Xuân Yến

Chương 9-6




Khánh Trường theo Tín Đắc lên lớp giảng bài, cùng tham gia các hoạt động, ăn ngủ đi lại đều bên nhau. Cô chụp ảnh, tốc kí, quan sát, đối thoại, ghi chép, kiên trì làm việc. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt khiến người cô yếu đi. Thực phẩm trên núi đơn điệu thiếu thốn, chủ yếu chỉ có cải thảo và vài loại rau khác, nấu trong một nồi gang to, chấm nước ớt ăn với cơm. Nghèo dinh dưỡng, thiếu tiện nghi vệ sinh, khả năng miễn dịch giảm sút, thi thoảng lại viêm nhiễm chỗ này chỗ khác. Cô uống thuốc. Cùng Tín Đắc hút rất nhiều thuốc lá rẻ tiền, uống rượu mạnh do cư dân cất lấy. Đây là lối sống mà người trên núi cao sẽ phải quen dần. Tài nguyên sống hết sức thiếu thốn, nghèo khổ không lối thoát.

Được một hôm hiếm hoi xuống huyện, cô gọi điện cho Định Sơn. Hai người trao đổi rất ít, được vài câu đã cạn ý, còn lại chẳng qua chỉ hỏi thăm dặn dò. Gần đây tình cảm và tư tưởng cô mạnh mẽ dồi dào hơn bất cứ khi nào khác. Nhưng không biết bộc lộ vào đâu, cũng không có ai để chia sẻ.

Mấy hôm trước, Tín Đắc ngộ cảm sốt cao sau khi giúp một gia đình học sinh tu bổ mái nhà. Uống thuốc có sẵn nhưng không thấy tác dụng gì. Khánh Trường bèn xuống núi, đến trạm y tế Ao Trăng mua thuốc hạ sốt. Cơn mưa mùa đông triền miên, kéo dài đã được một tuần. Nhiệt độ thấp làm nước mưa đông lại. Sương trắng nhồi đầy hẻm núi, băng tinh chất trĩu cành cây, gia súc chết cứng bên đường vì lạnh. Khánh Trường mất hơn bốn tiếng vừa đi vừa về. Rảo bước trên đường núi nhỏ hẹp, liên tục nghe tiếng cành cây gãy răng rắc. Quay về, trời đã tối đen. Đột nhiên trông thấy một con hươu sao lông nâu lướt qua cánh rừng dẻ gai vẫn xanh dày tươi tốt. Tấm thân dẻo dai như lằn chớp, cặp sừng bề thế huy hoàng thoắt ẩn thoắt hiện giữa lá cây. Có lẽ là đói quá nên ra kiếm thức ăn. Khánh Trường dừng chân giữa đường mòn, chấn động sâu sắc vì cuộc gặp tình cờ này.

Cô chưa bao giờ trông thấy sinh vật nào đẹp đẽ nhường ấy. Nó chỉ xuất hiện chớp nhoáng như điểm xuyết vào thế gian, nhưng lại nhắc nhớ bao hoạt động bất lực của loài người. Nước mưa làm ướt sũng áo và giày, vừa đói vừa rét, mệt nhọc sa sút. Cô biết trên núi cao kia có những gì đang chờ đợi mình: Tín Đắc đau ốm sốt cao, bướng bỉnh và nhiệt thành với giáo dục, đống lửa nhóm lên nhờ tay lũ trẻ con áo xống phong phanh ánh mắt ngời sáng, bọn chúng không có gì cả, cuộc sống bị núi cao chắn bước, thức ăn là cải thảo và khoai tây. Khi nào thì cuộc sống đơn điệu đói kém này mới cải thiện? Khi nào thì thiên tính và tự do của con người mới được giải thoát? Chật vật biết bao! Những cá thể nhỏ nhoi đang cố gắng, như đá lát trên chặng đường tiến tới, không hô hào khẩu hiệu nhưng luôn dâng hiến toàn bộ sức mạnh, thời gian và cuộc đời của mình.

Tín Đắc nói, yêu biết bao những đôi mắt trong trẻo ngời sáng của trẻ thơ, những cuộc đời dào dạt sôi nổi, những tấm lòng hồn nhiên chất phác như ruộng bậc thang. Trông thấy từ xa chúng đã gọi thật to, cô ơi, cô, giọng chân thành như tiếng thiên nhiên. Tôi biết đây chỉ là một khía cạnh của tồn tại, không thể nào đơn độc kéo dài mãi như thế được. Một khía cạnh khác khó lòng bóc tách khỏi nó chính là, tôi như giọt nước rơi xuống rãnh đen tạo thành từ muôn vàn đời người, tức khắc bốc hơi rồi tiêu tan. Cá thể không có một tác dụng gì. Tôi chỉ còn cách dồn sức mà làm những việc mình phải làm xong.

Lúc mới đến Xuân Mai, tưởng rằng sẽ thay đổi được điều gì đó ở đây. Nhưng càng ở lâu, hòa vào cuộc sống của nó, thấu hiểu nó càng sâu sắc, tôi dần dần vỡ lẽ, khó mà mang lại thay đổi gì được. Trái lại, mảnh đất này đã dùng sức mạnh riêng có để ràng buộc mỗi người đang tồn tại trên nó. Tôi không tài nào rời xa nơi đây được nữa. Có nhất thiết phải thay đổi nó không, tôi cũng không biết. Tôi không còn nuôi tham vọng và ảo tưởng là thay đổi được bất cứ một sự vật gì ở đây cả. Thứ duy nhất có thể thay đổi, chỉ là bản thân tôi mà thôi.