Nụ hoa và táo đỏ
......
Chưa từng ai thấy cơ sở hạ tầng của thành phố Bách Châu đạt đến đỉnh cao, bởi mỗi năm nơi đây đều đạt đến tầm cao mới.
Ngôi làng thành thị phía Tây ẩn mình dưới những tòa nhà chọc trời như những cây nấm độc lốm đốm trốn dưới tán cây trong rừng.
Nếu những cây nấm độc này có sự thay đổi, thì đó chính là những vòng tròn có chữ "phá dỡ" xuất hiện trên tường ngày càng nhiều.
Đội công tác đường Tân Kiều, quận Tân Bách, thành phố Bách Châu bận rộn ra vào hơn nửa tháng, kiểm tra cho bằng hết kích cỡ nấm độc trong từng nhà, cái này rộng 500 mét vuông, cái kia 600 mét vuông, cũng có cái rộng hàng nghìn mét vuông.
Cây nấm của Viên Huệ Phương trông có vẻ hơi tủi thân vì bị tấn công từ hai phía trong suốt 20 năm, hy vọng chiếm thêm chút ánh nắng và mặt tiền, chỉ đành giật gấu vá vai đứng nghiêng và lánh qua một bên như một ông béo hòng chen qua cửa nhà, vậy mà cũng có thể vươn lên bốn tầng với diện tích không gian hơn 480 mét vuông.
Dòng chữ "phá dỡ" của nhà Viên Huệ Phương được ghi ngay trên cửa hàng China Unicom, chẳng khác nào thủ lĩnh Tống Giang bị phạt xăm hình lên thân.
Khi tổ công tác đến đo đất, Viên Huệ Phương làm mọi cách chỉ để đo thêm từ 3 đến 5 mét vuông.
Lịch sự rót trà nóng cho mọi người, Viên Huệ Phương chỉ vào bậc thang trước cửa nói: "Xi măng này cũng là của nhà tôi, tại sao không tính là mét vuông nhà chúng tôi?" Nói đoạn, cô chỉ lên tầng thượng được xây dựng qua loa và chất đống toàn là ghế gãy tủ sụp hồi còn kinh doanh nhà nghỉ: "Đó là tầng năm nhà chúng tôi, tại sao cũng không được tính?"
Đây là vấn đề công tư phân minh, những người trong tổ công tác đương nhiên không thể thả cửa sau được, thế là Viên Huệ Phương nói thẳng, một chân dẫm lên bậc thang mà cô xây dài ra tận đường đi vì công lý, một tay nắm cổ áo chồng Lưu Mậu Tùng: "Nói vài câu đi chứ, ông là người chết à?"
Lưu Mậu Tùng xấu hổ nhìn những người quen lẫn người lạ xung quanh: "Bà làm cái gì thế? Người ta đo được bao nhiêu thì đo chứ."
"Vậy sao nhà Mao Tín Hà lại đo nhiều thêm hai tầng? Năm ngoái nhà cô ta gấp rút xây thêm hai tầng, còn chưa lắp kịp cửa sổ.
Tại sao nhà tầng năm nhà tôi thêm một gian tạp hóa nhỏ thì không tính?" Những nếp nhăn của Viên Huệ Phương run rẩy, đôi mắt như lửa đuốc, nghi vấn xong ngừng lại vài giây, đẩy cảm xúc của khán giả lên đến đỉnh điểm: "Vì em gái của Mao Tín Hà là người trong ban lãnh đạo khu phố!"
Họ có chống lưng, Viên Huệ Phương thì lẻ loi một mình, ngay cả người chồng bị xách cổ áo kia cũng không sẵn sàng đứng ra bảo vệ gia đình này.
Viên Huệ Phương rơi nước mắt bất bình: "Đây gọi là gì? Đây gọi là làm xằng làm bậy, chấp hành phạm pháp, là lạm quyền trục lợi!"
Lưu Mậu Tùng tách ngón tay của Viên Huệ Phương ra, vừa vuốt phẳng cổ áo, vừa trừng mắt nhìn: "Bà chỉ biết nói vớ vẩn, cùng là người một khu, ngày nào cũng gặp..." Ông đột nhiên nhìn thấy có người quen trong đám đông, vội vàng tỏ ra dáng dấp là một chủ nhà, oai phong gật đầu với họ, rồi lấy bao thuốc lá Liqun trong túi ra chia.
Thấy chồng không phụ hoạ, cũng không lo lắng, Viên Huệ Phương chỉ vào nhà Mao Tín Hà đối diện đường: "Thêm hai tầng là 400 mét vuông, có thể đổi lấy bốn căn nhà trong trung tâm thành phố, đổi được 800.000 tệ tiền mặt.
Nếu nhà của cô ta được, nhà tôi cũng phải được!"
"Nhà tôi cũng thế!" Có người hàng xóm kém miếng khó chịu: "Phá dỡ cái khỉ, tôi không chịu, xem ai chịu được ai!"
"Đúng! Giỏi thì cắt điện, cắt nước đi, nhà tôi cũng không dỡ! Tôi nói cho các người biết, ai ký thoả thuận người nấy chính là kẻ phản bội!"
"Dẹp đi, nếu phá dỡ thật không biết phải chờ bao nhiêu năm, làm thì làm dứt khoát đi, Hơn nữa, đây là lần thứ ba nhắc tới chuyện này." Còn có người rất bi quan: "Đã năm năm rồi, đến một cô gái cũng biến thành một bà già, ai cũng già đi, sao không cho chúng tôi cải thiện điều kiện sống cho tốt?"
Viên Huệ Phương không cần đứng ra nữa, tâm điểm phẫn nộ của đám đông chuyển từ xây dựng công trình trái phép sang bồi thường sửa chữa.
Đi tìm Lưu Mậu Tùng, không biết tên đàn ông vừa xảo trá vừa hèn nhát ấy lại lẻn đi khoác lác ở đâu, người duy nhất bị bỏ lại của tổ công tác cũng đã về.
Cô đứng dậy phủi bụi trên mông, hậm hực nói với Viên Liễu đang ngồi viết chữ trên ghế nhỏ trong cửa hàng China Unicom: "Học kỳ sau mẹ sẽ đưa con đi học, con phải thi cho mẹ, sau này thi vào đại học làm công chức."
Viên Liễu gật đầu nửa hiểu nửa không, sau đó trượt xuống chiếc ghế ông chủ rót nước nóng vào ấm trà lớn cho Viên Huệ Phương.
Viên Huệ Phương tức giận, ngồi khoanh chân trên chiếc ghế xếp một lúc, thấy đã 12 giờ trưa, cô nâng ấm trà "ừng ực ừng ực" nốc cạn, vừa chửi vừa vào bếp nấu cơm.
Lúc này nếu cô gọi Lưu Mậu Tùng sẽ lập tức có được câu trả lời: "Thịt lợn luộc canh hay thịt kho tàu?"
Không biết từ nhà hàng xóm nào trong khu, Lưu Mậu Tùng hét lại: "Kho tàu cái mẹ gì? Giờ này mới kho tàu, mấy giờ mới được ăn?"
Viên Liễu đứng trước cửa hàng China Unicom, nhìn trái nhìn phải, cuối cùng thở phào sau khi chắc chắn cha mẹ mình đã hoà giải qua màn lời qua tiếng lại, mông cô bé ngồi phịch xuống chiếc ghế xếp bắt đầu xem phim hoạt hình.
"Tiểu Liễu, Tiểu Liễu?" Con gái của Mao Tín Hà thò đầu ra từ bên hông cửa hàng, vẫy tay: "Cho cậu ăn này."
Viên Liễu quay đầu lại nhìn mẹ, chắc chắn rằng tạm thời mẹ sẽ không trở ra từ bếp, cô bé tiến đến nhận lấy chiếc bánh hamburger từ tay bạn nhỏ, cắn một miếng xong, cười với bạn: "Thế của cậu đâu?"
"Mình ăn rồi." Con gái Mao Tín Hà ăn mặc rất Tây, rất khác lạ, mẹ cô bé là một đóa hoa nổi tiếng trong làng nghèo, con gái cô chính là nụ hoa có tiềm năng nhất.
Ngôi nhà của Mao Tín Hà như hạc đứng giữa đàn gà trong khu làng nghèo với độ cao bảy tầng.
Đương nhiên tầng sáu và tầng bảy không có ai ở, được xây dựng ngoài giờ trước khi chính sách thắt chặt của nhà nước được đề ra vào năm ngoái.
Viên Huệ Phương cũng được truyền cảm hứng, cô thuê một đội thi công trước khi nhà Mao Tín Hà xây xong, nhưng trì hoãn nửa tháng mới khởi công vì lý do họ bận, ngay ngày hôm sau bị ban quản lý thành phố bắt quả tang, quy thành tội vi phạm chính sách, không cho xây dựng bừa bãi.
Suýt bị thiệt hại nặng do ăn một vố thông tin chính sách, Viên Huệ Phương vô cùng không ưa Mao Tín Hà.
Nói là "vô cùng" vì trước đây cũng đâu có ưa gì người ta.
Mao Tín Hà từng trải qua hai lần hôn nhân, sau lần ly hôn thứ nhất, cô dẫn theo đứa con gái của người chồng trước đến gả cho nhà người chồng hiện tại.
Lại còn mở một tiệm cắt tóc không đàng hoàng, sở dĩ nói "không đàng hoàng" vì bóng đèn trước tiệm cắt tóc của Mao Tín Hà hay nhảy sang những màu ám muội không thể tả, màu hồng chả ra hồng, tím chả ra tím.
Từng gả cho hai người đàn ông và mở một tiệm cắt tóc, Mao Tín Hà vẫn mặc váy len trong tiết trời mùa đông, ngực nở mông cong, những lọn tóc xoăn to dài từ sau gáy đến mông, đung đưa như trong quảng cáo hay thấy trên phim truyền hình.
Trái ngược hoàn toàn với Viên Huệ Phương, người quanh năm ăn mặc kín đáo, kiên quyết không lộ không hở, ưu tiên các màu sắc thuần đỏ, vàng, xanh da trời hay xanh lục.
Không biết lời nói xấu đến từ cái miệng thối của kẻ nào: "Mao Tín Hà là một đoá hoa, còn Viên Huệ Phương là một con bò già, lại còn có đốm", vì da dẻ của Viên Huệ Phương xấu tệ, cũng không chú ý chăm sóc, da mặt chỗ thì xanh, chỗ thì đen, chỗ thì trắng.
Bò-già Viên Huệ Phương quanh năm ngồi trước cửa hàng China Unicom nhăn mũi trợn mắt với tiệm cắt tóc của Mao Tín Hà, lúc nào cũng dạy Viên Liễu: "Con đừng chơi với con gái của Mao Tín Hà.
Còn nhỏ mà đã tô son và mặc váy liền, không phải loại người tốt, giống mẹ nó vậy."
Viên Liễu vâng vâng dạ dạ không dám hó hé, nhưng những khi không có mặt Viên Huệ Phương, Viên Liễu vẫn lén lút chơi với con gái của Mao Tín Hà, nguyên nhân rất đơn giản, cô bé học lớp mẫu giáo lớn trạc tuổi rất rộng lượng với cô, mà Viên Liễu không có nhiều bạn chơi cùng, thành ra cô vô cùng thích người bạn nhỏ đó.
Cái giá cho sự hào phóng này là Viên Liễu ngồi trên chiếc ghế xếp ăn hamburger, để kệ cho con gái nhà Mao Tín Hà nghịch ngợm bím tóc trên đầu.
"Túc Hải, hôm nay cậu lại muốn tết tóc cho mình à?" Vị thịt trong burger rất ngon, hoàn toàn khác với những gì Viên Huệ Phương làm.
Viên Liễu hỏi cô bé tên "Túc Hải", đột nhiên phát hiện có chuyện gì đó sai sai.
Túc Hải uốn tóc mái, để tóc dài đang cầm ấm nước mà Viên Huệ Phương đặt trên bếp than tổ ong, đặt một chiếc kéo dài lên bếp nướng: "Hôm nay mình sẽ uốn cho cậu một kiểu tóc mới."
Túc Hải mặc áo khoác màu hồng, bên dưới là chiếc quần ống loe màu hồng đào được mẹ phối với một chiếc thắt lưng vàng.
Khuôn mặt nhỏ nhắn của Túc Hải trắng nõn, mềm mại, khi ghé đến gần bếp lửa, cô bé bị ngạt và hắt xì bởi một mùi khó ngửi xộc lên.
Vừa đưa một tay lên dụi cái mũi ngứa ngáy, vừa trấn an Viên Liễu: "Mình thấy mẹ mình uốn tóc cho người ta như thế, trông đẹp lắm."
Túc Hải nói xong, đôi lông mày của Viên Liễu hãi hùng cau lại, đôi mắt to rưng rưng cũng nheo lại như muốn phản kháng, giọng nói non nớt kêu "A a", lắc đầu.
Viên Liễu bảo vệ bím tóc hình bát giác của mình: "Không được, mẹ mình sẽ mắng đấy."
"Không sao đâu, cậu lúc nào cũng thắt bím kiểu này.
Tóc cậu vốn cũng đã cong, nhìn giống uốn, mẹ cậu sẽ không phát hiện ra đâu." Bàn tay bé nhỏ của Túc Hải lật chiếc kéo lại, lập tức bị bỏng, phải đưa tay lên miệng m*t.
"Vậy cậu nhanh lên, lát nữa mình phải đi ăn cơm." Khuôn mặt tròn trịa của Viên Liễu hiện lên vẻ lo lắng, sau đó chuyển sang tập trung nhìn chiếc burger.
Nếu nói Túc Hải là một nụ hoa trong làng thành, thì Viên Liễu chính là một mầm táo đỏ.
Mọi người đều tấm tắc khen Túc Hải: "Cô bé này xinh quá" hoặc "thật là Tây", trong khi nhìn thấy Viên Liễu, hầu như họ đều nói: "Ôi trời ơi, khuôn mặt của cô bé này hệt như một quả táo lớn vậy."
Bởi vì thường xuyên ngồi trong cửa hàng China Unicom thu tiền điện thoại, mùa đông cũng không có điều hòa hay máy sưởi, màu da vốn vàng đều như táo vàng Kim Soái bị cóng đỏ thành táo Phú Sĩ.
"Mình đi lấy găng tay đã, Tiểu Liễu." Túc Hải quay gót đi, thoắt cái đã biến mất, chiếc kéo nướng trên bếp đỏ hết viền.
Là một người hiểu kiến thức cơ bản trong cuộc sống, Viên Liễu cẩn thận mở nắp lỗ gió để ngọn lửa cháy to hơn.
Không lâu sau, Túc Hải quay lại, một tay cầm găng tay, một tay cầm gói kẹo dẻo, chia kẹo dẻo cho Viên Liễu: "Hôm qua cô mình mua cho mình, cho cậu thử này."
Đáng lẽ Túc Hải không phải tên là Túc Hải, bà nội đặt tên cô bé là "Chiêu Đệ" với dụng ý không thể rõ ràng hơn.
Mao Tín Hà không đồng ý, mẹ chồng và con dâu vốn đã mâu thuẫn không hoà hợp, ngay trong thời gian Mao Tín Hà ở cữ đã xảy ra vài lần to tiếng, Mao Tín Hà kiên quyết nói, tôi muốn đặt cho đứa trẻ này một cái tên thật lớn lao, biển cả đã đủ lớn chưa? Bát tự của bà kỵ nước chứ gì? Tôi dìm chết bà.
Đó là sự tích Túc Chiêu Đệ trở thành Túc Hải.
Do lớn lên dưới sự giáo dục đầy hận thù của mẹ ruột Mao Tín Hà nên Túc Hải không hề thân thiết với bà nội.
Trong tâm hồn non nớt của Túc Hải, cô vẫn nhớ mãi cảnh mẹ ôm cô khóc: "Mẹ vừa đẻ, đến cả con gà mà bà ấy cũng không thịt, mà dùng thịt mỡ nấu canh cho mẹ uống, cố tình khinh ghét mẹ." Giáo dục hận thù theo kiểu giai cấp không ngừng học hỏi, không ngừng đổi mới, dẫn đến chuyện sau này bà nội muốn làm thân với đứa cháu, Túc Hải mặc bộ váy công chúa nhỏ trốn sau tiệm cắt tóc, hô tiếng "Hứ" chói tai, nhổ bãi đờm lên mũi giày của bà nội: "Kẻ xấu!"
Ưu điểm yêu ghét rõ ràng của Túc Hải đã được Mao Tín Hà bồi dưỡng như thế đấy.
Ngoài ra, cô bé còn rất bảo vệ đồ ăn.
Khi cả làng thành nhắc đến cái danh giữ đồ ăn, nổi tiếng nhất phải kể đến con chó vàng nhà Vương Hiếu Lễ và Túc Hải nhà Mao Tín Hà.
Nếu có ai gắp cọng rau trong bát Túc Hải đi như một trò đùa, Túc Hải có thể lập tức ném bát đi, nằm sõng soài ra ngay trước cửa tiệm gào khóc, dù có dỗ dành hay xin lỗi bao nhiêu lần đều vô ích, ngay cả Mao Tín Hà cũng bó tay trước tính nết này của con gái, cuối cùng cô nói: "Mua cho con KFC nhé, được chưa?"
Chỉ khi ấy Túc Hải bướng bỉnh mới nhảy lên, trên mặt vẫn đẫm nước mắt: "Con muốn cánh gà nướng New Orleans."
Có người khuyên Mao Tín Hà không nên chiều chuộng con như thế, Mao Tín Hà trợn tròn mắt quét đến tận trần nhà, ý đang nói kháy bà mẹ chồng thứ hai đang sống trên tầng hai của căn nhà bảy tầng, nói: "Không ghê gớm thì sao sống được?" Tuy mạnh yếu mỗi thời khác nhau, nhưng kẻ thù giai cấp thời nào cũng có, không có tiền nhiệm thì vẫn có đương nhiệm.
Mao Tín Hà nhận thức đơn giản thế này: Con của chồng trước tuyệt đối không được rụt rè hay khúm na khúm núm, "Phải ghê gớm, phải để mọi người thấy con bé không dễ bị bắt nạt." Đừng giống cô bé thu tiền điện thoại nhà đối diện: "Ôi...!tội nghiệp quá".
Vì tội nghiệp cho bé Viên Liễu đã 6 tuổi mà không được đi học mẫu giáo, phải ở nhà đánh giày cho bố, giặt quần áo cho mẹ và thu tiền điện thoại cho cửa hàng, nhiều khi Mao Tín Hà hay nhờ Túc Hải đưa cho cô bé một ít đồ ăn vặt.
Lạ thay, Túc Hải rất thích chơi cùng Viên Liễu, rất hào phóng với Viên Liễu.
Viên Liễu tốt bụng, hiền khô, một cục táo Phú Sĩ thân thiện ngồi trên chiếc ghế xếp, để mặc nụ hoa nhỏ uốn tóc cho mình: "Túc Hải, đừng uốn hỏng đó." Viên Liễu dặn dò nhà tạo mẫu tóc nhí.
"Không hỏng đâu." Túc Hải lật lại chiếc kéo, phát hiện bím tóc lỏng của Viên Liễu đã bị đốt cháy một nửa, biểu cảm cô bé bắt đầu ngập ngừng.
Thẩm mỹ đối xứng là tài năng thiên phú của mỗi nhà tạo mẫu tóc, Túc Hải quyết tâm tiếp tục nướng kéo trên bếp, Viên Liễu ngửi thấy cái mùi hình như hơi sai sai: "Túc Hải, khét rồi."
"Không khét." Túc Hải nghiêng đầu nhìn xem, phát hiện tóc Viên Liễu khét quánh lại thành mấy cục không cách nào cứu vãn.
Mái tóc màu đen gốc hoà với màu sáng đen, thêm cả làn khói xanh xám bốc lên khiến cô bé đứng chết trân, cúi đầu nhìn chiếc kéo trên bếp, sau đó bắt gặp ánh mắt không thể tin nổi của Viên Liễu, Túc Hải đột nhiên bật khóc: "Huhu...!khét rồi."
.......