Kiến Uy Trấn.
Điện thờ.
Chúng nhân đang quỵ bái thần tích thì chợt nghe có một giọng trầm ấm nhưng uy nghiêm từ trên trời cao truyền xuống :
- Ta là Hiền giả, Thần của các ngươi.
Ta đại diện cho ý nghĩ, tâm linh và trí tuệ.
Ta bảo hộ các ngươi khỏi tà ác xâm nhiễu; ta cứu giúp các ngươi khỏi cơ hàn bức bách; dẫn đường cho các ngươi đến với quang minh.
Chúng tín đồ kiền thành quỵ bái.
Một số tín đồ là cư dân từ thời Kiến Uy thôn đã nhận ra đây chính là giọng nói của Hiền giả đại nhân, đều ngưng thần chờ nghe thần dụ.
Không gian tĩnh lặng như tờ.
Nhiều người nghĩ đến cuộc sống đói khổ trước đây, đầu phục sát mặt đất, ánh mắt rưng rưng.
- Ta ban cho các ngươi trí tuệ, lực lượng và lòng dũng cảm.
Các ngươi tự tay giành lấy quang minh về cho bản thân và cho người thân; khiến các ngươi có thể thống trị đại địa, quản lý sinh súc, săn bắn điểu thú, đánh bắt hà ngư, làm chủ bản thân và cứu giúp người khác.
Chúng tín đồ nghĩ đến cuộc sống yên bình sung túc hiện tại, so sánh với cảnh đói khổ hoạn nạn trước đây, ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc và tin tưởng.
Rất nhiều người đã thăng cấp tín ngưỡng của mình.
Đối với bọn họ, Hiền giả đại nhân là vĩ đại hơn cả.
- Ta có thể khiến thái dương bị che khuất.
Ta có thể khiến đêm tối sáng bừng.
Ta có thể khiến sơn băng địa liệt.
Ta có thể khiến sông suối đổi dòng.
Một đạo lôi điện khổng lồ từ trời cao giáng xuống, đánh sụp một đỉnh núi gần đấy.
Đất đá bắn tung tóe, phá tan mấy khoảng rừng rộng lớn.
Chúng tín đồ chấn kinh thất sắc, càng cúi đầu thấp hơn.
Giờ đây, đối với bọn họ, Hiền giả đại nhân không gì không biết, không gì mà không làm được.
Thật ra Giang Phong chỉ có kỹ năng đó là có sức tàn phá mạnh nhất, và thông qua Thiên Đàn khuếch đại, bất quá cũng chỉ có thể chấn nhiếp phổ thông nhân mà thôi.
Giang Phong đã không tiếc tiêu hao 1 điểm Nguyên lực cuối cùng thi triển đại hình công kích kỹ năng, chấn nhiếp tâm linh chúng tín đồ.
- Ta không phải tà thần, nhưng cũng không phải phúc thần.
Phạm đến ta, ta tất trọng phạt, từ cha đến con, cho đến 3, 4 đời sau.
Tín ngưỡng ta, ta tất ban cho lòng từ ái, cho đến vạn đời sau.
Trái lệnh ta, bất kính ta, ta tất nghiêm trừng.
Phụng sự ta, tôn kính ta, ta sẽ chọn làm ‘tuyển dân’, dẫn nhập Thần quốc.
Ta, yêu ghét phân minh.
Một tiếng đàn dịu êm từ từ cất lên, nhẹ nhàng, khoan thai, dìu dặt.
Âm khúc đặc biệt cổ lão, không giống hàn lâm, cũng không giống dân dao, càng không giống âm nhạc cổ điển đông tây phương.
Loại âm khúc này thâm trầm nhưng cương liệt, hùng hậu nhưng không khẩn trương.
Tiếp đó, một giọng trẻ con bắt đầu ngâm nho nhỏ, sử dụng cổ ngữ nhưng thanh âm đáng yêu dễ nghe :
“Tượng mảng xưa kia xứ Hoành Châu,
Cao phong chia cách thế trập trùng,
Tà gian tứ ngược, dân ai oán,
Thôn xóm quạnh hiu cảnh lạnh lùng.”
Tiếp đó, ngoài tiếng đàn dần dần phụ thêm một số âm thanh của các nhạc khí khác.
Âm điệu ban đầu nhẹ nhàng cũng dần dần trở nên cao ngang, réo rắt.
Ban đầu chỉ có một đứa trẻ ca ngâm, sau đó là 2 đứa, 3 đứa, … và rồi một đám trẻ cùng ngâm xướng, âm lượng bất đồng xung kích nhau, đến cuối cùng tạo thành một khí thế hùng dũng khích đãng, dương cương nhiệt liệt đồng thời cũng không kém phần uy nghiêm hùng hậu, tác động mạnh mẽ đến tâm linh con người.
“Thần ta giáng lâm, trí tuệ cao thâm.
Tà gian sợ uy, cường khấu kinh nghi.
Núi cao sát tặc, cứu dân cơ hàn.
Xét xem di tích, đã có minh trưng.
…
Tổ tiên tuy viễn,
Tế tự không thể không thành.
Tử tôn tuy ngu,
Kinh sách không thể không đọc.
Giữ mình thì nên kiệm phác,
Dạy dân phải có nghĩa phương.
Tiêu xài nên kiệm ước,
Đãi khách chớ lưu liên.
Chớ tham ý ngoại tiền tài,
Chớ uống rượu ngon quá sức.
Chớ xây cất xa hoa,
Chớ mưu giành ruộng đất.
Chen vai trên đường thương mãi,
Đừng chiếm tiện nghi.
Gặp phải cùng khổ thân lân,
Ta nên cứu giúp.
Chớ ỷ thế lực,
Mà hiếp đáp kẻ cơ hàn.
Chớ tham khẩu phúc,
Mà sát hại loài điểu thú.
Ngang ngược tự thị,
Tất nhiều sai lầm.
Đọa lạc biếng lười,
Gia viên cầm bán.
Chớ thân phường độc ác,
Chơi lâu gặp họa có ngày.
Nên kính bậc lão thành,
Nguy cấp có nơi nhờ cậy.
Làm nghĩa chẳng cần nhớ,
Thọ ơn chớ có quên.
Phàm sự nên lưu phước đức,
Đắc ý không được vong hình.
Người ta có hỷ khánh,
Chớ sanh lòng ganh tỵ.
Người ta có họa hoạn,
Đừng tỏ ý mừng vui.
Kiến sắc mà khởi dâm tâm,
Tất gặp tai họa.
Ghét ghen mà dùng quỷ kế,
Tất chịu báo ứng.
Đọc sách chí tại thánh hiền,
Làm quan lòng lo quốc sự.
Thủ phận an mạng,
Thuận thời thính Thiên.
Làm người được thế
Tất thành Hiền nhân.”
(chú : tượng mảng = từng nghe, tứ ngược = hết sức tàn ác, minh trưng = chứng cớ rõ ràng, thành = thành tín, kiệm phác = tiết kiệm chất phác, nghĩa phương = nghĩa tình, kiệm ước = tiết kiệm, lưu liên = dây dưa kéo dài, thân lân = người thân và hàng xóm, cơ hàn = đói khổ, khẩu phúc = sướng miệng, tự thị = ỷ mình, … Đây là cách dùng từ của ngày trước, cho đến tận đầu thế kỷ 20 vẫn còn sử dụng).
Âm nhạc diễn tấu hoàn tất, thanh âm dần dần nhỏ đi, chỉ còn nghe văng vẳng.
Giữa lúc chúng tín đồ vừa tỉnh thần thì thần dụ lại truyền xuống :
- Lâm Thanh của Kiến Uy ở lại, dọn mình chờ thần dụ.
Sau đó âm nhạc chính thức chấm dứt.
Lâm Thanh chính là lão Trấn trưởng kiêm Đạo sư, lập tức cao giọng vâng dạ, rồi cùng chúng nhân quỵ bái, cung tiễn chủ thần.
Sau đó lão cho mọi người giải tán, rồi tắm rửa sạch sẽ, rồi vào Điện thờ đốt hương tọa thiền, kính chờ thần dụ.
Từ khi xuất hiện thần tích, rồi thần dụ, Điện thờ này đã trở thành thánh địa, là nơi thiêng liêng đối với mọi tín đồ.
Nói về Giang Phong, sau khi truyền thần dụ xong, vì không còn Nguyên lực nên không thể truyền thụ kỹ năng cho lão Lâm Thanh, cần phải chờ Thiên đàn tích tụ Nguyên lực, do đó mới phải bảo lão chờ đợi.
Lúc này Giang Phong đã hết sạch Nguyên lực, có muốn làm gì nữa cũng không được, mà cũng không thể rời khỏi đây, về Thiếu Quân Trấn, chỉ đành đăng xuất.
Có thể nói đây là lần đăng nhập với thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, tổng thời gian chỉ chưa đến 1 giờ rưỡi.
Đến trưa, Chu Thanh mang đến bộ dữ liệu về các đối tác của Tân Sáng Alpha ở cả trong và ngoài nước.
Nhân tiện, Giang Phong bảo cậu ta bàn giao ‘Ban điều tra’ lại cho Lương Tuấn Long quản lý.
Giang Phong muốn tổ chức nhóm thám tử của ‘Ban điều tra’ lại cho chính quy và hiệu quả hơn.
Dù gì đó cũng là chuyên môn của họ Lương.
Giang Phong và Chu Thanh chỉ là người ngoài nghề.
Hơn nữa, dự án dưới Long Hựu Đông đã khởi động, sắp tới Chu Thanh sẽ còn có nhiều công việc phải lo hơn nữa, cậu ta cũng nên tập trung cho những việc chuyên môn của mình.
Trong lúc rảnh rỗi, Giang Phong tranh thủ nghiên cứu.
Tuy Tân Sáng Alpha cũng có một số đối tác trong nước, nhưng hầu như đều không quan trọng.
Nghiệp vụ chủ yếu của Tân Sáng Alpha là làm gia công cho một số Tập đoàn nước ngoài, cũng như làm đại lý phân phối cho sản phẩm của họ ở trong nước.
Trong đó, những đối tác quan trọng nhất của Tân Sáng Alpha là Tsukumo ở Tokyo (khu trung tâm của Tokyoto), Nhật; Nippon Ichi Solfware tại Gifu, Nhật; AppAssure Software ở Virginia, Mỹ; Exhibio ở Buffalo và RatchetSoft ở Manhasset, New York, Mỹ; và một số công ty nhỏ khác.
Giang Phong thầm ghi nhớ tên những công ty đó.
Chú : thành phố Buffalo là thành phố lớn thứ hai và cũng là thành phố cấp hạt ở bang New York; Manhasset là một thôn (hemlet, nhỏ hơn village), thuộc hạt Nassau (Nassau County), bang New York.
Không nên lầm giữa bang New York và thành phố New York (một thành phố thuộc bang New York, và không phải thủ phủ của bang).
‘New York’ mà người Việt vẫn gọi chính là thành phố New York, hay chính xác hơn là Manhattan borough (borough ở New York là một loại thành phố cấp hạt đặc biệt).
Tokyo là tên gọi chung của 23 đặc biệt khu (người Hán, Nhật dùng ‘ku’, phiên âm là ‘khu’ để chỉ ‘quận’ ở Việt Nam) nằm ở phía đông của Tokyoto, giống như khu vực nội thành của thành phố Hồ Chí Minh vậy.
Bản thân người Tokyo coi mỗi khu này là một thành phố.
Trước năm 1943, thủ đô của Nhật là Tokyo, còn thủ đô hiện nay là Tokyoto (do sự sát nhập giữa các đặc biệt khu Tokyo với Tokyofu – Đông Kinh Phủ).
Tokyoto (tiếng Nhật : 東京都, 東 (To) = đông, 京 (Kyo) = kinh, 都 (to) = đô) giống thành phố Hồ Chí Minh ở chỗ được thành lập từ sự sát nhập của các tỉnh thành riêng biệt (năm 1931 sát nhập Tp.
Sài Gòn và Tp.
Chợ Lớn hình thành Tp.
Sài Gòn – Chợ Lớn; năm 1956 bỏ tên gọi kép, gọi là Đô thành Sài Gòn; năm 1976, sát nhập Tp.
Sài Gòn với tỉnh Gia Định hình thành Tp.
Sài Gòn – Gia Định, rồi vài tháng sau đổi tên thành Tp.
Hồ Chí Minh cho đến ngày nay).