Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 66: Góp ý




Tính ra nhà Trần bá mẫu ở đầu thôn mà nhà cô ở cuối thôn. Đường ra ruộng hay lên trấn cũng là từ cuối thôn mà ra nên rất ít khi Hiểu Linh đi qua đường làng vào ban ngày như vậy. Bản thể này vốn khiến mọi người trong thôn tránh xa, khi cô xuyên đến lại cũng không phải là người thích ngoại giao nên cũng không hay đi lại. Tiểu Đông nhà cô thì càng không cần nói, vốn đã bị coi là hung tinh lại không được thê chủ coi trọng nên cũng không gia nhập được vào cái vòng luẩn quẩn của các nam nhân trẻ tuổi. Lưu ba là một quả phu, cuộc sống cũng bó hẹp rất nhiều. Trong nhà cô, quan hệ rộng nhất có lẽ là hai đứa trẻ Lập Hạ và Tiểu Hàn. Dạo này cô cho phép hai đệ đệ ra ngoài tìm bạn chơi. Nhưng cả hai vẫn rất quy củ làm xong những việc nhà mà chúng có thể giúp được rồi mới ra ngoài một chút. 

Hiểu Linh thơ thẩn thả bộ. Vừa đi vừa quan sát hai bên. Thôn này dân cư cũng không quá nghèo. Nhà cửa phần lớn là đắp đất nhưng rất sạch sẽ và mới, được sửa chữa thường xuyên. Mấy nữ nhân cô bắt gặp đều nhìn Hiểu Linh với ánh mắt có chút phòng bị. Hiểu Linh không biết mấy người này nên cũng chỉ có thể mỉm cười yếu ớt gật đầu chào họ rồi tiếp tục thả bước. Cô cũng có thể nghe rõ tiếng họ bàn luận về cô:

-     Này không phải là Hiểu Linh Phạm gia ở cuối làng sao? Ta có cảm giác gì đó không giống lắm.

-     Là nàng. Lần trước ta còn thấy nàng ta đưa phu thị ra chợ làng. Món bánh của Phạm Nguyễn Thị ăn khá lạ miệng, ngon mà không biết làm từ thứ gì kia. Nghe đâu nàng ta mất trí rồi.

-     Nga… mất trí mà cả tính cách cũng thay đổi luôn sao. Ta lần đầu thấy người mất trí đấy…

Câu chuyện nhỏ dần rồi mất hút theo tốp người. Hiểu Linh cũng chẳng để tâm lắm mà nhìn quanh tìm ngõ đi vào nhà Trần bá mẫu. Vừa tới cổng nhà, Hiểu Linh đã nghe tiếng nhốn nháo bên trong. Tiếng nam nhân nức nở:

-     Trần đại phu, làm ơn cứu nữ nhi của ta. Nàng bị ngã từ trên vách núi xuống. 

Hiểu Linh trầm mặc đi vào nhà. Bên trong sân có một cặp nam nữ. Nữ nhân đang bế một đứa trẻ tầm năm sáu tuổi trên tay, còn nam nhân kia là người vừa nói chuyện. Đứa trẻ hôn mê bất tỉnh, chân trái đung đưa dữ dội ở một hình thái kỳ dị. Có vẻ như chân trái gãy rồi.

Trần bá phụ và Bán Hạ từ trong nhà chạy ra. Bán Hạ nhìn thấy người bệnh thì nhanh chóng phân phó:

-     Nhanh đưa vào nhà, đặt lên giường.

Nữ nhân thành thật bước vào nhà, đặt nhẹ nhàng đứa nhỏ xuống giường rồi nhanh chóng tránh qua một bên, dìu người nam nhân đang rấm rức khóc kia. Bán Hạ lập tức tiến tới xem xét bệnh nhân. Trần bá phụ bận rộn chuẩn bị mấy đồ trong phòng khám rồi mới trở ra. Lúc này mới nhìn thấy Hiểu Linh đứng trong sân, liền mỉm cười đi đến:

-     Con đến lâu chưa? Sao không kêu ta một tiếng.

Hai người ngồi xuống chiếc chõng để ở sân, Trần bá phụ rót cho cô một chén trà xanh. Hiểu Linh cười cười đón lấy đáp:

-     Bá phụ, con cũng vừa đến ngay sau hai phu thê kia, thấy ngài bận rộn cũng không vội.

Nói tới hai người kia, Lý thị nhìn vào trong phòng khám thở dài một cái, đáp:

-     Cũng tội cho gia đình Ngũ nương, mãi mới có được mụn con gái, chỉ sợ lại tàn phế cả đời rồi. Ngũ nương này với Phan thị cũng là số khổ. Nàng ta là con út của Trần Thái, phải đi lính mấy năm. Lúc trở về thì chột mất một mắt, mẫu thân cũng qua đời, bị đại tỷ phân gia với chỉ năm xào ruộng. Nàng ta thành thật, cũng giỏi săn bắn nhưng cũng không ai nguyện ý gả. Mãi mới mua được một phu lang là Phan thị. Nam nhân này cũng may  là người tốt tính nhưng thân thể lại yếu ớt nên mãi mới được đứa trẻ Trần Giản này. Aizzz… 

Hiểu Linh nghe câu chuyện mà trầm mặc. Thời đại này y thuật không thể so sánh với hiện đại, chỉ gãy xương cũng có thể tàn phế cả đời. Cuộc trò chuyện rơi vào im lặng. Đột nhiên, Lý thị vỗ trán:

-     Xem ta này. Con đến mà lại nói chuyện không vui. Bá mẫu con sáng nay đi khám bệnh chưa về. Con tìm bà ấy có việc gì à?

Hiểu Linh cười cười:

-     Bá phụ. Không có việc gì, con không sang làm phiền hai người được ạ?

Lý thị bĩu môi đáp:

-     Con ấy à… Nếu không có chuyện gì, sẽ sai Lập Hạ hay Tiểu Đông mang chút này nọ sang cho ta, có bao giờ con tự sang đây đâu. Đừng tưởng lão già này không hiểu tính con. Con là cũng sợ bị bá mẫu con kéo đi uống rượu thôi.

Cô nhấp một ngụm trà xanh, cười thành thật:

-     Chẳng giấu gì bá phụ, con là muốn thỉnh giáo bá mẫu chuyện đào giếng nên mời ai. Con thấy nhà mình nên có một cái giếng để cho tiện. Nhà cũng có chút tiền, nên làm cái gì thì làm cái đó.

Từ trong nhà vang lên một tiếng thét dài kéo theo sự chú ý của hai người. Trần bá phụ hấp tấp đứng dây:

-     Để ta đi vào giúp một chút.

Hiểu Linh cũng đứng dậy, theo sau:

-     Con cũng muốn vào.

Hai người cùng tiến vào thì thấy Bán Hạ đang lau mồ hôi, quay sang nói với hai người kia:

-     Con bé tỉnh rồi, chân cũng được chỉnh về vị trí cũ. Để nó ở lại đây một lát rồi thẩm dùng cáng khiêng về, nhất thiết không được xê dịch chân đứa nhỏ. Ta sẽ kê phương thuốc giúp nhanh liền xương. Nhưng nếu để xương cốt xô lệch thì tàn phế là khó tránh khỏi.

Hiểu Linh nhìn về phía đứa bé nằm trên giường. Mặt trắng bệch không còn chút huyết sắc. Chân đã để về hình thái bình thường nhưng không được nẹp lại. Thế này chẳng trách xương dễ bị xô lệch. 

Nữ nhân cao lớn kia từ đầu tới giờ vẫn giữ im lặng, lúc này gương mặt mới có chút giãn ra, cúi người vái tạ:

-     Đa tạ Trần tiểu đại phu. Phiền ngài ghi đơn và bốc thuốc cho ta. Tiền thăm bệnh và tiền thuốc của Trần tiểu đại phu, ta sẽ không thiếu một đồng. Ta về làm chiếc cáng rồi sẽ trở lại ngay.

Nói xong, nàng ta quay sang phu lang của mình, phân phó:

-     Tiểu Hằng, ngươi ở lại xem chừng Giản nhi, ta đi rồi quay lại ngay.

-     Ngũ thẩm khách khí rồi.

Bán Hạ đáp lời. Hiểu Linh âm thầm gật đầu nhìn thái độ của Trần Ngũ Nương. Người này thành thật, đối xử với phu lang chu đáo, là một người nên kết giao. 

Bán Hạ lúc này đi ra ngoài rửa tay, khi nãy băng bó vết thương cho đứa nhỏ bị lây dính máu. Hiểu Linh cũng theo ra ngoài. Rất tự nhiên, cô múc nước cho Bán Hạ. Bán Hạ cũng không nói gì, chầm chậm rửa sạch tay, với chiếc khăn bố lau khô. Xong xuôi, hai người sóng bước ra chiếc chõng giữa sân ngồi uống nước. Đột nhiên, Bán Hạ nói:

-     Chân đứa trẻ kia không biết có giữ được không. Ta đã nắn xương về vị trí cũ, nhưng là nếu bị va đập, xê dịch lại rất dễ trật ra. Mà khi đó chỉ có phế đi thôi. Ta lại chẳng thể giúp gì thêm.

Hiểu Linh nhấp một ngụm trà, ánh mắt liếc nhìn Bán Hạ. Vốn nghĩ nàng ấy là một người lạnh lùng. Nhưng hóa ra là ngoài lạnh trong nóng. Đối với người khác thật tình quan tâm, và với y dược thì chú tâm không ít. Hiểu Linh như vô tình đáp lại:

-     Nếu lo lắng xương khớp bị xê dịch, Hạ tỷ tại sao không nẹp cố định chân đứa nhỏ đó lại. Ta nghĩ nếu dùng hai thanh tre lớn áp hai bên, lại quấn thêm nhiều lớp vải bên ngoài, cho dù có di chuyển một chút thì xương khớp cũng không xê dịch được.

Bán Hạ nghe Hiểu Linh nói thì ngẩn người nhìn lại. Trong đầu không khỏi nhắc đi nhắc lại câu nói vừa rồi của Hiểu Linh. Nẹp cố định sao? Tại sao nàng chưa từng nghĩ đến nhỉ. Một cái cây nếu muốn giữ cho không bị gãy đổ có thể nẹp chống mà. Chỉ cần cố định chỗ bị gẫy xương là được rồi.