Vương Mệnh

Chương 57: Tây Tuần






Hôm sau.
Lần đầu tiên Giang Phong đăng nhập ngay từ sáng sớm.

Việc mở rộng lãnh địa không thể chậm trễ kéo dài được.

Vì hôm qua chưa chuẩn bị đầy đủ nên mới phải kéo dài đến hôm nay.

Lúc này trong trấn không còn mấy người chơi, vì bọn họ đều đã kéo về Lục Hoa Thành xem đấu lôi đài.

Một số người ở lại thì đã thuê tiểu thuyền ra sông đi ngắm cảnh bình minh.

Sáng hôm qua, một người nào đó đã chụp lại cảnh bình minh trên dòng Nguyên Giang, đưa lên diễn đàn, đã được cộng đồng mạng nhất trí bình chọn là một trong những thắng cảnh hàng đầu của “Vương Mệnh”.

Nhờ đó mà số du khách tìm đến An Phú Trấn càng đông hơn.
Theo sự phân phó từ trước, ngay từ sáng sớm, lão sư gia đã cho vận chuyển vật tư xuống bến sông.

Vương Đại tướng quân cũng đã kiểm điểm binh sĩ sẵn sàng, chỉ chờ lệnh Giang Phong là có thể xuất phát.
Lần này Giang Phong định mở đất sang phía tây, về phía thượng lưu Nguyên Giang, vì phía đông đã mở đến ranh giới với châu bên cạnh.

Mà vùng đất của Man tộc cũng ở phía tây, do đó phải mang theo nhiều sĩ binh hộ vệ để phòng bất trắc.

Nếu trên đường gặp phải đại đội Man binh, chỉ với vài sĩ binh hộ vệ thì không đủ sức đối phó.
Làm việc suốt cả đêm, số thợ mộc ở 3 Nhà tạo thuyền đã đóng được 180 chiếc trung thuyền, hiện đang đậu đầy quanh Bến thuyền.

Giang Phong hài lòng, lệnh lão sư gia thưởng cho mỗi người 10 đơn vị lương thực.
Lần này đi tuần thú phương tây, Giang Phong mang theo 1 đoàn cung thủ, 5 đoàn sĩ binh, 18 pháp sư (Giang lão đã cấp tốc đào tạo suốt đêm qua, vì thời gian không đủ nên mới chỉ là trung cấp), 6 tế tự (đồng cấp nhưng dùng ngân cấp pháp khí), 4 thợ mộc và 10 ngư dân.

Ngoài ra đội thân vệ của Giang Phong đã được chuyển chức thành Thần Miếu Cấm vệ, cũng được mang theo.

Ngày hôm qua, sau khi tế lễ, tín ngưỡng lực ở Thần Miếu đã hơn 8600, Giang Phong có thể tuyển 86 Thần Miếu Cấm vệ, nhưng vì đội thân vệ chỉ có 80 thống lĩnh 50 cấp, nên Giang Phong chỉ tuyển 80 Cấm vệ.


Vương Đại tướng quân cũng được chuyển chức, trở thành Cấm vệ trưởng, kiêm nhiệm tổng lĩnh binh mã An Phú Trấn.

Và vì Long nhi đòi theo nên Giang Phong cũng cho đi theo luôn.

Long nhi mới chỉ cấp 1, đi theo để có thêm kinh nghiệm cũng hay.
Đang kiểm điểm binh sĩ, Giang Phong chợt nghe hệ thống thông báo :
- Đinh.

Chúc mừng Thiếu Quân.

Lâm sư gia nhờ chuyên cần xử lý chính sự, lại học hỏi được nhiều điều từ Hồ phu tử, kinh nghiệm gia tăng, chuyển chức thành trung cấp văn quan.

Xin đặt tên.

Chú ý, do đã có họ Lâm, nên chỉ đặt tên.
- An.
- Đinh.

Chúc mừng Thiếu Quân.

Trung cấp văn quan Lâm An được tin tưởng giao cho chính sự, cảm ân tri ngộ, xin được trở thành gia thần.

Xin hỏi có tiếp nhận hay không ?
- Tiếp nhận.
- Đinh.

Chúc mừng Thiếu Quân tiếp nhận trung cấp văn quan Lâm An làm gia thần.
Gia thần phẩm hàm phải nhỏ hơn gia chủ, người được chọn đại diện gia chủ xử lý sự vụ thì phẩm hàm cao nhất, nhưng phải nhỏ hơn gia chủ một bậc.

Vì Giang Phong hiện đang là nhị phẩm nên lão Lâm An trở thành tam phẩm, đồng phẩm cấp với lão sư gia trên Định An Thành mà Giang Phong gặp lúc trước.

Còn Vương Đại tướng quân thân phận đặc thù.

Tiêu Kỵ Đại tướng quân hàm nhị phẩm, nên họ Vương tuy cũng là gia thần của Giang Phong, nhưng lại đồng phẩm hàm.
Nhìn lão sư gia đang cần mẫn chỉ huy trấn dân vận chuyển vật tư, Giang Phong không khỏi cảm khái.

Từ lúc lão đến đây, bao nhiêu chính sự Giang Phong đều giao phó hết cho lão.

Và lão đều xử lý đâu vào đó hết, chẳng để xảy ra chuyện gì khiến Giang Phong phải bận tâm cả.

An Phú Trấn phát triển đến hiện giờ cũng có công lao của lão trong đó.

Giang Phong chợt nảy ra ý tưởng, khi nào lên Lục Hoa Thành, phải tuyển lấy vài vị sư gia, đưa về trấn cho theo Hồ lão phu tử học tập.

An Phú Trấn ngày càng phát triển, chính sự ngày càng nhiều, lão Lâm An cũng cần có trợ thủ.
Đại quân xuống thuyền hết, lương thực vật tư được chuyển xuống những chiếc thuyền còn lại.

Sau đó, 180 chiếc trung thuyền và 10 chiếc tiểu thuyền rời bến, rần rộ chèo về hướng thượng lưu.

Đoàn thuyền còn kéo theo 10 thuyền câu không tải.

Tiểu thuyền và thuyền câu mang theo là để cho thôn dân ở các thôn sẽ tiếp thu sử dụng.
Đoàn thuyền đông đảo rần rộ kéo đi.

Những chiếc tiểu thuyền đang du ngoạn trên sông đều kinh hãi chèo sát vào bờ, nhường lối cho đại quân đi qua.

Qua Tân Hòa thôn, Hòa Mỹ thôn, Giang Phong lần lượt tiếp thu Cảnh Tuyền thôn, Dương Tuyền thôn, Khúc Tuyền thôn, và Ôn Tuyền thôn.

Mỗi thôn đều nằm bên một dòng suối nhỏ, phong cảnh hữu tình.

Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng cũng không đến nỗi quá khốn khó.

Đặc biệt, Ôn Tuyền thôn nằm bên một dòng suối nước nóng, bắt nguồn từ ngọn núi phía sau thôn, chảy xuống đến gần thôn thì dòng suối rộng ra, tạo thành một cái hồ lớn, sau đó quanh co một đoạn rồi mới hòa vào dòng Nguyên Giang.

Khảo sát hoàn cảnh, Giang Phong quyết định đầu tư vào đây, liền cho xây dựng 20 biệt viện dù thôn chỉ có 8 hộ dân.

Những kiến trúc nào hiện có thể xây dựng đều cho xây dựng hết.
Tiếp tục tiến về thượng lưu hơn ba mươi dặm nữa là đến Thọ Khê thôn.

Nhưng khác với mấy thôn trước, Giang Phong vừa vào thôn thì lão thôn trưởng đã phục lạy khóc lóc :
- Đại nhân.

Xin hãy cứu lấy bản thôn.
Giang Phong ngạc nhiên, chẳng lẽ lại có Man binh quấy nhiễu ở đây, liền hỏi :
- Có chuyện gì thế ?
Lão thôn trưởng khóc lóc kể lể :
- Hồi bẩm đại nhân.

Trong núi có trại cường đạo.

Bọn chúng thường xuyên đến đây cướp phá, khiến thôn dân khổ không chịu nổi.

Làm ra bao nhiêu lương thực, mười phần bị cướp hết bảy, tám.

Bản thôn hiện giờ khốn khó quá, chẳng những cuộc sống không yên ổn, chút ít lương thực đắp đổi qua ngày cũng không có đủ, bữa đói bữa no không hà.
Giang Phong khẽ cau mày, nhìn về phía tây nam.

Xa xa có một ngọn núi lớn nhưng không cao lắm.

Trên núi cây cối lơ thơ mấy ngọn, vách đá cheo leo.

Ngọn núi cách thôn cũng hơn 20 dặm.

Suy nghĩ một lúc, Giang Phong mới hỏi :
- Bọn chúng có đông không ? Trang bị thế nào ?
- Hồi bẩm đại nhân.


Bọn chúng đông đến hàng trăm tên, vô cùng hung hãn.

Còn về trang bị thì … khá hơn bọn tiểu dân một chút, nhưng không thể sánh với quan quân triều đình, ở đây đói khổ quá mà.
Giang Phong khẽ cười, nói :
- Được rồi.

Việc xây dựng trong thôn lão hãy tạm thời phụ trách.

Ta sẽ huy động binh sĩ đi tiễu trừ cường đạo.
- Đa tạ đại nhân.

Đa tạ đại nhân.
Giang Phong liền cho đại quân lên bờ, tu chỉnh đội hình rồi hành quân hướng về ngọn núi kia.

Do có cả tế tự và pháp sư cùng đi nên tốc độ không được nhanh, nhưng Giang Phong cũng không gấp.

Chiến đấu mà thiếu tế tự thì không hay cho lắm.

Long nhi được Giang Phong bế trên tay, hết nhìn trái lại ngó phải, chỉ đông chỉ tây, vô cùng hứng khởi.
Hành quân độ hơn một giờ thì đến nơi.
Ngọn núi rất lớn, toàn đá là đá, chẳng có mấy cây cối.

Trại cường đạo nằm trên một khu vực bằng phẳng trên sườn núi, có một sơn đạo quanh co từ dưới dẫn lên, địa hình dễ thủ khó công.

Giang Phong nghiên cứu địa hình, xung quanh không hề có rừng rậm hay cây cối để có thể bố trí phục binh.

Suy tính một hồi, Giang Phong cho toàn bộ binh sĩ tập trung lại, rần rần rộ rộ kéo đến đóng trại dưới chân núi, ngay trước sơn đạo.

Binh sĩ được chia làm hai toán, luân lưu trấn giữ đầu sơn đạo, không cho người trên núi đi xuống.