Đó là một buổi chiều thật nhẹ vào đầu tháng năm.
Lão Thìn đang ngồi thẫn thờ trước cửa nhà, nhìn những tấm khăn trắng và dải phướn bên mấy nhà hàng xóm xung quanh.
Không ai biết tại sao, cũng không ai lường được tai họa đổ xuống trên cái ngôi làng miền biển xinh đẹp và giàu có này.
Chỉ mười ngày làng trên xóm dưới đã có hơn mừơi người sống sờ sờ bị giết chết.
Đáng sợ nhất là họ hầu như đều chết cùng một giờ, và đều bị rạch bụng.
Trẻ có già có, không một ai sống sót.
Ban đầu người ta cũng chỉ tưởng là có một tên sát nhân cuồng tín nào đó, thế nhưng khi quan phủ đến điều tra và bắt giam kẻ tình nghi xong, những cái chết vẫn tiếp tục.
Trong đó thậm chí có cả một vị bộ đầu người của quan phủ.
Những cái chết càng lúc càng kỳ quặc.
Có người có người nửa đêm nằm trên giường, đóng cửa cài then kín mít, gia đình nằm xung quanh, nhưng sáng ra đã thấy bị rạch bụng chết rồi.
Kỳ lạ hơn không ai thấy bóng dáng hung thủ, và hậm chí không một dấu vết để lại cho thấy kẻ sát nhân đã vào nhà bằng cách nào.
Quan phủ bất lực, khiến lời đồn làng có ma trở nên càng ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều nhà bắt đầu rời làng đi lánh nạn một thời gian.
Lão Thìn cũng bắt đầu muốn đến nhà cháu trai trong thành để trốn con quỷ, nhưng nhà lão vốn nghèo, mùa này lại là mùa đánh bắt chính, bỏ làng đi thì lấy gì ăn.
Với lại hôm qua, những nhà giàu trong làng đã góp tiền mời tới năm sáu cái đạo sĩ chuyên trừ tà.
Lão vẫn hi vọng mấy người đó có thể giúp đỡ làng tìm ra con quỷ.
Con đường làng thật buồn bã và vắng lặng.
Những đám cây ven đường liên tục trút lá vàng xuống, để lại những cành cây khẳng khiu cô quạnh.
Lão Thìn cũng không hiểu sao đám cây tháng trước còn khỏe khoắn xanh um, giờ dường như đã sắp chết đến nơi.
Càng kỳ quái hơn đám chó trong làng suốt ngày cứ hướng đám cây ấy mà sủa, nhưng cứ đến đêm chúng lại chui đầu vào nơi nào đó để trốn, im thit thít.
Sự kỳ quái khiến lão Thìn càng sợ, và làm lão muốn bỏ làng mà đi.
Trong cái bóng chiều hiu hắt, lão Thìn chợt thấy có một bóng hình lạ đang đi trên con đường làng.
Lão nheo nheo con mắt, đúng vậy, quả thật có một hình bóng tiêu điều đi giữa rừng lá rụng.
Đó là một người lạ, mang đầy vẻ mệt mỏi phong trần.
Mãi đến khi anh ta gần đến nhà, lão Thìn mới nhìn rõ khuôn mặt của anh ta.
Đó là một người đàn ông trung niên ở tuổi băm, với mái tóc bạc ở hai bên mái đầu.
Khuôn mặt trẻ đầy vẻ đau thương và khắc khổ.
Ánh mắt của anh ta buồn bã, dường như không còn sự sống.
Người khách ăn mặc có vẻ tùy tiện và bản thỉu.
Mái tóc nhuốm bụi buộc hơi cao lên sau gáy.
Bộ đồ quan sai cũ nát, đầy vết rách.
Anh ta đeo một thanh đao dài khá kỳ dị, khác hẳn với vũ khí của đám lính lệ mà lão Thìn từng được thấy.
Người khách lạ cũng nhìn thấy lão Thìn.
Anh ta đến trước cổng nhà lão.
Lão Thìn hơi sửng sốt, cũng sờ sợ.
Lão tự hỏi ai lại đến làng vào cái lúc nguy hiểm thế này.
Nhưng ban ngày ban mặt, lão cũng mạnh dạn ra mở cổng.
Người khách lạ xin lão một ngụm nước, anh bảo đã đi suốt ba ngày đêm ròng rã không nghỉ từ trấn Thanh Đô về đây.
Lão Thìn vội lấy nước cho anh uống.
hai đứa trẻ bị lão nhốt trong nhà mấy hôm nay ló đầu ra, nhìn chằm chằm vào người khách.
Lão Thìn vội quát con, nhưng người khách cản lại.
Anh ta cười thật hiền và cho đứa trẻ hai đồng bạc rất đẹp mắt.
Lão Thìn muốn cản nhưng bị vợ lườm, đành cúi đầu chịu.
Nhà nghèo, đâu thể cứ muốn có thể diện được.
Người khách lạ hỏi chuyện lão về làng gần đây.
Lão Thìn cũng không dấu, kể việc làng có ma, mà khuyên người khách mau rời khỏi.
Nhưng người khách chỉ cười ngỏ ý muốn ở lại nghe câu chuyện của lão Thìn thật kỹ, xong lão sẽ biếu gia đình lão Thìn một số tiền.
Nói rồi, người khách đưa cho vợ lão một xâu tiền dài mà vợ lão đếm có đến hai mươi đồng.
Lão Thìn bắt đầu kể lại chuyện của làng gần đây.
Lão chợt thấy khi nhắc đến vị bộ đầu của quan phủ chết mấy hôm trước, mắt người khách lạ tối sầm lại.
Một nỗi buồn cứ thế trào ra, chảy dài trên khuôn mặt người đàn ông.
Mãi tới lúc này, lão Thìn mới biết người bộ đầu của quan phủ xấu số đấy là em trai của người khách lạ.
Người khách gọi là Lê Thương, anh trai của Lê Dương, người bộ đầu bị giết chết.
Nghe tin em gặp nạn, anh đã chạy vội suốt ba ngày đêm liên tục đến nơi, nhưng rốt cuộc chỉ nghe tin em trai không còn trên đời.
Thấy người khách dường như đã đau đớn khôn cùng, lão Thìn cũng không giục giã, chỉ để anh ta ngồi đó trong yên lặng, và bảo vợ nấu thêm cơm tối.
Rồi lão ra trước vườn hái thêm nạm rau.
Rau muồn cạn nhà lão cũng không tốt lắm, chỉ đủ ăn.
Lão vừa hái được mấy nhúm rau thì lại thấy có một người khách gõ cửa.
Đó là một thiếu niên mảnh khảnh ước chừng chỉ bằng tuổi đứa đầu nhà lão.
Hắn mặc một bộ đạo bào xám rộng thùng thình trông rất buồn cười.
Sau lưng đeo một cái gùi nhỏ xinh xắn bằng mây xanh biếc.
Đạo sĩ nhỏ tuổi giới thiệu mình là Minh Khánh, đến từ chùa Phổ Linh, theo lệnh sư phụ đến đây trừ quỷ cho dân làng.
Vì không thạo đường nên muốn xin lão tá túc mấy hôm.
Thì ra là cao nhân mà làng đã bỏ tiền mời.
Mặc dù không tin đạo sĩ trẻ tuổi có thể sờ được cái lông chân của con quỷ hay không, nhưng lão Thìn vẫn kính cẩn mời đạo sĩ vào nhà, và giục vợ nấu thêm một nồi cơm khác nữa cho hai người khách.
Đạo sĩ nhỏ tuổi đi theo lão vào trong nhà, hơi ngạc nhiên nhìn Lê Thương đang khóc, nhưng cũng không hỏi, chỉ yên lặng ngồi lên một chiếc ghế khác.
Bữa cơm tối nhà lão Thìn chỉ có năm người.
Lê Thương không ăn mà chỉ xin lão Thìn cho ngủ nhờ.
Anh leo lên giường trùm chăn kín mít.
Đạo sĩ Minh Khánh thì ăn cơm với gia đình lão.
Bữa cơm chả có gì nhiều.
Ngoài cơm gạo cũ thì chỉ có đĩa rau muống xào, ít lạc rang với muối vừng, và đĩa cá khô rang mặn ngọt.
Lão Thìn thấy đạo sĩ trẻ có vẻ cũng không kén, ăn bữa cơm giản dị một cách thơm ngọt.
.