Lại nói, sau khi ngưu ma nhân Lô Lô phá cửa lớn của Tụ nghĩa sảnh, Giang Phong dưới sự hộ vệ của đội thần binh tiến vào bên trong.
Đến lúc này, Giang Phong mới nhìn thấy vị thủ lĩnh bí mật kia.
Đó là một lão già râu tóc bạc trắng, được 2 gã thủy tặc lâu la hộ vệ.
Nhìn y phục và trang bị của lão, Giang Phong đoán rằng có lẽ chức nghiệp của lão là vu sư, nhưng chắc chắn giai vị không cao, bởi Giang Phong không cảm thấy có chút oai hiếp nào.
Tuy vậy, vu sư có thể trở thành đối tượng trọng điểm bồi dưỡng.
Văn Đức lĩnh địa không thiếu chiến sĩ, chỉ thiếu pháp hệ như pháp sư, vu sư, tế tự, … Trong chiến tranh, nếu cùng đẳng cấp, giai vị thì pháp hệ thường lợi hại hơn chiến hệ.
Do đó, Giang Phong càng quyết tâm chiêu mộ lão vu sư về phục vụ cho lĩnh địa.
Nhìn thấy chúng lão thiếu thủy tặc đều hết sức khẩn trương, Giang Phong khẽ mỉm cười, nói :
- Các ngươi bất tất khẩn trương.
Bất tất khẩn trương.
Nếu chưa tới số thì chẳng sao cả.
Còn nếu đã tới số rồi thì dù có khẩn trương cũng vô ích.
Nói xong, Giang Phong nhìn lão vu sư cười cười.
Giang Phong biết rằng người có quyền quyết định ở đây chính là lão ta.
Quả nhiên, lão ta cau mày nhăn nhó, ngập ngừng hỏi :
- Chúng ta với Đại nhân vô thù vô oán, sao Đại nhân tấn công chúng ta.
Giang Phong mỉm cười hỏi lại :
- Vô thù vô oán thật ư ? Thế đám thủy tặc đến tấn công lĩnh địa của ta mấy lần trước là người ở đâu ?
Lão vu sư ngớ người, không sao hồi đáp được.
Trại thủy tặc thường xuyên phái người đi cướp bóc các khu dân cư xung quanh, trong đó có cả Văn Đức lĩnh địa của Giang Phong.
Nếu không cướp bóc thì làm sao có thể gọi là thủy tặc được.
Mà ở đây chỉ có mấy khu dân cư đó, quanh đi quanh lại cũng đều có liên quan với nhau cả.
Giang Phong lại mỉm cười nói :
- Thật ra thì các ngươi cũng chưa gây thiệt hại gì cho lĩnh địa của ta.
Ta cũng chưa định giải quyết các ngươi sớm như vậy.
Chỉ vì các ngươi đến Thủy Linh thôn bắt người.
Thôn trưởng ở đó cầu ta giải quyết các ngươi, xóa sổ trại thủy tặc này.
Ta đã nhận lời, biết làm sao được.
Lão vu sư run giọng hỏi :
- Đại nhân … Đại nhân định làm gì chúng ta ?
Giang Phong mỉm cười hỏi :
- Ngươi nói thử xem ? Ta nên giải quyết các ngươi thế nào đây ? Bỏ vạc dầu hay thả trôi sông thì có hơi thương thiên hòa.
Ta thật khó nghĩ quá đi.
Lão vu sư cả kinh.
Lão thiếu thủy tặc kinh sợ thất hồn lạc phách.
Không ít người phục xuống lạy lục kêu xin tha mạng.
Lão vu sư cúi đầu ngẫm nghĩ giây lát, rồi ngẩng lên nhìn Giang Phong, trịnh trọng nói :
- Chúng ta phải làm sao Đại nhân mới tha mạng cho chúng ta.
Ở đây toàn là người già, phụ nữ, trẻ con, chẳng có sức chiến đấu gì hết.
Đại nhân giết chúng ta, chỉ sợ có hại đến thanh vọng của Đại nhân mà thôi.
Giang Phong chỉ khẽ mỉm cười.
Ngưu ma nhân Lô Lô gãi đầu hỏi :
- Đại nhân.
Giết thủy tặc mà cũng có hại đến thanh vọng sao ạ ?
Giang Phong nhìn lão vu sư mỉm cười nói :
- Ngươi nói thử xem !
Lão vu sư cuống quýt nói :
- Đại nhân … Xin tha cho mọi người.
Đại nhân muốn chúng ta làm gì cũng được hết.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Bất tất khẩn trương.
Ta cũng không định làm gì các ngươi cả.
Thiên địa hữu hiếu sinh chi đức.
Khổ hải mênh mông, quay đầu là bờ.
Chỉ cần các ngươi quy thuận ta, sẽ trở thành cư dân lĩnh địa của ta, không còn là thủy tặc nữa.
Phải không nào ?
Lão vu sư run giọng hỏi :
- Đại nhân thu nhận chúng ta vào lĩnh địa của Đại nhân ?
Giang Phong mỉm cười hỏi lại :
- Có gì không được ư ?
Lão vu sư ngần ngừ nói :
- Chiếu theo thông lệ, bản trại phải tổn thất quá hai phần ba nhân số mới có thể đầu hàng.
Giang Phong khẽ lắc đầu, mỉm cười nói :
- Ta không bảo các ngươi đầu hàng, mà là quy thuận, cải tà quy chính.
Hơn nữa, các ngươi muốn tổn thất quá hai phần ba nhân số cũng đâu khó gì, chỉ mất công chút thôi.
Nói đến đây, Giang Phong quay sang nhìn chúng lão thiếu thủy tặc một lượt, mỉm cười hỏi :
- Các ngươi thấy có phải không nào ?
Chúng ngưu ma nhân cười ha hả nói theo :
- Phải đó Đại nhân.
- Thật ra thì chỉ động thủ động cước mà thôi, không mất bao nhiêu công sức đâu Đại nhân.
- Chúng ta ngứa tay lắm rồi Đại nhân ơi.
- Ra lệnh động thủ đi Đại nhân.
- Động thủ đi.
…
Vừa nói bọn họ vừa múa tít mộc côn ra vẻ uy hiếp.
Chúng lão thiếu thủy tặc cả kinh, liên thanh nói :
- Đại nhân … đừng động thủ … đừng động thủ …
- Chúng ta xin quy phục.
Đại nhân tha cho.
- Đại nhân tha mạng.
…
Không sao được, lão vu sư đành suất lĩnh đồng bọn quy thuận Giang Phong.
Đã rơi vào tình cảnh này rồi, chẳng lẽ phải chờ đến khi Giang Phong đả thương quá nửa số người ở đây rồi mới chịu quy thuận hay sao ? Hơn nữa, bọn họ ‘tự nguyện’ quy thuận, cải tà quy chính chứ không phải đầu hàng, không hề làm trái thông lệ.
Đã là ‘tự nguyện’ thì đâu cần điều kiện gì nữa.
Giải quyết xong chúng lão thiếu thủy tặc, Giang Phong ra lệnh hạ tấm biển ‘Tụ nghĩa sảnh’ xuống, thay vào đó một tấm biển mới ‘Trung nghĩa đường’.
Tại đây không thiếu thợ mộc (các khu dân cư đều phải tự xây dựng sửa chữa nhà cửa, không bao giờ thiếu thợ mộc), nên làm một tấm biển mới không có vấn đề gì cả.
Sau đó, Giang Phong đi vào hậu viện, thanh kiểm tài sản của trại thủy tặc này, à không, bọn họ không còn là thủy tặc nữa, nơi này cần gọi lại là thủy trại, Giang Phong gọi nó là ‘Tây thủy trại’.
Vốn là thủy tặc, nhưng nơi đây không khá giả gì.
Có lẽ vì đối tượng cướp bóc cũng không khá giả gì chăng ? Trong kho tàng của thủy trại chỉ có một ít hạ phẩm ngọc thạch, cùng một vài đồ vật lặt vặt khác.
Giang Phong chưa rảnh rỗi để kiểm tra từng món một, chỉ thu lấy tất cả, xem như chiến lợi phẩm.
Còn lương thực vật tư của thủy trại, Giang Phong không động đến.
Ở lĩnh địa không thiếu những thứ đó.
Có thêm số dân ở đây quy thuận, lĩnh địa của Giang Phong đã có thể đạt yêu cầu 270 cư dân để thăng cấp.
Có điều, Giang Phong thật muốn di chuyển hết người ở đây đến lĩnh địa, nhưng không được, vì ở lĩnh địa không đủ Tiểu viện để phân cho tất cả mọi người.
Sau khi an phủ xong những người mới quy thuận, Giang Phong đành để bọn họ tạm thời ở lại đây, để lại 1 đội thần binh trấn thủ, sau đó dẫn theo lão vu sư cùng 8 hộ khác trở về lĩnh địa.
Ở lĩnh địa hiện chỉ còn trống 9 căn Tiểu viện.
Cũng may, ở thủy trại mỗi hộ có khá đông thành viên, mỗi hộ 3, 4 người cũng không phải là hiếm (có người già, trẻ con).
Do đó toàn thủy trại 156 cư dân mà chỉ có 52 hộ, chỉ cần mất khoảng 1 tuần là có thể di dời hết đến lĩnh địa.
Ở thủy trại chỉ cần để lại một số người duy trì hoạt động là được rồi.
Ra đến chỗ cùng bọn Giang Thạch Khê hội hợp, mọi người đi về lĩnh địa.
Số tù binh đó Giang Phong giao cho Giang Thạch Khê cùng lão vu sư phụ trách chiêu hàng.
Ai ngoan cố không đầu hàng thì có thể sử dụng biện pháp mạnh là … bỏ đói.
Quan điểm của Giang Phong là đã không quy thuận Giang Phong, không phải là người của lĩnh địa thì Giang Phong chẳng việc gì phải nuôi ăn.
Cứ bỏ đói vài ngày rồi cũng phải đầu hàng thôi.
Trước đây Giang Phong thuần hóa đám bò rừng, heo rừng bắt được đều sử dụng cách đó, rất hiệu quả.
Bọn thủy tặc chắc cũng vậy thôi.
Giang Phong cũng điều chỉnh quan viên của lĩnh địa, phái Trị an viên Thanh Tùng đến Tây thủy trại làm trại chủ, tạm thời quản lý công việc ở đó; chuyển Chính vụ viên Thanh Trúc sang làm Trị an viên; rồi bổ nhiệm lão vu sư làm Chính vụ viên.
Lão lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, có thể hỗ trợ Chính vụ quan Triệu Quang giải quyết công việc hiệu quả hơn.
Sau đó, Giang Phong lại phái người đưa lão thôn trưởng Thủy Linh thôn đến Tây thủy trại tìm những người bị bắt.
Thủy Linh thôn cũng chính thức trở thành phụ thuộc thôn làng của lĩnh địa.
Dù Giang Phong không tiêu diệt trại thủy tặc mà thu phục nó, nhưng lão thôn trưởng cũng vẫn ‘phải’ quy thuận.
Bởi trước đây chỉ một mình trại thủy tặc cũng đủ uy hiếp bọn họ, mà nay lại được sát nhập vào lĩnh địa của Giang Phong, thế lực của lĩnh địa càng hùng hậu hơn.
Thôn của lão muốn yên ổn, chỉ còn cách dựa vào Giang Phong.
Còn nếu như làm mất lòng Giang Phong, hậu quả thật khó lường.
Thủy Linh thôn có 82 thôn dân, Tây thủy trại có 156 cư dân, Văn Đức lĩnh địa có 120 cư dân.
Số cư dân mà Giang Phong có thể điều động tăng lên rất nhiều.
Với lực lượng như thế, Giang Phong không còn sợ trại sơn tặc nữa.
Có lẽ cũng đã đến lúc lên kế hoạch giải quyết trại sơn tặc, thống nhất đảo.