Vương Mệnh

Chương 195: Thần






Nguyên Thành.

Sáng ngày hôm sau kể từ khi hệ thống canh tân.
Sau khi nghiên cứu hết những thay đổi của hệ thống lần này, Giang Phong cảm thấy thời cơ đã đến, nên ngay từ sáng sớm đã đăng nhập vào trò chơi, chuẩn bị cho tiến hành một đại kế hoạch vốn đã được hoạch định từ lâu.

Giang Phong đang ở Nguyên Thành, bởi sau vài canh giờ nữa, Phục Hy Tổ Miếu sẽ hoàn công.

Giang Phong cần phải chủ trì lễ hoàn công để chính thức kết thúc nhiệm vụ “Di nguyện của Tổ tiên” và nhận nhiệm vụ tiếp theo.
Trong thời gian chờ đợi, Giang Phong triệu tập văn thần võ tướng nghị sự.

Thật ngoài ý nghĩ của Giang Phong, cuộc hội họp có cả Vương Đại tướng quân tham dự, còn lão Nguyên Phương lại vắng mặt.
Thấy Giang Phong ngạc nhiên, Vương Đại tướng quân nói :
- Đại nhân.

Thuộc hạ đã thăng lên 65 cấp, công huân cũng nhiều rồi, nên giờ nhường lại cho Nguyên Đại đô đốc có cơ hội lập công.
Giang Phong vô cùng kinh ngạc.

Quả không hổ danh lão tướng năng chinh thiện chiến, hiệu suất thống quân cực cao, thăng cấp cũng cực nhanh.

Vậy là lão đã đủ điều kiện thăng lên Nguyên soái rồi.

Chỉ là với địa vị của Giang Phong hiện tại, không thể phong đến chức Nguyên soái được.
Thấy các tướng lĩnh không tranh quyền đoạt lợi, mà còn nhường nhau cơ hội lập công, Giang Phong rất hài lòng, mỉm cười hỏi :
- Tình hình chiến sự thế nào rồi ?
Vương Đại tướng quân nói :
- Sau khi Đông nam lộ Man tộc đại quân toàn diệt, Phong Khê Thành thất thủ, thế lực của Man tộc ở vùng tây nam không còn đáng kể nữa.

Thuộc hạ đã chia tiên phong quân thành 5 lộ, mỗi lộ gồm 1 vệ hỗn hợp binh chủng, đồng loạt chia đường tiến quân.

Đại quân gồm 5 vệ còn lại, phụ trách tiếp ứng cho 5 lộ tiên phong quân.

Quân ta tiến đến đâu, các thôn làng trang động bản địa hàng phục đến đó.


Thỉnh thoảng có vài nơi ngoan cố chống cự, nếu quân giặc ít thì tiên phong quân tấn công tiêu diệt luôn, còn nếu quân giặc đông thì hồi báo để đại quân tiến đến chinh phạt.

Thật ra thì cũng chỉ có vài trận chiến lẻ tẻ, không đáng nhắc đến, thời gian chủ yếu là quân đội hành quân.

Sau hai ngày, quân ta đã tiến được gần 500 dặm.
Vương Đại tướng quân nói đến đây, lão Lâm An tiếp lời :
- Sau hai ngày chinh phạt, lãnh địa đã mở mang được thêm gần 20 vạn dặm vuông, chiếm lĩnh được 1 Đại trấn, 3 Hương trấn, 7 Tiểu trấn, 8 Hương và 112 thôn làng trang động, có thể thiết lập 2 châu.

Thuộc hạ đã cho dân phu xây dựng đường lộ đến các Đại trấn và Hương trấn.

Còn những nơi khác, tạm thời không đủ thời gian, dần dần sẽ hoàn thiện sau.
Hiệu suất chiến tranh của Vương Đại tướng quân quả là khủng bố.

Tính ra mỗi ngày quân đội của lão tiến được 250 dặm (tức 100 kilômét).

Xem ra chủ yếu thời gian đều là hành quân, chiến sự không đáng kể.

Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, đoạn nói :
- Đặt thêm 2 châu nữa cũng được.

Nhưng châu trị ít nhất phải là Đại trấn.

Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải cho thăng cấp.

Mọi người cứ liệu việc mà làm.
Ở Kinh tộc, mỗi châu diện tích ước khoảng 8 vạn đến 10 vạn dặm vuông (khoảng 12.800 đến 16.000 kilômét vuông), châu trị là Châu Thành.

Còn ở các lãnh thổ phía tây này, đất rộng người thưa, lấy 10 vạn dặm vuông làm 1 châu, châu trị là trấn cũng được.

Giang Phong muốn châu trị phồn hoa một chút, mới yêu cầu là Đại trấn.

Thật ra điều này ở ngoài thực tế cũng không hiếm.

Nhiều huyện không có thị trấn, huyện lỵ phải đóng ở xã.


Hay có tỉnh khi mới thành lập, không có thị xã, tỉnh lỵ phải đóng ở thị trấn.

Lãnh địa của Giang Phong có quá ít dân, khó phát triển lên thành thị, đành chịu vậy thôi.
Lão Lâm An vâng dạ, nói :
- Đại nhân.

Để phát triển các lãnh thổ mới chiếm được, cần dự chi khoảng 1 vạn kim tệ.

Xin đại nhân phê chuẩn.
Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi ưng thuận.

Phải có đầu tư rồi mới có thu ích.

Lão Lâm An lại ngần ngừ một lúc, mới hỏi :
- Đại nhân.

Theo tốc độ hiện tại, chỉ cần tối đa 3 ngày nữa là tổng diện tích lãnh địa sẽ đạt 100 vạn dặm vuông.

Chẳng hay đại nhân có định kiến quốc hay không ? Xin đại nhân cho biết để thuộc hạ còn chuẩn bị.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Nếu ta không định kiến quốc thì để Kiến quốc lệnh lại làm chi.

Cứ chuẩn bị đi.

Khi xong việc ở Linh Sơn, chúng ta sẽ kiến quốc.
Cả lão Lâm An và Vương Đại tướng quân đều mừng rỡ, cung kính vâng dạ.

Phải đợi kiến quốc xong, họ Vương mới có thể trở thành Nguyên soái được.

Còn lão Lâm An, nhân tuyển cho chức vụ Chính sự đại thần, ngoài lão ra không còn ai khác.
Xong đâu đấy, Giang Phong quay sang hỏi Giang lão :

- Gần đây thiên hạ có gì đặc biệt không vậy ông ?
Giang lão vuốt râu cười nói :
- Cũng không có gì đáng kể.

Chỉ là có tin từ đất Lĩnh, một vị bán thần đã hiện thế.

Căn cứ oai lực của kiếp lôi, thực lực chỉ vào khoảng trung giai trở lại, có lẽ được truyền thừa.
Bán thần xuất hiện mà lão lại bảo không có gì đáng kể.

Thấy Giang Phong ngạc nhiên, lão lại nói :
- Bán thần cũng chẳng có gì đặc biệt.

Chẳng qua được Luân hồi pháp tắc nhận đồng, vượt qua được giới hạn phàm tục, nhưng chưa đủ điều kiện phong thần, nên tạm gọi bán thần.

Trong Ngũ đại môn phái, số lượng bán thần cũng không ít.

Bách Tuế Tôn sư có hơn sáu trăm năm đạo hạnh, là cao giai bán thần đó.
Giang Phong chợt nhớ Thần Miếu cũng có bán thần.

Thạch Khê Trấn thủ hộ thần, tức Sơn Thần ở Vô Danh Sơn trước kia, cũng có sáu trăm năm đạo hạnh, tức cũng là cao giai bán thần.

Giang Phong hỏi :
- Đạo hạnh là gì ? Bán thần phân định giai vị thế nào ?
Giang lão trầm ngâm một lúc, mới nói :
- Theo các sách cổ ghi lại, tu đạo có hai hình thức chủ yếu : tu lực lượng và tu công đức.

Tu lực lượng là tu luyện lực lượng bản thân, lại chia làm hai nhánh là tu võ và tu pháp, cứ 1 năm công lực tương đương 1 năm đạo hạnh.

Còn tu công đức là hành thiện tích đức hoặc quảng thu tín đồ để tích tụ công đức tín ngưỡng, cứ 100 công đức hoặc 100 tín ngưỡng lực tương đương 1 năm đạo hạnh.

Tu lực lượng tính ra mất nhiều thời gian hơn tu công đức, nhưng ổn định hơn và thực lực cũng mạnh hơn.

Ngoài ra, những người tu lực lượng cũng có thể lợi dụng kỳ hoa dị thảo để tăng công lực bản thân, hiệu quả đôi khi còn nhanh hơn tu công đức.
Nhắc đến tín ngưỡng lực, Giang Phong nhớ rằng mình cũng có, chỉ là Giang Phong chưa được Luân hồi pháp tắc nhận đồng mà thôi.

Tuy Giang Phong không có tín đồ của riêng mình, nhưng với thân phận Thần sư, đại diện của Tam Tổ và Thái cổ chư thần, Giang Phong được hưởng 10% số tín ngưỡng lực đó.

Thật ra Thần Miếu hoàn toàn do Giang Phong gây dựng nên, các tế tự kỹ năng cũng từ quyển sách “Cảnh Hành” mà ra, chứ Giang Phong không được chư thần chúc phúc, rồi ban cho lực lượng như bọn Long Phi Thiên của Thủy Thần Giáo.
Giang lão lại nói tiếp :

- Chư thần chia giai vị căn cứ theo đạo hạnh.

Dưới 1000 năm đạo hạnh gọi là bán thần.

Từ 1000 đến dưới 2000 năm đạo hạnh gọi là hạ vị thần, rồi đến dưới 3000 năm đạo hạnh gọi là trung vị thần, đến dưới 4000 năm đạo hạnh gọi là cao vị thần, đến dưới 5000 năm đạo hạnh gọi là thượng vị thần.

Từ 5000 năm đạo hạnh trở lên gọi là Thượng cổ đại thần.

Từ 1 vạn năm đạo hạnh trở lên gọi là Thái cổ đại thần.

Từ 10 vạn năm đạo hạnh trở lên gọi là Viễn cổ đại thần.

Từ 100 vạn năm đạo hạnh trở lên gọi là Hồng hoang đại thần.

Duy chỉ có Bàn Cổ là Sáng thế đại thần.

Mỗi cấp bậc lại chia thành 4 giai.

Ví dụ, bán thần thì dưới 300 năm đạo hạnh gọi là sơ giai, từ 300 đến dưới 600 năm đạo hạnh gọi là trung giai, từ 600 đến dưới 900 năm đạo hạnh gọi là cao giai, từ 900 đến dưới 1000 năm đạo hạnh gọi là đỉnh giai.

Các cấp bậc khác tương tự.
Giang Phong trầm ngâm nghĩ ngợi.

Thế nào là thần ? Không như quan niệm của nhiều người hiện nay, thần có pháp lực vô biên, thần không có gì là không thể làm được (thần vô sở bất năng).

Quan niệm đó được truyền từ thế giới phương tây sang.

Ở phương đông, người xưa quan niệm đơn giản hơn : “làm những việc ngoài ý nghĩ con người, những việc người thường không thể làm được, có thể gọi là thần” (xuất hồ nhân chi ý ngoại, vi thường nhân bất khả vi chi sự, kí khả vi thần).

Do đó, những bậc đại công đức, những danh thần đại tướng có nhiều công tích, sau khi qua đời sẽ được phong thần.

Thần, trước cũng từng là người.

Thần, tuy cao quý, nhưng khoảng cách giữa người và thần cũng không xa xôi gì cho lắm.

Người vẫn có thể trở thành thần.
Giang Phong đột nhiên “ngộ đạo”, biết rằng sắp tới cần phải làm gì.