Vinh Hoa Phú Quý - Phủ Thiên

Chương 348




Trần Thiện Chiêu thở phào nhẹ nhõm khi biết Vương Lăng sinh hạ con trai, mẫu tử bình an. Chưa cần xét đến tình cảm đồng cam cộng khổ giữa Chương Hàm và Vương Lăng, nếu Vương Lăng có gì bất trắc, Yến Vương Trần Thiện Duệ tất nhiên phải cưới kế phi, khi đó những tướng lãnh trong quân vốn chưa tìm được cơ hội chỉ sợ sẽ xua người đến như xua vịt, tình hình hỗn loạn thế nào thật khó nói. Xét về điểm này, Trần Thiện Chiêu thậm chí cảm thấy bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo toàn cho Vương Lăng. Hiện giờ mẫu tử đều bình an, dĩ nhiên là tin tức tốt đến mức không thể tốt hơn!

Sau khi Phó thị hồi cung, Trần Thiện Chiêu đến Khôn Ninh Cung dò hỏi nguyên do sự việc, biết Phó thị bảo Chương Hàm tạm ở lại phủ Yến Vương chăm sóc Vương Lăng, anh cảm giác có vấn đề gì đó không thích hợp. Rốt cuộc cho dù là sinh non, Trần Thiện Duệ mừng được quý tử chắc chắn sẽ rất cao hứng, dù thê tử đang ở cữ thì đi vào trò chuyện với thê tử cũng thực tự nhiên, vì sao phải cần Chương Hàm bên cạnh? Do đó, anh không nhịn được sai Lộ Khoan đi phủ Yến Vương một chuyến, đến sau giờ Ngọ hôm nay đã nhận được tin tức xác thực.

Buổi tối trước một ngày Đỗ Trung lén lút đến gặp Trần Thiện Duệ, ở lại thật lâu. Sau đó khi Trần Thiện Duệ gấp rút sai người đi Thái Y Viện mời Ngự y rồi gõ cửa cung báo tin, Đỗ Trung mới chật vật rời khỏi phủ Yến Vương. Không chỉ thế, ngay sáng hôm nay Đỗ Trung vội vội vàng vàng ra Kim Xuyến Môn lên thuyền, bởi vì gã là quan viên phụng chỉ ở lại kinh thành, lại có tín phù nên không ai ngăn cản!

"Đột nhiên khác thường tức là chột dạ, chắc hẳn Đỗ Trung lại đi mê hoặc Tứ đệ, kết quả Tứ đệ muội biết được, không rõ muội ấy làm gì nên động thai khí sinh non. Còn Đỗ Trung cảm thấy tình hình không ổn bèn lo chạy trước..." Trần Thiện Chiêu lẩm bẩm tự nói lời này. Nhớ đến mật tin thứ nhất mình vừa gởi cho phụ hoàng, anh lại ngồi xuống viết thư báo tin vui Trần Thiện Duệ chào đón nhi tử, nhưng vừa chắp bút thì trong đầu chợt nảy sinh một ý niệm -- -- Để xem với tình hình hiện tại, phụ hoàng chỉ muốn gõ sơn chấn hổ hay thật sự tính toán đại khai sát giới! Tuy Trần Hi còn nhỏ, nhưng nếu đã được tùy giá, hy vọng nhi tử có thể làm được chút chuyện khả năng cho phép để giúp bình ổn thế cục. Ba chữ "Hoàng trưởng tôn" chẳng những là danh hiệu mà còn là danh phận, cũng chính là trách nhiệm!

Mời vào nhà bà còm ở wattpad ủng hộ. Mật thư Trần Thiện Chiêu báo tin hai Vương mưu phản đúng là dùng tám trăm dặm khẩn cấp, đến tay Hoàng đế đang dừng lại ở Thiên Tân chỉ mất ngắn ngủn ba ngày ba đêm. Lần này Bắc tuần không như ngày xưa dẫn binh đánh giặc mỗi ngày phải hành quân ít nhất trăm dặm trở lên, hiện tại Hoàng đế thật sự thả chậm hành trình vừa đi vừa nhìn. Khi thì hạ lệnh thuyền rồng cập bến, tự mình dẫn theo Trần Thiện Ân Trần Hi Chương Sưởng và một vài hộ vệ cận thân cải trang vi hành, tận mắt thấy được nhiều thứ ngay cả khi còn là Triệu Vương cũng chưa từng thấy. Dù vậy, bởi vì thuyền rồng chuẩn bị rất đầy đủ nên nhiều châu huyện không cần ngừng lại, một đường đi lên phía Bắc cũng không coi là chậm. Đôi khi Hoàng đế muốn thử xem con cháu chịu đựng thế nào, thậm chí suốt đêm phi ngựa chạy tới châu huyện kế tiếp, kết quả phát hiện Trần Thiện Ân và Trần Hi đều tốt, ngay cả Chương Sưởng cũng thế, mọi người đều rất kiên trì với kiểu hành trình không hề thoải mái này.

Vốn tưởng rằng tới Bắc Bình là có thể nghỉ ngơi tại tòa phủ cũ để ôn lại ký ức trải dài rất nhiều năm, thăm lại vùng đất may mắn là nơi đưa ông lên ngôi vị hoàng đế mà ông luôn tha thiết ước mơ, thế nhưng không ngờ ông đang định xuất phát từ Thiên Tân thì lại nhận được tin cấp báo từ Đại Đồng và Khai Phong truyền đến. So sánh với phần thư cấp báo đưa đến kinh thành trước đó, hai tin cấp báo truyền tới tay Hoàng đế được viết cực kỳ tường tận hơn nhiều, bắt đầu từ khi Chu Vương và Đại Vương lúc xưa gặp người nào rồi phát biểu câu gì, gần như chắc chắn đã định cho hai người này tội mưu phản. Thậm chí trong tin báo còn nói hai người tính toán kéo binh tập kích đoạn đường Hoàng đế sẽ đi ngang qua trong chuyến du hành. Chính vì nguyên nhân này mà Hoàng đế do dự cân nhắc mãi, cuối cùng không lập tức khởi hành lao tới Bắc Bình gần trong gang tấc mà quyết định tạm thời dừng lại ở Thiên Tân, mãi đến khi nhận được tin cấp báo do chính tay Trần Thiện Chiêu viết.

Ngay lúc này, cầm trong tay phong thư dài bảy tám trang của Trần Thiện Chiêu, Trần Vĩnh tức khắc lâm vào trầm tư. Trước đó, thư cáo trạng Chu Vương và Đại Vương mưu phản một trước một sau đến tay ông, thời gian còn chưa tới nửa ngày, thế nhưng một cái từ Đại Đồng một cái từ Khai Phong, có thể đến cùng một lúc như vậy thực sự quá trùng hợp một cách kỳ lạ. Mà hai người này cùng Hoài Vương đều là thân vương có năng lực nhất trong số chư vương hiện giờ, nhưng cho dù có năng lực cũng không còn đội hộ vệ, vậy mà hai bức thư cấp báo kia nói có vẻ rất khẩn cấp. Trừ phi quan quân của tất cả nha môn Đô ty đều ngu xuẩn đến mức đầu óc hôn mê, nếu không đâu thể nào hùa theo hai người bọn họ khởi binh?

Trong bức thư của Trần Thiện Chiêu có một đoạn nói rất thẳng thắn và rõ ràng: "Nếu phụ hoàng tin có chuyện này thì tất nhiên sẽ có; nếu phụ hoàng không tin chuyện này có thể xảy ra thì tất nhiên sẽ không. Hiện giờ các phiên vương đã không còn đội hộ vệ, Tam ty tuy đánh giá cao bọn họ nhưng họ chỉ có tôn vinh chứ không hề có thực quyền, thốt ra vài câu oán hận tất nhiên có, nhưng dẫn đến tình trạng mưu phản thì vẫn còn nghi vấn. Một khi phụ hoàng đến Bắc Bình, có thể cho một đặc phái viên không có quan chức đến Đại Đồng Khai Phong tuyên triệu Đại Vương Chu Vương, nếu chịu tạ tội trần tình, xử phạt thế nào sẽ tùy theo ý phụ hoàng. Ngoài ra, hai tấu chương từ Đại Đồng Khai Phong nhập kinh đều không niêm phong, một đường đi mấy ngàn dặm thế nên cả người qua đường cũng biết tin, chuyện này xưa nay chưa từng bao giờ xảy ra, kính mong phụ hoàng nhìn rõ mọi việc."

Ngồi suy xét lại, bản thân Trần Vĩnh cũng từ phiên vương lập nghiệp, lúc trước khi phụng chỉ thống lãnh Bắc Bình Đô ty và Bắc Bình Hành Đô ty đều có binh lực cường thịnh, mỗi nơi không dưới bảy tám vạn, hơn nữa đều là quân tinh nhuệ nhất Bắc địa đã từng ra trận tắm máu. Còn các đệ đệ của ông mặc dù không so bằng, hiện giờ còn bị thu hồi đội hộ vệ, nhưng thật ra vẫn lén lút qua lại với không ít quan viên Đô ty. Dù khi lên ngôi trong vòng sáu năm qua ông đã dẹp tan đám người dám qua lại, nhưng ông vẫn không tin tưởng có thể hoàn toàn phòng ngừa phiên vương cấu kết với quan địa phương, đặc biệt là quan quân Đô ty. Vì thế, sau khi cân nhắc hồi lâu, ông đột nhiên mở miệng phân phó Mã Thành: "Đi, gọi Thiện Ân tới đây."

Đại ca ở lại kinh thành giám quốc, Tam đệ trấn thủ Liêu Đông, thê tử Tứ đệ khó khăn lắm mới hoài thai, cho nên Trần Thiện Ân biết một chuyến tùy giá này là cơ hội hiếm hoi biết bao nhiêu, hiện giờ nghe báo được phụng chiếu triệu kiến, hắn bèn tập trung toàn bộ tinh thần. Hắn không giống Trần Thiện Chiêu là Đông Cung Thái Tử danh chính ngôn thuận, không được như Trần Thiện Gia Trần Thiện Duệ là dũng tướng đi theo phụ hoàng Nam chinh Bắc chiến, vì thế người bên cạnh Trần Vĩnh đều coi hắn như không khí nên không hề báo tin tức cho hắn, tuy hắn hơi thắc mắc vì sao đột nhiên dừng tại Thiên Tân nhưng lại không biết rốt cuộc xảy ra chuyện gì. Ngay lúc này, hắn cung kính hành lễ xong rồi khoanh tay đứng nghiêm tại chỗ.

"Trẫm kêu ngươi tới là có một chuyện muốn cho ngươi biết." Thấy bộ dáng cung kính lắng nghe huấn thị của Trần Thiện Ân, Hoàng đế bèn chỉ chỉ hai phần tấu chương trên bàn, nhàn nhạt nói: "Đại Đồng ở Sơn Tây và Khai Phong ở Hà Nam cấp báo, nói là Đại Vương cùng Chu Vương mưu phản, ngươi cầm lên xem sao."

Chuyện lớn như vậy mà lại đến phiên mình phát biểu ý kiến, Trần Thiện Ân chỉ cảm thấy dưới chân như bước trên mây! Hắn khó khăn lắm mới khống chế nhịp tim của mình, cầm lấy tấu chương nhanh chóng quét mắt một lần ghi tạc những ý chính trong đầu, lúc này mới cung kính đặt lại trên bàn, sau đó từ từ lui về chỗ cũ. Nhanh chóng tiêu hóa tin tức chấn động này, thầm châm chước lợi và hại lặp đi lặp lại, thử nghiền ngẫm một chút ý tưởng của phụ hoàng, đặc biệt là ý tưởng của trưởng huynh Trần Thiện Chiêu, hắn mới quyết định lên tiếng.

"Phụ hoàng, thứ cho nhi thần nói thẳng. Tấu chương tường thuật tình trạng tuy nhìn như vô cùng khẩn cấp nhưng lại không có chứng cứ rõ ràng. Hơn nữa Đại Vương Chu Vương đều là huynh đệ thủ túc với phụ hoàng, cho dù phải bỏ đi đội hộ vệ thì sẽ có tâm oán trách, nhưng không có lý nào dẫn đến chuyện mưu phản trọng đại dữ dội như vậy. Hơn nữa còn có vết xe đổ của phế Thái tử và Tần thứ dân, thứ nhất bọn họ không có danh phận Đông Cung chính thống giống phế Thái tử năm xưa, thứ hai không thể so được với Tần thứ dân nhiều lần Bắc chinh công lao hiển hách, dựa vào cái gì mà một đám người dám đi theo bọn họ dựng cờ làm phản? Mà một khi không có người ủng hộ thì không thể làm được việc gì, không có binh lực càng không thể tạo phản. Nếu phụ hoàng đồng ý, nhi thần nguyện đích thân đi đến Đại Đồng và Khai Phong để xem xét tình trạng hai thân vương này!"

Trần Thiện Ân văn không giỏi võ không xong, Trần Vĩnh thường không để tâm đến đứa con trai này. Thế nhưng hiện tại nghe Trần Thiện Ân nói năng rất có khí phách khiến ông không khỏi dụi mắt mà nhìn. Tuy trong lòng tán thưởng nhưng vẻ mặt ông vẫn nhàn nhạt, không nói tốt cũng chưa nói không tốt, sau một hồi lâu vẫn không tỏ ý kiến chỉ bảo: "Được, ngươi lui xuống đi!"

Mặc dù một phen phân tích hùng hồn không nhận được nửa câu tán thưởng nhưng Trần Thiện Ân cũng không để ý, hắn vẫn cung kính hành lễ rồi rón rén lui xuống. Lúc này, Trần Vĩnh mới nhẹ nhàng gõ ngón tay xuống tay vịn, trong đầu đột nhiên nẩy ra một ý niệm khó có thể ức chế, cuối cùng ma xui quỷ khiến mở miệng phân phó: "Đi truyền Hoàng trưởng tôn lại đây!"

Lần này Bắc tuần coi như hành trang đơn giản, đại đa số thời gian Trần Hi đều dính với Chương Sưởng. Ông cụ non Trần Hi cũng chỉ ở trước mặt Chương Sưởng quá thân thiết mới ném xuống vẻ trầm ổn thận trọng, biểu hiện gần giống một đứa trẻ cùng tuổi. Nhưng vừa nghe Hoàng đế triệu kiến, cậu bé lập tức thay vào gương mặt trang trọng nghiêm túc. Tới trước mặt tổ phụ, hắn đang định hành lễ thì thấy Trần Vĩnh vẫy vẫy tay, hắn do dự một lát rồi đi thẳng tới, quy quy củ củ chào một tiếng Hoàng gia gia.

Trần Vĩnh vẫn giống như trước kiểm tra chuyện học, lại hỏi Trần Hi thuật cưỡi ngựa tiến bộ thế nào, biết được Chương Sưởng vẫn luôn hầu hạ bên cạnh, ông trầm ngâm gật gật đầu, sau đó đột nhiên hỏi: "Thần Húc, trẫm thử con một chút. Nếu con và đệ đệ Thanh Diên đều trưởng thành, con bước lên ngôi vị hoàng đế, có người cáo tội hắn mưu phản, phản ứng đầu tiên của con là thế nào?"

Mặc dù Trần Hi như ông cụ non, nhưng vấn đề Hoàng đế tổ phụ đưa ra tức khắc khiến cậu bé phát ngốc. Chần chờ một hồi lâu, hắn mới ngập ngừng nói: "Hoàng gia gia, chuyện này..."

"Trẫm chỉ đặt giả thuyết mà thôi. Hơn nữa, phụ thân con là trữ quân, tương lai là Thiên Tử, con là đích trưởng tử, dĩ nhiên cũng là Thiên Tử tương lai. Không cần sợ, chỉ nghĩ tình hình thực tế mà trả lời trẫm!"

"Nếu Hoàng gia gia nói vậy, tôn nhi xin lớn mật nói thẳng... Chuyện thứ nhất là bắt lấy kẻ mật báo!"

Thấy tổ phụ dường như hơi giật mình, Trần Hi thản nhiên giải thích: "Tuy tôn nhi và Thanh Diên không phải từ nhỏ lớn lên cùng nhau, nhưng phụ thân và mẫu thân đều là người nhân ái thiện lương ngay thẳng, Thanh Diên mưa dầm thấm đất tuyệt đối sẽ không làm chuyện đại nghịch bất đạo. Cho nên, trước tiên bắt lấy kẻ mật báo, thẩm vấn rõ ràng căn do. Sau đó, tôn nhi sẽ phái một người đi gặp Thanh Diên, nếu đệ ấy có thể chủ động tới gặp tôn nhi trần tình, như vậy chứng tỏ lòng đệ ấy trong sạch, cùng lắm là có vài câu oán hận nho nhỏ hoặc làm vài lỗi không nghiêm trọng, chứ không phải có tâm nghịch phản. Còn nếu Thanh Diên không dám tới gặp tôn nhi, thậm chí còn bắt người truyền tin có ý kháng cự, như vậy mặc dù tôn nhi rất khổ sở nhưng cũng phải phái người bắt hắn quản thúc, sau đó sẽ đích thán thẩm vấn xem hắn thật sự có tội hay không!"

Nếu không phải Hoàng đế biết nhất cử nhất động của Trần Hi đều ở ngay dưới mí mắt ông, ngay cả Chương Sưởng cũng không nhận được người ngoài truyền tin nên chắc chắn không biết trước vụ hai vương mưu phản, suýt nữa Hoàng đế đã hoài nghi đáp án của Trần Hi có phải đã được mớm lời nên gần như không khác gì của Trần Thiện Chiêu! Nhìn chằm chằm trưởng tôn của mình hồi lâu, Trần Vĩnh mới khẽ cười: "Tốt, tốt lắm, tuổi còn nhỏ mà đã có khí độ như vậy, không uổng công trẫm giáo dưỡng con bao nhiêu năm qua! Đi thôi, sau chuyến Bắc tuần, trẫm sẽ làm lễ đội mũ cho con!"

Chờ Trần Hi lui ra, Hoàng đế lại triệu Mã Thành lần nữa: "Truyền lệnh xuống, ngày mai khởi hành tới Bắc Bình!"