Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 176




Phan Sư Khương đánh giá Hiểu Linh một hồi xem phản ứng cô nương này thế nào rồi mới cúi xuống đọc lá thư của Lý Giang – một trong những học trò do chính bà dạy dỗ. Lá thư một phần là thăm hỏi sức khỏe, phần khác là tiến cử người tên Phạm Hiểu Linh này. Trong thư Lý Giang cũng nói rõ lợi ích mà chiếc máy tuốt lúa kia đem lại trên diện rộng ở huyện thành Tây Đô. Sau thời gian tích cực đẩy mạnh, máy tuốt lúa cũng đã có mặt ở trấn Đông An này nên bà cũng biết một hai. Chiếc máy hết sức đơn giản nhưng hiệu quả của nó thật sự không thể tưởng tượng được.

Gấp lại lá thư trả cho Hiểu Linh, Phan Sư Khương hỏi:

- Lý Giang là học trò của ta. Nàng ấy nếu tính về học vấn thì không hẳn xuất sắc nhưng lại có tấm lòng yêu nước thương dân, làm chức vụ này cũng lo được nhiều cho bá tánh. Ta thường xuyên nhận được thư thăm hỏi từ trò ấy nhưng đây là lần đầu tiên tiến cử học sinh. Vậy ý muốn của trò thế nào? Sẽ theo học như Trí Viễn sao?

Hiểu Linh kính cẩn cúi người một chút rồi đáp:

- Bẩm viện trưởng. Trí của học trò không nằm ở khoa cử. Ta thích nghiên cứu sách vở, chế tạo ra các công cụ có lợi cho người dân, đi đây đi đó để mở mang tầm mắt. Trước đó học trò cũng nói với Lý Huyện lệnh chuyện này. Ngài ấy nói học trò có thể cầm thư này tới xin đọc sách ở bổn thư viện.

Phan Sư Khương cười cười rồi đột nhiên hỏi:

- Trò quyết định không khoa cử là vì muốn tự do hay vì bản thân cảm thấy mình không thể thi đậu?

Hiểu Linh đáp:

- Dạ thưa, là học trò cảm thấy bản thân không hợp với quan trường. Ta cũng không cần vinh hoa phú quý, chỉ cần gia đình êm ấm là đủ. Tham gia quan trường nhiều khi thân bất do kỷ, học trò không muốn điều đó. Cái học trò theo đuổi là kiến thức, cố gắng trong phạm vi của mình tạo ra những công cụ có ích. Chính vì thế, mục tiêu của học trò tới Lam Kinh thư viện là muốn đọc sách chứ không phải là theo học khoa cử.

Phan Sư Khương chăm chú nhìn từng biểu hiện của Hiểu Linh rồi mỉm cười nhẹ nhàng nói:

- Tốt. Vậy ta sẽ viết cho trò một giấy chấp thuận. Với lá thư này trò có thể vào tàng kinh các mọi tầng để đọc, thậm chí danh tiếng của ta cũng có thể giúp trò đọc thêm sách ở các thư viện khác nữa. Nhưng ta tự tin rằng sách ở thư viện khác có, Lam Kinh thư viện đều có. Hơn nữa, trò có chút không biết, ở Lam Kinh này đôi khi sẽ tổ chức những buổi học liên quan đến các kiến thức bên ngoài, các buổi chia sẻ của các vi học giả du ngoạn đây đó kể lại trải nghiệm của bản thân, những gì họ mắt thấy tai nghe. Ta nghĩ những buổi học như vậy trò nên tham gia. Nếu trò không có ý định theo học ở Lam Kinh, trước khi có những buổi học như vậy, ta sẽ viết thư báo cho trò biết để sắp xếp thời gian, công việc đến nghe giảng.

Hiểu Linh ngẩn ngơ nhìn Phan Sư Khương rồi chắp tay vái một cái rất sâu, nghiêm túc nói:

- Tạ viện trưởng ưu ái. Học trò sẽ cố gắng hết sức để không phụ tấm lòng của viện trưởng.

Phan viện trưởng cười cười rồi tiếp:

- Trò định đọc sách thế nào?

Hiểu Linh lưỡng lự vài giây rồi nói thật:

- Dạ thưa, học trò tính nếu sách ấy có vài bộ thì xin mượn về nhà đọc. Còn nếu không, học trò tính ngồi chép sách trước rồi mang về đọc lại, nghiền ngẫm sau ạ. Như vậy có được không, thưa viện trưởng?

Phan Sư Khương gật đầu:

- Đúng là thư viện cũng có những cuốn sách phổ thông có thể cho trò mượn dài hạn. Học sinh theo học ở đây thì mượn về không quá một tuần phải trả rồi mới được mượn tiếp. Nhưng ta xét thấy trò ở xa, mỗi lần đi đi lại lại cũng tốn nhiều thời gian tiền bạc nên đặc cách gia hạn cho trò một tháng. Số lượng sách tối đa mượn về là mười cuốn, trò thấy sao?

Hiểu Linh ban đầu cảm thấy có chút ít, nhưng sau đó nghĩ kỹ lại có lẽ số lượng như vậy là phù hợp vì cô còn chép sách khác mang về. Một tháng đi đi lại lại mấy cả một tuần trời, như vậy cô có ba tuần để đọc mà thôi.

- Đa tạ viện trưởng đã tạo điều kiện cho học trò. Vậy.. còn những cuốn sách đơn bản thì sao ạ? Học trò có thể chép mang về không?

Phan Sư Khương đáp:

- Đương nhiên có thể. Sách đơn bản chỉ cho phép trò mượn về không quá một tuần. Cái này thật sự là mở rộng thời gian hết sức cho trò rồi. Mà… trò đã sắp xếp được chỗ tá túc thời gian ở đây chưa?

Hiểu Linh thành thật nói:

- Dạ chưa. Học trò tính lên bái phỏng viện trưởng xong mới xuống dưới núi tìm một ngôi nhà trong làng thuê tạm. Như vậy cũng không cần đi quá xa khi lên thư viện.

Phan Sư Khương nháy mắt trêu ghẹo:

- Trò không sợ hai trăm năm mươi bậc thang kia hàng ngày lấy mạng trò sao? Học trò khi lên Lam Kinh thư viện sợ nhất chính là những bậc thang kia. Vì thế, chúng thường ở lỳ trên này cho đến khi được hưu mộc mới xuống núi.

Hiểu Linh nhẹ nhún vai đáp:

- Bẩm thầy. Số bậc thang đó có thể làm khó người khác nhưng thật sự không làm khó được học trò. Ngài có thể yên tâm, học trò dù đi đi lại lại số bậc thang đó hàng ngày cũng vẫn khỏe mạnh.

Phan Sư Khương phá lên cười vui vẻ. Lâu rồi mới có đứa nhỏ không sợ bà nói chuyện như vậy. Bà nói:

- Trò không cần phải thuê đâu cho xa. Ngay sau viện này ta còn phòng trống, trò vào đó ở tạm những ngày tới Lam Kinh thư viện đi. Có điều, ta phải nói trước một chút, người phụ trách xử lý việc nhà cho ta và đứa nhỏ Tiểu Phúc tay nghề nấu ăn không tốt lắm, nên có gì ăn đó thôi. Hiểu chứ?

Hiểu Linh nhìn thái độ của vị Phan viện trưởng có chút “sợ” người kia thì nhẹ cười… Nếu bà ấy đã giữ cô ở lại, Hiểu Linh chẳng có lý do gì để từ chối. Ở tại nơi này, cô càng có thời gian tìm hiểu nội tình Lam Kinh thư viện. Thật quá tốt. Còn chuyện đồ ăn.. thật sự dễ như trở bàn tay. Cô nhẹ nhàng đáp:

- Nếu là chuyện ăn uống, Phan viện trưởng không cần lo lắng. Học trò có thể là được.