hòn sỏi lại có uy lực mạnh như vậy lại càng khẳng định hai người bọn chúng có liên thủ cũng không phải đối thủ của y. Chỉ là… tại sao y còn chưa làm gì khác?
Trái với hai tên áo bào đen, hai người Tạ Thiên Hoa vốn còn đang cố bò dậy nãy giờ khi thấy người này thì lập tức thở phào một hơi, rồi nằm thẳng cẳng xuống đất thở phì phò như đã thoát lực.
Hành động của hai người lập tức giải hoặc cho hai tên áo bào đen, chúng vội vã làm kẻ “thức thời”, cắm đầu xuống sông chạy trối chết.
Tiểu Thạch liếc mắt nhìn theo hai tên áo bào đen, cũng chả thèm truy đuổi. Y chỉ chạm nhẹ vào chuôi kiếm một cái, rồi vừa ngáp dài, vừa chậm rãi đi qua chỗ hai người Tạ Thiên Hoa đang nằm ở ven sông, đoạn hỏi:
“Định nằm ở đấy đến bao giờ? Chả lẽ muốn ta phải cõng các ngươi về sao?”
Hai cô gái giật bắn mình, cười ngượng rồi dìu nhau đứng dậy.
Mà ở sâu dưới sông lúc này, có hai kẻ quần áo rách bươm, tóc rụng gần sạch, trên đầu còn vài chỗ thiếu mấy mảnh da đang run như cầy sấy nhìn nhau.
Hai tên “cường giả” mới ban nãy truy đuổi hai người Tạ Thiên Hoa hống hách là thế hiện giờ đang rất hoảng loạn. Bọn chúng đoán được thiếu niên áo đen ban nãy không đơn giản, nhưng có chết cũng không thể ngờ y mạnh đến thế. Đã chạy xa đến như vậy, lại còn trốn dưới nước, vậy mà y vẫn có thể hành bọn chúng ra nông nỗi này. Còn về phần tại sao chúng biết là do y ra tay? Trước khi xoay người rời đi, Tiểu Thạch có truyền âm, nói đúng hai câu:
“Có áo thay chưa? Cần thì lên đây tao ném cho một bộ?”
oOo
Khi hai chị em Tạ Thiên Hoa về đến phủ thành chủ, thì thấy Lý Thanh Vân đang ngồi ghế cao giữa sân như thư sinh kể chuyện, xung quanh y ngồi xổm, ngồi bệt nào là lính lác của phủ thành chủ, nào là tiểu hòa thượng, đạo đồng, ..v.v…
Thì ra, các thế lực giang hồ đều tập chung ở phủ thành chủ để bàn kế hoạch đấu với ma da, thế nhưng chỉ những người đại diện các phe phái lớn được có mặt trong cuộc họp mà thôi. Đám hậu bối tu vi thấp không được vào họp thì đại đa số lại đều là thanh thiếu niên mới lớn, còn ham vui, cũng không nhiều úy kỵ, tính toán như các bậc trưởng bối.
Thế là, cũng chả biết là ai bắt chuyện trước, nhưng một hồi sau, Lý Thanh Vân bỗng dưng thành “thuyết thư tiên sinh”, ngồi ghế cao kể lại *Xạ điêu anh hùng truyện* cho một đám đồng lứa với cậu chàng từ đủ các phe thế lực.