Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 353: Nguyễn Đông Thanh Đến Thành Bạch Đế - Lão Anh Hùng Bái Phỏng Tiên Sinh




Sau khi trì hoãn ba ngày, Nguyễn Đông Thanh bắt đầu lục tục khăn gói hành lý đến thành Bạch Đế nhậm chức. Theo sau có Dư Tự Lực, Lã Vọng Thiên, ông đồ Cố Văn và Hồng Đô.

Cô mèo máy vì giữ chức hộ vệ cho gã, thành thử cũng được triều đình sắc phong là Đới Đao Hộ Vệ, danh hiệu là Ngự Miêu. Điều này khiến Nguyễn Đông Thanh cơ hồ tá hỏa, dọc đường cứ lẩm bẩm cái gì mà “một gậy bản quyền, hai gậy bản quyền”, rồi lại “Nhật Bản Trung Quốc, người nông dân”, khiến cả đám người đồng hành ai nấy đều căng thẳng như ngồi trên lò than, chẳng hiểu rốt cuộc “mật ngữ” của tiên sinh là có thâm ý gì, muốn bọn họ xử lý chuyện sắp tới ở Bạch Đế ra sao.

Hồng Đô thì sớm đã miễn dịch với cái kiểu thỉnh thoảng lại lẩm bẩm những lời “vô nghĩa” như kẻ dở người của ông tiên sinh nhà mình, thế nhưng mấy người còn lại thì chẳng được may mắn như thế. Trong suốt những ngày bôn ba từ Quan Lâm đi Bạch Đế, ba người Cố, Lã, Dư cơ hồ hiểu thế nào là địa ngục trần gian.

Vẫn nói gần vua như gần cọp, ông “vua” của bọn họ chẳng những “bản lĩnh hơn trời”, đã thế còn không thích nói thẳng nói thật. Ba người Dư Tự Lực chỉ thấy áp lực như núi lớn.

[Biên tập chú thích: câu đầy đủ Thanh nói nhìn thế chắc cũng dễ đoán rồi, nhưng nếu có ai vẫn chưa luận được ra thì nó sẽ kiểu như: “Một cái gậy bản quyền từ Nhật Bản đã đành, giờ lại thêm một cái từ Trung Quốc. Hai cái gậy bản quyền chỉ chực chờ bổ xuống từ trên đầu thì người nông dân biết phải làm sao?”]

Lần này cùng lên đường còn có Hồ Ma Huyền Nguyệt và quân đội trong thành. Chuyện tiễu trừ phỉ tặc ở núi Lệ Chi vốn chỉ là cái cớ cho y thị ở lại giám sát Nguyễn Đông Thanh. Hiện tại Nguyễn Đông Thanh đã bắt đầu khăn gói quả mướp đến thành Bạch Đế, Hồ Ma Huyền Nguyệt cũng vội vàng đuổi theo sau, thậm chí còn chẳng kịp tự mình quét sạch tàn đảng của Phó Kinh Hồng, chỉ đành giao chuyện dọn dẹp cho một đám thuộc hạ.

Kỳ thực y thị vội vàng như vậy cũng là chuyện dễ hiểu. Theo như quan sát của Hồ Ma Huyền Nguyệt, Bích Mặc tiên sinh tuy bản lĩnh ngập trời, nhưng lại thường xuyên tự hạn chế bản thân bằng một chữ “thân phận”. Kể từ khi gã thừa nhận thân phận “dưới trướng” Vũ Tùng Lâm đến nay, lời nói của Vũ tổng binh cơ hồ rất có trọng lượng.

Hồ Ma Huyền Nguyệt vội vàng trở về thành Bạch Đế, là muốn lấy thân phận “chủ thượng” khuyên nhủ gã một hai.

Bằng không, lấy cá tính của Bích Mặc tiên sinh, y thị sợ nếu không kịp thời về thành can gián, đại bản doanh mình xây dựng nhiều năm chẳng biết sẽ bị gã quấy phá thành cái dạng gì.

Thành thử...

Mượn quyền hạn châu chủ của Hồ Ma Huyền Nguyệt, chỉ mất ba ngày đường, Nguyễn Đông Thanh và đám “thuộc hạ” đã đến thành Bạch Đế. Lúc này hai đoàn người tách ra, Hồ Ma thành chủ thì sắp xếp quân đội quay về doanh trại, luận công ban thưởng. Bích Mặc tiên sinh thì dẫn bốn người Hồng Đô vào phủ quan Chưởng Ấn.

Có thánh chỉ của Trư Đế trong tay, thành thử chuyện chuyển giao lợi ích Chưởng Ấn quan cho Nguyễn Đông Thanh chẳng mấy chốc đã xong xuôi đâu vào đấy. Kẻ hầu người hạ trong phủ lẫn nha lại, sai dịch chốn công đường đều có mặt đông đủ. Sau khi nhận mặt “chủ mới” thì có một ông lão già dặn thay mặt toàn bộ người làm đứng ra bàn giao chùm chìa khóa của phủ Chưởng Ấn và văn thư, sổ sách những ngày gần đây cho Bích Mặc tiên sinh.

Về phần ngọc ấn đại biểu thân phận thì còn cần phải chờ đến ngày nhậm chức chính thức, có mặt cả hai vị Chưởng Kiếm, Chưởng Bút quan chứng kiến mới được giao lại cho gã. Thế nhưng, cái chuyện giao ấn chẳng qua là làm lấy lệ mà thôi. Có thể nói hiện giờ Nguyễn Đông Thanh đã có đầy đủ quyền lợi của quan Chưởng Ấn thành Bạch Đế.

Quan Chưởng Ấn được cấp cho năm mươi người hầu kẻ hạ, một trăm sai dịch, mười bốn nha lại lo chuyện sổ sách và một phủ đệ rộng đến mấy mẫu.

Phủ Chưởng Ấn chia làm ba khu riêng biệt, ngăn cách với nhau bằng hoa viên. Tiền viện lại phân ba khu, phía đông là chỗ của sai dịch cư ngụ, phía tây là nơi nha lại làm việc, chính giữa là công đường xử án. Ngày trước lúc Đỗ Thải Hà đến thành Bạch Đế cũng là bị đưa tới chỗ này xét xử.

Trung viện là tư dinh của quan Chưởng Ấn, có đủ cả phòng sách, phòng ngủ, sảnh đường đón khách, lại có đầy đủ phòng ốc lầu son cho tam thê tứ thiếp của quan. Lần đầu đến đây, Nguyễn Đông Thanh còn tưởng là đi lạc vào khu trung tâm thương mại nào đấy chứ chẳng phải nhà dân. Biệt thự thời hiện đại đem ra so với cái trung viện này còn bé như cái lỗ mũi, chứ đừng nói đến phòng trọ hắn thuê ở địa cầu và phòng của gã ở cổ viện.

Hậu viện là chỗ của cánh người ở, nha hoàn, cũng là chỗ đặt phòng củi, nhà bếp, chuồng ngựa, vườn tược và chuồng trại. Có thể nói, nếu cần thì phủ Chưởng Ấn hầu như có thể tự túc tự cấp trong một thời gian dài mà không cần thông thương với bên ngoài.



Nguyễn Đông Thanh có bạn gái ở địa cầu, nhưng khi đến Huyền Hoàng giới thì hắn thành kẻ độc thân. Thành thử, bao nhiêu phòng ốc dành cho thê thiếp của phủ Chưởng Ấn đều bỏ không. Ở một mình trong cái phủ to đùng ngã ngửa cũng buồn bã trống trải, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta bèn mời cả mấy người Cố Văn, Hồng Đô, Dư Tự Lực, Lã Vọng Thiên vào ở chung.

Nguyễn Đông Thanh vào phòng mình, ngồi còn chưa kịp ấm mông thì ngoài cửa đã có một thị nữ đi tới thông báo:

“Đại nhân, ngoài cửa có người đến bái phỏng. Không biết ý đại nhân có muốn gặp mặt hay không?”

“Ồ? Hôm nay ta vừa mới nhậm chức đã có người hay tin đến tận nhà sao? Người ngoài cửa là ai vậy?”

Trong thời gian làm quan tiếp sứ, Bích Mặc tiên sinh cũng được tiếp xúc với thị nữ, gia nô của các nhà quyền quý. Mới đầu gã cũng chưa bỏ được thói quen của người hiện đại, quan niệm người giúp việc thì cũng là làm công ăn lương mà thôi. Thành thử, gã xưng hô rất nền nã nhã nhặn, thậm chí nhiều lúc còn lỡ lời nói chuyện ngang hàng.

Thế nhưng lần nào cũng như lần nào, người nói chuyện cùng hắn đều quỳ rạp cúi đầu, kẻ sau lưng bọn họ chẳng đánh đập thì mắng chửi bọn họ không biết lễ nghĩa. Cũng không phải Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cứng đầu cổ hủ, không “xưng khiêm hô tôn” thì không được. Quan điểm của gã là xưng hô sao cho hai bên đều không thấy khó chịu là được, song thói quen từ bé đến lớn không phải nói đổi là đổi được.

Nguyễn Đông Thanh thấy giọng ăn trên ngồi chốc thì hắn khó chịu, mà không nói thì người đối diện bất an, hắn bèn dứt khoát tự hạn chế sử dụng đại từ nhân xưng khi nói chuyện với người cấp dưới.

Cuối cùng, chỉ có thể mỗi người lùi một bước, nói năng cộc lốc.

Thị nữ đứng ngoài cửa nhẹ nhàng cúi đầu, nói:

“Chuyện bên ngoài nô tì không dám nói bừa. Khách bên ngoài đã đưa bái thiếp, xin đại nhân xem qua.”

Nguyễn Đông Thanh gật đầu:

“Vậy thì mời khách vào đi. Chuẩn bị trà bánh, tiếp đãi cẩn thận.”

Miệng nói, tay gã đã cầm phong thư được thị nữ chuẩn bị lên quan sát cẩn thận. Phải biết, ở Huyền Hoàng giới, bái thiếp cũng không phải đơn giản chỉ là một tấm danh thiếp ghi thông tin liên lạc như hiện đại, mà đại biểu cho thân phận kẻ đến gặp. Nơi nào có người thì ắt có phân chia giai cấp. Danh thiếp cũng theo đó có đủ loại luật lệ liên quan, ai được dùng vật liệu nào, kiểu chữ gì đều phân chia rõ ràng rành rọt cả.

Cũng may dạo trước Nguyễn Đông Thanh làm quan tiếp sứ, thành thử đã học nằm lòng những quy định này đặng tiếp đón cho phù hợp. Có thể nói, hôm nay là một lần hiếm hoi Bích Mặc tiên sinh của chúng ta ôn bài trúng tủ.


Chỉ thấy phong thư dùng giấy cứng màu xanh, hồ ba lớp, viền bằng bạc, chữ bên trên sử dụng lối chữ ba, ý chỉ sóng nước liên miên bất tuyệt. Các chữ trên giấy nối liền nhau thành một dải, nét cuối chữ trước nối vào nét đầu chữ sau, nhìn cực kỳ rối mắt. Chưa cần đọc chữ nào, Nguyễn Đông Thanh cũng đã nhận ra người hôm nay muốn bái phỏng gã là một kẻ từng có quân công, nhưng đã từ quan về làm bá hộ.

Ngưng thần đọc kỹ nội dung thì là của một người tên Lê Minh Đức đến hỏi chuyện xử án.

Hành động này của họ Lê lại càng khiến Nguyễn Đông Thanh thấy nghi ngờ. Trừ phi là chột dạ chuyện gì, bằng không cớ gì gã vừa nhậm chức chưa được một ngày, lão đã vội vội vàng vàng tìm đến tận cửa?



Bích Mặc tiên sinh quệt miệng, nhíu mày, đoạn nhờ Hồng Đô chuyển lời cho Cố Văn tra lại ghi chép các vụ án chưa xử xong của quan Chưởng Ấn đời trước xem vụ liên quan đến Lê Minh Đức. Còn gã thì tự biết tài mình đến đâu, xung phong ra ngoài nhận nhiệm vụ đánh lạc hướng.

oOo

Lê Minh Đức là một lão già nhỏ thó, gầy gò, tóc hoa râm, trên gương mặt hốc hác tái xanh. Nguyễn Đông Thanh vừa nhìn lão, lập tức nhớ đến lời mẹ gã vẫn hay nói về mấy thằng choai choai cùng khu trọ:

“Hành dâm quá độ, tinh tẫn thận hư.”

Dù không biết trình độ đông y của bà già ở địa cầu ra sao, nhưng Nguyễn Đông Thanh dám khẳng định thằng cha Lê Minh Đức này tuyệt đối không thua kém gì Tạ Hàn Thiên. Chẳng qua người sau tu vi quá cao, thành thử không đến nỗi hư bại như kẻ trước mà thôi.

“Đã để lão anh hùng chờ lâu.”

Bích Mặc tiên sinh nặn ra một nụ cười nghiệp vụ, chắp tay một cái. Lê Minh Đức gật đầu, lấy thân phận tiền bối trả nửa lễ, dáng vẻ cậy già lên mặt rõ mồn một.

Nguyễn Đông Thanh cười gượng, ánh mắt lại len lén liếc về phía bàn tay trái của lão, quả nhiên thấy thiếu hai ngón.

Lê Minh Đức buông chén trà, nói:

“Đại nhân khách khí rồi. Lão cũng biết đại nhân từ chốn biên ải Quan Lâm đến đây tàu xe mệt mỏi, hôm nay mình đường đột lê bộ xương già đến đây thật là không phải. Lão cũng không dám làm phiền đại nhân lâu, chỉ xin hỏi một câu rồi sẽ đi.”

“Không biết lão anh hùng muốn biết chuyện gì? Không dám giấu, tại hạ cũng chỉ vừa đến hôm nay, còn chưa kịp động vào chính sự của phủ Chưởng Ấn. E là sẽ khiến lão anh hùng tay không mà về.”

“Chuyện ấy thì chưa hẳn. Chẳng là hơn hai tháng trước có hai tên thích khách xâm nhập vào Lê gia trang định lấy cái mạng già này, giờ vẫn bị giam trong nhà lao. Tiếc là Chưởng Ấn đại nhân tiền nhiệm chưa kịp xử xong thì đã bị bãi nhiệm. Thế nên hôm nay ông lão này đến xin đại nhân nể chút quân công ngày xưa của lão, sớm xử trí hai tên này.”

Lê Minh Đức vừa nói, vừa nghiến răng trèo trẹo, tay đấm mặt bàn. Dáng vẻ diễn trợn mắt khoa trương không khác gì cánh thần tượng đá tay ngang sang làm diễn viên.

Nguyễn Đông Thanh cười, hỏi:

“Tại hạ nghe đồn lão tiên sinh từng là anh hùng trong đại chiến Tề - Việt ba mươi năm trước, ngay cả Huyền Giáp Vệ cũng dám chỉ mũi mà mắng chửi. Sao bây giờ lại sợ hai thằng giặc cỏ như thế?”

“Người già rồi, duệ khí cũng mất. Không giấu đại nhân, hai kẻ kia còn sống ngày nào thì còn nỗi lo vượt ngục ngày ấy. Lão già này thật là ăn không ngon, ngủ không yên.”

Lê Minh Đức vừa nói, vừa chau mày ra chiều khổ sở.