Vùng Đất Vô Hình

Chương 50: Chương 50: Phiên Chợ Của Người Tu Đạo





Trong bóng tối ngọn lửa đen sẫm từ đôi mắt của con quỷ phun ra ào ạt. Những tia lửa chồm lên như sóng xô bờ, muốn ăn tươi nuốt sống Minh Khánh. Chỉ có điều ngọn lửa cứ thiêu đốt và vùng vẫy điên cuồng cũng không thể nào qua được một cái vỏ bọc màu vàng trước người hắn. Đôi mắt của Minh Khánh đã mở ra, chói lòa như ánh mặt trời. Từ trong đôi đồng tử rực sáng đấy, muôn vàn những tia sáng chiếu ra tạo thành một tấm màn chắn chống lại lửa âm ty của con quỷ.
Có lẽ bởi vì cảm thấy sự tuyệt vọng của người chủ, có lẽ bị lửa âm ty thiêu đốt âm nhãn khiến nó xúc động, Thiên nhãn đã mở ra vào giờ phút Minh Khánh cần nó nhất. Cũng giống như đứa trẻ nào muốn sinh ra đều phải chịu đựng quãng thời gian chín tháng mười ngày trong bụng mẹ, Thiên nhãn đã được dưng dục suốt gần một năm bỏi linh hồn thuần khiết và số công đức lớn lao của Minh Khánh. Và khi nó được sinh ra, Thiên nhãn ẩn chứa một sức mạnh lớn lao mà lửa âm ty không cách nào xâm phạm nổi. Không chỉ có vậy, ngọn lửa âm ty còn bị đẩy ngược dần về phía con ác quỷ.
Nhìn ngọn lửa của chính mình bắt đầu dính vào linh hồn, con quỷ không hề phản ứng gì cả. Nó chỉ đứng im nhìn linh hồn cháy rừng rực như một ngọn đuốc. Khuôn mặt con quỷ hiện lên sự vui vẻ dường như nỗi đau đớn ở trên thân của người khác chứ không phải chính nó. Rồi giữa ngon lửa, con quỷ cất lên tiếng ca khàn khàn sâu lắng.
“Trên trời cao có mây trôi lặng lẽ.
Và để cho những ngày dài trở nên bất tận.
Cánh hoa có nở, ngọn cỏ có dài?

Để cho cánh gió thơm ngọt ngào hương đồng xanh
Đừng nhắm mắt, đừng ngủ say... Tôi xin nàng đấy.
Để tôi hát lời thì thầm muôn thủa.
Tôi không mong được đời đời kiếp kiếp
Không mong được sớm tối bên nhau
Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian….”
Tiếng hát cứ vang vọng mãi khắp làng Ma. Dường như chưa thỏa mãn, ngọn lửa bắt đầu thiêu cháy cả ngôi nhà. Những tấm màn trắng, những chiếc cột, hay thậm chí cả chiếc chân nến bằng đồng cũng không thể thoát khỏi lưỡi lửa đen sẫm đó. Minh Khánh lê tấm thân mỏi mệt ra cửa. Nơi đó My vẫn đang ôm chặt lấy Như Phong. Cả ba người cùng ngắm nhìn ngôi nhà cháy rừng rực tạo nên một cột khói khổng lồ. Không ai để ý thấy bên trong ngọn lửa có một chiếc khăn tay trắng muốt đang rỏ máu.

*******************
Trên đường trở về, Như Phong đã tỉnh táo hơn. Anh kể cho hai người câu chuyện lúc bọn họ cõng người đi ra ngoài. Mặc dù đã dán cho ba người thanh niên mỗi người một lá bùa, nhưng không hiểu bằng cách nào con quỷ vẫn điều khiển được bọn họ. Đầu tiên là chàng trai trên lưng Lê Tấn nổi điên cắn vào cổ gã. Như Phong và ông Quân giằng mãi mới ra được. Thế rồi ngay trước mặt bọn họ, chàng trai nổi điên tự động bốc cháy. Thằng Ca con ông Quân và người bạn còn sót lại của nó sợ quá chạy ra ngoài. Như Phong và ông Ca vội đuổi theo. Thế nhưng không những không tìm thấy cửa ra, bọn họ còn lạc luôn cả Lê Tấn.
Rồi Như Phong bị con quỷ tấn công. Anh bị thương và kiệt sức nhưng không hiểu tại sao con quỷ không giết chết anh. Một lúc sau thì My đến. Như Phong thấy con quỷ đã vẫn rình rập bên cạnh hai người. Lúc My ôm lấy anh, Như Phong thấy thân hình nó đã tiến đến sát sau lưng của My. Lúc đó My dường như đang chìm sâu vào tâm trạng, còn anh chẳng còn tí sức lực nào để mở miệng nhắc nhở My cả. Trong thời khắc hiểm nguy đó, My bỗng hát lên một bài quen thuộc mà cô rất thích. Tiếng hát của cô khiến con quỷ dừng lại trong phút chốc. Bài hát tựa như có một thứ ma lực kỳ lạ ru anh vào giấc ngủ. Đến khi anh tỉnh lại thì hai người vẫn bình an, thậm chí My còn đưa anh ra được bên ngoài.
Minh Khánh hỏi anh đó là bài hát gì. Như Phong định trả lời thì bị My bịt miệng. Cô xấu hổ không chịu chia sẻ bí mật nhỏ bé của cô với người lạ. Ba người đi dưới bóng tối của hàng tre rậm rạp. Có một cánh đom đóm nhỏ bỗng xuất hiện trước mặt ba người. My cố chụp lấy nhưng bị hụt. Cánh đom đóm vội vã thoát khỏi bàn tay cô bay qua ngọn tre lên trời.
******************
Đi ra khỏi làng, Minh Khánh thấy được ông Quân, thằng Ca con ông và bà Mun. Thì ra trong lúc ông Quân chạy ra ngoài, vô tình ông gặp được bà Mun đang đi vào. Thế là chỉ với giá ba con cá chép nướng thật to, ông liền được bà Mun dẫn khỏi căn nhà đến tận bên ngoài ngôi làng. Thấy bà Mun cụp đuôi ôm mặt xấu hổ, Minh Khánh cười phì bế bà lên. Năm người bọn họ trở lại quán cơm của ông Quân đánh chén một bữa no nê. Sáng hôm sau, Minh Khánh tiếp tục hành trình ra Bắc của mình. My và Như Phong thì còn ở lại chữa thương mấy hôm rồi mới trở về trấn Thanh Đô.

Phiên chợ của người tu đạo mà Minh Khánh muốn tham gia nằm ở bên đầm Nhất Dạ thuộc phủ lộ Thiên Trường. Tương truyền ngày xửa ngày xưa vua Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước.
Thuở ấy, ở làng Chử Xá có người tên là Chử Cù Vân và con trai tên là Chử Đồng Tử. Nhà họ Chử vốn nghèo lại càng thêm sa sút sau một trận cháy, trong nhà chỉ còn mỗi một chiếc khố. Hai cha con phải thay phiên nhau mà mặc mỗi khi ra ngoài. Khi người cha bị bệnh nặng sắp mất, dặn con giữ khố lại, còn cứ chôn mình xác trần. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhất liệm cha mà đem chôn. Từ đó Chử Đồng Tử không có gì che thân, đợi đến đêm mới đi ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn.
Một hôm, thuyền rồng chở công chúa Tiên Dung đến vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy cờ quạt, người hầu rầm rộ, Chử Đồng Tử hoảng sợ, chui vào bụi lau ở bãi cát bờ sông, nấp mình xuống đó rồi phủ cát lên che người. Thuyền rồng ghé vào bờ, Tiên Dung lên chơi trên bãi, thấy cảnh thanh tú, sai người hầu quây màn ở bụi lau để làm nơi ình tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử nấp. Đến khi Tiên Dung xối nước, cát trôi để lộ thân hình trần truồng của người trai lạ. Nghĩ nhân duyên do là trời xui khiến, nàng công chúa cưới anh chàng trần như nhộng ngay trên sông.
Tin đưa về kinh đô, Hùng Vương giận dữ lắm. Tiên Dung biết vua cha tức giận, sợ không dám về, bèn cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh.
Chử Đồng Tử một lần cùng khách buôn đị đến một hòn núi giữa biển gọi là núi Quỳnh Tiên, thuyền ghé lấy nước ngọt, Chử Đồng Tử vui chân trèo lên cái am nhỏ trên núi gặp một đạo sĩ trẻ tên là Phật Quang. Chuyện trò ý hợp tâm đầu, Chử Đồng Tử theo lời Phật Quang giao vàng nhờ khách buôn đi mua hàng còn mình thì ở lại đây học đạo.
Đến khi thuyền trở lại, Chử Đồng Tử theo về đất liền. Khi từ giã, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cái gậy, một cái nón và bảo:
"Đây là vật thần thông".
Về đến nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán để cùng chồng đi tìm thày học đạo.

Một hôm trời tối, hai vợ chồng đi đã mệt mà chưa thấy nhà cửa đâu, mới dừng bước lại, cầm gậy che nón nằm dưới mà nghỉ. Vào khoảng nửa đêm, tự nhiên chỗ ấy nổi lên thành quách, cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa, không thiếu một thứ gì. Lại thêm tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xum xít quanh hai vợ chồng.
Sáng hôm sau, dân ở quanh vùng đều lấy làm kinh dị, mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôị Họ vào thành thấy các quan văn võ, lính tráng tấp nập đông đảo như một nước riêng.
Hùng Vương được tin báo cho là con gái làm loạn, vội phái quân đi đánh. Đoàn quân sĩ nhà vua gần tới nơi, bộ hạ Tiên Dung xin ra chống cự, nàng cười mà bảo rằng:
"Tất cả mọi việc đều do ở trời chứ không phải tự ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống hay chết đều nhờ ở trời, dẫu ta có bị phụ vương giết cũng không dám oán hận".
Trời đã tối, quân của Hùng Vương không kịp tấn công, dừng lại đóng ở bãi Tự Nhiên, cách đối phương một con sông lớn. Đến nửa đêm trời bỗng nổi bão, sóng gió cuồn cuộn, nhổ cây ở bãi, đại quân của Hùng Vương rối loạn. Trong chốc lát thành quách cung điện và bộ hạ của hai vợ chồng Tiên Dung đều bay cả lên trờị Sáng hôm sau, người ta kinh dị thấy chỗ đó đã hóa thành một cái đầm lớn. Dân chúng bèn lập đền thờ để cúng tế hàng năm, gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ.
Dân gian đồn đại rằng trong đầm Nhất Dạ còn rơi rớt lại rất nhiều bảo vật của tiên. Người tu đạo cũng nhiều lần tiến vào tìm kiếm và thu hoạch được các loại dược thảo trên trăm năm tuổi cùng với một số vật thần thông. Thấy người tu đạo ra vào rất nhiều, những môn phái xung quanh đầm Nhất Dạ quyết định tập hợp nhau lại lập nên một phiên chợ để trao đổi các loại hàng hóa cũng như để thu thuế. Trải qua mấy trăm năm phát triển, phiên chợ đầm Nhất Dạ đã trở thành một trong những phiên chợ nổi tiếng nhất của giới tu đạo.