Vùng Đất Vô Hình

Chương 13: Chương 13: Chuyện Thầy Bắt Ma (Tiếp)





Bên dưới tấm chăn, ông thầy bói nằm trên một vũng máu. Trên cánh tay của thầy đầy những vết cứa, máu tươi đang chảy xuống tí tách. Tay kia của thầy vẫn cầm lấy con dao. Ông lang Hòe bắt mạch cho thầy thì nói không cứu được nữa. Bác Hà Phi với mấy người hàng xóm đành phải tắm rửa rồi nhập quan cho thầy. Làm xong thì trời cũng đã tối. Mấy người bàn nhau sáng mai hãy sang làng bên báo tin. Từ ngày làng có ma, chả ai dám đi lại vào ban đêm.
Đang nhai dở miếng cơm thì bác Hà Phi nghe một ông hàng xóm kêu lên : “Ma , ma.” Bác Hà Phi vội ra sân. Vẫn là con ma cũ, vẫn bộ quần áo tướng quân đó, vẫn mái tóc xõa che kín mặt, chỉ có điều lần này nó không khóc mà cười hềnh hệch: “Mày lấ máu dội tao, tao lấy máu dội mày.” Nói rồi nó biến mất cũng không khóc than gì cả.
Sáng hôm sau bác Hà Phi chưa kịp sang làng bên báo tin thì đã có một ông già tìm vào nhà bác. Ông hỏi về ông thầy bói. Nghe bác kể chuyện ông vào phòng ôm lấy quan tài mà khóc. “Em ơi là em ơi, em không biết bắt ma mà còn ham tiền ham bạc của người ta làm gì?” Ông khóc một lúc lâu rồi xin bác Hà Phi mượn cho ông một cái xe kéo để chở quan tài của em ông về.Trong lúc chờ người đi mua hòm, ông kể chuyện nhà ông cho bác. Thì ra hai anh em ông cha mẹ đều mất sớm, sống bằng nghề cắt cỏ, chăn bò. Một lần ông nhặt được một cuốn sách cổ rất đẹp. Ông về nhà nhờ đám trẻ biết chữ trong làng đọc ình nghe. Thì ra trong sách có dạy về xem bói và trừ ma, hai anh em ông đều học được một ít từ đấy. Từ đấy em ông chuyển nghề xem bói cho người khác, còn ông vẫn giữ nghề cũ, chỉ thỉnh thoảng xem ình mà thôi.

Đêm qua ông cảm giác có việc không lành nên lấy mảnh trúc ra bói cỏ thi, thấy nói có người thân gặp nạn. Ông không vợ không con, chỉ có em ông là người thân nên chạy đến tìm em, mới biết em sang làng bên bắt ma. Ông lo lắm, tờ mờ sáng liền chạy sang bên này này.
Bác Hà Phi hỏi ông có biết cách nào bắt ma không? Ông nói trong sách chỉ ghi lại những phương pháp thông thường. Những con ma kiểu này phải mời đạo sĩ chuyên bắt ma xử lí. Bác Hà Phi lại hỏi phải tìm đạo sĩ ở đâu? Ông nói ông cũng không biết, rồi ông bói cho bác một quẻ. Ông lấy tạm cái mai rùa của em ông, xem xem tính tính một lúc. Thế rồi ông dặn bác Hà Phi trong ngày hôm nay đi về phía Nam, đến lúc gặp sông nước chặn đường thì dừng lại, kiểu gì cũng gặp được thầy trừ ma. Xong xuôi, ông ứa nước mắt kéo xe, chở quan tài em ông về nhà.
Bác Hà Phi nghe ông nói bán tín bán nghi. Bác tìm sang nhà cụ Tốn để hỏi thì cụ nói bác cứ đi một lần, cũng chả mất gì. Thế là bác cơm nắm tay nải ra đi. Bác cứ men theo đường ruộng đi về phía Nam. Qua được ba cái làng thì bác gặp một con sông, cũng không rộng lắm nhưng không thể lội qua được. Thế là bác yên tâm kiếm gốc cây ngồi chờ. Gió trên sông mát quá khiến bác ngủ quên lúc nào không hay.

Đang ngon giấc thì có người đánh thức bác. Đó là một người trẻ tuổi, chắc chỉ tầm tầm thằng Quýnh nhà bà Pha. Hắn mặc một bộ quần áo kiểu cũ, trước ngực có thêu hình bát quái rõ to, lưng đeo một chiếc gùi lớn. Người đó hỏi bác đường đi đến huyện Phù Lưu. Bác Hà Phi bực bội ra mặt, cả tuần nay lần đầu tiên bác mới ngủ ngon đến vậy. Bác càu nhàu mấy tiếng rồi cũng chỉ đường cho người thanh niên. Hắn lễ phép cảm ơn bác rồi đi thẳng. Bác Hà Phi vươn vai định đánh tiếp một giấc thì chợt nhớ ra nhiệm vụ mời thấy bắt ma. Quái lạ, ông kia bói cho bác đi đến nơi này sẽ gặp thầy, mà đến chiều rồi cũng vẫn chẳng thấy ai.
Bác nghĩ chả lẽ người thanh niên kia là đạo sĩ trừ ma nhưng rồi bác tự phủ định ngay. Trước khi đi bác hỏi cụ Tốn, đạo sĩ trừ ma thường là người thế nào, có đặc điểm gì dễ nhận ra không? Cụ nói bói đạo sĩ trước giờ toàn là những ông già, trẻ nhất thì cũng phải tầm ngoài tuổi băm, bọn họ ăn mặc cư xử cũng rất khác người, rất dễ thấy. Người thanh niên hồi nãy chỉ tầm mười lăm mười sáu, khuôn mặt sáng sủa, ăn nói lễ phép, ngoại trừ cái áo mặc hơi quái một tí thì chả khác gì thằng con bác ở nhà.
Chỉ có điều từ sáng tới giờ bác chả gặp ai ngoài hắn, thế là bác cũng đành thử một lần. Bác vừa gọi hắn vừa đuổi theo. Người thanh niên đã đi được một quãng xa, nhưng thấy bác đuổi theo thì hắn quay lại chờ bác. Đến lúc đuổi kịp thì bác Hà Phi đã thở hồng hộc, mồ hôi nhễ nhãi. Người thanh niên tháo chiếc mũ tre rộng vành xuống quạt cho bác, hỏi bác có chuyện gì không. Bác Hà Phi hổn hển hỏi hắn xem có phải đạo sĩ trừ ma không. Người thanh niên trả lời đúng. Bác Hà Phi mừng lắm, mời hắn về làng bắt ma. Hắn cũng chẳng từ chối liền đi theo bác. Trên đường bác Hà Phi kể đầu đuôi ngọn ngành cho hắn nghe, rồi hỏi hắn có sợ không? Hắn chỉ cười thật hiền mà không đáp.

Hai người về đến làng thì trời cũng đã loạng choạng tối. Lúc về đến gốc đa đầu làng, bác thấy một cái bóng trắng đi đến chỗ bác. Bác sợ quá muốn chạy nhưng người thanh niên thì không nói không rằng vẫn đi tới. Lúc này cái bóng trắng đã đến gần. Hóa ra là con bé nhà bà Trình. Nó nói với bác: “Cụ Tốn bảo cháu ra đón bác. Lần này đến lượt con nhà ông Từ rồi bác ơi. Khổ thân nó làm nghề mộc, đóng hai chục cái đinh vào tay mà chả biết. Giờ nó vẫn khóc hu hu ở nhà.”
Đạo sĩ trẻ bảo bác Hà Phi dẫn hắn vào thẳng nhà ông Từ. Hàng xóm đứng đầy ngoài cổng nhà ông. Họ đang bàn tán xôn xao. Thấy bác mang một gã thanh niên về làng, ánh mắt của họ đầy nghi hoặc. Họ chào bác, hỏi bác dẫn ai vào nhà ông Từ đấy. Bác đáp ngắn gọn : “Thầy đấy.” Đạo sĩ trẻ tuổi xin phép ông Từ vào thăm con ông. Ông Từ đang do dự thì bác Hà Phi giới thiệu cho ông, ông liền vội vã mời thầy, còn sai con gái nấu nước cho thầy uống.
Thằng con nhà ông Từ đã được thầy lang băng bó và cho thuốc, nhưng nó vẫn khóc hu hu. Ai hỏi gì nó cũng không nói, chỉ khóc. Đạo sĩ trẻ đi vào, đầu tiên là dán bốn cái bùa bốn góc giường. Sau đó hắn bảo ông Từ nấu nước sả và lá bưởi tắm cho con. Tắm xong thằng cu con ông Từ không khóc nửa, rên rỉ kêu đau rồi ngủ mất. Ông Từ mừng lắm, giữ đạo sĩ lại ăn cơm nhưng hắn từ chối. Hắn bảo bác Hà Phi dẫn sang nhà. Qua nhà bác, hắn cũng dán bùa rồi bảo vợ chồng bác nấu nước tắm cho con. Tắm xong vừa đặt lên giường thì thằng con bác kêu lên đòi uống nước. Vợ bác mừng lắm, từ lúc rớt xuống ao, giờ mời thấy con nói được một câu.
Thế rồi ‘thầy’ bảo bác dẫn đi một vòng, sang nhà bà Pha, nhà bà Trình, nhà thầy lang Hòe, cuối cùng quay lại nhà ông Từ. Lúc đi ra nhà thầy lang thì cũng đã gần nửa đêm, bác Hà Phi khuyên thầy không nên vào nhà ông Từ nữa – con ma kiểu gì cũng đứng ở bờ rào nhà ông. Thầy chỉ cười nói: “Đi bắt ma mà sợ thì làm sao bắt?”Rồi hai người đến nhà ông Từ. Thầy cũng chẳng sai ông Từ lập bàn thờ, sắp lễ lạt gì để cúng cả, chỉ xin ông một cái chõng và một ấm nước, rồi ngồi uống trong sân. Bác Hà Phi khâm phục thầy lắm, tuổi trẻ mà gan lớn. Bác cũng mon men ngồi uống nước với thầy. Một lúc sau tiếng khóc lại vang lên, lần này to đến mức cả làng đều nghe thấy.

‘Thầy’ liền bỏ chén nước xuống, đi ra vườn. Bác Hà Phi cũng đi theo. Quả nhiên con ma lại hiện lên nơi bờ rào. Thấy hai người, nó lại đứng khóc một lúc, nói cái câu quen thuộc rồi biến mất. ‘Thầy’ cũng không làm gì cả, chỉ quan sát con ma kỹ càng, từ đầu đến chân, từ chân lên đầu. Con ma biến rồi thầy bảo bác về nhà ngủ. Về đến nhà, thầy không chê giường hẹp, chui lên ngủ cùng bác. Thầy ngủ rất ngon, có lẽ đi cả ngày thầy cũng mệt rồi.
Sáng hôm sau bác Hà Phi dậy rất sớm - bác định làm con gà nấu cháo cho thầy. Bắt gà xong, quay vào nhà thì bác thấy thầy đã dậy. Thầy hỏi bác buổi sáng bác có mắc việc gì không? Bác Hà Phi vội trả lời là không? Thế là thầy nhờ bác đi mua cho thầy một con chó mực, hai con gà trống to mào đỏ, với một ít tiền vàng , cau trầu. Thầy đưa cho bác Hà Phi nửa nén bạc nhưng bác chối ngay. Ai lại lấy tiền của ‘thầy’ bao giờ. Bác sáng nhà cụ Tốn, nói rõ với cụ. Cụ Tốn liền đưa cho bác mấy xâu tiền ra chợ mua lễ và thức ăn đãi thầy.
Lúc bác Hà Phi gánh lồng gà và chó về nhà thì không thấy thầy đâu. Vợ bác bảo thầy đi sang nhà bà Pha rồi. Mãi đến trưa thầy mới về, hỏi thăm con bác đã tỉnh chưa. Nghe bác bảo chưa thì thầy thất vọng lắm. Lúc này vợ bác đã bưng mâm cơm lên. Vừa ăn thầy vừa nói chuyện thằng Quýnh cháu bà Pha. Cu cậu hiện đã tỉnh, nhưng cơn đau và nỗi sợ khiến cu cậu chả nhớ được gì nhiều. Đang ăn cơm thì bác Hà Phi nghe tiếng con khóc trong buồn. Nhớ đến ông thầy bói, bác sợ lắm, vứt ngay đôi đũa xuống, chạy thẳng vào buồng.