Vô Hạ

Chương 4: Mèo quýt




Vì được bao quanh bởi núi nên dường như trường Trung học số 1 của huyện Đồng cũng trở thành nơi cư trú của mấy động vật nhỏ, có không ít chim chóc và mèo hoang, thậm chí thỏ cũng định cư ở đây.

Có một cái chòi cao trên ngọn đồi phía sau dẫn đến trường học. Mỗi buổi sáng hoặc chạng vạng tối đều có thể thấy không ít học sinh lên đó đọc diễn cảm, học thuộc lòng, có người còn ngồi xổm xuống cho mấy bé động vật ăn thức ăn thừa xin được từ nhà ăn.

Gió mùa đông lạnh thấu xương, người lên chòi cao cũng thưa thớt dần, đến cả mấy chú thỏ đen có thể ngồi cả ngày trên đó cũng mất hút mấy ngày nay.

Vì dạo này phải chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ nên mấy sáng nay tôi chỉ vớ đại một cái bánh mì rồi chạy vội tới lớp để ôn bài.

Hôm nay trời còn chưa sáng hẳn, mơ hồ thấy được vài ngôi sao lấp lánh, tôi thì đã ngồi vào chỗ của mình từ lâu, chuẩn bị bắt đầu học thuộc lòng.

“Meo~ meo~”

Tâm tình vốn đang bồn chồn vì thi cử lại tự dưng có tiếng mèo kêu không dứt không biết từ đâu ra nên càng thêm gắt gỏng, song vẫn thấp thoáng sự lo lắng. Tôi tiện tay cầm chiếc bánh mì trên bàn lao xuống lầu định tìm hiểu xem thế nào.

Tôi lần theo âm thanh đi đến chòi cao ở ngọn đồi sau trường, chợt thấy một chàng trai đang ngồi xổm trên mặt đất không biết đang làm gì. Từ bóng lưng, tôi nhận ra đó là Hạ Thành.

“Mimi ngoan nào, sẽ ổn nhanh thôi.” Trước mặt Hạ Thành là một con mèo quýt, do trời sinh tính tình lười biếng lại thích làm nũng nên được học sinh trong trường gọi bằng một cái tên thân thiết là Mimi.

Tôi bước tới, thấy tay Hạ Thành cầm băng vải, cậu ấy đang băng bó cho Mimi.

“Hạ Thành, Mimi bị sao vậy?”

Hạ Thành ngẩng đầu, trong mắt là vẻ ngoài ý muốn: “Ngô Ưu à em, không biết chân nó bị cái gì làm bị thương, cứ kêu mãi thôi, chắc là đau lắm. Tôi mới tới mượn giáo viên phụ trách phòng y tế mượn mấy thứ này băng bó cho nó.”

“Nhưng anh có thể nhờ giáo viên môn sinh mà, sao phải tự tay làm làm gì, nhỡ bị nhiễm khuẩn hay gì thì sao?”

Thấy ánh mắt khó hiểu của tôi, anh ấy cười ngại ngùng: “Giờ còn sớm quá, thầy dạy sinh còn chưa tới. Vừa hay ba tôi là bác sĩ thú y, lại thường xuyên tiếp xúc với những động vật nhỏ này nên tôi cũng biết sơ cứu một chút. Nghe thấy nó kêu nên tôi mới tới đây xem thử, ai ngờ cô nhóc này bị thương thật.”

Một tay anh khẽ vuốt lông mèo. Dưới cái vuốt ve của anh ấy, Mimi tỏ ra thư thái muôn phần. Tôi cũng ngồi xổm xuống xé bánh mì cho nó ăn.

Mặt trời chầm chậm ló rạng, đó là ánh nắng hiếm hoi giữa trời đông buốt giá.

Nắng sớm chậm rãi rọi xuống thiếu niên trước mắt tôi, anh bế Mimi lên, nhận lấy bánh mì trong tay tôi rồi hướng dẫn tôi đút cho mèo ăn.

“Hạ Thành, anh không lo lắng cho kỳ thi sắp tới ạ? Những lúc như thế này mà sao anh vẫn nghĩ tới việc giúp Mimi?” Tôi vẫn cảm thấy khó hiểu.

“Bởi vì tôi sợ các bạn khác ai cũng cho rằng sẽ có người tới giúp, cuối cùng Mimi không được chữa thương kịp thời, như vậy thì tiêu. Thế giới này chẳng còn bao nhiêu dịu dàng, có thể giúp được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu vậy.”

Giọng nói biếng nhác của thiếu niên từng chút từng chút chạm vào trái tim tôi, lúc ấy không có ánh trăng mà sao nơi này lại sạch sẽ sáng ngời đến vậy.

“Chẳng phải em cũng mang bánh mì tới cho Mimi ăn sao. Cho nên chúng ta đều đang nỗ lực để thế giới này trở nên tốt đẹp hơn còn gì.”

Tôi sửng sốt, lòng tốt vô tình được anh ấy miêu tả thành những gì tốt đẹp, không biết tại sao sống mũi tôi chợt cay cay.

“Mau về lớp học bài đi, tôi sẽ ở đây chờ giáo viên tới rồi giao Mimi cho thầy cô phụ trách.”

Tôi quay về lớp mình, luyện tập câu “Cảm ơn anh, Hạ Thành” ngàn vạn lần trong lòng nhưng cho tới tận khi chúng tôi chia tay vẫn chẳng thể nào thốt ra thành lời.

Trên người thiếu niên ấy là mùa xuân tươi đẹp, nơi đó có núi, có biển mà tôi chưa từng được thấy.

“Hẹn ước mùa xuân

Ánh sao lấp lánh truyền tải tần suất tim đập,

Tốc độ hoa anh đào rơi xuống là khoảng cách nhớ nhung.

Tôi cầu nguyện dưới ánh trăng,

Nguyện được bước vào thế giới của người.

Gió ấm thổi mãi không bay trái tim hồng,

Mỗi lần vô tình gặp gỡ đều do tôi tỉ mỉ thiết kế nên.

Tôi mong chờ lần sau,

ngày có hẹn với mùa xuân.”