Tôi lại không cảm thấy mình là một người giàu lòng đồng cảm, không xấu, nhưng cũng không đến mức ngu ngốc đi làm nhà hảo tâm gì.
Tôi có tư cách và lập trường gì chứ?
Đến bản thân còn không sống rõ ràng.
Tôi đẩy em ra khỏi người mình, nói cho em biết: “Đàn ông thì không được khóc, nhìn ngoài kia chưa? Mưa tạnh rồi, mặt trời mọc rồi, em nên đi đâu thì đi đấy đi.”
Có lẽ là đã nhìn ra sự kiên quyết của tôi, em cắn răng đỏ mắt, bỏ đi thật.
Có điều, cái “bỏ đi” của em chỉ là ra khỏi tiệm sách nhỏ nhà tôi, lại quay về cái góc ở ngoài cửa kia.
Em mặc quần áo của tôi, cả người sạch sẽ.
Sạch sẽ, nhưng lại mặt mày lấm lem.
Đêm qua mưa rào, trên bậc thềm vừa ướt vừa bẩn, em không ngồi bệt xuống, chỉ ngồi xổm.
Tôi đứng đằng sau cửa sổ nhìn em, nhìn em ngồi xổm ở đó ôm đầu gối, nom tủi thân không chịu được, một lát sau, hình như em không ngồi xổm nổi nữa, bèn đứng dậy nhìn con đường đông đúc xe cộ trước mặt.
Cứ thế lặp đi lặp lại, tôi luôn núp ở trong phòng ngắm em.
Tôi kiên quyết mặc kệ, quay người về làm việc của mình.
Mà cái tôi gọi là “việc của mình” thì là gì?
Cầm một quyển sách, đọc mà lòng cứ để ở đâu đâu.
Thỉnh thoảng có khách, lượn một vòng, cầm dăm quyển sách, lúc trả tiền nói đùa với tôi: “Anh chủ, anh đang phạt em trai đấy à?”
Tôi dở khóc dở cười, sao em lại biến thành em trai tôi rồi?
Tôi giải thích là không quen biết, không biết ở đâu ra, người ta chỉ coi là tôi đang hờn dỗi, khuyên tôi rằng: “Có chuyện gì thì nói ra là được, đừng giận một đứa bé mới lớn.”
Tôi cũng muốn nói, xin đứa bé mới lớn này đừng nín sức nhất quyết quấn lấy tôi nữa.
Lúc sắp chập tối, em vẫn còn đó, dường như chẳng định đi tí nào.
Xem ra giàu nghị lực thật.
Tôi thực sự hơi khó nghĩ sao em lại ưng tôi, nếu như “thích” mà em nói là nghiêm túc.
Tôi chán ngán lật trang sách, tập thơ hơn hai trăm trang, tôi chẳng nhớ nổi lấy một chữ.
Cửa tiệm bị mở ra, bố tôi xách một con gà quay bước vào: “Đứa bé ngoài cửa là con nhà ai thế? Ở đấy làm gì?”
Tôi liếc nhìn ngoài cửa sổ, từ góc của tôi vừa khéo nhìn thấy em đang cúi đầu.
Tóc em dài quá rồi, tối qua gội xong, hôm nay lại rối bù.
“Gà quay dì Từ của mày mua, bảo bố mang cho mày.” Bố tôi đi thẳng vào phòng bếp đằng sau, “Mày chưa ăn cơm à?”
“Chưa ạ.” Tôi bỏ sách xuống, theo ông vào.
Bố tôi ngoái đầu nhìn tôi: “Không thích à, ai làm gì mày thế?”
“Hỏi bố một chuyện nhé,” Tôi đột nhiên có một suy nghĩ kì lạ, bèn tựa vào cạnh cửa, nhìn bố tôi giơ dao chặt con gà quay thơm phức kia, “Không có hộ khẩu thì làm sao nhập hộ khẩu được ạ?”
Bố tôi chẳng buồn ngoảnh đầu lại, thuận miệng nói: “Ai không có hộ khẩu? Mày trốn bố sinh con với ai?”
Đây chính là bố tôi, luôn có suy nghĩ kì quái hơn cả tôi.
“Con đẻ với ai?” Tôi nói, “Nghiêm túc nào, con nói thật đó.”
Rốt cuộc bố cũng quay đầu nhìn tôi: “Chuyện này còn phải xem tình huống thế nào, sinh vượt lúc kế hoạch hoá gia đình, hay là bị mất vì nguyên nhân gì đó, tình huống khác nhau thì cách giải quyết cũng khác nhau.”
Tôi lại hỏi: “Không biết có nguyên nhân gì, chỉ là không có hộ khẩu thôi, quê cũng không nhớ nữa, kiểu này phải làm sao?”
Có thể bố tôi đã nhận ra có gì không đúng, ông hỏi tôi: “Mày bày ra chuyện gì rồi?”
Tôi trỏ ra ngoài: “Thằng nhóc ngồi xổm ngoài cửa đó, con cho nó hai bữa cơm nên nó bám lấy con rồi.”
Mười phút sau, nhóc vô gia cư ấy lại vào tiệm của tôi, lần này không phải là tôi mời em vào, mà là bố tôi.
Nhưng rõ ràng là bố đã hiểu nhầm mối quan hệ giữa tôi và em.
Bởi sau khi gọi người vào, bố tôi cho em một cái đùi gà, hỏi: “Có phải cháu bị thằng Viên Lai này lừa tình không? Nhìn tủi thân thế này, bác bảo cháu nhé, cháu không nên để ý đến nó, nó chỉ rặt lừa tình các thiếu nam thuần khiết như các cháu thôi.”