Vùng Đất Vô Hình

Chương 104: 104: Cũng Không Thể Níu Kéo





Tiếng đàn bầu thăm thẳm kéo Hoàng Thanh khỏi giấc mộng.

Hắn tỉnh dậy.

Vẫn là bóng tối như thường lệ trong căn phòng ngủ nhỏ bé chỉ có thể đặt một chiếc giường.

Trên người hắn vẫn là chiếc chăn bông hoa sờn cũ quen thuộc.

Hắn hơi duỗi người, cọ cọ vào chăn, cảm nhận được sự thoải mái và mềm mại quen thuộc.

Hắn nhìn lên trần nhà đen kịt, lẳng lặng mà nghe tiếng đàn bầu.

Không biết nằm như thế được bao lâu, mãi cho đến khi một tia sáng xuyên qua cửa sổ gỗ dày chiếu lên khuôn mặt, hắn mới nhớ ra là trời đã về chiều.

Hắn ngồi dậy, lọ mọ tháo chốt cửa sổ, đẩy ra hai cánh dày nặng.

Ánh mặt trời chiều ấm áp phả vào mặt hắn, khiến hắn nheo mày lại.

Hoàng Thanh cứ vui vẻ để cho ánh mặt trời nhảy múa trên mặt, mãi cho đến khi nước mắt ứa ra òng ọng.

Qua làn nước mắt, hắn nhìn thấy rặng tre cao, thấy ánh mặt trời vẫn chói lòa và lấp lánh.

Đằng sau rặng tre là cánh đồng, sau cánh đồng là cả một dòng sông hiền hòa uốn lượn.

Nắng bừng lên óng ánh trên mặt sông.

Nắng mùa thu dìu dịu thổi gió đùa trên lớp thảm lúa xanh vàng.

Tất cả thật quen thuộc với Hoàng Thanh, tựa như những hơi thở của hắn vậy.


Đây là nơi hắn sinh ra, lớn lên và gặp nàng.

Nàng sinh ra ở một nơi khác, theo cha đến đây kiếm sống.

Cha nàng là một người đàn ông cao gầy, lam lũ và có bàn tay khéo léo bậc nhất.

Trong suốt thời gian ở làng, những món đồ gỗ do ông đóng ai cũng khen nức nở.

Danh tiếng của ông vang vọng khắp làng khắp tổng - thợ mộc Đồng Cụ.

Thậm chí những món đồ ông tạo ra, sau này người ta còn bán lại với giá cao gấp đôi so với số tiền thuê ông làm nó.

Người ta biết về thợ mộc Đồng Cụ rất nhiều, nhưng không ai biết đến con gái ông, trừ Hoàng Thanh.

Hắn yêu cái vẻ đẹp chân thành của nàng, khuôn mặt dịu dàng và nụ cười ngây thơ.

Nhất là đôi mắt cong và con ngươi đen láy cứ như hút hồn hắn.

Có lẽ chả bao giờ hắn quên được đôi mắt trong veo ấy.

Tình yêu của hắn và nàng chớm nở rồi lớn lên một cách lặng lẽ và tự nhiên, hệt như những lời tỏ tình ngọng ngịu của hắn cứ mềm mại và dễ nghe hơn theo năm tháng.

Năm hai mươi tuổi, hắn cuối cùng cũng cưới được nàng về làm vợ.

Một đám cưới đơn giản và có phần nghèo túng.

Thế nhưng hắn vui vẻ và sung sướng, vì hắn thấy được ánh cười hạnh phúc trong đôi mắt của nàng.

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi.

Hắn hì hục cặm cụi làm việc, để nuôi sống gia đình, để làm cho nàng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tiếng đàn bầu những lúc rảnh rỗi của nàng trở thành thú vui tiêu khiển duy nhất của hắn.

Bất cứ lúc nào, nghe được thứ âm thanh réo rắt và trong trẻo ấy, mọi mệt nhọc lo toan cuộc sống của Hoàng Thanh như tan biến hết.

Nó cứ như một cơn gió nhẹ, kéo theo những đám mây đen nặng nề phủ kín bầu trời, trả lại vẻ trong xanh vốn có.
Cuộc sống đẹp đẽ và êm đềm ấy chấm dứt vào một ngày cuối thu như thế này.

Nắng cũng đẹp và dịu dàng như thế.

Và cũng là tiếng đàn bầu trong trẻo của nàng.

Nước mắt bỗng túa ra chảy dài trên hai má Hoàng Thanh.

Hắn xuống giường, đẩy cửa phòng ngủ.

Bên ngoài, trên chiếc ghế trước cửa, nàng vẫn ngồi đấy, vẫn đang chơi đàn.

Những ngón tay khéo léo vuốt nhẹ nhàng trên từng sợi dây.


Nàng đưa lưng về phía hắn.

Hắn không nhìn thấy khuôn mặt của nàng, nhưng hắn có thể thấy chúng đang nhăn nheo và suy bại nhanh chóng.

Hắn cũng thấy mái tóc đen nhánh của nàng chuyển trắng rồi rơi lả tả.

Lúc hắn ôm lấy nàng, nàng chỉ còn lại như ngọn đèn heo hắt trước gió.

Chỉ còn lại đôi mắt ướt át nhìn hắn đầy yêu thương và luyến tiếc.

Nàng yêu cuộc sống này, yêu những thời gian sống chung bên cạnh hắn, yêu cả căn nhà nhỏ hạnh phúc.

Nàng nuối tiếc và không muốn rời xa những báu vật đó của nàng.

Giây phút cuối cùng của nàng tựa như một trời thương nhớ và cảm xúc được hiển hiện thông qua đôi mắt tuyệt vời đó.

Và nàng cũng không biết đôi mắt của nàng đã giết chết trái tim người đàn ông của nàng suốt quãng đời còn lại.

Đưa tang nàng rồi, Hoàng Thanh không thể trở lại như trước nữa.

Hắn đuổi theo cha nàng, thợ mộc Đồng Cụ suốt cả phủ lộ Bình An.

Ông ta ốm nặng và hấp hối trong một căn lều nhỏ ở thượng nguồn sông Cả.

Người thợ nổi tiếng và giàu có ấy giờ chẳng còn lại gì ngoài sự đau đớn và nổi cô đơn khôn nguôi.

Để đánh đổi lấy tài năng, giữ lấy truyền thống làm đồ gỗ của gia đình, ông đã chấp nhận giao kèo với quỷ dữ.

Và thế là vợ, rồi bốn đứa con gái của ông cứ thế lần lượt rời đi.

Tuổi thọ của bọn họ liên tục bị đánh cắp mỗi khi ông làm ra một món đồ gỗ tuyệt vời mà ai cũng mê mẩn.
Cho đến khi chỉ còn lại đứa con gái út thì ông mới tỉnh ngộ, bỏ làng bỏ xã mà đi.

Thế nhưng lời nguyền dường như đã ăn sâu vào trong máu của ông.


Đến nơi đâu ông cũng vẫn làm ra những món đồ gỗ xinh đẹp.

Mỗi khi tỉnh lại, nhìn sản phẩm mình làm ra, ông lại khóc lóc thảm thiết vì ông biết ông đang giết chết con gái của chính mình.

Ông cưới chồng cho con gái và trốn lên một vùng xa xôi hẻo lánh không có người.

Hàng đêm ông tự chặt tay mình, nhưng cứ đến sáng, cánh tay đứt lìa của ông lại trở lại và bắt ông làm những món đồ gỗ.

Lúc gặp lại con rể cũng là lúc mà ông thở phào vì kịp nói lời xin lỗi đến Hoàng Thanh.

Ông mất ngay sau khi dặn dò Hoàng Thanh đốt xác ông chứ đừng chôn.

Trong đống lửa cháy rừng rực đó, Hoàng Thanh thấy cánh tay của người thợ mộc cứ nhảy lên và gào thét cho đến khi biến thành một khúc gỗ cháy đen.
*************
Có tiếng ai đó kêu gọi bên ngoài: “Hoàng tướng quân tỉnh rồi.”
“Mau lấy nước.”
“Thầy lang đâu, mau gọi thầy lang…”
Những giọng nói quen thuộc của miền quê kéo Hoàng Thanh trở lại.

Nước mắt hắn ứa ra.

Vậy là hắn vẫn không thể chết được.

Người ta thường nói: Sống khổ đến đâu, cũng còn hơn chết.” Nhưng với Hoàng Thanh, chết là sự giải thoát.

Sống khổ là hàng đêm nằm chung với nỗi cô đơn, nghẹn ngào uất ức.

Và là sự tiếc nuối mênh mông vì đã không thể níu kéo….