Việt Cơ

Chương 116: Vệ Lạc Phản Kích




Trên bãi cỏ hơi trầm xuống.

Tiếng bàn luận ngày càng nhỏ, ngày càng nhỏ, dần dần, nhạc công dừng diễn tấu, dần dần, chỉ còn tiếng đuốc cháy "lốp đốp" vang lên.

Tất cả mọi người đều nhìn Vệ Lạc.

Đúng, bọn họ nhìn về phía Vệ Lạc.

Xuân thu Chiến quốc năm trăm năm, không, không chỉ Xuân thu Chiến quốc, phương Tây nằm cùng giai đoạn cũng như thế, trong lòng thế nhân, nô chính là nô!

Nô là ngang hàng với gia súc! Nô là có thể tùy ý giết! Nô là không có quyền ngôn luận, thậm chí quyền hành lễ với hiền sĩ thông thường cũng không.

Bấy giờ đó là một quan niệm thâm căn cố đế.

Mà hiện tại, Vệ Lạc thân là nô, lại dùng một ngữ khí cực kỳ xem thường, cực kỳ kiêu ngạo, cực kỳ quá phận thóa mạ Thập công tử thân là công tử.

Nếu chẳng phải Vệ Lạc đã từng là quý nhân, nếu chẳng phải Vệ Lạc có tài thế nhân đều biết, từng là hiền sĩ. Thậm chí vừa nãy công tử Kính Lăng mở miệng bảo vệ nàng đều đã là quá mức.

Đúng vậy, ở trường hợp như thế, chủ nhân cho nô lệ lên tiếng là quá phận. Đây muôn vàn giống hậu quả của việc một vị vương bị chó cắn, song chủ nhân của con chó - một vị vương của nước khác lại từ chối giao con chó đó ra, còn biện hộ hành vi của con chó.

Đây là một sự khiêu khích, một sự khiêu khích tr@n trụi.

May mà Vệ Lạc từng là quý nhân, từng có hiền danh. Người như vậy bản thân sẽ không giống nô tớ bình thường. Hết thảy sỉ nhục Thập công tử cảm thấy cũng không quá sức chịu đựng, mà hành động bao che khuyết điểm của công tử Kính Lăng cũng không phải vượt mức.

Nhưng nói đi nói lại, bất kể thế nào Vệ Lạc cũng đã là nô lệ, một nô lệ nói chuyện với một công tử như vậy thì sự tình không thể dễ dàng được.

Trong trầm mặc, Ngũ công tử ngồi trên chủ tọa mở miệng, khuôn mặt đen gầy của hắn ta nặn ra một nụ cười, nhìn chằm chằm công tử Kính Lăng chậm rãi rằng: "Bát đệ, nô của đệ nói năng lỗ m ãng, nếu dừng tay ở đây, e là Thập đệ sẽ bị thế nhân chê cười."

Là chủ nhân, hắn ta chỉ nặng nề nói một câu như thế.

Thoắt cái, một công tử khác ngồi cùng với Thập công tử đứng lên, hắn ta nhìn chằm chằm công tử Kính Lăng, âm trầm cất lời: "Bát huynh, công tử có cái uy của công tử, giết tên nô này đi!"

Vị công tử này vừa nói xong, một vị công tử khác cũng đứng lên, hai tay chắp lại, quay về công tử Kính Lăng cao giọng: "Bát đệ lấy uy lập thế. Với hiền đức của Bát đệ, tự biết tình huynh đệ không thể không cần, kẻ này nhất định phải giết?"

Ba vị công tử ngôn từ bức nhân mà đến, một câu tiếp một câu, đều là muốn Vệ Lạc phải chết.

Vệ Lạc đang quỳ trên mặt đất từ từ đứng dậy.

Đến nơi này cũng đã ba năm, nàng không phải không biết hậu quả của lời khi nãy. Nhưng nàng chẳng thể khống chế được, nàng thật chẳng thể khống chế được.

Nàng quả thực không thể nào nhịn được kẻ ác tâm như vậy chạm vào mình, sờ mó mình.

Lại một vị công tử đứng lên, hắn ta đang chuẩn bị mở miệng thì thấy tất cả mọi người đều quay đầu, xuôi theo ánh mắt của họ, hắn ta bắt gặp nô lệ Vệ Lạc lại đứng dậy.

Đúng vậy, Vệ Lạc đứng dậy.

Trong sự chú ý của mọi người, Vệ Lạc lui về phía sau một bước, nàng chắp hai tay, tựa như vẫn là hiền sĩ, thi lễ với mọi người. Thi lễ xong, Vệ Lạc ngẩng đầu lên, cặp mắt mặc ngọc sáng ngời quét qua mọi người, âm thanh sang sảng: "Đầu người là thứ gì? Một kiếm liền lấy xuống! Chết có chi đáng sợ? Một thừng là chấm dứt." Nàng nói tới đây, đột nhiên nở nụ cười.

Công tử Kính Lăng ngoảnh đầu kinh ngạc mà nhìn nàng, nhìn nụ cười hoàn toàn khác với khi xưa, cực kỳ thanh tao cực kỳ lạnh nhạt kia của nàng. Vệ Lạc nhẹ nhàng nở nụ cười, lanh lảnh nói: "Nhân sinh trong đất trời, cũng cùng bụi tro cây cỏ mà thôi. Thế thì, Vệ Lạc có sợ chết chăng? Sợ!" Nàng lớn tiếng tuyên bố bản thân sợ chết rồi, chân mày cau lại, ngạo nghễ ngẩng đầu: "Vệ Lạc chính là xuất thân quý nhân, có tài năng hiền sĩ, bởi lẽ chủ tin xằng, nên nỗi thân sa làm nô. Nô thì đã sao? Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn mã, ngô vãng hĩ(1)! Chư vị công tử, hôm nay vì lẽ Vệ Lạc nói lời sai trái, muốn đẩy Vệ Lạc vào chỗ chết. Ha--"

Nàng nói tới đây, bỗng cười gằn một tiếng, "Song kẻ sĩ trong thiên hạ, sở dĩ xưng kẻ sĩ, chính là thà rằng gãy chứ chẳng chịu cong! Vệ Lạc tuy lấy nô danh mà chết, nhưng e rằng hậu thế nhắc đến, cũng đường đường là một kẻ sĩ! Mà chư vị công tử, chỉ sợ sẽ bị thế nhân đàm tiếu mà thôi!"

Âm thanh Vệ Lạc sang sảng, khí thế tựa cầu vồng nói tới đây, chậm rãi tiến lên một bước. Nàng đi tới trước mặt công tử Kính Lăng, quỳ xuống, sấp người về phía trước, ngẩng cao đầu, dậy giọng mà rằng: "Công tử đại từ, Lạc chẳng muốn khó xử công tử, đầu đã ở đây, mời lấy!"

Khí phách tuyên bố đến đó, Vệ Lạc cúi đầu, không nhúc nhích quỳ trên đất, mà tay lại đè chặt lên kiếm trúc trong túi.

Giữa bầu không khí im ắng như tờ, công tử Kính Lăng lẳng lặng nhìn chằm chằm Vệ Lạc.

Khóe miệng của hắn hơi co rút.

Đúng vậy, khóe miệng của hắn đang co rút.

Trong tất cả mọi người, chỉ độc hắn có thể giải vây cho Vệ Lạc, cũng chỉ độc hắn nghe ra trong lời Vệ Lạc bề ngoài dõng dạc, nhưng câu nào câu nấy đều đầy gai.

Tiểu nhi Vệ Lạc này, vừa đứng dậy liền lấy ngay một tư thế hùng hồn, chỉ ra bản thân sợ chết, nhưng dưới một số tình huống sẽ thà chết trong còn hơn sống đục. Tại sao, bởi vì nàng mặc dầu là nô, nhưng là một hiền sĩ không phạm sai lầm, có thân phận có tài năng, chỉ là "chủ nhân tin xằng" phán sai nàng thành nô.

Hết thảy, nàng không thừa nhận bản thân là nô, nàng cho mình là sĩ. Bởi vì mình là sĩ không phải nô, nàng hoàn toàn có quyền kiên trì quan điểm của bản thân, kiên trì khí khái của chính mình.

Sau đó, nàng luôn miệng nói mình cứng cỏi kiên cường, luôn miệng nói mình là một kẻ sĩ, sẽ chịu gãy chẳng chịu cong, xem thường quyền quý, lòng tỏ thị phi. Nàng đang muốn dấy lên sự đồng tình của chúng hiền sĩ và kiếm khách!

Không chỉ như thế, nàng còn nói "Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn mã, ngô vãng hi!" "Làm rõ đúng sai, có cái nên làm, có cái không nên làm".

Nàng đã đặt hành động của mình trên đỉnh cao nhất của đạo đức, dẫu Tấn hầu có ở đây cũng không dám giết nàng! Không thể giết nàng!

Bởi lẽ giết nàng, các vị công tử phát sinh tranh chấp với nàng sẽ bị hiền sĩ trong thiên hạ phỉ nhổ!

Lúc trước cũng đã nói, thời đại này là thời đại ưa thích tranh luận. Như danh gia Chư tử bách gia có bản lĩnh gì chứ? Những thứ "Ngựa trắng đâu phải là ngựa"(2) dương danh hậu thế, hoàn toàn là một loại cãi chày cãi cối mà thôi, chí ít, chỉ là một bãi nước miếng chẳng ích gì cho quốc gia chính trị dân sinh.

Ấy vậy mà thứ luận điểm không hề ích lợi này lại phát dương quang đại, khai tông lập phái ở thời đại này. Tại sao lại như thế? Bởi vì người thời này thông qua tranh luận để xác lập thế giới quan và nhân sinh quan của bản thân. Một quan điểm, nếu không có cách nào bác bỏ nó, vậy nó là chính xác.

Như Vệ Lạc hiện tại, nàng nói xong lời này, kẻ muốn giết nàng, nhất định trước phải khiến nàng bái phục, thuận tiện cũng phải thuyết phục được đại đa số người mới có thể hành hình. Nếu muốn liều mạng giết nàng, vậy thì sẽ bị thế nhân cười chê, bị thế nhân xem thường, cũng bị hiền sĩ kiếm khách không dung tha, bị sử quan ghi lại để người đời sau thóa mạ.

Nếu không vì thói đời thế ấy, thời đại này cũng sẽ không có nhiều kẻ sĩ tung hoành trêu đùa quốc quân trong lòng bàn tay như vậy. Kẻ sĩ tài thức có thể dễ dàng chấp nhận Chư tử bách gia, các lý luận và quan điểm hoàn toàn khác nhau, thậm chí Nam viên Bắc triệt (trống đánh xuôi kèn thổi ngược) thời Xuân thu Chiến quốc, đó là một sự khai phóng và khoan dung mà những người hiện đại chúng ta rất khó tưởng tượng nổi.

Ngôn từ Vệ Lạc thao thao bất tuyệt, chúng nhân hai mặt nhìn nhau.

Người thời đó bình thường đều thích trường thiên đại luận (nói tràng giang đại hải), mà kẻ bề trên cũng không có thói quen tùy tiện cắt ngang người khác trường thiên đại luận. Thế là cả đám quý nhân cứ thế trơ mắt nghe Vệ Lạc thao thao bất tuyệt, hùng hổ dọa người.

Bấy giờ tất cả mọi người đều nhìn Vệ Lạc đang phục trên đất không nhúc nhích. Mấy vị công tử có lòng muốn tranh luận cùng nàng đều quay đầu nhìn thực khách của mỗi người, lại phát hiện hơn nửa số đó đều mắt sáng quắc quan sát Vệ Lạc, một mặt tán thưởng. Suy đi nghĩ lại, bọn họ nhận ra theo như lời Vệ Lạc, quả đúng là không nên phản bác.

Mấy vị công tử còn đang chần chờ, mà tất cả mọi người đều đang nhìn chằm chằm, đợi phản ứng của bọn họ.

Cũng không biết qua bao lâu, công tử Kính Dương mới cười lớn, "Quả nhiên bất đồng, chẳng trách Bát đệ nguyện vì ngươi ra mặt."

Đây chính là nói khác rằng hắn chịu thua.

Sau đó, hai vị công tử khác vừa mở miệng bức bách công tử Kính lăng cũng tiếp lời: "Tiểu nhi rất giỏi." "Lời ấy chí phải!"

Bọn họ rõ ràng tức muốn thổ huyết, nhưng không thể không tỏ ra dáng vẻ hải nạp bách xuyên (biển nhập trăm sông), khoan hồng độ lượng. Hết cách rồi, ai bảo họ lại là công tử chứ? Đường đường là công tử, há có thể không chịu được một kẻ sĩ trí thức chỉ trích? Tấm lòng này cũng chẳng có, sao xứng làm công tử?

Cuối cùng, ngay cả Thập công tử cũng không thể không ồm ồm: "Ta sai rồi, quân nói rất hay."

Thập công tử vừa dứt lời, các hiền sĩ đứng hai bên chúng quý nhân mới gật đầu liên tục, thấp giọng nghị luận, "Rất hay."

"Tấn tuy xa hoa, song quân không phải bạo quân, công tử cũng có thể dung người." "Tốt quá thay! Dưới được quyền nói, trên lại nguyện nhận, Tấn xưng bá chẳng xa nữa."

Trong tiếng ca ngợi vui mừng rần rần, công tử Kính Lăng nhìn xoáy Vệ Lạc thật lâu. Khóe miệng của hắn giật giật mấy lần, mới từ từ phán: "Ngươi vốn vô tội, đứng lên đi."

"Vâng."

Vệ Lạc đáp to rõ một tiếng, chậm rãi ngẩng đầu lên.

- ------------------o------------------

(1) trích từ câu "Tự phản nhi bất súc, tuy hạt khoan bác, ngô bất sủy yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ" của Khổng Tử, nghĩa là: Tự xét bản thân mình thấy mình không ngay thẳng, tuy đối mặt với dân nghèo mặc áo vải thô, ta há không sợ sao? Tự xét bản thân mình thấy mình ngay thẳng, tuy đối phương có vạn người cũng thản nhiên bước tới. Đây không phải là lời nói trực tiếp của Khổng, mà là lời Tăng Tử trích dẫn về Khổng khi nói chuyện với học trò của mình là Tử Tương.

(2)Bạch mã phi mã: mệnh đề triết học nổi tiếng nhất của Công Tôn Long