Vân vĩ lang dẫn đầu trong việc đào đất móc hột đào,
tất nhiên là hạ nhân trong Vân phủ cũng không dám chậm trễ, đều nhào vào làm
theo gia. Dưới trời nắng nóng, hậu viện Vân phủ bị đảo lộn tùng phèo như cái
nồi bánh chẻo, hơn mười người chen chúc nhau, ai nấy xắn ống quần, khom lưng
lục lội tìm kiếm.
Trời không phụ lòng người, trước khi mặt trời xuống
núi, cuối cùng một người nào đó đã đào ra một cái hột đen sì sì trong góc
tường. Vân vĩ lang cũng không ngại bẩn, tiếp lấy hột đào còn dính lấm lem bùn
đất, tìm một chỗ phong thủy tốt cạnh cái ao nhỏ rồi chôn xuống, lấp đất lên.
Sau đó lại kiếm vài hòn đá cuội, sắp một vòng quanh chỗ lấp hạt đào.
Lúc này, Măng Tây Cải Trắng cũng chạy chậm chậm đến
hậu viện giúp vui, nhìn thấy một nắm đất mới lấp bên cạnh ao nước, hưng phấn
sủa lên mấy tiếng, âm thanh vang vọng khắp nơi. Vân vĩ lang xem một hồi, đột
nhiên híp mắt cười, nói với hai con chó ngao nhỏ: "Chỗ này có bọn ngươi
canh rồi."
Măng Tây Cải Trắng nghe vậy sửng sốt, dường như hiểu ý
chủ nhân, lại ngẩng cao đầu sủa thêm vài tiếng, đắc ý chạy vòng vòng quanh chỗ
lấp hạt đào.
Vân Trầm Nhã xoay người lại, nhìn lướt qua hạ nhân ở
hậu viện, giọng không nhanh không chậm: "Chỗ đất này, thường ngày các
ngươi cũng đừng động đến nó. Không tưới nước, không bón phân."
Mọi người nghe vậy đều sửng sốt, trên mặt đều hiện lên
vẻ nghi hoặc. Giây lát sau, lão quản gia bước từng bước lại, hỏi: "Đại
công tử, nếu không tưới nước bón phân, chỉ sợ..."
Lời còn chưa dứt, đã nghe thấy Vân vĩ lang cười khẽ
một tiếng, hai mắt gợn sóng một cách gian tà: "Ta chính là muốn xem cái
“chỉ sợ” ấy." Nói xong Vân Trầm Nhã giũ giũ áo choàng, xoa xoa tay bỏ đi,
Măng Tây Cải Trắng như phụ họa chủ nhân, cũng hướng về phía hạ nhân sủa vài
tiếng, khoan khoái chạy theo Lang chủ tử.
Sau hoa viên, những hạ nhân có mặt tại đó đều ngẩn ra
khó hiểu. Tư Không Hạnh đi ngang qua, hỏi đã xảy ra chuyện gì. Lão quản gia đem
sự tình kể lại, Tư Không Hạnh suy tư một hồi rồi nói: "Vậy cứ nghe theo
lời Đại công tử, không tưới nước, không bón phân, thường ngày các ngươi đến
chăm sóc vườn hoa, cứ tránh chỗ này ra là được rồi."
Lão quản gia nghe mà sửng sốt, nhanh nhẩu nói tiếp:
"Dưới chỗ đất này là một hạt đào, mặc dù có thể nảy mầm, nhưng nếu không
tưới nước, không chừng mấy ngày nữa cũng sẽ chết."
Tư Không Hạnh nói: "Đại công tử đã nói là muốn
xem 'Chỉ sợ', chính là muốn xem thử nếu không tưới nước bón phân, hạt đào này
còn có thể mọc lên cây đào, nở ra hoa đào hay không." Nói xong, hắn chợt
thấy mấy từ "mọc thành cây đào, nở ra hoa đào" này như có thâm ý
khác. Trong lòng Tư Không Hạnh run rẩy, cảm thấy dường như mình đang nói điều
không phải sau lưng Vân vĩ lang, xấu hổ cuống quít ho khan hai tiếng, sửa vạt
áo lại bỏ đi.
Mới đi được chưa đầy hai bước, lại nghe lão quản gia
phàn nàn sau lưng: "Ta làm quản gia nhiều năm như vậy cũng không thể đoán
ra tính khí vị Vân đại công tử này. Lần trước hắn bảo hạ nhân hầm canh,
mỗi ngày sớm tối gì cũng hầm ba lượt, kết quả hầm ra rồi, hắn lúc thì chê nhiều
dầu mỡ, lúc thì chê thiếu muối. Nói đến mới nói, đầu bếp trong phủ cũng là ngự
trù trong cung, bị hắn kén cá chọn canh mấy chục chén canh Bách Quán sơn. Sáng
hôm nay rốt cuộc hầm ra một bát hợp khẩu vị của hắn, hắn lại không uống, bảo
gói ghém cẩn thận cho hắn mang đi ra ngoài, hỏi hắn làm gì, hắn nói là cho thỏ
ăn. Aizz, ta thật cảm thấy quái lạ...Trên đời này làm gì có con thỏ nào uống canh
Bách Quán sơn đâu chứ..."
Đã nhiều ngày nay mỗi ngày Thu Đa Hỉ đều đến khách
điếm Thư gia cắm cọc từ giờ Thìn đến giờ Thân để tìm thân ảnh của Phương Diệc
Phi. Nhưng tất nhiên là không thấy bóng dáng Phương Diệc Phi đâu cả, Thư tiểu
Đường thấy nàng ngồi canh một mình buồn chán, nên mỗi ngày ở lại nói chuyện với
nàng một hồi.
Thư Đường từ nhỏ đã biết người biết mình, lúc đó cô
nương nàng còn nhỏ, nên khó có bạn thân chốn khuê phòng. Khi nàng đến tuổi, mặc
dù cũng được đến học đường dành cho nữ tử, nhưng vì tính tình của nàng quá thật
thà, lại không thích bôi son trát phấn, trâm cài lược giắt, quần là áo lụa, nên
không hợp với các cô nương cùng học đường. Ở học đường nửa năm, một cuốn Nữ
Giới kinh đọc riết mới được nửa cuốn, mấy năm nay lại cũng đã quên không ít,
chỉ nhớ mỗi một câu "Khiêm nhượng cung kính, tiên nhân hậu kỷ". (Tạm
dịch: Khiêm nhường cung kính, tổ tiên sẽ phù hộ). Mà
phần sau của Nữ Giới kinh có giảng về lễ nghĩa đối xử giữa vợ chồng, về dung
nhan của nữ tử..., nàng đã quên không còn một mảnh, thế cho nên dù đã qua tuổi
mười bảy, nàng vẫn cả ngày mặc y phục vải thô dân dã. Hỏi nàng vì sao, nàng chỉ
cười hắc hắc đáp lại một câu: "Mặc loại xiêm y này làm việc mau lẹ
hơn."
Về phương diện này, Thu Đa Hỉ và Thư Đường đúng là kẻ
tám lạng người nửa cân. Có lẽ vì nàng là con gái độc nhất của Đại tướng quân
Thu Phi, kế thừa phong phạm cha ông, nên từ nhỏ tính cách của nàng đã mang theo
khí khái nam tử, nữ hồng trang điểm môn nào cũng dở, nhưng ngược lại kỵ xạ múa
kiếm môn nào cũng tinh thông.
Nhưng nói cho cùng, có câu: trên đời này, dù nữ tử có
thô tục, không biết chưng diện đến đâu đi chăng nữa, trong lòng cũng đều ít
nhiều gì khao khát được gặp gỡ một đấng phu quân tốt. Thư Đường và Thu Đa Hỉ
cũng không ngoại lệ, đến tuổi dậy thì, tự nhiên sẽ có tâm sự nữ nhi chốn khuê
phòng ấy.
Thư Đường bận tâm lo nghĩ nhất là chuyện hôn nhân, mắt
thấy mình đã mười bảy tuổi rưỡi mà vẫn chưa tìm được một bóng người nào là lang
quân phúc hậu thật thà như bản thân vẫn hằng ao ước. Còn Thu Đa Hỉ ỷ mình từ
nhỏ đã gặp phải hoa đào nhiều hơn so với Thư tiểu Đường, nên đem từng chuyện
một mà sổ ra với Thư Đường. Thân phận Thu Đa Hỉ đặc biệt nên ở trước mặt Thư
Đường chỉ dùng tên giả là Thu Lai Hỉ, lúc kể lể về những đóa hoa đào, tất nhiên
cũng che giấu đi thân phận chân thật của mấy đóa hoa đào này.
Thật ra những vị công tử mà nàng đề cập đến, đều được
sửa lại thành người của Nam Tuấn quốc, bao gồm cả những cái tên nổi đình nổi
đám của Anh Triêu quốc mà ai nấy đã sớm nghe nhiều đến nỗi thuộc lòng.
Đầu tiên phải nói đến một người có thân phận cực cao,
thanh danh vang dội, đó chính là Nhị hoàng tử Anh Cảnh Phong của Anh Triêu
quốc.
Nói đến đóa hoa đào này của Thu Đa Hỉ, lại phải nhắc
lại chuyện hoàng tộc Anh Triêu quốc. Anh Triêu quốc lãnh thổ rộng lớn, địa linh
nhân kiệt, hoàng tử hoàng tôn gì ai nấy cũng đều vô cùng tuấn mỹ. Dưới gối
đương kim hoàng thượng Chiêu Hòa đế có Đại hoàng tử Anh Cảnh Hiên cùng Nhị
hoàng tử Anh Cảnh Phong, dung mạo như thần tiên hiện thế. Năm xưa Nam Tuấn quốc
lưu truyền một quyển bút ký tiểu thuyết, tựa đề Cuộc Ước Hẹn Trong Bụi Hoa của
Tuyệt Sắc công tử, càng tâng bốc phóng đại dung mạo kinh diễm tuyệt thế độc
nhất vô nhị của vị Đại hoàng tử này.
Hai vị hoàng tử không những tướng mạo đều xuất sắc, mà
địa vị lại cao không ai bằng. Đại hoàng tử Anh Cảnh Hiên là con chính thất, mẫu
hậu chính là đương kim hoàng hậu, nói cách khác, ngày sau ngôi vị Hoàng đế của
Anh Triêu quốc chính là của hắn. Thân sinh mẫu thân của Nhị hoàng tử là một quả
phụ, không có danh phận địa vị gì cả. Tuy cùng là hoàng tử, cùng ôm một bụng
văn thao võ lược, nhưng bằng vào thân phận của hắn, tối đa cũng chỉ là một
Vương gia mà thôi.
Thu Đa Hỉ gặp hai vị hoàng tử này nhân một lần trong
cung chiêu đãi yến tiệc, năm đó nàng chỉ mới có sáu tuổi, nhưng đã rất có năng
khiếu. Dự yến tiệc được một hồi, nàng tự nhận mình không có khả năng theo đuổi
Đại hoàng tử được người người tôn sùng, nên lại nghiêng về phía Nhị hoàng tử
Anh Cảnh Phong phong lưu bay bướm. Năm ấy tuy Đa Hỉ cô nương còn trẻ, nhưng
thập phần thông minh, nàng hiểu rằng nếu không có người làm chỗ dựa ở phía sau,
cho dù nàng có cùng Nhị hoàng tử tự định chung thân, cuối cùng cũng có thể sẽ
bị ép buộc mà chia ly. Nghĩ xong, nàng liền đi tìm vị Đại hoàng tử tôn quý,
ngày ngày làm ầm ĩ bắt hắn phải giúp nàng cầu hôn.
Đại hoàng tử Anh Triêu quốc Anh Cảnh Hiên, cho đến bây
giờ vẫn không phải là người tốt. Hắn lấy chuyện này làm trò vui, ngày ngày đều
dẫn Đa Hỉ muội muội đi gặp Cảnh Phong ca ca. Sắp xếp cho hai người ở cùng một
chỗ, còn bản thân Anh Cảnh Hiên thì ngồi một bên, khi thì trừng to mắt xem, khi
thì ôm bụng cười ha hả.
Nói tiếp, đây cũng là một bi kịch. Lúc đó Đa Hỉ muội
muội, sau lưng cài cung giăng nỏ, trên người mặc một bộ nam trang, giọng nói
thì lỗ mãng thô kệch, nhìn thế nào cũng đều là một tiểu nam hài có bộ dạng
thanh tú. Nhị hoàng tử tự nhiên cũng xem hắn là huynh đệ, cả ngày cùng hắn kỵ
xạ so kiếm, kề vai sát cánh, không chút nào kiêng kỵ. Thu Đa Hỉ thấy hai người
chân tay tiếp xúc thân mật như thế, cho là tình này còn bền cứng hơn vàng, thâm
sâu hơn biển. Sau đó có một ngày, nàng cảm thấy thời cơ đã chín muồi, liền lục
lọi tìm ra được một bộ váy áo xinh đẹp, bày ra bộ dáng tiểu cô nương nũng nịu,
đến bày tỏ với Nhị hoàng tử.
Ai ngờ, một cuộc bày tỏ này dẫn đến một trận hỗn loạn,
liên lụy đến các tiểu oa nhi khác, liên lụy đến vị Đại hoàng tử Anh Cảnh Hiên ý
nghĩ xấu đầy mình kia phải chịu nếm trải qua đau khổ.
Thu Đa Hỉ kể câu chuyện hoa đào này đến đây, bỗng dưng
ngừng lại. Nàng khoát tay, đau lòng kết luận: "Tóm lại, sau đó chuyện
vô cùng hỗn loạn. Sau này có cơ hội ta sẽ kể tiếp cho ngươi nghe. Dù sao vị
công tử ta chấm trúng kia lại không coi trọng ta, chuyện này làm ta rất buồn
bực, vẫn còn chưa nguôi ngoai, sau này nếu có thể tái kiến vị công tử nọ, ta
nhất định phải hỏi rõ ràng hắn mới được. Ừm, ca ca của vị công tử kia đúng là
một con rùa đen hư hỏng khốn kiếp, lúc đó ta mới sáu tuổi đã gặp qua thứ yêu
quái là hắn rồi, cho nên sau này bất kể gặp phải chuyện gì ta cũng đều vô cùng
bình tĩnh."
Bởi vì đề cập đến tên Đại hoàng tử lòng dạ hiểm độc
kia nên Thu Đa Hỉ sức cùng lực kiệt không thể kể hết chuyện tình cánh hoa đào
đầu tiên của mình. Nàng ngẩng đầu thấy sắc trời đã tối dần, đành đứng dậy cáo
từ, nói với Thư Đường rằng ngày mai nàng sẽ kể về một câu chuyện thanh mai trúc
mã khác của mình.
Thư tiểu Đường vừa hóng hớt được một câu chuyện tình
chân thật, lâm li, sống động như vậy, cảm thấy rất là mới mẻ, nhớ kỹ trong đầu,
tính ít hôm nữa nhàm chán sẽ lôi ra suy nghĩ tìm tòi mà học tập.
Thu Đa Hỉ đi không lâu thì Vân Trầm Nhã liền tới.
Vân vĩ lang muốn xếp người mai phục trong khách điếm
Thư gia, cho nên nhiều ngày nay hắn đều thường xuyên lui tới. Hắn cũng thăm dò
thói quen lúc nào trong ngày thì Thu Đa Hỉ hay lui tới, mỗi ngày cứ đến thời
điểm đó thì hắn tránh đi.
Thường ngày, Vân Trầm Nhã khi thì tán gẫu với Thư Tam
Dịch, khi thì đến khách điếm phẩm rượu, không phải lúc nào cũng đều tìm Thư
Đường. Vả lại gần đây Thư tiểu Đường cũng bận rộn, cả ngày khi thì vẩy nước
giải nhiệt năm ba bận, khi thì ngồi tán gẫu cùng khách dăm canh giờ, còn phải
luyện "Cầm kỳ thư họa", cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi lắm.
Vân Trầm Nhã nghe nói Thư Đường ở nhà nghiên cứu
"Cầm kỳ thư họa", liền nổi hứng chí lên. Phe phẩy cây quạt đến hậu
viện, bên chiếc bàn đá dưới giàn nho, quả nhiên bày ra la liệt giấy bút thượng
vàng hạ cám, lại còn có một cây kèn Đán sáng bóng. Vân vĩ lang thấy kèn Đán,
ánh mắt phát sáng, cầm lấy đứng lên, thưởng thức một hồi rồi hỏi: "Ngươi
biết thổi kèn này?"
Thư tiểu Đường chớp mắt mấy cái "Ta nghe nói đánh
đàn khó lắm, nên suy nghĩ muốn chọn học một loại nhạc khí nào đơn giản
hơn."
Vân Trầm Nhã nghẹn một bụng cười, lại hỏi: "Vậy
vì sao lại chọn kèn Đán?"
Thư Đường đứng dậy, lưng thẳng tắp, một tay đỡ một tay
nâng trước bụng, cười hắc hắc nói: "Năm ngón tay ta không linh hoạt nhưng
hơi của ta rất dồi dào."
Vân vĩ lang sửng sốt, cả kinh bật cười. Nhưng ý cười
vọt đến khóe miệng đã bị hắn thu lại, vẫn tỏ vẻ vô cùng cởi mở. Thư Đường xưa
nay là người hay vui lây, thấy Vân Trầm Nhã cao hứng, nàng cũng cao hứng, nhếch
môi cười rộ lên.
Dưới giàn nho xanh mượt, hoa mai lững lờ, nữ tử trước
mắt dù y phục thô sơ nhưng nét mặt cười tươi như hoa.
Vân vĩ lang thấy nụ cười của nàng, trong lòng cũng
tràn đầy tư vị khác lạ. Hắn nhặt lên một quyển sách trên bàn, tựa đề Trang Từ,
thuận tay lật vài trang, bên trong toàn là xanh xanh hồng hồng các loại tình
yêu oán hận của tiểu thư khuê các.
Thư Đường chỉ vào quyển sách nói: "Hôm nọ ta đi
mua thi thư, lão chưởng quỹ thi thư nói với ta hễ là nữ nhi thì phải đọc cái
này. Ta cảm thấy bản thân mình không đủ thông minh, tính mỗi ngày học thuộc hai
bài, mai mốt đi xem mắt cũng có thể gia tăng thêm chút tài văn chương."
Vân vĩ lang đong đưa cây quạt ngồi xuống. Khép sách
lại, ngón tay gõ lên mặt sách một cái: "Ta nghĩ, cho dù là nữ tử, nếu thật
sự muốn đọc thơ đọc sách, cũng nên đọc một cách cởi mở thoải mái, không nên câu
nệ bó buộc trong mấy thứ tình cảm của tiểu nữ nhi khuê các này. Dù sao vạn vật
trên thế gian này, chỉ có dùng tấm lòng rộng rãi mà nhìn, độ lượng, ung dung,
mới có thể nhìn ra bản chất bên trong sự thiên biến vạn hóa của vấn đề, sự gian
khổ bên trong một tâm trí kiên định."
Nói vừa xong, bản thân Vân Trầm Nhã cũng thầm cảm thấy
kỳ lạ một chút. Xưa nay hắn trước mặt người khác đều là bảy phần không đứng
đắn, không ngờ mới vừa rồi lại không cẩn thận trong tích tắc, nói ra lời nói
đứng đắn nghiêm túc như vậy.
Thư Đường mặc dù không thể hoàn toàn nghe hiểu được,
nhưng vẫn cảm thấy được lãnh giáo rất nhiều, nàng nhìn quyển sách kia, ngoan
ngoãn gật đầu nói: "Vân quan nhân có kiến thức hơn nhiều so với ta, nói
lúc nào cũng đúng. Vân quan nhân, ngươi bảo ta nên đọc cái gì, ta sẽ đọc cái
đó." Nói xong, nàng lại đem giấy Tuyên Thành và bút lông cừu đặt trước mặt
Vân Trầm Nhã, ngượng ngùng nói "Nhưng bài học hôm nay không thể hủy bỏ,
Vân quan nhân ngươi viết giùm hai câu để ta học thuộc đi?"
Vân Trầm Nhã trầm mặc một lát, tiếp lấy bút. Vốn định
viết một câu thơ ngụ ý xa xôi tinh tế về sự tĩnh dật, nhưng đôi mắt vừa thoáng
nhìn cảnh sắc đám mây lững lờ trôi trên bầu trời, vừa thoáng nhìn thấy nốt ruồi
nơi khóe mắt sóng sánh của Thư Đường, tâm tư hoảng hốt, viết xuống giấy một câu
"Bán túy bán tỉnh nhật phục nhật, hoa lạc hoa khai niên phục niên” (Tạm
dịch: Nửa tỉnh nửa say ngày qua ngày, hoa rơi hoa nở năm liền năm.)
Thật ra trước câu thơ này còn có một câu "Tửu
tỉnh chích tại hoa tiền tọa, tửu túy hoàn lai hoa hạ miên”(Tạm
dịch: Tỉnh rượu thấy mình ngồi trước hoa, say rượu thấy mình ngủ cùng hoa.)
Mà lúc này hắn ngồi ở đây, cũng không biết trước mắt
là người hay hoa.
Sau khi viết ra những lời này, Vân Trầm Nhã ngẩn
người, không nói gì nữa, chỉ ngắm nhìn Thư Đường. Thư Đường xem câu thơ này như
bảo bối. Nàng cầm trang giấy trong tay, chăm chú đọc tới đọc lui hai ba lần,
rồi cẩn thận từng li từng tí cất vào trong tay áo.