Chỉ chớp mắt, mùa đông thứ năm Thâm Hoằng ở thành Tuyên đã tới. Nghe nói, mùa thu năm nay Tú vương theo hoàng đế đi săn thú, bắn chết một con gấu. Sau khi Thâm Hoằng biết thì cảm thấy kinh ngạc. Trước đây thằng nhóc này vừa mới bắt đầu biết chữ, vậy mà nay đã biến thành dũng sĩ. Còn thời gian của cậu lại giống như ngưng trệ, sự tiến bộ năm năm qua chỉ là đọc hết tất cả sách trong cung Ly dưới sự đích thân dạy dỗ của Đoan phi.
Một ngày hừng đông, Thâm Hoằng đột nhiên thức giấc trong giá lạnh, phát hiện lò lửa trong tẩm điện đã tắt. Cậu khoác áo đứng dậy, vừa định gọi người đến nhóm lửa đã nghe thấy trong đình viện có âm thanh vù vù. Thâm Hoằng kéo cửa ra để hở một cái khe nhỏ, gió lạnh bên ngoài lập tức chộp lấy cơ hội mà ùa vào. Sau khi run rẩy, cậu thấy trong đình bao trùm sương lạnh có một bóng dáng di chuyển thoăn thoắt.
Ánh trăng chưa biến mất vẫn giăng đầy đình viện, sương trắng trên mặt đất tỏa sáng lấp lánh. Cậu thiếu niên giống như đạp trên mây mỏng mênh mang, tư thế như đang múa. Sương hoa tựa vô số ngôi sao rực rỡ sống động ở dưới chân hắn, reo hò cho mỗi một lần xoay người và nhảy lên của hắn. Trong tay hắn, hai ánh sáng bạc chảy xuôi, khi thì phiêu diêu như mình sinh cánh hạc, lúc thì lượn vòng như vòng điện quanh thân…
Khó có thể tưởng tượng, người nhanh nhẹn này đã từng bị trói trên băng ghế dài không thể động đậy, bị đánh đến mức máu thịt nhầy nhụa, sinh mệnh héo hon. Thâm Hoằng nghẹn họng nhìn trân trân, mãi đến khi toàn thân run rẩy hắt hơi một cái. Hàm Huyền lập tức phát hiện ra cậu, hai trụ băng đang cầm trong tay quăng ra xa, quỳ xuống trước cậu.
Thâm Hoằng hỏi: “Ngươi ở đây múa đao hay là múa kiếm?”
Ngậm Huyền thấp giọng trả lời: “Bẩm điện hạ, là kiếm.”
“Lấy băng làm kiếm?” Thâm Hoằng mỉm cười.
Hàm Huyền vẫn cúi đầu nói: “Cành cây quá nhẹ ạ.”
Thâm Hoằng đi ra khỏi cửa phòng, nhặt kiếm băng bị ném thành vụn lên xem tường tận. Đó là trụ băng lớn nhất mà Hàm Huyền tìm thấy dưới mái hiên Cung Ly, chỗ tay cầm dùng vải quấn hai vòng. “Là ai dạy ngươi?”
Ngậm Huyền vẫn quỳ trả lời: “Cha của tiểu nhân ạ. Ông là một binh sĩ.”
Thâm Hoằng cảm thấy lòng bàn tay lạnh buốt, vội vàng vứt mảnh băng vỡ này xuống, lại hỏi: “Tay ngươi không cóng à?”
“Cha tiểu nhân từng nói, chuôi kiếm của chiến sĩ biên cương vào mùa đông còn lạnh hơn cả băng.”
Một đám mây bay qua không trung, che phủ ánh trăng của hai thiếu niên lúc sáng lúc tối. Thâm Hoằng thấy trên người hắn tản ra khí trắng mờ mờ, bay ra giữa ánh trăng thê lương. “Cha ngươi đối tốt với ngươi không?” Thâm Hoằng hỏi: “Ông ấy luôn để ngươi luyện tập kiếm thuật trong thời tiết giá rét thế này à?”
Hàm Huyền thành thật trả lời: “Cha tiểu nhân rất tốt với tiểu nhân.”
Trong câu trả lời của hắn không có lấy mảy may do dự, vì thế trong giây phút ấy Thâm Hoằng hơi ngưỡng mộ.
“Đứng lên mà nói đi. Ngoại trừ ná, cung tên và kiếm thuật, ông ấy còn dạy ngươi cái gì?”
“Cưỡi ngựa, trèo cây, bơi lội, thổi sáo, giẫy cỏ, băng bó vết thương, còn có làm nghề nguội[1].” Hàm Huyền thong thả đứng lên cười: “Cha tiểu nhân là con trai thợ rèn. Nhưng khi đó tôi quá nhỏ, không thể học được tay nghề của ông ấy. Những điều trước đây học được cũng đã quên mất rất nhiều.”
[1] Nguội là một phương pháp gia công cơ khí cắt gọt bằng tay, dùng sức người, sử dụng dụng cụ là dụng cụ nguội và vật liệu cần gia công không được gia nhiệt.
“À.” Lúc này Thâm Hoằng mới phát hiện ra khi Hàm Huyền không quỳ xuống, vóc người còn cao hơn mình nữa. Trong lúc lơ đãng Hàm Huyền đã cao lớn như vậy, ngay cả chủ nhân cũng không phát hiện ra. Rất nhiều đêm hắn luyện tập kiếm thuật học được khi còn bé mà không có ai biết.
Thâm Hoằng lặng lẽ bỏ đi, trở về tẩm điện của cậu đóng cửa lại, cả ngày cũng chưa ra.
Ngày hôm sau lúc trăng chiếu vào đình, Hàm Huyền lại mang theo hai trụ băng xuất hiện, kinh ngạc phát hiện chủ nhân của hắn tay cầm một cành cây dài, đứng nghiêm chỉnh.
“Điện hạ?” Hắn muốn hành lễ đàng hoàng với người thiếu niên chững chạc đàng hoàng, nhưng bị Thâm Hoằng ngăn lại.
Thâm Hoằng lãnh đạm nói: “Kiếm thuật của ngươi là từ nhà danh giá, chắc chắn không phải binh sĩ dạy.”
Hàm Huyền cúi đầu thật thấp, không dám trả lời.
“Ta không quan tâm ngươi học được từ đâu, nhưng ta muốn ngươi dạy cho ta. Ngươi có thể làm được hay không?”
Đầu của Hàm Huyền cúi thấp, Thâm Hoằng không nhìn thấy vẻ mặt của hắn, nhưng cậu có thể cảm giác được nô bộc của mình đang khó chịu. Thâm Hoằng đột nhiên nghĩ: vì học tập bộ kiếm pháp này, không biết Hàm Huyền phải trả cái giá lớn đến đâu. Nhưng cậu chỉ dùng một câu nói, Hàm Huyền phải truyền cho… Đầy tớ không thể từ chối yêu cầu của chủ nhân. Đây là khác biệt do thân thế mang lại.
“Ta sẽ không để ngươi làm không công.” Thâm Hoằng cao giọng nói: “Tất cả những người đối xử tốt với ta, ta sẽ báo đáp họ.”
“Không cầu báo đáp là bổn phận của đầy tớ.” Hàm Huyền khom mình tới đất: “Tiểu nhân không thể nào từ chối yêu cầu của điện hạ. Xin thứ cho tiểu nhân thất lễ.” Hàm Huyền nói rồi thực sự bắt đầu kiên trì giảng giải và làm mẫu.
Ngày thứ tư, Hàm Huyền vót một thanh kiếm gỗ đưa cho Thâm Hoằng, nói khi hắn học kiếm lúc còn bé, cha hắn cũng từng gọt một thanh như vậy.
Ngày thứ bảy, lúc hai thiếu niên khoác ánh trăng tập kiếm, Thâm Hoằng thốt nhiên cảm thấy có người đang nhìn mình. Cậu lập tức dừng lại, nhìn về phía bóng tối dưới hành lang. Người trong bóng tối thấy cậu nhìn mình thì chậm rãi đi tới.
Là mẹ của cậu, Đoan phi.
Hàm Huyền lập tức quỳ trên mặt đất, không dám dùng ánh mắt khinh nhờn dung nhan của Đoan phi. Còn Thâm Hoằng không hề sợ hãi trông nàng, phát hiện ánh mắt của nàng đầy sự bất đắc dĩ và thương cảm.
“Theo học con trai của nô tỳ…” Giọng Đoan phi xót xa, dùng tay áo che khuôn mặt, không đành lòng nhìn tiếp.
Nàng chỉ nói một câu nói như vậy rồi xoay người đi, để lại một mùi hương lạnh như băng. Thâm Hoằng hít thật sâu, đó là hương liệu cao quý nàng rất thích sử dụng lúc ở trong cung, ở chỗ này nàng vẫn giữ nguyên sở thích ấy, khiến mây hương quanh người không khác lúc nàng ở trong hoàng cung là bao.
Cho dù ở nơi trời băng đất tuyết hẻo lánh này, nàng cũng chưa bao giờ làm chuyện mất thân phận.
Thâm Hoằng xoay người đưa lưng về phía ánh trăng, nói với người hầu của mình: “Đứng lên, tiếp tục.”
Hàm Huyền không dám nói năng tùy tiện, vừa dạy cậu thức kiếm, vừa cẩn thận phỏng đoán sắc mặt của cậu. Mãi đến khi trăng non lên đến ngọn cây, thời gian học tập của Thâm Hoằng kết thúc vẫn không có chuyện gì đặc biệt xảy ra. Hàm Huyền khom người xin cáo lui, định đến phòng củi làm việc thường ngày của hắn: giúp kiếm củi cắt cỏ, thổi lửa. Đúng lúc này, hắn nghe Thâm Hoằng hỏi: “Nhất định ngươi còn nhớ tướng mạo của cha ngươi chứ. Ông ấy như thế nào?”
Hàm Huyền cung kính trả lời: “Tuy ông ấy là một binh lính nhưng không hề thô bạo. Ông ấy đối tốt với mẹ tôi, cũng đối tốt với tôi, rất hay cười.”
“Có người nói, ta đã từng gặp phụ hoàng ta một lần vào ngày thứ hai sau khi ta chào đời.” Thâm Hoằng dùng kiếm gỗ của mình rẽ sương trắng trên mặt đất: “Cung nữ đã từng nói cho ta biết: hôm đó ông ấy đến xem ta, còn ta mở mắt, mỉm cười với ông ấy.”
Hàm Huyền nhìn hoàng tử trẻ tuổi dưới ánh trăng. Thâm Hoằng không cao, ánh trăng kéo bóng của cậu dài hơn thực tế, nhưng Hàm Huyền không cảm thấy hứng thú. Hắn không nhìn thấy mặt của chủ nhân, song lại trông thấy được nỗi bi thương từ chiếc bóng.
“Không nhớ được tướng mạo của ông ấy…” Thâm Hoằng dường như đang lẩm bẩm: “Sau này chưa từng gặp lại ông ấy nữa.”
Hàm Huyền hoàn toàn không có cách nào xen miệng vào chuyện trong nhà của hoàng gia, cũng không dám thất lễ đi ra, chỉ có thể ngơ ngác đứng thẳng bất động tại chỗ.
“Mẹ của ngươi dạy ngươi cái gì?” Thâm Hoằng lại hỏi.
Hàm Huyền biết hắn không thấy rõ mặt mình nên thản nhiên mỉm cười một cách phức tạp: “Thứ mẹ tôi dạy còn nhiều hơn cha tôi.”
Thâm Hoằng nghịch kiếm gỗ của mình dưới ánh trăng, một lát sau mới nói: “Ta cũng vậy.”
Mùng sáu mỗi tháng sẽ có xe ngựa từ kinh thành đến cung Ly. Người ngồi xe đến là tôi tớ do vương phi Thái An phái tới, bọn họ đưa tới lượng lớn hàng tươi hoặc đồ tiếp tế cho Đoan phi. Đối với vương phi Thái An mà nói, con gái nhỏ trở thành hoàng hậu khiến bà cảm thấy vui vẻ tự đáy lòng, bất hạnh của con gái lớn cũng khiến bà đau lòng nhức óc.
Cung Ly ở thành Tuyên hoang vu suy sút nhưng Đoan phi lại thong dong yên lặng như thếm năm năm qua mỗi một lần xuất hiện đều hoàn toàn không có cảm giác suy sụp, khiến bọn nô bộc nhà mẹ lại thấy khổ thay nàng. Phiền phức duy nhất là lão vương phi không tin lời bẩm báo của bọn họ. Bà không thể tin đúng là cô con gái không chịu thua kém có thể bình yên sống qua ngày ở trong chỗ cung phế như vậy.
Lần này người đi ra từ trong xe ngựa là em trai của Đoan phi. Hắn vâng lệnh của mẹ tới tìm hiểu tình hình thật sự của chị cả. Mẹ của hắn đã bắt đầu hoài nghi mỗi lần bọn hạ nhân đều dùng lời nói dối qua loa tắc trách, thật ra Đoan phi đã sớm bị hại bỏ mình.
Chứng kiến Đoan phi đoan trang đi tới từ sâu trong cung điện u ám, quận vương Vĩnh Ninh trẻ tuổi thở phào nhẹ nhõm: “Nương nương, vương phi Thái An nhớ đến cảnh ngộ của người, sai thần hỏi thăm. Gần đây có việc không hài lòng không? Muốn có thứ gì, muốn gặp người nào hay chăng?”
Đoan phi ngồi nghiêm chỉnh ở trước mặt em trai, đờ đẫn nghe hắn hàn huyên một lúc, bỗng nhiên nói: “Ta muốn mời một vị học trò của họ Lý ở Phồn Dương tới nơi này dạy Lương vương điện hạ tập kiếm.”
Quận vương Vĩnh Ninh giật mình, thở dài nói: “Đây không giống với lời của nương nương… Nếu không có lời đồng ý ngầm trong cung, sao vương phủ có thể phái người đến thăm mỗi tháng được? Hoàng hậu đã mở ra một con đường cho nương nương, lúc này nương nương lại có lòng bồi dưỡng tài năng cho Lương vương, chẳng phải là khiến người vô cớ sinh ra kiêng kỵ ư? Chỉ sợ sau này gặp lại người nhà cũng khó.”
Thấy Đoan phi không nói gì, quận vương Vĩnh Ninh lại nói: “Hơn nữa để người ta đến đây mà bị kẻ bụng dạ khó lường hay được, không biết sẽ sinh ra tin đồn gì nữa. Nương nương cần gì tự tìm phiền phức cho mình?”
“Uyển Tuấn…” Đoan phi chống cằm nói: “Lương vương là con trai của hoàng đế nhưng lại không thể không xin con trai của binh tốt chỉ bảo kiếm thuật.”
Quận vương Vĩnh Ninh cảm thấy áy náy rũ mắt xuống, chậm rãi trả lời: “Chị Uyển Tranh, chị phải biết rằng xưa đâu bằng nay. Trong thành Tuyên, trừ thị vệ ngoài thành có thể đeo đao xách kiếm ra, chớ nói đến thầy dạy kiếm thuật, cho dù là một thanh kiếm, một cây thương cũng không thể cất giấu. Ai biết nếu tìm ra mấy thứ này, người bên ngoài sẽ nói ra sao?”
Đoan phi cười lạnh một tiếng: “Nhu nhược. Uyển Vanh bố thí cho em một chút lợi lộc thì ngay cả dũng khí em cũng đưa cả cho nó giẫm đạp.”
“Ôi! Chị ơi…” Một câu của quận vương Vĩnh Ninh mắc kẹt ở cổ họng chưa nói ra, Đoan phi đã đứng lên bỏ hắn lại mà đi.
Hôm đó Đoan phi giao đồ trong nhà mang tới cho các nơi sử dụng đâu vào đấy, cũng ban thưởng vài thứ lặt vặt cho các cung nữ chuẩn bị ăn Tết. Lương vương nhận được một cái mang câu vàng[2], có thể treo kiếm lên bên hông. Đoan phi tự tay thắt mang câu trên vạt áo của Thâm Hoằng, không nói một chữ. Nhưng Thâm Hoằng nhìn ra nàng đang hạ quyết tâm muốn làm một việc. Khi nàng quyết định, ánh mắt luôn trong suốt lạnh lẽo hơn bình thường.
[2] phần móc trên đai lưng của văn nhân, võ sĩ thời xưa.
Đó là một loại báo hiệu: chuyện nàng muốn làm nhất định sẽ thành công.
Hàm Huyền dạy xong tất cả lộ chiêu thức thì Thâm Hoằng bắt đầu luyện tập một mình.
Hình như Đoan phi biết được việc học tập kiếm thuật của cậu đã kết thúc, nửa đêm hôm đó, Thâm Hoằng bất ngờ phát hiện mẹ đứng trong đình dưới ánh trăng lờ mờ. Cậu lấy làm kinh hãi: quần áo của Đoan phi không giống bình thường mà là một bộ trang phục thợ săn linh hoạt nhanh nhẹn. Nàng vẫy tay với Thâm Hoằng, Thâm Hoằng khó hiểu đi tới bên cạnh nàng.
Đoan phi kéo căng một cây cung. Thâm Hoằng chưa từng thấy người mẹ ung dung trang nhã giương cung lắp tên, bấy giờ như đang trông thấy một người khác ở trong giấc mộng huyền ảo.
Tên của nàng chỉ là một nhánh gỗ vót nhọn đầu, chỗ đuôi đơn giản gắn lông vũ sơ sài, đầu trước không có mũi tên mà buộc một quả cầu vải. Cầu chấm một ít bột ở trong hộp dưới chân nàng. Mắt Đoan phi không chớp lấy một cái nhắm vào bia cỏ phía xa, sau đó nhẹ nhàng buông dây trong tay.
Thâm Hoằng không nhịn được đuổi theo tiếng gió chạy về phía bia cỏ. Mũi tên không thể xuyên qua, “cạch” một tiếng rơi xuống đất, nhưng chính giữa hồng tâm có thêm một miếng phấn trắng. “Nương nương!” Thâm Hoằng không giấu nổi kinh ngạc. Trong thời tiết như vậy cậu gần như không thấy được hồng tâm mà mẹ của cậu lại điềm nhiên như không nhắm thẳng mục tiêu.
“Điện hạ, cái cung này là “Liệt Quỷ”, tên tuy đáng sợ nhưng chả phải cung mạnh. Ta tặng nó cho người.” Đoan phi đưa cung cho con trai, nói: “Từ hôm nay trở đi, mỗi ngày giương cung một trăm lần.”
Từ đó về sau cứ mỗi đêm lạnh thấu xương khó mà ngủ được, Thâm Hoằng đều múa kiếm gỗ của cậu hoặc là giương “Liệt Quỷ” hết lần này đến lần khác. Cậu dần yêu thích hai thứ đồ này hơn chỗ sách mà cậu vuốt phẳng cả trăm ngàn.
Đáng tiếc cuộc sống như thế không kéo dài được lâu, mới ra tháng giêng, trong cung đã có người tới. Trên dưới cung Ly tức khắc kinh hồn bạt vía. Các cung nữ đã không còn dám vọng tưởng có thể trở lại kinh thành, chỉ mong không có tai họa ngập đầu. Chuyện này cũng không phải là lo bò trắng răng. Hoàng đế rất lâu không lập thái tử, mà Lương vương nhiều tuổi nhất trong số chư vương dần dần lớn lên. Mặc dù Tú vương do hoàng hậu sinh ra được người ta yêu thích nhưng Lương vương dẫu ở chân trời góc biển cũng sẽ trở thành ác mộng xa xôi của hoàng hậu.
Có điều Đoan phi đã có dự tính trong lòng, bình tĩnh ở trong điện chính tiếp đãi sứ giả đến từ cung Đan Xuyến. Tên hoạn quan trung niên này hành lễ với Đoan phi và Lương vương xong thì dâng một chiếc hộp chạm trổ, nói: “Hoàng hậu nương nương nghe nói gần đây người muốn có bảo kiếm, đặc biệt ban cho người chuôi “Băng Tiển” này. Kiếm là hung khí, dẫu sao cũng là vật chẳng lành, có thể giấu để thưởng thức, vung lên thì sẽ thấy thương tổn. Hoàng hậu nương nương tha thiết hy vọng người lòng sáng không có dục vọng, tự giải quyết cho tốt.”
Mặt Đoan phi không đổi sắc nhận lấy hộp kiếm, tạ ơn ban thưởng của em gái nàng rồi cười nói với hoạn quan: “Sắc mặt Phan công công không tệ, chắc hẳn hoàng hậu nương nương không xử bạc với ông.”
Hoạn quan họ Phan cười theo trả lời: “Hoàng hậu nương nương nhân hậu, đối xử với mọi người đều rất tốt.”
“Vậy sao?” Đoan phi lạnh lùng hừ một tiếng: “Sao ta nghe nói, người bên trong cung của ta trừ ông từng bước thăng chức ra thì những người còn lại đều tứ tán bảy rơi tám rụng nhỉ?”
Phan công công ngượng ngùng cười gượng hai tiếng, không nói thêm nữa, vội vàng cáo từ.
Thâm Hoằng hiểu rõ ý của việc ban kiếm, cúi đầu nói: “Hoàng hậu nương nương dùng chuyện này uy hiếp người, không cho phép người hành động thiếu suy nghĩ ư? Nguyên nhân là bởi vì con sao?” Tinh thần cậu ủ rũ, cảm thấy về sau sợ rằng không thể tùy theo ý mình làm chuyện cậu thích thế nên khó nén thất vọng.
Đoan phi đặt tay lên vai con trai, vẫn mỉm cười đẹp đẽ: “Chuyện này không thể coi là uy hiếp. Bởi vì ta hoàn toàn không cảm thấy sợ.” Nàng mở cái hộp, rút bảo kiếm ra đưa cho Thâm Hoằng, nói: “Tên của nó là Băng Tiển, là một thanh kiếm tốt. Điện hạ phải thật trân trọng.”
Băng Tiển danh xứng với thực, giống như lấy băng lạnh vạn năm để chế tạo, giống như tơ lụa trơn mịn, như đĩa đèn lay động trong điện, ánh sáng phản chiếu ở trên người nó cũng chói mắt như sao băng vậy. Thâm Hoằng thích nó đến nỗi không nỡ buông tay, sau này duy chỉ có một lần đưa nó cho người khác là mẹ của cậu. Sau khi Đoan phi nhận kiếm, dùng nó chém đầu một cô gái, chính là kẻ sai người ban kiếm cho nàng, sau này được gọi là hoàng hậu Hoài Mẫn, em gái Tố Uyển Vanh của nàng.