Một năm đã sắp hết rồi, truyện này thực ra chính là quãng này năm ngoái (lịch âm) là bắt đầu đăng lên mạng đây. Thế cho nên Tết đến xuân về, trước khi ăn bữa Tất niên, lên tổng kết lại năm cũ, chia sẻ lịch đăng Tết này cùng một số dự định trong tương lai và vài chuyện lặt vặt khác.
Đầu tiên thì chương ngày hôm qua là đám đồ đệ của Thanh đã hội ngộ, chuẩn bị đối mặt với một tràng âm mưu nhằm vào chúng nó, cho nên là bây giờ nghỉ ngơi chút đã, quay lại kể tiếp chuyện của Thanh là đẹp. Nên chương ngày mai sẽ quay lại kể tiếp các sự kiện ở Quan Lâm sau hôm luận đạo nhá.
Tiếp đến thì bật mí một chút là Thanh sắp tới đây sẽ đi nhậm chức quan mới. Việc này thực chất đã rải manh mối với hint từ lâu lắm rồi, chả biết có ai để ý không. Trong cương vị mới, thì Thanh cũng sẽ chủ động hơn và làm việc có mục đích hơn. Mà như thế thì cũng sẽ chọc phải vài tổ kiến. Đồng thời thì cũng sẽ xử lý đến một số sự kiện các arc trước đã đề cập tới. Nên là vẫn mong bà con đồng hành và ủng hộ.
Bản thảo hiện tại thực ra có dư nhưng ko nhiều, nên là Tết này có lẽ không hào phóng được như Tết trước mất rồi. Xin lỗi bà con ạ. Lịch đăng Tết năm nay theo đúng ngày nghỉ, nghĩa là từ 8-14/2 dương lịch, tức từ 29/Chạp năm Quý Mão tới mùng 5/Giêng năm Giáp Thìn. Mỗi ngày 1 chương, riêng ba ngày mùng 1-3 Tết (10-12/2 dương lịch) và ngày 5/Tết (cũng là Valentine), thì đăng 2 chương/ngày. Giờ đăng chắc là để 4h chiều cho nó sớm sủa nhé, còn mấy hôm đăng hai chương chắc sẽ thả thêm 1 chương từ sáng sớm cho ai muốn đọc trước khi đi chúc Tết thì đọc. Tất nhiên từ giờ cho đến lúc bắt đầu lịch đăng Tết thì vẫn đăng theo lịch hiện hành.
Cuối cùng, ngoài lề, nói một chút về Tây Du Ký. Cái này chả liên quan gì đến truyện này đâu, và fan bản năm 1986 của Dương Khiết, Lục Tiểu Linh Đồng mà không thích nghe sự thật mất lòng thì nên lập tức ngừng đọc. Chứ đọc tiếp xong sửng cồ lên thì chả tốt cho ai cả, năm mới Tết đến tới nơi rồi. Ai không đọc tiếp thì xin chúc các bác nghỉ Tết vui vẻ trước luôn ạ!
Chưa đi thì tức là các bạn ko ngại nghe sự thật mất lòng phải ko ạ? Thế thì bắt đầu nhé? Cái chương Thanh luận đạo với Phật môn bọn mình cũng từng nói qua rồi. Tuy không thể phủ định giá trị, sự thành công, và độ gắn bó với tuổi thơ của bản năm 1986, song nếu đọc nguyên tác của Ngô Thừa Ân và thật sự chú ý, thì sẽ nhận ra bản 1986 chế láo chế nháo rất nhiều. Nói không quá lời thì thậm chí có thể so sánh với việc Vu Chính chế truyện Kim Dung. Còn nói câu xỏ lá nhưng vẫn khá tôn trọng sự thật theo góc nhìn học thuật, thì phim chế của Châu Tinh Trì tôn trọng nguyên tác của Ngô Thừa Ân hơn bản phim nghiêm túc của Lục Tiểu Linh Đồng và Dương Khiết. Thích bản 1986 hơn thì nó là quyền của mỗi người, không ai cấm cản cả. Nhưng nếu coi nó là khuôn vàng thước ngọc để dùng chê bôi các bản khác, hay gọi nó là nguyên tác, thì chính là sự xúc phạm sâu sắc tới tiểu thuyết nguyên tác. Và tiểu thuyết nguyên tác thì tồn tại cả mấy trăm năm, cũng thành công hơn bản 1986 là cái chắc. Khi nói tứ đại danh tác/tứ đại kỳ thư là nói về tiểu thuyết gốc, chứ ko phải nói bản phim chuyển thể bất kỳ nào.
Ví như chuyện Bát Giới vừa ngốc, vừa háo sắc, hay nương tay với nữ quái, rồi thì toàn bị nữ yêu quái lừa ấy, là một cái hiểu lầm xuất phát từ bản 1986. Bát Giới thực ra trong tiểu thuyết gốc tiêu chuẩn chọn bạn gái cao vãi cả linh hồn ra! Vợ của hắn là con nhà phú hộ trong vùng nhá. Lần bị bồ tát lừa thì bồ tát cũng hóa thành một nhà giàu có, có học, cả bốn “mẹ con” đều xinh đẹp vãi hết cả các thể loại bộ phận ra. Nói nôm na là vừa xinh, vừa đảm, vừa thùy mị nết na, lại còn giàu. Các ông các bác gặp được mối này thì có cưới ko? Nói trắng ra thì nếu là trai thẳng và ko yếu sinh lý hay có vấn đề về tính dục, mấy ai không động lòng? Ngoài lần đấy, nó bị mỗi Bạch Cốt Tinh lừa, nhưng lần ấy một là là bị lừa do háu ăn chứ cũng ko phải vì gái đẹp, hai là còn có khả năng hắn vì gato với Ngộ Không, nên muốn mượn dao giết người. Thành ra, có thật sự bị lừa hay không còn chưa chắc cơ.
Vì quãng ấy thì Bát Giới vẫn nghĩ ko có Ngộ Không thì hắn cũng thừa bản lĩnh đưa Đường Tăng đi Tây Thiên, nên đây là cơ hội tốt để đâm bị thóc chọc bị gạo, tìm cách đuổi thằng sư huynh đi. Lúc ấy dù con lợn có nghĩ con khỉ nói thật, có tin lời con khỉ, nó cũng sẽ vẫn thêm dầu vào lửa để lão Đường giận con khỉ. Bằng chứng là Ngộ Không bị đuổi hắn vui lắm, nghĩ bụng thời của mình đã tới. Đến khi bị đời nó vả cho ứ chệch phát nào rồi anh í mới khôn ra, hiểu đc thằng sư huynh đáng ghét đấy, nhưng có hắn thì mình ms có thể thoải mái “chó cậy gần nhà” mà ko lo sợ gì. Chả thế mà sau này mỗi lần Ngộ Không giả chết, con lợn lập tức lớn tiếng chửi mắng thằng sư huynh. Nó dám chắc với bản lĩnh con khỉ thì chết thế quách thị phụng nào được? Mà với cách làm người của con khỉ thì cũng ko thấy chết ko cứu. Nên chắc chắn là đang biến hình núp gần đó, chỉ cần chửi cho Ngộ Không sôi máu lên sớm phút nào là nó sẽ được cứu mạng sớm phút ấy.
Ngoại trừ một lần ấy ra, mà cũng có thể là sau khi Ngộ Không bị đuổi, a í ăn quả đắng vì gieo gió gặt bão xong, khôn ra rồi (như đã phân tích ở trên), thì sau đó nữ quái chết trên đường thỉnh kinh chắc phải đến 99% là trong tay Bát Giới. Chứ chính Ngộ Không mới lại là kẻ hay nhân từ tha mạng cho nữ quái, thường thì là do con khỉ thấy là nam tử đi bắt nạt đàn bà con gái thì xấu mặt, nên nó toàn làm mấy trò vặt vãnh giữ chân nữ quái rồi té thôi. Còn Bát Giới mới là người theo chủ nghĩa “đả thảo trừ căn”, “nam nữ bình đẳng” trước Cửu Chỉ Đinh Ba.
Như cái lần 7 con nhện ấy, Ngộ Không muốn tha, Bát Giới hai lần muốn giết. Lần đầu vì vác bồ cào định bổ chết cnó mới bị bắn tơ trói lại. Vâng, các chị í là tự vệ cá nhân, bảo toàn tính mạng nên ms trói con lợn, chứ nào có phải là vì ai đó háo sắc nên bị lừa bắt như trong bản chế láo chế nháo nào đó? Và trong nguyên tác thì trói xong các chị í té gấp, chỉ sợ ở lại con lợn nó phá kén ra xong bổ mỗi chị một bổ, chứ nào có dám nấn ná ở lại hay... như bản chế láo nào đó, vác cả con lợn về hang? Theo nguyên tác thì Ngộ Không là đợi lâu quá bỏ đi tìm mới thấy Bát Giới bị trói gô bên bờ sông đấy chứ. Sau đó, đến lúc thu phục con rết, Bát Giới lại lần nữa muốn ra tay giết cnó, nếu ko phải bồ tát cản thì con lợn giết thật rồi.
Con lợn nó đúng là thích cho mồm mép bay nhảy lúc đánh với nữ quái thật, tán tỉnh là có chứ không phải không, song cái bồ cào ko bổ chậm nhịp nào đâu. Nhìn cả hành động ấy, chứ lời ong tiếng ve ai chả nói được? Chứ chả lẽ các bạn thấy thằng sát nhân vừa đuổi giết nạn nhân của nó vừa buông lời tán tỉnh, các bạn cũng đi kết luận là thằng í háo sắc, mê gái à?
Như hai nạn hồ ly tinh ấy, một nạn là người yêu con dê quốc sư giết trẻ sơ sinh, một nạn là người yêu của Ngưu Ma Vương. Cả hai lần Trư Bát Giới đều câu trước còn đang tán tỉnh các chị í, câu sau các chị í đã thành tắt thở dưới bồ cào a í cmnr. Nạn Cửu Đầu Trùng con công chúa vợ Cửu Đầu Trùng thậm chí còn chưa kịp nói câu nào đã bị con lợn tiễn đi chầu Diêm Vương. Ai háo sắc với nhân từ với nữ quái cơ? Thậm chí, đến vợ có cưới xin đàng hoàng hắn còn buông được ấy. Cái đoạn Ngộ Không biến thành Cao Thúy Lan ấy, Bát Giới còn đang bảo dù ai đến cũng không sợ, nghe thấy người đến là Tôn Ngộ Không một cái, a í phủi tay, “chào em, anh đi nhé, ở lại mạnh giỏi, a chui vào hang lánh nạn đây!” Vô cùng dứt khoát, không thừa đến một giây sĩ diện hão với gái. Ừ thì có thể bảo đấy là do hắn nhát gan, cơ mà bao nhiêu thằng dại gái có thể dứt khoát như thế thay vì gáy mấy câu sĩ diện trước mặt gái để thể hiện ta đây?
Rồi thì trên đường thỉnh kinh, Bát Giới cũng thường xuyên đấu trí với Ngộ Không, và kết quả không hề một chiều mà khá là ngang tài ngang sức. Con khỉ thì nghĩ cách bắt con lợn làm việc, còn con lợn thì tính kế lợi dụng sư phụ, khiến cho sư huynh chịu khổ. Nói trắng ra thì Ngộ Không dùng IQ để đấu với EQ của Bát Giới. Bát Giới tuy đúng là có phần hơi ngố do IQ ko cao lắm thật, cơ mà EQ rất cao bù lại. Ngộ Không tuy IQ cao nhưng EQ thực ra thấp hơn Bát Giới. Cái này là cái mà bản năm 1986 của Dương Khiết thất bại, không thể hiện được. Mà thực ra ai bảo Bát Giới “ko có đầu óc” khả năng còn ít não hơn nó.
Ngoài ra thì còn mấy chi tiết dạng như Ngộ Không thật Ngộ Không giả nữa. Bản của Dương Khiết để hai đứa đánh nhau toán loạn lúc Phật tổ ném bát nên mới gây ra hiểu lầm, sinh ra cái thuyết âm mưu Lục Nhĩ Di Hầu thay thế Ngộ Không. Chứ đọc nguyên tác lúc ấy hai đứa đứng yên tĩnh bên cạnh Phật. Phật cũng từ từ chậm rãi nói ra lai lịch của Ngộ Không giả. Thế rồi kẻ giả mạo bị vạch trần mới bỏ trốn. Nhưng Ngộ Không thật còn chưa kịp di chuyển khỏi vị trí bên cạnh Phật tổ thì Phật đã nói, “để ta!” và ném cái bát đi rồi. Theo cái nguyên tác ấy thì có cơ hội để kẻ bị bát chụp là Ngộ Không thật à? Mà cái thuyết âm mưu cũng bảo sau vụ ấy con khỉ ngoan hẳn. Cơ mà... ngoan hẳn là ngoan trong bản 1986 thôi, mà bản ấy thì Tôn Ngộ Không lúc nào chả ngoan quá chỉ định? Hung tàn với bố láo gần như mỗi hai lần bị đuổi, tại kịch bản yêu cầu thế... Trong nguyên tác có ngoan hơn quái đâu, vẫn bố láo bố đời bỏ mẹ!
Chưa kể đến, bản thân việc Lục Nhĩ Di Hầu có sức mạnh ngang với Ngộ Không chả qua cũng là nhờ Ngộ Không sinh hai lòng, bất mãn với Đường Tăng. Cái sự bất mãn ấy nó tạo ra một bản phân thân của chính hắn, cho Lục Nhĩ Di Hầu cơ hội nhảy vào làm ký sinh trùng thôi. Nếu Ngộ Không thật mà chết thì bản phân thân cũng chết theo, và Lục Nhĩ trở về với sức mạnh gốc, chứ cũng chả giữ nổi sức mạnh mượn dùng tạm kia đâu. Cái bát chụp xuống là đã tách bản phân thân ra khỏi Lục Nhĩ, để nó quy hồi nguyên chủ rồi. Nên tên giả mạo mới hiện nguyên hình. Chả thế mà lúc hai đứa đánh tới Linh Sơn, Phật tổ nói với chư phật rằng “Các vị đều chỉ có một lòng, nhìn người hai lòng đang tới kia kìa”. “Người hai lòng”, chứ ko phải “hai người”. Hay nguyên việc cái gậy như ý nhân hai thôi đã chỉ có thể xảy ra khi Ngộ Không tạo phân thân rồi. Cái gì có thể giả mạo đc chứ cái gậy thì chỉ có một. Ngoại trừ khả năng Ngộ Không đang đánh với chính phân thân của mình bị kẻ khác xúi giục ra thì chả có cách nào lòi ra đc cái gậy như ý thứ hai.
Nói đến cái gậy thì cũng phải nói đến một chuyện ngoài lề khác. Trung Quốc thời gian mấy chục năm gần đây đang có phong trào bài Phật cực mạnh, nên không thiếu chuyện xuyên tạc, cưỡng từ đoạt lý để nerf các nhân vật có liên quan đến Phật. Tôn Ngộ Không cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phong trào này. Gậy Như Ý nó có khắc hẳn tên trên thân gậy, là “Như Ý Kim Cô Bổng”, tức là nó được đúc ra để làm vũ khí. Song, vì nó quá nặng, ng đủ sức nâng nó lên cũng ứ đủ sức dùng nó như vũ khí, nên trc đó mới được dùng để đo nông sâu của biển. Yêu quái trên đường có cướp được gậy như ý thì cũng chỉ bày trong động cho đẹp, chứ ngoại trừ con khỉ, ko ai khác trong nguyên tác đủ sức dùng cái gậy như vũ khí. Nếu bản phim nào đó cho yêu quái múa gậy như ý thì đương nhiên là chế láo. Ví dụ thực tế của việc nhấc được nhưng ko dùng đc như vũ khí ấy, thì các bạn tưởng tượng lực sĩ cử tạ. Nhấc lên đến vai hay thậm chí giơ hẳn quá đầu thì vô tư, nhưng có thách cx chả ai nâng cái tạ nặng thế lên rồi múa hay nhảy breakdance được cả, phải không ạ? Hoặc gần gũi hơn thì tưởng tượng có hai con dao, kích cỡ bằng nhau, nhưng 1 cái nặng 500g, 1 cái nặng 10kg. Rõ ràng là cả hai con dao đều ở mức chúng ta dễ dàng cầm nắm, nâng lên hạ xuống, nhưng nếu dùng để thái thịt đi, thì con dao nhẹ hơn sẽ dễ sử dụng hơn chứ, đúng ko ạ? Chứ cầm con dao nặng đến 10kg để thái thịt có mà hết hơi.
Nhân nói đến vụ bài Phật nâng Đạo của Tàu, nhiều người đọc Phong Thần hay tìm hiểu Đạo giáo xong đi đánh đồng Thái Thượng Lão Quân của Phong Thần, của Đạo giáo với Thái Thượng Lão Quân trong Tây Du, xong bảo lão í không ra mặt thôi chứ chả ngán Tôn Ngộ Không. Trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, lúc con khỉ nhảy ra khỏi lò bát quái, Lão Quân chạy lên định giữ nó lại, bị Ngộ Không đạp cho ngã dúi dụi, lăn lóc không đứng dậy được. Và về sau, Ngộ Không cũng nhiều lần lên “bắt nạt” Lão Quân. Mỗi lần, độc thoại nội tâm của Thái Thượng Lão Quân đều cho thấy lão í ngại con khỉ vãi cả linh hồn. Và chả có ai đi diễn, đi tỏ ra mình yếu kém hơn sự thật trong độc thoại nội tâm cả. Không gáy bẩn đã là đủ lạ rồi. Đánh đồng nhân vật lịch sử, nhân vật truyền thuyết, nhân vật tôn giáo với nhân vật tiểu thuyết là hành động rất dở hơi. Đánh đồng nhân vật của hai tiểu thuyết khác nhau do hai tác giả khác nhau cx dở hơi không kém. Nhất là khi Tây Du Ký được viết trước Phong Thần Diễn Nghĩa. Thái Thượng Lão Quân của Phong Thần, của Đạo giáo có thể rất tài giỏi, rất mạnh, nhưng Thái Thượng Lão Quân trong Tây Du Ký thì không! Trong Tây Du Ký, Thái Thượng Lão Quân thật sự rất gà, rất yếu. Ngoại trừ là trùm buôn vũ khí và mai thúy, nhầm, pháp bảo và tiên đơn ra thì chả còn gì khác đáng chú ý. Thậm chí đầu óc lão í còn... hơi có vấn đề. Cái nạn trâu xanh ấy, Thái Thượng Lão Quân có thở ra một câu facepalm toàn tập. Không phải trích nguyên văn nhưng đại ý là: “muốn kháng được cái vòng ấy thì tao có pháp bảo khác, nhưng mày nên cầu nguyện con trâu lúc trộm đồ của t ko trộm nốt cái pháp bảo khắc chế được cái vòng, còn nếu nó trộm rồi thì tao cũng bó tay!” Ơ thế nó mà trộm cả hai thật rồi thì ông định thu phục con thú cưỡi của ông kiểu gì?
Rồi thì việc “tại sao Ngộ Không không đánh được yêu quái nào, nạn nào cũng phải lên trời cầu cứu binh?” nó có lẽ cũng là do Lục Tiểu Linh Đồng diễn không tới. Ừ thì Lục Tiểu Linh Đồng có tìm hiểu kỹ, vào hẳn sở thú quan sát để diễn sao cho giống khỉ, nhưng có lẽ chính vì thế mới diễn ko ra được Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không có chết cũng sẽ không để bản thân bị nhốt ở sở thú, mua vui cho thiên hạ, nên diễn theo khỉ sở thú thì sai từ cơ bản cmnr còn đâu? Tôn Ngộ Không không phải dùng tư thái “không đánh được”, “cần cầu cứu” khi lên thiên đình với nhà Phật, nó là thằng đòi nợ thuê đi dí nợ khi lên thiên đình, và khi không đòi được nợ thì về ăn vạ với chủ nợ khi đi gặp người nhà Phật.
Quãng thu phục Bạch Long Mã, Ngộ Không lừa được Bồ Tát nói, “nếu gặp khó khăn, thì nhà trời nhà phật đều sẽ có trách nhiệm giúp ngươi”. Thế cho nên, việc đánh yêu quái không được Ngộ Không coi là nhiệm vụ nó bắt buộc phải hoàn thành. Đó chỉ là việc nếu tiện tay và ko quá tốn công sức, thời gian thì nó làm cho vui thôi, còn nếu thấy phải cố gắng thì thay vì nhọc công cố gắng, nó có sự lựa chọn đi bắt thằng khác làm hộ. Như kiểu bạn là trưởng phòng, bạn có thể giao bớt việc của bạn cho nhân viên rồi chỉ cần rà soát lại trước khi nộp lên trên thôi ấy. Miễn là kết quả cuối cùng là bàn giao được Đường Tăng cho Phật tổ ở Lôi Âm Tự là được, còn cụ thể 81 nạn muốn qua kiểu gì Phật không quản. Thế cho nên tại sao phải cố gắng 100% trong khi có thể cố gắng 10% r sai sử thằng khác làm nốt việc hộ mình? Chứ hồi đại náo thiên cung nó thân cô thế cô, cũng chả có ai để đùn việc, không tự làm hết thì nhờ ai? Ai có thể thay Ngộ Không đại náo thiên cung, đánh thiên binh thiên tướng lúc ấy? Đám anh em cây khế tiệc tùng nhậu nhẹt thì có mặt đầy đủ, đại nạn lâm đầu thì chả thấy mặt ai? Hay đám hầu tử hầu tôn? Đấy là lý do tại sao lúc đại náo thiên cung thì một mình cân hết còn lúc thỉnh kinh thì việc gì cũng đi nhờ đấy. Bạn là trưởng phòng, một bên là công việc không phải bạn làm thì ko ai khác trong phòng làm được cả, một bên là công việc bạn ko làm thì bất kỳ ai khác trong phòng cũng có thể làm thay. Bạn sẽ tự làm bên nào và giao lại cho cấp dưới bên nào?
Hay việc Bồ Đề Tổ Sư rốt cuộc là thuộc Đạo giáo hay Phật môn kỳ thực bản tiểu thuyết gốc cố tình ko làm rõ. Nghe qua thì có vẻ Đạo gia, nhưng các danh tự như “Linh Đài Phương Thốn Sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh Động”, hay thậm chí chính “Bồ Đề” trong danh tự của sư phụ Ngộ Không, đều có liên quan mật thiết đến Phật giáo.
Rồi thì mấy vụ như Bạch Long Mã bị NTR, Kim Sí Đại Bàng đại náo lôi âm tự đều là Dương Khiết chế láo. Trong nguyên tác không hề tồn tại.
Nói chung là, nên đọc bản truyện chữ của Tây Du Ký và thật sự cảm nhận nó, chứ nếu cứ tin theo bản phim 1986 thì toang. Và cái này chả riêng gì Việt Nam mình, chính dân Trung Quốc nhiều đứa cũng tin theo bản 1986, thế rồi tưởng tượng ra là mấy cái chế láo chế nháo có trong nguyên tác, đến khi tranh luận với fan nguyên tác chân chính, đi tra cứu lại nguyên tác mới ngã ngửa ra là bao lâu nay họ vẫn hiểu sai, nhớ nhầm. Còn nếu hỏi bản phim nào sát nguyên tác nhất ấy, thì cá nhân bọn mình thấy là bản của Trương Kỷ Trung năm 2011.
oOo
Bên trên tên biên tập chia sẻ về góc nhìn Tây Du Ký của hắn dựa trên nguyên tác, còn ở đây tác sẽ nói qua về sử dụng từ Hán – Việt và văn convert, QT.
Trước tiên phải nói rõ, mình có đọc văn QT, convert và không có vấn đề gì với thể loại này cả. Sự xuất hiện của nó là hiển nhiên, khi mà truyện mạng Trung Quốc có độ dài ngày càng cao và không thể nào bắt một người dịch cẩn thận từng chương mà vẫn kịp tác, đảm bảo tiến độ ra chương đều đặn được. Nhưng văn QT dùng cho truyện nước ngoài là một nhẽ, hành văn y sì như vậy trong truyện sáng tác lại là chuyện khác.
Trước đây, mình từng tranh cãi với một số hội nhóm tác giả về chuyện này. Nhìn chung giờ chưa biết đã khác chưa, nhưng vẫn có một số bộ phận độc giả / tác giả cho rằng văn phong convert là một loại hành văn, một loại phong cách. Sau đó, bọn họ đánh đồng chuyện sử dụng từ Hán – Việt với cái cách hành văn biến dạng quái thai này của họ.
Mình nghĩ nhiều người không hiểu cái lập luận “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của Bác. Tất cả những ví dụ Bác đưa ra trong bài văn đều là các khái niệm mới, ví dụ như sân bay, xe lửa. Tức là, theo ý mình hiểu, Bác nói ở đây là khi chúng ta xuất hiện một khái niệm mới, một từ mới thì nên ưu tiên đặt tên thuần Việt cho nó. Còn Bác hoàn toàn không có vấn đề gì với từ Hán – Việt, miễn sao dùng đúng chỗ, phù hợp.
Bản thân bạn nào đọc Nhật Ký Trong Tù chắc chắn sẽ thấy, thơ Bác làm bằng chữ Hán còn nhiều hơn là chữ Nôm cơ.
Thế nên, mình hi vọng sau này các bạn gặp tác giả nào bảo “hành văn convert” ấy thì hiểu là đang đánh lận con đen. Chẳng có cái gì loại hành văn nào lại lắp từ Việt vào ngữ pháp Trung Quốc cả, trừ khi chúng ta công nhận thêm một lối hành văn chị gu gồ.
Có một trang bọn mình dùng để đọc truyện convert có thể bấm vào từng từ để hiển thị từ gốc tiếng Trung, từ đó suy ngược ra cách hành văn của tác Tàu. Dùng cái này mới thấy thực ra hoàn toàn không có chuyện lối viết máy dịch râu ông nọ cắm cằm bà kia là một văn phong như mấy tác bị lậm nói cả. Nhưng vì trang này không phải yy, càng không phải trang mxh cá nhân của bọn mình nên nhóm tác xin phép không đưa link, cũng không nhắc tên.
Thôi, chia sẻ chút chút với mọi người thế thôi. Chúc bà con nghỉ Tết vui vẻ ạ!