Tôi tưởng mình đã nhẹ chân nhẹ tay lắm rồi, kết quả vẫn làm thằng nhóc kia tỉnh giấc.
Thảm vừa đáp lên người em, em rùng mình một cái rồi mở mắt ra luôn.
Tôi bị em doạ giật cả mình, bảo em: “Hù doạ ai đấy?”
Có một giây ánh mắt của em dường như đong đầy hoang mang sợ hãi, như bị doạ thật vậy, sau chuyện ấy tôi mới nhận ra rằng, đó có lẽ là phản xạ có điều kiện được hình thành khi em lang thang bên ngoài quanh năm.
Ở ngoài, làm sao có thể ngủ thật được?
Thế giới bên ngoài không chỉ có gió táp mưa sa, còn có vô số nguy hiểm.
Tôi dém thảm cho em: “Ngủ đi.”
Kết quả em túm chặt cổ tay tôi.
Em bảo: “Giường thoải mái quá.”
Một cái đệm lò xo, sao mà thoải mái được?
Thế nhưng đối với một người chưa bao giờ có giường mà nói, đây chắc đúng là sống tốt rồi phải không?
Tôi vò tóc em, không để ý đến em nữa, tự về phòng ngủ.
Dù thế nào thì Viên Xuân Thiên cũng ở lì chỗ tôi không đi nữa, cô bên trạm cứu hộ cứ dăm hôm lại đến thăm, kể lại tiến độ các việc sắp xếp với tôi cứ như thể báo cáo với sếp vậy.
Chờ xấp xỉ hơn một tuần trời, cô ấy cuối cùng cũng bảo phải dẫn Viên Xuân Thiên đi làm hộ khẩu.
Thằng nhóc Viên Xuân Thiên này chẳng hiểu ý nghĩa của hộ khẩu chút nào, một mình tôi ở đó cười ngu, tỏ vẻ tôi còn ngốc hơn cả em.
Bởi làm hộ khẩu cần chụp ảnh, tôi nhìn quả đầu bù xù của em mà rầu cả ruột, bèn kéo em đến tiệm cắt tóc gần đó, tiêu hai mươi tệ cho em cắt đầu đinh.
Quả đầu đinh này nhìn rõ ngu.
Lúc làm hộ khẩu, Viên Xuân Thiên rất muốn điền nhà tôi vào chỗ địa chỉ của mình, bị tôi trừng mắt một cái, đừng nói là về nguyên tắc không thể làm thế được, dù có thể tôi cũng không đồng ý.
Em là ai chứ?
Tôi đâu phải là cha ruột của em.
Hộ khẩu của Viên Xuân Thiên là hộ khẩu tập thể của trạm cứu hộ, nhưng mặc kệ ra sao, cậu bé đáng thương từ trước đến nay không có một chốn cố định, lang thang không nơi nương tựa này đã có thân phận chân chính trong xã hội này.
Em đã có tên, có hộ khẩu, sẽ nhanh chóng lấy được chứng minh thư của mình.
Từ nay về sau, mặc dù em vẫn không biết mình đến từ đâu, nhưng có thể tự do dùng phương tiện giao thông đến bất cứ nơi nào em muốn đi rồi.
Em nói: “Em muốn đi tàu hoả.”
Viên Xuân Thiên bảo tôi rằng trước đây em thích đứng bên cạnh đường ray nhìn tàu hoả chạy qua, từ tàu hoả màu xanh đến màu đỏ rồi tàu cao tốc, nói cứ như thể em đã chứng kiến cả lịch sử phát triển của ngành đường sắt vậy.
Tôi hỏi: “Đi tàu hoả? Em muốn đi tàu hoả đến đâu?”
Em ngẫm nghĩ hồi lâu, không nghĩ ra, cuối cùng em chỉ vào chỗ tim tôi: “Đây.”
Không biết đây là học theo ai, miệng như bôi mỡ, dẻo quẹo.
Tôi hất ngón tay của em ra, “Ngại quá, chỗ này tạm thời không cho xe qua.”
Em nhìn tôi cười, sau đó kéo tôi đi mua đồ ăn.
Những ngày gần đây người có thân phận sống rất tốt, vô âu vô lo, chờ ăn chờ uống ở nhà tôi.
Tôi cảnh cáo em, chờ cô bên trạm cứu hộ tìm được công việc phù hợp cho em, em sẽ phải ra ngoài đi làm việc.
Ngược lại, em rất ngoan, gật đầu đồng ý.
Lúc chứng minh thư của Viên Xuân Thiên về, cô bên trạm cứu hộ còn mang tới một tin tốt lành.
Xưởng mà trước đây họ thường hợp tác dạo này bị thiếu người, có thể sắp xếp Viên Xuân Thiên đến làm.
“Bao ăn ở,” Cô nói, “Lương một tháng 1500, có điều trích phần trăm theo lượng công việc giao cho, nếu Xuân Thiên tay chân nhanh nhẹn, hiệu suất cao, lương tháng trả không ít đâu.”
Tôi cảm thấy rất được.
Em chẳng biết gì, vậy thì đến công xưởng làm việc vậy.
Thế nhưng Viên Xuân Thiên nói: “Không muốn sống ở đó.”
Em nhìn tôi: “Em muốn anh.”
Mười tám tuổi rồi, vẫn thiếu tiền đồ thế này.
Quả không hổ là em.
Con trai tôi.