Chống đỡ bản thân
......
Hỏa hoạn khiến cửa hàng thiệt hại hơn trăm vạn tệ, ngoài hàng hóa trong kho còn có vật tư đã thoả thuận sẽ cung cấp cho khách hàng ký hợp đồng, chưa tính đến nhân công trang trí và các chi phí khác. Ngày hôm đó, Ấn Tú mang ủng mưa đứng trong cửa hàng, ngơ ngác hồi lâu, nếu đây là mơ, thì cô cũng tỉnh dậy quá sớm khỏi giấc mơ làm giàu này.
Tuy anh Hạo nhà to nghiệp lớn, nhưng tổn thất lần này không phải con số nhỏ. Anh yêu cầu Ấn Tú gi@o hợp đồng và hoạt động kinh doanh của cửa hàng này đến hai cửa hàng kia trước, còn anh nhìn chằm chằm vào cuốn sách quy định phòng cháu chữa cháy với sắc mặt tái nhợt, trong đó ghi rất rõ ràng: "Cháy do có người phóng hoả."
Không tìm được thủ phạm, không thể đòi bồi thường. Làm kinh doanh thường gặp phải loại xui xẻo này, anh Hạo nghiến răng nghiến lợi: "Không chấp nhận cũng phải tạm thời chấp nhận", nhưng vì quá tự tin, thời gian thu nợ kinh doanh của anh quá dài, dẫn đến không đủ tiền sổ sách, mà nhà cung cấp hàng hoá cũng đòi anh thanh toán trước ngay khi nghe tin chuyện này xảy ra. Ngay cả người được ông chủ đối tác quý mến như Ấn Tú dù xuất hiện cũng không có tác dụng, trên thương trường không ai bàn chuyện tình thương.
Phản ứng dây chuyền dần dần xuất hiện: Không thanh toán, người ta không cung cấp hàng, và nếu thanh toán trước, sẽ xuất hiện vấn đề trong chuỗi vốn - mạng lưới của anh Hạo trải ra quá rộng, các công ty nội thất, chuỗi cửa hàng vật liệu nhà cửa và vài công xưởng dưới trướng đều cần tiền, không thể trả lại số tiền nợ khách hàng lớn trong một thời gian, vay chỗ nọ nấp chỗ kia được vài tháng, anh Hạo nói phải nhanh chóng rút tay, phải loại bỏ vài cửa hàng.
Tất nhiên Ấn Tú không nằm trong số những nhân viên bị nghỉ việc, anh Hạo, người đã bắt đầu quyết toán tài khoản, phải nhờ đến người vợ Hình Phương hỗ trợ công ty và dòng tiền ở Bách Châu nên việc ly hôn tạm thời bị hoãn. Anh tính toán từ đống đổ nát với Ấn Tú: "Dựa trên số cổ phần, cô thiệt hại hơn 200.000, số tiền vốn cổ phần còn lại là tôi cho cô mượn..." Người từng rất giàu như anh Hạo không thể nói: "Em không cần trả lại vốn cổ phần cho anh."
Ấn Tú nói cô hiểu, chắc chắn sẽ trả lại số tiền này anh Hạo, không thiếu một xu.
"Ý tôi không phải vậy, sau này vẫn phải mở lại cửa hàng này. Chỉ là trước mắt cô phải giúp tôi quản lý những cửa hàng còn lại ở tỉnh lỵ, không cần trả lại tiền ngay." Lời của anh Hạo khiến Ấn Tú hiểu ra đàn ông khi tính toán phũ phàng hơn phụ nữ rất nhiều, tiền phải trả, sức cũng không được bớt là bao.
"Một thời gian nữa tôi sẽ bỏ đi một công xưởng, chỉ cần chậm lại là được." Anh Hạo nói.
Ấn Tú không biết anh ấy cần bao nhiêu thời gian để tốt lên, cô xin nghỉ vài ngày ở nhà nghỉ ngơi, uống hết chai rượu trắng mua về mỗi khi tâm trạng không ổn, Ấn Tú say khướt, ngủ mê man. Tỉnh dậy, cô gọi điện cho từng người bạn cũ để vay tiền, trước lúc mở cửa hàng còn không vay được vài con số, sau khi cửa hàng cháy càng khó nói hơn. Ấn Tú chỉ vay chưa được 10.000 tệ, rất khó để trả hết tiền cho anh Hạo trong một lần.
Cô ngồi trên ghế sofa, ngơ ngác nhìn ra cửa, liếc thấy đôi dép nam mà người thuê nhà trước để lại, chợt cô bước tới nhặt dép lên, đập mạnh xuống nền nhà. Chiếc dép nảy lên rồi nằm bất động.
Sau khi đập hai lần, cô lấy kéo cắt thành từng mảnh, chỉ khi nền nhà phủ đầy bã nhựa, chỉ khi lòng bàn tay bị mài đến mức phồng rộp, cô mới bình tĩnh lại phần nào - cô quá nghèo và quen tiết kiệm nên không nỡ vứt đi đôi dép vẫn còn tốt của họ để lại, thay vào đó cô giặt sạch, giữ lại cho Ấn Tiểu Thường mang trong vài ngày đến thăm.
Cô tầm mắt hạn hẹp, tự đẩy mình xuống hố với khoản vay 200.000 tệ người ta đưa. Khi mượn một thân dây leo từ một người đàn ông, thứ cháy trước là dây leo chứ không phải thân cây. Cô tưởng rằng dựa thế anh Hạo có thể bước lên con đường giàu sang hào nhoáng, nhưng lại bị mương nước thải hai bên đánh ngập.
Ấn Tú cảm thấy trên đời này không có thứ gì rơi xuống là đáng tin cậy. Đôi dép không đáng tin cậy, người mẹ không đáng tin cậy, cộng sự anh Hạo càng không.
Ngày hỗn loạn thứ ba, vợ anh Hạo là Hình Phương dẫn người đến đập cửa, ném thẳng bản sao hợp đồng vay vốn lên bàn: "Nói đi, bao giờ trả?" Anh Hạo lấy số tiền cho cô vay từ tài khoản riêng, Hình Phương nói đó là tài sản chung của vợ chồng tôi, chồng tôi da mặt mỏng, tôi sẵn sàng thay anh ấy đòi lại.
Thời gian trả nợ còn hơn nửa năm, mà Hình Phương đã tới tận cửa ép phải trả nợ, Ấn Tú nhìn hai người đàn ông côn đồ được Hình Phương dẫn tới, ánh mắt chúng dừng lại trên những bộ đồ lót cô phơi ngoài ban công, sự dâm ô trong ánh mắt sượt qua trong khoảnh khắc.
"Trước mắt tôi không trả được." Ấn Tú sợ hãi, nhưng nghĩ lại, bản thân cô chẳng còn gì cả, chân trần còn sợ cái gì? Cô ngồi ngay ngắn trên ghế sofa: "Trong nhà này chị thích mang cái gì thì mang đi, nếu không thích thì kiện tôi."
Hình Phương nói cô bé, cô còn trẻ mà gian xảo quá nhỉ. Mẹ cô là Ấn Tiểu Thường phải không? Căn nhà rách nát của cô ở nhà máy dệt số 3 vẫn đáng giá vài đồng đấy, đừng mơ tưởng quỵt nợ, đến hạn mà không trả, tôi sẽ tịch thu căn nhà của cô.
Hình Phương mặc quần da và mang giày cao gót đi quanh nhà Ấn Tú một vòng: "Tôi không biết Trần Hạo đã chi bao nhiêu lên người cô, nhưng tôi muốn lấy lại những gì viết trên giấy trắng mực đen." Hình Phương khinh thường liếc nhìn nội thất trong nhà: "Anh ta còn muốn giữ cô lại công ty, đừng tưởng cô có thể cầm lông gà làm lệnh tiễn. Ấn Tú, nếu để tôi nhìn thấy cô ở công ty một lần nữa, tôi không chỉ đòi tiền cô đâu, mà còn khiến cô không thể làm người ở Bách Châu và tỉnh lỵ."
Trước khi rời đi, Hình Phương tiện tay hất đổ chiếc bình trên bàn của Ấn Tú: "Mẹ cô là người có tiếng xấu bốc mùi ở Nhà máy dệt số 3 Bách Châu, con gái bà ấy đúng là giống mẹ y như đúc," chân đá mảnh vỡ thủy tinh: "Đều là cặn bã." Hình Phương chửi rủa.
Trước khi rời đi, hai tên đàn ông còn cố ý cúi người xuống gần Ấn Tú, một người vỗ nhẹ và véo má cô, cười tục tĩu: "Mọng nước quá."
Ấn Tú dựa vào cửa giữ chặt lại ngay khi họ rời đi, từng lớp mồ hôi cứ tuôn ra không ngừng. Cô chặn bàn ghế vào cửa, sau đó ôm vai ngồi xổm trong góc, chỉ khi đó cơ thể mới hết run rẩy.
Hoá ra "chậm lại" của anh Hạo chỉ để làm cô chậm lại. Ấn Tú từ bỏ ý định gọi cho anh Hạo, đợi khi cơ thể bắt đầu nghe theo lý trí, cô đứng lên thu dọn đồ đạc.
Trước khi Ấn Tú ra ngoài lúc 8 giờ tối, đôi mắt giăng đầy tia máu lại nhìn chiếc ghế sofa màu xanh trái cây, dài dài, vuông vuông, với hình dáng tay vịn hình tròn. Không thể mang theo được nữa, cô nghĩ. Ấn Tú không thể mang Bạch Mão Sinh theo được nữa, cũng không thể mang theo cửa hàng chất chứa biết bao lý tưởng và mồ hôi xương máu của mình, chỉ có thể mang theo bản thân và dấu ấn sinh mệnh trên cơ thể.
Khi từ Ninh Ba trở về, Mão Sinh mang theo những túi lớn túi nhỏ quà Phượng Tường tặng: "Cái này cho Vương Lê, cái này cho Triệu Lan." Phượng Tường nói Vương Lê thích đồ ngọt, nhưng lại bị đau bụng, không nên ăn nhiều. Triệu Lan có thể uống một ít rượu, hãy mang hai chai Nữ Nhi Hồng này về. Cuối cùng là quà của Mão Sinh, Phượng Tường tặng cho cô một bộ trang phục. Một bộ trang phục cho tiểu sinh ít nhất cũng có giá lên đến hàng vạn hoặc mấy vạn tệ, cô không dám nhận.
"Bảo nhận thì cứ nhận đi, diễn viên hát đán giữ lại trang phục tiểu sinh làm gì? Mặc cho ma-nơ-canh trong nhà hát song ca à?" Phượng Tường c**ng bức bỏ đồ vào cốp xe, sau đó đưa Mão Sinh đến ga tàu. Bộ trang phục đó ban đầu muốn dành tặng cho Vương Lê, nhưng kích thước quá lớn. Phượng Tường nghĩ, đáng đời Vương Lê không mặc được, thật hời cho Bạch Mão Sinh.
Khi Mão Sinh cùng đoàn kịch của Phượng Tường đi hát một buổi biểu diễn tối, vì đã quen với sự xa hoa và hoàn cảnh của nhà hát lớn, cô cảm thấy sân khấu ở làng quê và thị trấn quá sơ sài: Khán giả nghe kịch ngồi dưới mái hiên tạm bợ, phẩy quạt cầm tay, cắn hạt dưa ồn ào nói chuyện, nhưng lại nghe rất say sưa khi vở kịch thực sự khai màn. Phượng Tường nói rất nhẹ tênh: "Phải mất vài tháng để có chỗ đứng vững chắc." Nhưng Mão Sinh chỉ ở lại hậu trường cùng Phượng Tường một tiếng đã thấy cảnh tàn sát khốc liệt trong đoàn kịch này.
Diễn viên nữ hát sinh là em vợ của trưởng nhóm, vợ của trưởng nhóm là một cựu diễn viên bị mất giọng, hiện đang chịu trách nhiệm thu xếp trước và sau hậu trường, đặc biệt là phát lương. Phượng Tường là người ngoại lai, lại còn là người ngoại lai có mức lương cao hơn cả em vợ. Vợ của đội trưởng vừa phát lương cho Phượng Tường vừa bấm bụng chịu giận, cũng vừa phải dựa vào tài năng của Phượng Tường. Những diễn viên hát ra những vở kịch nổi tiếng đã ăn sâu bén rễ trong lòng khán giả, người ta công nhận ai thì trả giá bao nhiêu cũng được.
Phượng Tường đang trang điểm ở hậu trường chỉ được trưởng nhóm lịch sự hỏi: "Ăn chưa?" Mão Sinh lập tức nhìn thấy vợ của đội trưởng đảo mắt lên tận mái nhà. Với tính cách của Phượng Tường, làm sao có thể nhịn được? Mão Sinh nén câu hỏi này suốt một ngày, cuối cùng hỏi Phượng Tường trước khi đi: "Sư... tỷ, chị hát ở đây có vui không?"
Phượng Tường bật cười: "Mão Sinh, chị từng hát vui vẻ ở đoàn Việt kịch Bách Châu, nhưng họ hắt nước rửa chân vào chị. Bây giờ chị đang kiếm tiền rất vui vẻ, những lời đồn đại và vu khống, những cái đảo mắt và cười khẩy đó có là gì? Đời người có bấy nhiêu vui vẻ, có được cái này đừng cầu cái nọ, ông trời cũng rất keo kiệt."
Cô nhìn đứa trẻ như đã mất đi sức sống trước đây: "Không phải chị nói nhiều đâu, Mão Sinh. Biết là bây giờ nhóc đã trưởng thành, nhưng trông như bị móc con tim ra vậy? Thất tình à? Hay vẫn buồn đoàn Việt kịch tỉnh không có khả năng trả lương?"
Mão Sinh nói em đang học từ sư phụ nhiều hơn, trở nên bình tĩnh hơn, để không nông nổi như trước đây nữa.
Phượng Tường nói, vớ vẩn, chị cũng từng chứng kiến thời mà Vương Lê còn chưa bình tĩnh, trông như đúc ra từ một khuôn với đôi mắt sa sầm và khoé miệng rũ xuống của nhóc bây giờ. Cô nhìn Mão Sinh thêm lần nữa: "Chị luôn cảm thấy..." luôn cảm thấy không một chàng trai nào có thể xứng với Mão Sinh.
Gặp Tôn Điềm ở ga tàu, Trần Phượng Tường nhìn thấy cô gái hát nhạc pop nói giọng Hà Nam khoác tay Mão Sinh không buông, khi ánh mắt Phượng Tường tia tới, Tôn Điềm mới buông tay ra như bị điện giật.
"Chị cũng phải đến rạp hát, Mão Sinh lần sau quay lại đã biết đường chưa? Cứ gọi cho chị nhé." Phượng Tường mỉm cười quay người đi, Mão Sinh gọi lại: "Cô!"
Phượng Tường giả vờ mắng: "Cô nào?"
Mão Sinh ngượng ngùng cười: "Chị ở đây một mình, nhớ chú ý sức khỏe." Phượng Tường quá vất vả, hát hàng tiếng đồng hồ sau đó lái xe thêm một, hai tiếng là chuyện bình thường. Kết thúc một vở kịch, sau gáy đã lấm tấm mồ hôi.
"Biết rồi." Phượng Tường xua tay, do dự một lúc mới nói: "Phải ngoan ngoãn với sư phụ biết chưa?"
Mão Sinh nói em biết, sư phụ là người mẹ khác của em.
"Vài ba chuyện vớ vẩn trong đoàn Việt kịch Bách Châu ấy, nhóc khuyên cô ấy đừng dính đáng vào. Vẫn tưởng mình mới 20, 30 tuổi sao? Người từng mắc bệnh ung thư, đừng gánh chuyện cho đám người ông Phùng nữa." Phượng Tường đang nói về chuyện có thể đoàn Việt kịch Bách Châu đang tiến hành cải cách liên doanh, chắc chắn Vương Lê bị treo lên cao để chịu trách nhiệm thu hút vốn bơm vào.
"Vâng." Mão Sinh đồng ý: "Cô... chị, em để một hộp nhân sâm ở ghế sau xe của chị. Chị nhớ dùng, bổ sung năng lượng."
Phượng Tường nhướng mày: "Chị còn chưa bảy mươi tám mươi đâu." Ngay sau đó giọng điệu dịu lại: "Không cần tiền sao? Lương còn chưa được nhận đã tiêu xài bừa bãi." Quay mặt lại, cô cười: "Hiểu rồi, hiểu rồi, lảm nhảm y như Vương Lê. Trên đường đi nhớ cẩn thận."
Nhìn Trần Phượng Tường đi được một lúc, Tôn Điềm nói: "Cô của em không phải người đơn giản, một mình đến làm việc ở nơi xa lạ, nếu tính tình mềm yếu dù chỉ một chút, cô ấy sẽ không thể chịu đựng được. "
"Chị cũng không đơn giản." Mão Sinh nghiêm túc khen ngợi Tôn Điềm: "Chị có thể nuôi cả một gia đình." Tôn Điềm hát trong hộp đêm, kiếm được hơn 4.000 tệ.
Cô cũng nghĩ đến Ấn Tú, người yêu cũ cũng từng nghiến răng chống đỡ cuộc sống như thế này. Sư phụ bị ung thư phải chống đỡ thân thể và sự nghiệp, nhưng lúc nào cũng lo cho Mão Sinh. Mẹ cô phải gồng gánh cả gia đình nhỏ, lại còn bị mất một chân. So với họ, bản thân cô chỉ gặp rắc rối trong chuyện tiền lương lại luôn được họ quan tâm, bảo vệ.
Những người có thể tự chống đỡ bản thân, chắc chắn có thể chống đỡ tình cảm và sự nghiệp.
"Khi về chị sẽ đãi em ăn mì hầm." Tôn Điềm vui vẻ lại khoác tay Mão Sinh.
"Là do chị muốn ăn đúng không?" Mão Sinh hiểu dạ dày của Tôn Điềm, nhìn vào đôi mắt của Tôn Điềm, cô thấy vị mặn trong mắt cô gái đã nhạt đi, giờ đây chỉ tràn ngập vị ngọt. Bàn tay của Tôn Điềm trượt xuống nắm chặt tay Mão Sinh.
Mão Sinh cau mày thành hình chữ bát, Tôn Điềm vẫn không buông tay: "Đúng là chị chỉ muốn ăn mì hầm." Cô gái nói: "Tiểu Bạch, chị không quan tâm trong lòng em có còn người yêu cũ hay người yêu cũ cũ hay không, chị chỉ thích em."
......