Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 50: 50: Tinh Tinh Hiệp






Nàng đứng im bất động, thoáng chốc ánh sáng trong mắt lóe lên, mở miệng khẽ nói: "Chân tôi...!tê rồi."
Lý Vị nhướng mày, khóe môi hơi nhếch, sau đó vươn một bàn tay về phía nàng.
Nàng dè dặt đặt ngón tay lên mép bàn tay Lý Vị.

Lòng bàn tay hắn dày rộng, chằng chịt những vết chai sần cứng.

Hai tay cùng nắm, kề hơi sát, Lý Vị nhẹ nhàng xách Xuân Thiên dậy.

Đợi nàng đứng vững vàng, hắn lập tức buông ra.
Khoảnh khắc nàng đứng dậy, hắn thấy khóe mắt nàng ửng đỏ ướt nước, bèn thấp giọng hỏi: "Vừa mới khóc?"
Xuân Thiên lắc đầu: "Hạt cát bay vào mắt..."
"Gần chỗ này có một mảnh ruộng nước chát*, hai mùa hè thu tiết trời khô hạn, nước chát chảy ra, dân du mục vùng lân cận sẽ tới chỗ đó nhặt nước chát, ta cũng đi đào một ít về, mai mốt có thể sử dụng đến.

Ta thấy xung quanh đây có khá nhiều phân dê tươi, tiếp tục đi về trước có lẽ sẽ gặp được dân du mục chăn thả gần đây, tối nay có thể tá túc một đêm trong nhà họ.

Rồi ngày mai sẽ tới Tinh Tinh Hiệp, gặp một người bằng hữu."
(*Nước chát hay muối Nigari là một loại muối có vị đắng, có thể làm đông đậu phụ)
"Vâng." Xuân Thiên gật đầu, mũi giày cọ nhẹ xuống đất, nhận lấy món đồ Lý Vị đưa qua.
"Là thân mềm của lau sậy, là loại tương đối hiếm gặp, ta đào một ít ở gần khu vực nước chát, cô nếm thử mà xem."
Xuân Thiên nói cảm ơn, thở dài một hơi, bỏ cây vào ngậm trong miệng, nàng cảm thấy món ấy cực kỳ giòn, tươi non, ăn rất thích miệng, ngọt thanh mọng nước.
Nàng khá ngạc nhiên, vì nàng nhớ cha đã từng kể rằng, hồ nước ở Cam Lộ Xuyên mênh mông cuồn cuộn, cỏ lau rậm rạp như rừng, mỗi độ đông sang là sẽ thiếu rau và thức ăn.

Nhóm binh lính sẽ đi tới bên hồ nhổ cỏ lau héo khô trong đất bùn, lột bỏ phần thân ngoài đã xác xơ, bên trong chính là một đoạn thân mềm, hương vị đặc sắc, non và mềm.

Nàng vẫn còn nhớ khoảng thời gian ngắn ngủi kia, ở suối Dã Mã, bên hồ từng bụi lau rậm xanh tốt, trông hệt như những ống tre mỏng.

Nàng và Khấu Diên Anh cùng nhau ngắt mấy thân cỏ lau, có điều bỏ miệng nhai thì chỉ cảm nhận được một vị nhạt thếch và lắm xơ, không phải loại mỹ vị như cha miêu tả.
Lý Vị thấy vẻ mặt sửng sốt của nàng, mỉm cười nói: "Xuân đến băng tuyết của nước chát mới vừa tan chảy, chỉ có ít ngày đó, cỏ lau gặp nước ngọt, bỗng đâm chồi sinh trưởng, đợi khi băng tuyết tan hết, cỏ lau cũng bị nước chát gây bỏng rồi chết héo.

Nhưng thân rễ cắm sâu vào đất vẫn sinh tồn mãnh liệt, mềm mại trắng trẻo, ẩn mình dưới nền đất.

Loại thân lau như vậy càng có phong vị đặc biệt, được mệnh danh là mỹ thực nơi biên cương Tây Bắc mà rất ít người biết."
Lòng Xuân Thiên khẽ xao động, mím môi rồi cất giọng: "Cảm ơn đại gia, suốt đường đi mang lại bao nhiêu phiền phức cho đại gia, tôi thực sự áy náy lắm."

Trông dáng vẻ ngoan ngoãn của nàng, mí mắt nàng cụp xuống, Lý Vị đứng trước người nàng, giải thích: "Ta chỉ đi ra ngoài một lát, trở về ngay thôi, không ngờ cô lại dậy sớm như thế, đáng lẽ ta nên nói trước một tiếng với cô mới đúng,"
"Không sao đâu ạ." Xuân Thiên xua tay, liên tục lắc đầu.
Lý Vị còn định nói thêm điều gì nữa, nhưng thấy nàng tập trung ăn đồ, hắn cũng đành phải kìm nén.

Hai người ăn uống xong xuôi, thu dọn hành lý, lên đường đi đến Tinh Tinh Hiệp.
"Tinh Tinh Hiệp là "cổ họng" của chặng đường tiến vào Tây Vực, hiệp nằm giữa hai ngọn núi, địa thế hiểm yếu.

Do đá lởm chởm giữa hai vách núi, đá có chứa những chấm vàng chằng chịt như sao, vậy nên mới có tên là Tinh Tinh Hiệp.

Sau khi vào Tinh Tinh Hiệp, đi thêm ba ngày là tới thành Y Ngô, Cam Lộ Xuyên nằm ở phía Tây Bắc cách Y Ngô năm trăm dặm."
Xuân Thiên gật đầu: "Tôi muốn đến thành Y Ngô trước, tìm tin tức của chú Trần."
Lý Vị đưa mắt nhìn nàng một cái: "Được."
Lại đi một ngày, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp có đàn dê với những chú dê rải rác giữa sa mạc, cư dân quanh vùng Y Ngô sống nhờ nghề chăn thả.

Chỉ là cỏ cây ở Tinh Tinh Hiệp ít ỏi, nguồn nước không đủ, nên công việc chăn nuôi không được phát triển.

Nơi đây lại nằm lệch hướng dịch đạo*, người ở thưa thớt.

Hai người đi suốt một ngày mới gặp được hai ba căn lán lụp xụp.

Bước lại gần xem, buồng trong bày biện sơ sài, có mùi lạ, nhưng góc buồng lại có dấu vết người sống, biết chủ nhà đã ra ngoài, hãy chưa về.
(*Dịch đạo là được chuyển công văn thư tín thời xưa, dọc hai bên đường có xây dựng những dịch trạm)
Chẳng bao lâu sau, một lão già lưng còng khoác chiếc áo lông cừu cõng cái sọt trên lưng, vung roi xua mấy chục con dê rừng quay về chuồng.

Khi đi đến gần, mới trông thấy trước nhà mình có hai con ngựa đang gặm cỏ ở hai nơi, ông lão lấy làm lạ, lại thấy có hai người một nam và một nữ đều trẻ tuổi, vẻ ngoài xuất sắc, chắp tay với ông lão.
Lý Vị nom thấy gương mặt lão già đầy nếp nhăn, mái đầu bạc lơ thơ vài cọng tóc, một cặp mắt đã mờ đục, bèn tiến tới nói rõ mục đích mình đến, muốn ở lại tá tục một đêm.
Ông lão chăn dê không để ý Lý Vị, mà lại ngẩn ngơ nhìn chằm chằm Xuân Thiên trong bộ xiêm y đỏ thẫm của dân tộc Hồi Hột, lẩm bẩm hai tiếng, chắp tay sau lưng, bước vào trong buồng.
Ông lão ở trong buồng một lát rồi lại bước trở ra, cầm một vật đã chuyển màu đen bám đầu tro bụi tơ nhện, đi vòng qua Lý Vị đưa trực tiếp cho Xuân Thiên.

Xuân Thiên bị hoảng, luống cuống xua tay, nói liên miệng: "Cảm ơn ông, cháu không cần..."
Ông lão kia chẳng quan tâm, có tiếng thở mệt nhọc phát ra từ cổ họng, lão vẫn nhìn Xuân Thiên đăm đăm, thì thào không ngừng, dúi thẳng món đồ vào lòng Xuân Thiên.
Xuân Thiên hết cách, chỉ đành bất chấp đưa tay ra nhận.
Lý Vị đứng bên cạnh bất đắc dĩ bật cười, một tay đè tay Xuân Thiên lại, một tay cầm lấy món đồ mà ông lão đưa, khom lưng cúi đầu, nhón mũi chân, chắp tay hành lễ với lão già.

Ông lão kia thấy Lý Vị nhận đồ, lão liếc hắn một cái, lại càu nhàu gì đó, xoay người bước đi.
Lý Vị quan sát thứ đồ trong tay mình, nghiêng đầu nói với Xuân Thiên: "Ông lão chắc là người dân tộc Hồi Hột, ông ấy thấy cô chỉ mặc quần áo Hồi Hột mà không đội nón Hồi Hột, không đúng lễ tiết, nên mới đưa chiếc mũ này cho cô."
Hắn nhìn vật phẩm đã mất đi màu sắc ban đầu của nó, gõ gõ, nói giọng nghiêm túc: "Đây là một chiếc mũ chạm hoa bằng bạc, không phải mũ Hồi Hột bình thường, kiểu dáng cổ xưa, hẳn đã có từ rất nhiều năm về trước rồi."
Xuân Thiên bất ngờ nhìn vật đen kịt trong tay hắn: "Nếu ông lão là người của dân tộc Hồi Hột, vậy tại sao lại sống một mình một cõi ở chỗ hoang tàn vắng vẻ này chứ?"
"Có thể vì nguyên nhân nào đó khiến ông lão ở lại nơi đây, không thể quay về." Lý Vị thở dài, "Y Ngô là cứ điểm quan trọng, có không ít người Đột Quyết, Khương, Yên Kỳ, người Hán tới lui tấp nập, đông đúc phồn thịnh."
Hai người đặt mũ xuống đất, Xuân Thiên dùng khăn lau bụi và mạng nhện, để lộ chiếc mũ bạc với cành hoa quấn quanh, từng phiến lá từng cánh hoa sống động như thật, cảm giác không hề tầm thường.
Toàn bộ chiếc mũ được chạm hoa.

Cả hoa, lá, cành, và dây leo đều được quấn từ sợi chỉ bạc, lấy châu ngọc điểm xuyết, tổng thể trông vô cùng đẹp đẽ, tinh xảo.

Chỉ là bao năm tháng trôi qua, món đồ ấy cũng đã có tuổi, không giữ gìn đúng cách, khiến bụi phủ đầy minh châu.

Ở nơi rừng núi suy tàn này, trong nhà ông lão chăn cừu có giấu vật quý như thế, hai người cũng không tránh khỏi ngạc nhiên.
Ông lão gù lưng đuổi đàn dê vào chuồng, chắp tay sau lưng đi vào buồng.

Hồi lâu sau ra thì đã cởi chiếc áo lông cừu, mặc một bộ áo quần rách rưới vá chằng vá đụp chẳng phân biệt được màu sắc, tay cầm cái bát gốm đen to nứt, đẩy cánh cửa của căn nhà gỗ ở bên, đặt bát lên cạnh cửa, đôi mắt vẩn đục liếc nhìn hai người, không nói năng gì, tập tễnh bỏ đi.
Đúng là một ông lão quái đản.
Xuân Thiên thấy ông lão vào trong, đóng cửa chặt khít.

Lại thấy Lý Vị đến gần lán gỗ, nhấc bát lên, hết sức cẩn thận.
Trong bát đựng non nửa chất lỏng đục màu, đặc biệt là mùi hương lạ lùng, hình như là rượu chưng, mà lại có cả mùi thịt ôi.

Lý Vị chậm rãi lắc cái bát gốm đen, cúi đầu ngửi thử: "Đây là rượu nhạt đãi khách của dân tộc Hồi Hột, là rượu dê non."
Lý Vị lắc đầu, trả bát về chỗ cũ, Xuân Thiên đi lên theo, thoáng nhìn qua cái bát gốm, chợt mắt nàng trợn tròn, sau đó lập tức hướng mắt đi chỗ khác.
Những con sâu trắng ởn ninh ních bát, chìm chìm nổi nổi trong nước rượu, thân nó dài, hai chấm đen nhỏ tí trên đầu là mắt, đuôi nhọn vểnh lên.
"Là rượu sâu." Lý Vị giải thích, "Không độc hại, không sao cả, chẳng qua là không dám nhìn thôi."
Nhà gỗ thấp bé u tối, bị bao phủ trong làn tro bụi dày đặc, mạng nhện giăng khắp nơi, liễu đỏ rồi củi chất đầy góc.

Dưới cửa sổ có một chiếc giường gỗ ngắn và hẹp kê sát tường, trên giường nào quần áo nào đệm chăn cũ kỹ đắp đống.

Cạnh đó còn có cái gối đầu con lân bám bụi nằm lật ngửa, có vẻ đây là giường ngủ của trẻ con.
Thấy cảnh ấy, Lý Vị cân nhắc rồi nói: "Tối nay tạm vậy đi, ban đêm đi đường núi đá rất dễ bị lạc đường, sáng mai hẵng xuất phát."

Xuân Thiên gật gật đầu.
Màn đêm buông xuống, Lý Vị đi tới chỗ ông lão gõ cửa mượn củi, trong buồng sáng lập lòe, nhưng cửa sổ vẫn khép.

Có thứ mùi tanh tanh lạ kỳ bay ra từ kẽ hở.

Ông lão nghe tiếng Lý Vị gọi ngoài cửa, lão đi tới, cách tấm cửa sổ lẩm bẩm mấy tiếng mơ hồ, rồi lại quay đi.
Lý Vị đã hành tẩu ở Tây Vực rất nhiều năm, thông thạo tiếng Hồ, nhưng giọng nói của ông lão rất dị, gần như không nghe ra được là đang nói cái gì, thêm cả tính tình lầm lì không thích tiếp xúc với người khác của lão.

Lý Vị chỉ đành từ bỏ, tự đi nhóm lửa.
Xuân Thiên liếc nhìn ánh lửa trong buồng kia, sau khung cửa sổ nhỏ hẹp thấp thoáng thấy cái dáng còng lưng của lão chăn cừu, "Có phải chúng ta quấy rầy tới ông ấy rồi không ạ, khiến ông ấy khó chịu."
Lý Vị châm lửa: "Có lẽ nhiều năm không có ai đi ngang qua nơi này, ông lão sống một mình đã quen với cô độc, không thích nói chuyện với người ta mà thôi."
Hai người ăn uống đơn giản, nghe thấy ông lão trong buồng ho khan vài cái, rồi lão dập tắt ngọn đèn đi nghỉ ngơi.
Xuân Thiên về nhà gỗ, vỗ vỗ chiếc gối con lân rách nát, dọn dẹp qua một góc giường gỗ, định cố nghỉ cho hết một đêm.

Cửa sổ nhà gỗ bé xíu, chỉ có một vạt ánh trăng nương theo khe hẹp rọi vào trong.
Lý Vị trông ngoài cửa, bóng hắn xuyên qua khe cửa đổ xuống đất.

Đêm nay trăng sáng trưng, trong suốt, tràn đầy.

Nhưng Xuân Thiên lại thấy hô hấp như bị đè nén.

Từ khi đi vào vùng thung lũng này, nàng luôn luôn cảm giác có một thứ mùi kỳ dị quẩn quanh đầu mũi mình.

Mùi kia có chút cổ quái, song rất cổ xưa, như là hương lan trộn với mùi tanh hôi, cực kỳ mỏng manh, nháy mắt đã bị gió lùa xa, rồi lại bị gió thổi tới.

Nàng phát đau đầu vì mùi ấy, cuộn tròn người nằm trên giường nhỏ, mắt díp vào nhau, người nặng đi, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Lúc nửa đêm, Xuân Thiên loáng thoáng nghe thấy tiếng thầm thì xen lẫn tiếng cười khe khẽ.

Vừa mở mắt đã thấy óc choáng váng, chỗ khe cửa có tia sáng nhạt.

Nàng thấy Lý Vị yên lặng đứng thẳng người, chẳng biết là nhìn gì.
Nàng thôi ngủ, đẩy cửa bước ra, cánh cửa kêu lên tiếng "kẽo kẹt" rất nhỏ, nhưng cũng đủ quấy nhiễu đến người đứng dưới trăng.
Xuân Thiên nhìn sang theo mắt Lý Vị, trăng như dòng nước chảy xuôi, có thể thấy chính giữa nhà là một bộ quần áo đen tàn tạ, có người ngồi tựa ghế, đang tắm mình giữa ánh trăng trong trẻo.
Ánh trăng chiếu lên khuôn mặt, đó không phải người, mà lại là một cái xác héo rút đen xám xịt, thịt vốn đã khô quắt nay dính cả vào bộ xương.

Làn da cứng ngắc như tấm lụa tả tơi, một mảng loang lổ rớt xuống.

Không biết là nam hay nữ, mặt mũi ra sao.

Thứ mùi nồng nặc tỏa ra từ xác khô.
Chứng kiến cảnh tượng trước mắt, tóc gáy Xuân Thiên dựng thẳng đứng, chẳng biết phản ứng thế nào.

Tay bất thình lình bị Lý Vị nắm lấy, cơn nhoi nhói truyền đến từ lòng bàn tay.
Ông lão làm như thể bên cạnh không có người, lẩm bà lẩm bẩm thay trang phục mũ mão trang nghiêm cho cái xác khô, đuổi mấy con muỗi bay vo ve quanh xác, để trần cánh tay và hai chân của xác khô dưới trăng như đang phơi nắng.
Động tác của ông lão rất nhẹ nhàng, nét mặt nhu hòa, thoáng như đối đãi ân cần với người yêu, trong mắt đong đầy thiết tha trìu mến.
Lý Vị không hề hoảng sợ, chào cái xác khô với một thái độ kính trọng.

Hắn giật nhẹ tay áo Xuân Thiên, Xuân Thiên lấy lại tinh thần, cũng hành lễ tương tự.
Nàng được Lý Vị kéo về buồng.

Lý Vị thấy nàng đờ mặt, vẫn chưa hoàn hồn hẳn, bèn ra hiệu cho nàng đừng lên tiếng, thấp giọng nói với nàng: "Đừng sợ, người ấy...!chắc là người nhà của ông lão.

Chỉ là đã chết nhiều năm, dựa theo phương pháp bí truyền của dân tộc Hồi Hột, cuối cùng để thành xác khô giữ lại trần thế.

Ông lão và xác khô cùng ăn cùng ngủ, e là sớm đã bị điên, tránh về đây sống, lại bị hai chúng tay vào làm phiền."
Hắn nhìn chiếc mũ bạc, lòng đầy nuối tiếc: "Tiếc cho một thế hệ huyền thoại, sau cùng lại đặt dấu chấm hết tại đây."
Xuân Thiên bị cảnh dưới ánh trăng kia làm chấn động không thôi.

Nàng ôm túi rượu của Lý Vị uống mấy hớp rượu mạnh, hai gò má đỏ bừng, nửa đêm về sáng chẳng chợp mắt nổi, ngồi trên giường nhỏ tới khi bình minh lên, miệng thì thào: "Đáng sợ quá."
Sáng sớm, mặt trời treo cao tít trên sơn cốc, sương mù dâng, Lý Vị để lại ít bạc vụn trước cửa buồng, để lại chiếc mũ hoa đã được lau chùi khôi phục sự rực rỡ huy hoàng của năm xưa, sau đó đưa Xuân Thiên lặng lẽ rời đi.
Lý Vị đưa Xuân Thiên đi thẳng đến Tinh Tinh Hiệp.

Thấy sắc mặt nàng tái nhợt thảm đạm, liền trấn an: "Phong tục đất Hồ khác thường, lễ nghi không giống đất nước ta, mấy chuyện kinh hãi thế tục trong mắt họ cũng chỉ là những thứ bình thường cỏn con, không cần thiết phải so bì làm gì cả.

Nguyên tắc của chúng ta là nhập thổ vi an, người chết về với đất mới an toàn.

Nhưng trong mắt họ, linh hồn và xác thịt hợp làm một, bảo vệ xác chết, mới là đại kính."
Xuân Thiên gật gù, đành nói: "Trong sách toàn ghi man di Tây Bắc ăn tươi nuốt sống, trời sanh tính tàn bạo, ăn thịt người giết người, thực ra chỉ là dân trí thấp kém." Nàng ngưng một lúc, nói tiếp, "Giả sử dạy lễ nghi, giảng giáo lý, thì họ và người Hán, chắc cũng sẽ không khác nhau là bao."
"Ngoài ải không so được với trong quan.

Trong quan có ruộng đồng phì nhiêu, đất đai màu mỡ, khí hậu dễ chịu, thích hợp sinh sống.

Ngoài ải nghèo nàn, chỉ biết sống nhờ chăn nuôi, đại bộ phận dân tộc miễn cưỡng đủ cơm ăn áo mặc.

Vì lãnh thổ và con dân, vì nuôi nhân khẩu, không thể không chinh chiến khắp nơi, sống bằng việc giết chóc, bị người Trung Nguyên coi rẻ khinh thường." Lý Vị nói, "Kỳ thực mọi người ai ai cũng như nhau, dưới mũ miện đường hoàng, sao sinh ra kẻ nhai thịt uống máu."
(còn tiếp).