Vốn “Vạn Tử Thiên Hồng” có tên là “Bách Hoa Tề Phóng”, có xuất xứ là một bài múa cung đình. Tương truyền khi xưa thái tổ hoàng đế vượt Lục Trúc Hải đến phương nam mở nước, thường hay cho người múa bài này trong những lúc mệt mỏi, khen rằng giống như trăm hoa đua nở.
Về sau, cung nữ dạy vũ đạo trong cung có tuổi, được cho về quê, Trương Hạo mới thuê về để dạy lại cho kẻ hầu người hạ. Do phải thay đổi đi tránh phạm húy, lão bèn dứt khoát đặt tên mới cho điệu này là “Vạn Tử Thiên Hồng”.
Nguyễn Đông Thanh hít sâu một hơi, nói:
“Tại hạ không có tài làm thơ, xin được lấy thơ của người xưa góp vui một phen, chủ đề cứ lấy là ‘vạn tử thiên hồng’. Không biết Trương lão nghĩ sao?"
"Cầu còn không được. Xin tiên sinh cho lời vàng ý ngọc.”
Chính lúc Trương Hạo đang vui mừng như mở cờ trong bụng, thì bỗng nhiên ngoài cửa có tiếng nói sang sảng quen thuộc, lại đầy vẻ ngông cuồng vọng vào:
“Hai nhà Trương, Hồ có hỉ sự, thế nhưng hôm nay Lý mỗ mới đến chúc mừng được, không thất lễ chứ?”
“Nào có? Võ Hoàng dẫu bận trăm công ngàn việc cũng đích thân quang lâm, lão phu mừng còn không kịp ấy chứ?”
Trương Hạo đứng lên, chắp tay hành lễ.
Lý Huyền Thiên đạp gió mà đến, trên tay còn cầm một cái bao vải. Người trong phủ, bao gồm cả Nguyễn Đông Thanh thấy cái bao lão cầm cộm lên tròn tròn, dưới đáy lại đỏ lòm giống như có máu vừa khô, không cần lão giở bao ra cũng đoán được rốt cuộc bên trong túi vải chứa thứ gì.
Bích Mặc tiên sinh thấy cảnh này mà há hốc mồm vì kinh ngạc.
Vốn tưởng đến đám cưới con nhà người ta hát “Vợ người ta” đã là phá đám, thế nhưng so với cái kiểu “ném đá hội nghị” này của Lý Huyền Thiên thì quả thực phải gọi cụ xưng con.
Lý Huyền Thiên đáp xuống, quăng cái bao ra giữa sân, dọa cho đám ca cơ hoảng hồn vội vàng lui ra tránh né. Y cười ha hả, nhìn về phía Trương Hạo, hỏi:
“Trương lão thái sư, món quà này của Lý mỗ không tệ chứ?”
Trương Hạo giở túi, nhìn thoáng qua một cái, sau đó giao cho hạ nhân, đoạn mới nhìn Lý Huyền Thiên, nói:
“Món quà của Võ Hoàng điện hạ quả thực khiến ông già này mở mang tầm mắt. Thế nhưng, so với món quà này, lá gan của điện hạ càng khiến cho Trương mỗ phải lau mắt thán phục hơn. Liễu thị lang có sai thì cũng là Lại Bộ thị lang, là mệnh quan triều đình, nay điện hạ lại tự ý giết hại như vậy có phải là có chút không thỏa đáng hay không?”
“Có sao? Lý mỗ chỉ thấy mình giết đúng người đúng tội, Liễu thị lang chẳng những ăn chặn của công, còn kéo bè kết phái, khiến triều đường chướng khí mịt mờ. Hiềm một nỗi chưa có đủ chứng cớ mà thôi. Chúng ta thân là thần tử, ăn lộc vua làm việc nước, cần phải cùng bệ hạ phân ưu. Lão thái sư thấy có đúng không?”
Lý Huyền Thiên bẻ lại.
Lời lẽ của lão sắc bén khác hẳn thường ngày, song lại nghe có hơi... cứng nhắc. Gần giống như là được ai đó truyền âm nhắc bài mách nước cho.
Trương Hạo đương nhiên là biết có người đang mượn mồm Võ Hoàng chỉ chó mắng mèo, song lão lăn lộn quan trường cả đời người, rất nhanh đã bình tĩnh lại. Trương Hạo thở ra một hơi, nói:
“Điện hạ dạy rất phải. Dám hỏi điện hạ lần này đến đây là để chung vui hay là để bắt người?”
Lý Huyền Thiên nói:
“Đương nhiên là đến để chung vui rồi. Chẳng nhẽ Trương lão cảm thấy triều đình thanh trừ được sâu mọt không phải việc vui lớn sao? Lần này Trương gia song hỉ lâm môn, Lý mỗ không chờ được mới chạy tới đây chúc mừng đấy chứ.”
Trương Hạo bình thản đáp:
“Điện hạ nói rất phải, thật là đáng chúc mừng một phen. Người đâu, còn không mau chuẩn bị ghế cho Võ Hoàng điện hạ an tọa?”
“Ha ha, vậy Lý mỗ xin đa tạ Trương lão thái sư đã khoản đãi.”
Lý Huyền Thiên cười, thản nhiên nhập tiệc giống như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Bấy giờ, Trương Hạo mới quay sang, hỏi:
“Tiên sinh, chuyện ban nãy ngài đã đáp ứng không biết có thể thực hiện hay không?”
“Chuyện này... nếu lão thái sư không ngại thì tại hạ cũng xin bêu xấu một phen vậy.”
Nguyễn Đông Thanh không ngờ sau khi bị Lý Huyền Thiên phá quán mà lão còn có tâm tình đòi thơ của hắn. Thế nhưng, khi bình tâm tĩnh khí nghĩ lại, gã lại nghĩ có lẽ Trương Hạo muốn mượn chuyện này để giải tỏa bầu không khí một chút. Không thể không nói, kể từ khi Lý Huyền Thiên xuất hiện, Nguyễn Đông Thanh có thể thấy rõ mồn một vẻ cam chịu và uất ức nén giận trên mặt khách khứa cả hai đàng trai, gái. Cái cảm giác phẫn nộ, uất ức mà bất lực không thể làm gì được, khi còn đi làm ở địa cầu hắn cũng đã nếm trải qua rồi.
Thế là, Nguyễn Đông Thanh hắng giọng, nói:
“Chư vị, thơ này tên là Hoa, nguyên tác giả tên Nguyễn Bảo, tự là Châu Khê, xin đừng lầm tưởng là thủ bút của tại hạ. Xin chư vị hứa cho là đừng hiểu nhầm, tại hạ mới dám đọc.”
“Trương mỗ thay mặt chư vị ở đây cam kết với ngài tuyệt sẽ không nói thơ này là sở tác của Bích Mặc tiên sinh. Lão già lẩm cẩm này tuy vô dụng, song vẫn còn chút uy tín, xin ngài cứ yên tâm.”
Trương Hạo đáp.
Nguyễn Đông Thanh nói:
“Có lời này của lão thái sư thì tại hạ yên tâm:
“Lâu thượng thuỳ thôi yết cổ thanh
Thiên hồng vạn tử hữu dư thanh
Ngọc hoàng la ỷ lung kim cốc
Thanh đế y thường bị cẩm thành
Tứ tự tiễn tài lao hóa thủ
Kỷ phiên thưởng thức phí thi tình
Tràng An nhật nhật đông phong diện
Điểm tập quần thi thí phẩm bình”
(Dịch thơ - bản dịch của Trần Bá Chi:
Trên lầu ai thúc trống chầu canh
Muôn tía nghìn hồng vẻ cực thanh
Gấm vóc Ngọc hoàng trùm cửa động
Áo xiêm Thanh đế rực bờ thành
Bốn mùa con tạo trau tria giỏi
Mấy độ tình thơ thưởng thức sành
Đón gió Tràng An đông diện tới
Rừng thơ xin thử điểm đôi nhành
Kim cốc: Hang vàng. Chỉ cảnh hoa đẹp ngày xuân
Thanh đế: Còn gọi là Đông hoàng, vị chúa của mùa xuân.
Cẩm thành: cũng như Kim cốc, chỉ sắc hoa xuân lộng lẫy.
Tràng An: chỉ kinh đô
Đông phong: ở đây là gió xuân.)
(Nguyễn Bảo là quan thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, tự của ông là Định Phủ. Thế nhưng Nguyễn Đông Thanh vốn cũng là người chột sử, chỉ nhớ được vài chi tiết, thành thử mới lầm tưởng Châu Khê trong tên tập thơ thành tên tự của ông.)
Trong phủ đệ, Trương Hạo vỗ tay một cái, khen:
“Thơ hay.”
Thấy lão thái sư đã mở miệng khen, tân khách ngoại trừ cái người chuyên trị đến phá quán là Lý Huyền Thiên đều nhao nhao hưởng ứng. Nhất thời, vô vàn lời khoa trương tán thưởng, hoa hòe hoa sói tới tấp được người ta ném vào mặt Nguyễn Đông Thanh.
“Bích Mặc tiên sinh quả thực có tài.”
“Đúng vậy. Mới nghe thì thấy ý cảnh không hợp với phủ đệ tân hôn, thế nhưng kim cốc cẩm thành chẳng phải tán dương tiệc mừng của Trương lão thái sư là chốn thiên cung tiên khuyết hay sao?”
“Huynh đài nói chính hợp ý ta. Thế nhưng tại hạ tâm đắc nhất vẫn là:
Tứ tự tiễn tài lao hóa thủ
Kỷ phiên thưởng thức phí thi tình
Chỉ tán dương cái vẻ hào nhoáng hoa lệ nơi đây há chẳng phải khiến lão thái sư trở nên dung tục, không khác gì cái đám giàu xổi ở quận Tam hay sao? Thưởng thi, tao nhã làm sao, văn khí làm sao, trong chốn lầu vàng gác ngọc lại vẫn có cái thú thanh nhã của bậc quân tử, chẳng quên sơ tâm, thực là phong phạm của Nho gia ta vậy.”
“Hơn nữa tiên sinh đọc thơ mừng cưới, chẳng phải chính ứng với hai câu này sao?"
Nguyễn Đông Thanh:
“...”
Các người đang dạy ngữ văn lớp phổ thông sao?
“Chư vị, thứ lỗi, thực sự ý cảnh không liên quan thật. Tại hạ đây là đi mượn văn, hợp ý hợp tình được mới là lạ.”
Nguyễn Đông Thanh mở miệng cải chính, thế nhưng Bích Mặc tiên sinh của chúng ta không thể nào ngờ được gã càng giải thích mấy người này lại càng cho là đang khiêm tốn, mực càng bôi càng loe loét.
Thế là...
Nguyễn Đông Thanh thì đứng đực như ngỗng ỉa, trong khi mấy tay quan văn Nho học cứ được thể mà phân tích từa lưa, bình phẩm đến cao hứng quên mình.
Lý Huyền Thiên nói:
“Tiên sinh, lần này Lý mỗ giúp ngài giải quyết một chuyện, có thể mặt dày xin ngài thêm một bài được không?”
“Không biết... Võ Hoàng điện hạ có yêu cầu gì? Chỉ cần không bắt tại hạ tự mình làm thơ, Đông Thanh sẽ tận lực.”
Nguyễn Đông Thanh chắp tay, đáp.
Kể từ lúc nghe thấy Trương Hạo nói cái đầu người mà Lý Huyền Thiên xách đến đây là của “Lại Bộ thị lang” là gã lập tức nhớ lại lúc vừa đến quận Tam, hình như chống lưng của tên quận thủ chính là vị Liễu thị lang này đây.
Lệnh bài của Võ Hoàng đã cứu hắn hai lần, hơn nữa còn giúp hắn một chuyện lớn, Nguyễn Đông Thanh đương nhiên không tài nào từ chối yêu cầu của Lý Huyền Thiên.
Đương nhiên, miễn là người ta không cho rằng thơ hắn phun ra là sáng tác của hắn là được.
Lý Huyền Thiên cười, nói:
“Vậy vẫn cứ lấy đề là ‘Vạn Tử Thiên Hồng’ đi. Thế nhưng Lý mỗ là con nhà binh, làm người thô lỗ, không hiểu phẩm thơ bình văn. Cũng hi vọng trong mặc bảo của tiên sinh có hơi hướm anh hùng, thiết mã kim câu một chút.”
Câu này của y lập tức khiến tất cả tân khách đều cảm thấy kinh ngạc khó tin. Không ít người thuộc bốn gia tộc lớn đều len lén xì xào, hỏi nhau xem lại tình báo.
“Võ Hoàng đột nhiên ra đề khó như vậy, chẳng phải là đang làm khó Bích Mặc tiên sinh ư? Hai người này rốt cuộc có phải hữu hảo hay không?”
“Tình báo có sai sót?”
“Có lẽ tiên sinh đến chúc mừng khiến Võ Hoàng không vui, nên mới làm khó bắt tiên sinh phải chọn đội?”
“Hẳn là vậy, hẳn là vậy. Vị Võ Hoàng điện hạ này xưa nay có tính cách thế nào các vị chẳng nhẽ không biết hay sao?”
Chính lúc mấy người này còn đang bận thì thào bàn tán, chín người mười ý, thì Nguyễn Đông Thanh đã nói:
“Vậy Đông Thanh xin mượn lời của Nguyễn Dữ tiên sinh tặng Võ Hoàng điện hạ một bài thơ vậy. Thơ tên “Đề Vệ Linh sơn”:
Vệ Linh xuân thụ bạch vân hàn,
Vạn tử thiên hồng diễm thế gian.
Thiết mã tại thiên danh tại sử,
Anh hùng lẫm lẫm mãn giang san.”
(Dịch nghĩa:
Mùa xuân cây cối ở núi Vệ Linh tươi tốt ngất tầng mây trắng mát lạnh
Muôn tía nghìn hồng đẹp mắt thế gian
Ngựa sắt đã lên trời mà danh còn ở sử sách
Tiếng anh hùng lừng lẫy khắp non sông)
(Vệ Linh sơn: Núi Vệ Linh còn có tên núi Sóc, núi Mã, núi Dền, thời Hậu Lê thuộc huyện Kim Hoa, Vĩnh Phúc, nay núi Vệ Linh thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tương truyền, sau khi đánh đuổi giặc Ân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi rồi bay về trời.)
Nguyễn Đông Thanh đọc xong vẫn không hề nhận ra mình bị lẫn lộn hai bài thơ là “Đề Vệ Linh sơn” chép trong Lĩnh Nam chích quái của nữ sĩ Ngô Chi Lan và “nghĩ Kim Hoa nữ học sĩ đề Vệ Linh sơn” của Nguyễn Dữ.
Hai bài này có rất nhiều điểm tương tự, Bích Mặc tiên sinh lại không có trí nhớ siêu việt giống những người xuyên không khác, thành thử bắt đầu lầm lẫn lung tung.
Cũng may là ở Trương phủ không có người nào biết nguyên tác, thành thử cũng không ai bắt bẻ gã cả.
Nguyễn Đông Thanh vừa dứt lời, lập tức toàn bộ những tiếng bàn tán xì xào đều im bặt. Sự im lặng đến đáng ngờ này khiến gã rụt cổ lại, nhìn chung quanh một lượt, lòng nơm nớp lo không biết mình có nói câu nào phạm húy hay không.
Ngay sau đó...
Trương phủ nổ tung.
“Diệu! Quá diệu!”
“Người đâu! Văn phòng tứ bảo! Tìm giấy mực tốt nhất đến đây!”
“Tiên sinh! Không biết có thể cho bọn ta thảo lại thơ này không?”
“Tại hạ lòng có tâm đắc, hẳn là có thể vẽ một bức Vệ Linh sơn đồ. Không biết có huynh đài nào thạo thư pháp, giúp tại hạ điền thơ một phen được không?”
Nguyễn Đông Thanh:
“???”