Xuân Yến

Chương 9-5




Khuôn mặt Tín Đắc rất đặc biệt. Mắt phượng mảnh dài, vầng trán cao rộng, chân mày rậm và thẳng, khuôn mặt hẹp với đường nét cân đối. Trên mặt rải rác những nốt ruồi đen nho nhỏ, mờ có đậm có. Cô đi giày vải, quần áo may bằng vải dệt của phụ nữ địa phương, tóc búi, làn da thô ráp ngăm đen, thân hình rất gầy. Hồi mới về nước, cô đi dạy tiếng Anh cấp ba, sau đó quyết định đến công tác hẳn ở Xuân Mai. Trường tiểu học cấp thôn có 207 đứa trẻ, 8 giáo viên. Nay thêm Tín Đắc, một tình nguyện viên không nhận bất cứ đồng lương hay phụ cấp nào. Cô dạy các môn tự nhiên, mĩ thuật, âm nhạc, thực hành tổng hợp. Mỗi tuần lên lớp cả thảy 15 tiết.

Đây là đỉnh núi cao. Cô nói, tôi thích sống trên núi cao.

Mỗi tuần một đến hai lần. Khánh Trường lại đi leo núi cùng Tín Đắc. Thu đã sang. Hẻm núi bạt ngàn cỏ lau vàng nhạt, gió xô rập rờn như sóng. Lá dầu bóng, lá đậu dầu, lá phong, lá sồi… hong mãi trong sương lạnh đã đến hồi đỏ ửng. Lá đỏ muôn vàn sắc độ khiến màu sắc rừng núi dưới bóng chiều trở nên đan cài no mọng. Hai người phụ nữ vốn quen viễn hành, thể lực đều tốt cả. Mang theo bình nước và lương khô, người trước người sau, lặng lẽ trèo lên đỉnh núi cao nhất. Cởi giày, cùng ngồi trên tảng đá lớn, trao đổi vài câu hoặc lặng ngắm trời xanh mây trắng, trông núi non chập trùng bên dưới, đất trời hòa điệu mênh mang.

Cô còn theo Tín Đắc đi thăm các gia đình. Vượt qua mười mấy cây số đường núi gồ ghề, đến nhà học sinh ở những xóm nhỏ hẻo lánh, đôi khi nghỉ lại qua đêm. Gia đình họ đều nghèo rớt mồng tơi, nhà ghép lại bằng các mảnh gỗ, không thể chắn gió che mưa, tứ bề trống hoác, bệ lò đen nhẻm vì lửa khói hun lâu ngày. Gần như không có đồ đạc gì. Người lớn trong các nhà hầu hết đã đi xa làm thuê, chỉ còn lại cụ già trẻ nhỏ. Đám trẻ này phải lo toan đồng áng, hoặc cắp cả em cùng đến trường. Đường đi về xa xôi, buổi trưa nhịn đói. Cũng không có giày dép để đi.

Thẩm Tín Đắc đến đây, công tác mười năm, rõ ràng đã có chọn lựa.

Cô nói, thời đại mới là một đoàn tàu tốc hành gầm rú lao vùn vụt, mọi người chen chúc bên trong, không tự quyết được. Cho dù chẳng rõ phương hướng, lòng dạ hoang mang, vẫn có người nhảy tàu hoặc bỏ trốn. Con người ta suy cho cùng có thể tin vào cái gì? Chắc chắn không thể tin vào internet, đài báo vô tuyến, không thể tin vào chủ nghĩa chế độ hình thức khái niệm, không thể tin vào những lời hứa hẹn và giáo điều, cũng không thể tin bất cứ đánh giá hay kết luận nào. Các sự vật trên đời đều đang trong quá trình biến đổi, đều không thể giành được sự tín nhiệm cuối cùng. Nếu không tìm được bản thân thực sự, thì đến chính mình cũng không thể tin mình được nữa. Cái tôi sau cùng chỉ còn là một thân phận bị nhét vào đoàn tàu tốc hành, mất hết tự do.

Vì lẽ đó, điều quan trọng nhất mà cô muốn để bọn trẻ học được, là tìm thấy chính mình. Cô dạy chúng tự soạn bài hát nhằm diễn tả suy nghĩ trong lòng. Dạy chúng quan sát cây lá núi rừng thay đổi qua bốn mùa trong năm, dùng tâm hồn để nắm bắt các chi tiết nhỏ của tự nhiên rồi vẽ lại. Dạy cảm nhận dòng nước, đất cát, cây cối, động vật, đắm mình vào đấy, tiếp xúc và thẩm thấu. Bằng cách quan sát và ghi chép, cất giữ vào tâm hồn mọi tình cảm tinh thần nhận thức kinh nghiệm, rồi chuyển hóa thành một hình thái tự ý thức. Bắt đầu cảm thụ và sáng tạo.

Đám trẻ mà cô dạy dỗ sẽ có nhiều sức sống hơn, khả năng tư duy cao hơn. Một số đứa lên cấp hai thì không sao hòa hợp được với thầy cô, rồi bị đuổi học. Tương lai thật ra chẳng có bao nhiêu không gian cho tưởng tượng. Một vài đứa khác có thể bước ra khỏi thung lũng, cuối cùng thoát khỏi giới hạn về địa lý và thân thế. Nếu đã trưởng thành, hành trình của mọi người đều như nhau. Có lẽ cả đời cũng không thể rời khỏi mảnh đất nằm giữa vòng vây trùng điệp núi non này. Lo toan cho một cuộc sống cơ bản, tiến vào thế giới của người lớn, uống rượu, đánh nhau, kết hôn, sinh con, lao động, không coi trọng mối quan hệ giữa môi trường với tâm hồn mình, không còn tạo cơ hội để bộc lộ bản thân nữa. Cùng chìm vào tầng sâu thế tục, tự sinh tự diệt.

Con người bị hoàn cảnh làm cho khốn đốn, chỉ còn cách vật vã sinh tồn cùng những mong ước thực dụng nhất của cuộc đời. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt khiến người ta đánh mất trí tưởng tượng, đánh mất kì vọng vào lý tưởng. Nghèo khó khiến người ta không thể đi xa không thể vượt qua các hạn chế của cuộc sống.

Tín Đắc không muốn làm tình nguyện viên ngắn hạn, vì cảm thấy những đứa trẻ này cần một cô giáo thật sự, sẵn sàng gắn bó đời mình với các em. Nếu chịu khó dành tình cảm và thời gian, chí ít có thể bồi dưỡng khiếu thẩm mĩ, ý thức về tồn tại, giúp phát triển tâm hồn cho các em ngay khi còn nhi đồng hoặc niên thiếu. Đây là mệnh đề mà mỗi cuộc đời đều phải đối mặt, tìm được bản thân mình thật sự, hoặc thử tìm, bất kể cuộc sống trưởng thành sẽ vô vọng đến mức nào. Đây cũng là nguyên nhân khiến cô kiên trì suốt mười năm.

Điều họ cần không phải là thương hại hay trợ cấp, mà phải là nâng cao chất lượng môi trường sống và tích cực xây dựng nền giáo dục ổn định. Nói ở tầm cao rộng hơn, là cần xã hội cải tiến và hoàn thiện. Nhưng vấn đề ấy quá to tát. Cô và đám trẻ của cô không bao quát đến được. Họ chỉ biết hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của bản thân. Đối với cô, là gắng công dạy dỗ. Mất mười năm. Cũng có thể là mất cả kiếp người. Đây là cách thức và hành động của cô. Cho dù trong mười năm ấy, cô liên tục gặp phải những điều khiến lòng tin dao động, chán nản và tổn thương do bị quấy rối bởi đủ mọi yếu tố bên ngoài. Cho dù đây cũng có thể là một hành động đã định sẵn là sẽ thất bại.

Ý chí và nguyện vọng của cô là một hạt giống thả vào làn nước, nhưng có lẽ sẽ khai hoa kết quả ở một nơi xa xôi nào khác.