Vũ Điệu Của Thần Chết

Chương 1




Khi Edward Carney chào tạm biệt vợ là Percey, anh không hề nghĩ rằng đó sẽ là lần cuối cùng anh được nhìn thấy cô.

Anh trèo vào chiếc xe đang đậu trên một khoảng trống hiếm hoi ở phố Tám mươi mốt Đông trong khu Mahattan của mình và hoà vào dòng xe trên đường. Vốn là người có óc quan sát bẩm sinh, Carney chợt để ý thấy một chiếc xe thùng màu đen đang đậu gần nhà anh. Một chiếc xe thùng với những cửa kính gương phản quang lấm tấm vết bùn. Anh liếc nhìn chiếc xe cà tàng và nhận thấy nó mang biển số bang West Virginia, anh chợt nhớ ra là đã mấy lần nhìn thấy chiếc xe ngoài phố trong vài ngày vừa qua. Nhưng rồi dòng xe trước mặt anh bỗng nhiên tăng tốc. Anh kịp chạy vọt lên khi đèn giao thông vừa chuyển sang màu vàng và hoàn toàn quên bẵng chiếc xe thùng. Trong giây lát anh đã rẽ ra đường cao tốc FDR[1], hướng thẳng về phía bắc.

Hai mươi phút sau, anh nhấc điện thoại gắn trong xe và gọi cho vợ. Anh hơi bồn chồn khi không thấy cô nghe máy. Theo kế hoạch thì lẽ ra Percey sẽ bay cùng anh hôm nay – đêm qua họ đã tung đồng xu để tranh nhau chiếc ghế bên trái[2]trong buồng lái và cô là người chiến thắng, thậm chí cô còn tặng anh một nụ cười đắc chí không lẫn vào đâu được. Nhưng rồi lúc ba giờ sáng nay, cô thức dậy với một cơn đau nửa đầu nhức buốt đến hoa mắt suốt cả ngày không dứt. Sau vài cuộc điện thoại họ đã tìm được một phi công phụ thay thế, Percey uống một viên Fiorinal và quay lại giường nằm nghỉ.

Cơn đau nửa đầu là chứng bệnh duy nhất có thể bắt cô ở lại mặt đất.

Edward Carney – năm nay bốn mươi lăm tuổi, với thân hình xương xương và cao lòng khòng, mái tóc vẫn để húi cua kiểu quân đội – hơi nghiêng đầu, căng tai lắng nghe tiếng chuông điện thoại đang đổ dồn cách đó vài dặm[3]. Chiếc máy trả lời tự động ở nhà bật lên, anh đặt điện thoại xuống giá để ống nghe, bắt đầu thấy lo lắng.

Anh giữ cho xe chạy ở tốc độ chính xác 60 dặm một giờ, căn chính giữa làn đường bên phải; giống như các phi công khác, anh là người bảo thủ khi ngồi sau vô lăng. Anh tin tuởng những phi công khác nhưng lại cho rằng hầu hết dân lái xe trên đường đều là lũ điên rồ.

Trong văn phòng công ty bay dịch vụ Hudson Air Charters nằm trong sân bay khu vực Mamaroneck ở Westchester, một chiếc bánh ngọt đã chờ sẵn. Bà Sally Anne nghiêm nghị và chỉn chu – người thơm nức chẳng khác gì gian bán nước hoa tại một cửa hàng Macy – đã tự tay nướng chiếc bánh để chào mừng hợp đồng mới của công ty. Cài trên đầu chiếc trâm xấu mù hình chiếc máy bay hai tầng cánh bằng kim cương giả do lũ cháu nội tặng từ hồi Giáng sinh năm ngoái, bà nhìn một lượt khắp phòng để bảo đảm là mỗi người trong số hơn chục nhân viên công ty đều đã có phần bánh to bự của mình. Ed Carney ăn qua loa vài miếng bánh và trao đổi về chuyến bay đêm nay với Ron Talbot, cái bụng khổng lồ của người đàn ông này khiến người ta có cảm giác ông ta thích bánh trái, mặc dù thực tế ông ta sống chủ yếu bằng thuốc lá và cà phê. Talbot đảm nhiệm cả hai cương vị giám đốc điều hành bay và giám đốc kinh doanh, ông ta không giấu nổi nỗi lo lắng liệu chuyến hàng có đưa tới nơi kịp thời gian không, liệu khoản tiêu hao nhiên liệu cho chuyến bay được tính toán chính xác chưa, và liệu họ đề nghị mức giá như vậy đã thỏa đáng chưa. Carney đưa nốt cho ông ta chỗ bánh còn lại của mình và bảo ông ta cứ yên tâm.

Chợt anh lại nghĩ đến Percey và bước vào phòng làm việc của mình, nhấc điện thoại lên.

Vẫn không thấy có ai ở nhà nhấc máy.

Giờ thì cảm giác bồn chồn đã trở thành lo lắng thực sự. Những người có con cái và những người có công ty riêng bao giờ cũng phải ngay lập tức nhấc điện thoại đang đổ chuông. Anh dập mạnh ống nghe xuống, thoáng nghĩ đến việc gọi điện nhờ một người hàng hàng xóm qua kiểm tra xem Percey thế nào. Nhưng rồi chiếc xe màu trắng đồ sộ đã dừng lại phía trước cái hangar[4] bên cạnh văn phòng và cũng là lúc bắt tay vào công việc.

Talbot đưa cho Carney cả một chồng tài liệu cần ký, đúng lúc đó anh chàng Tim Randolph trẻ tuổi xuất hiện trong bộ đồ sẫm màu, áo sơ mi trắng tinh và một chiếc cà vạt mảnh màu đen. Tim tự giới thiệu mình là “phi công phụ” và Carney thấy thích như thế. Những “cơ trưởng hàng đầu” bao giờ cũng là người của công ty, những sản phẩm tiêu biểu của ngành hàng không, và mặc dù Carney tôn trọng bất kỳ ai có năng lực thực sự trên chiếc ghế bên phải trong buồng lái, thói tự phụ đã ngăn anh thể hiện điều đó ra ngoài.

Cô nàng Lauren ngăm đen dong dỏng, trợ lý của Talbot, đã mặc chiếc váy may mắn cho buổi tối nay, chiếc váy màu xanh da trời này kết hợp rất hài hoà với gam màu trên logo của công ty Hudson Air – mang hình in nghiêng của một con chim ưng đang bay trên quả địa cầu. Cô ta ghé sát vào Carney và thì thầm, “Giờ thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, đúng không?”.

“Tất cả sẽ ổn thôi”, anh trấn an cô ta. Hai người choàng tay ôm nhau trong giây lát. Sally Anne cũng ôm Carney và đưa cho anh một ít bánh để mang theo trong chuyến bay. Anh thoáng ngần ngại. Ed Carney chỉ muốn lên đường ngay. Tránh xa cái trò ủy mị này, tránh xa những màn nghi lễ, ăn mừng này. Tránh xa mặt đất.

Và anh sớm được toại nguyện. Lơ lửng cách mặt đất hơn ba dặm, điều khiển một chiếc Lear 35A, loại máy bay phản lực tư nhân tuyệt vời nhất từng được chế tạo, hoàn toàn không có những chi tiết rườm rà như tên công ty hay biểu tượng này nọ, ngoài số hiệu đăng kiểm hàng không tiêu chuẩn, toàn thân máy bay óng lên một màu bạc tuyệt đẹp, lấp lánh như một mũi thương thon thả.

Họ bay về phía hoàng hôn đẹp đến ngỡ ngàng – một chiếc đĩa khổng lồ màu da cam hoàn hảo đang chìm dần vào giữa những đám mây mênh mông và bướng bỉnh, hồng và tím biếc, toả những tia nắng rực rỡ lên nền trời.

Chỉ có vẻ đẹp của bình minh mới sánh được. Và cũng chỉ có cảnh sấm chớp mới kỳ vĩ hơn.

Từ nơi cất cánh đế O’Hare là 723 dặm, và họ hoàn thành chặng đường đó trong vòng chưa đầy hai giờ. Trung tâm Kiểm soát Không lưu Chicago lịch sự yêu cầu họ hạ xuống độ cao 14000 feet[5], rồi bàn giao họ cho Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Chicago.

Tim thực hiện cuộc gọi. “Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận Chicago. Lear 94 Charlie Julietgọi từ độ cao 14000 feet.”

“Xin chào, 94 Charlie Juliet”, giọng nói điềm tĩnh một nhân viên Kiểm soát Không lưu sân bay cất lên. “Hạ xuống và duy trì độ cao 8000 feet. Cao kế[6] Chicago mức 37,1. Theo hướng đường băng 27 trái.”

“Đã nghe rõ, Chicago. 94 Charlie Juliet đang chuyển từ độ cao 14000 xuống độ cao 8000.”

O’Hare là sân bay bận rộn nhất thế giới và Trung tâm Kiểm soát Không lưu yêu cầu thực hiện chế độ bay lòng vòng trên khu ngoại ô phía tây thành phố, chờ đến lượt mình hạ cánh.

Mười phút sau, vẫn giọng nói dễ nghe, rành rọt đó cất lên. “94 Charlie Juliet, duy trì hướng 090, xuôi theo chiều gió, hướng đường băng 27 trái.”

“090. 94 Charlie Juliet nghe rõ”, Tim nhắc lại.

Carney ngẩng lên nhìn những chòm sao lấp lánh rực rỡ trên bầu trời đêm màu thép lạnh đẹp lộng lẫy và thầm nghĩ: Nhìn kìa, Percey, tất cả những vì sao đêm…

Và cùng với ý nghĩ đó, trong anh chợt trào lên một cảm xúc thôi thúc rất thiếu chuyên nghiệp, có lẽ lần duy nhất trong toàn bộ sự nghiệp bay của anh. Nỗi lo lắng về Percey bừng bừng trong anh như một cơn sốt. Anh bỗng cảm thấy muốn được nói chuyện với cô một cách tuyệt vọng.

“Cầm lái này”, anh nói với Tim.

“Rõ”, chàng thanh niên trả lời, hai bàn tay nắm lấy cần lái không chút do dự.

Giọng nói từ Trung tâm Kiểm soát Không lưu vang lên, “94 Charlie Juliet, hạ xuống độ cao 4000 feet. Duy trì hướng bay”.

“Rõ, Chicago”, Tim nói. “94 Charlie Juliet đang chuyển từ độ cao 8000 xuống độ cao 4000.”

Carney chuyển tần số trên máy radio để thực hiện một cuộc gọi riêng[7]. Tim liếc nhìn anh với ánh mắt dò hỏi. “Gọi về Công ty”, Carney giải thích. Khi Talbot trả lời, anh yêu cầu ông ta nối máy về nhà mình.

Trong lúc chờ đợi, Carney và Tim thực hiện nốt khâu kiểm tra bắt buộc trước khi hạ cánh.

“Nâng cánh tà hai bên… 20 độ”

“20, 20, đèn xanh:, Carney trả lời.

“Kiểm tra tốc độ”.

“180 knot[8]”.

Trong khi Tim đang nói vào mic của mình – “Chicago, 94 Charlie Juliet, đang giảm dần độ cao, từ 5000 xuống 4000” – Carney căng tai nghe tiếng điện thoại bắt đầu đổ chuông từ ngôi nhà trong khu Mahattan của họ, cách đó hơn 700 dặm đường.

Nhanh lên nào, Percey. Nghe máy đi! Em đang ở đâu vậy?

Xin em…

Trung tâm Kiểm soát Không lưu lên tiếng, “94 Charlie Juliet, giảm tốc độ xuống 180. Liên lạc với Đài Kiểm soát Không lưu sân bay. Chúc vui vẻ.”

“Nghe rõ, Chicago. Tốc độ 180 knot. Xin chào.”

Ba hồi chuông.

Cô âý đang ở chỗ quái nào nhỉ? Chẳng lẽ có chuyện gì không hay?

Cảm giác bồn chồn trong bụng anh mỗi lúc một cồn cào.

Tiếng cánh quạt trong động cơ turbo gầm lên, một âm thanh chói tai. Tiếng động cơ thủy lực rít lên ken két. Tiếng tích điện lách tách trong tai nghe của Carney.

Giọng Tim vang lên rành rọt, “Nâng cánh tà lên 30 độ. Hạ bánh xe xuống”.

“Nâng cánh tà, 30, 30, đèn xanh. Hạ bánh xe. Ba đèn xanh.”

Và rồi, cuối cùng – trong tai nghe của anh – một tiếng cạch khô khan khẽ vang lên.

Giọng nói của vợ anh, “Alô”.

Anh bật cười thành tiếng, thở phào nhẹ nhõm.

Carney đang định trả lời nhưng, trước khi anh cất tiếng, chiếc máy bay bỗng giật mạnh một cái thật khủng khiếp – dữ dội đến nỗi chỉ trong một phần nghìn giây sức ép của vụ nổ đã giật tung bộ tai nghe nặng trịch ra khỏi tai anh và cả hai người đàn ông bị ném thẳng vào bảng điều khiển phía trước. Tia lửa và những mảnh vụn văng tung toé xung quanh họ.

Choáng váng, theo bản năng Carney chụp lấy chiếc cần lái bất động bằng bàn tay trái của mình; bàn tay phải của anh đã bay đâu mất. Anh quay sang phía Tim đúng lúc cơ thể nát bấy và máu me của chàng thanh niên đang dần biến mất qua lỗ hổng há hoác bên sườn thân máy bay.

“Ôi, lạy Chúa. Không, không…”

Rồi toàn bộ buồng lái tách rời khỏi thân máy bay đang vỡ tan và bắn thẳng lên không trung, bỏ lại phần thân, hai cánh và những động cơ của chiếc Lear phía sau, tất cả đều bị trùm trong một quả cầu lửa cháy rừng rực.

“Ôi, Percey”, anh thì thầm, “Percey…”. Mặc dù lúc này đã không còn chiếc mic nào cho anh nói nữa.

Chú thích

[1]Con đường mang tên Franklin Delano Roosevelt – Tổng thống thứ 32 của Mỹ (1933-1945). (Các chú thích của người dịch).

[2]Tức là ghế phi công chính trong chuyến bay.

[3]Dặm: Đơn vị đo khoảng cách phổ biến ở các nước nói tiếng Anh. Tương đương 1,6km.

[4]Nhà để máy bay trong sân bay.

[5]Feet (số nhiều của foot): Đơn vị đo lường khoảng cách phổ biến ở Anh, Mỹ. Một foot tương đương 0,3048 mét.

[6]Thiết bị chỉ độ cao so với mực nước biển, thường gắn trên máy bay, xác định độ cao thông qua chênh lệch áp suất không khí.

[7]Trong khi bay, phi công thường sử dụng sóng radio với tần số chung, để liên lạc với Đài Kiểm soát Không lưu hoặc các máy bay chung quanh, khi muốn liên lạc riêng phải chuyển qua tần số khác.

[8]Knot: Hải lý, đơn vị đo vận tốc dùng trong hàng hải và hàng không để đo tốc độ của tàu, máy bay hoặc gió, tương đương với 1,85 kilomét