Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 12: 12: Mổ Lợn Tết






Hết tết ông Táo, mọi việc hanh thông, không có gì kiêng kỵ, từ dựng vợ gả chồng cho đến làm ăn mua bán, rồi các buổi lễ nghi cúng bái hai bên Phật - Đạo, đều được diễn ra trong những ngày này.

Bầu không khí tưng bừng náo nhiệt, niềm vui ngập tràn, đây cũng là thời điểm rộn ràng nhất trong năm.
Con rể Tôn Hành Ông mở trại ngựa ở núi Lang Tâm.

Mấy bữa trước có lấy xe cao chở một con lợn rừng qua nhà cha vợ, chả biết đi đứng va vấp kiểu gì mà đâm hỏng nửa bức tường viện của Tôn gia.

Hôm đó nhân lúc trời quang mây tạnh, tuyết ngừng gió nghỉ, tốp đàn ông của đoàn ngựa thồ hô hào nhau tới nhà mổ lợn Tết.

Gia Ngôn cực kỳ phấn khích, có lẽ do hồi nhỏ cậu nhóc cảm thấy, tên đồ tể tay cầm đao nhọn là nhân vật vô cùng ghê gớm.

Khi đuổi theo Hách Liên Quảng ra cửa, Lục Minh Nguyệt ngăn cậu lại.

"Chỗ toàn máu me không, có gì tốt lành đâu, coi chừng buổi tối gặp ác mộng đấy."
"Mẹ cho con đi xem đi mà." Gia Ngôn kéo tay áo Lục Minh Nguyệt.

Lục Minh Nguyệt không chịu nhượng bộ, nghiêm mặt nói: "Về phòng học thuộc rồi viết chữ đi, không thuộc thì đừng hòng ra ngoài."
"Mẹ, mẹ, con hứa khi nào xem xong sẽ về học thuộc mà." Gia Ngôn giơ tay, "Con chỉ đi xem nửa tiếng thôi, con thề."
"Tôi sẽ trông Gia Ngôn, chỉ cho nó chơi trong nhà, không dính đến máu tanh đâu." Hách Liên Quảng cố ý bênh vực cháu, thế nhưng mặt mày Lục Minh Nguyệt vẫn cứ lạnh tanh, chẳng thèm đoái hoài gì đến hắn.

Lục Minh Nguyệt mắt điếc tai ngơ, chú tâm khuyên Gia Ngôn: "Mấy ngày nay mẹ cho con chơi chưa đủ phải không? Suốt ngày mải mê nhong nhong ngoài đường, có còn muốn học nữa không đây? Bớt xem mấy thứ mổ mổ giết giết đi, khéo lại hỏng cả người đi đấy, cứ ngoan như Trường Lưu kia kìa thì ai nói năng gì con?"
Gia Ngôn không lay chuyển được mẹ, nghẹn ứ một bụng tức, đành quay sang năn nỉ chú ruột của mình.

Hách Liên Quảng không chịu đựng nổi đứa nhỏ làm nũng, bèn tìm Lục Minh Nguyệt: "Người Bạch Lan Khương chúng tôi từ nhỏ trưởng thành trên lưng ngựa.

Con trai lớn lên sẽ phải học thuần phục ngựa săn chim ưng, mổ dê giết sói, lăn lộn trong máu.

Hôm nay cùng lắm là đi coi vui thôi, có gì mà không được."
Lục Minh Nguyệt không nhìn hắn, chỉ lo cúi đầu thêu đồ: "Các người làm gì tôi kệ, ngày nào cũng đi xem giết mổ, máu me đầm đìa thì bổ béo chỗ nào.

Còn nữa, Gia Ngôn là do tôi sinh dưỡng dạy dỗ, nó không biết người Khương gì cả, nó là người Hán."
"Ồ?" Cặp mắt nhạt màu của Hách Liên Quảng nheo lại, nhếch môi cười gằn: "Sao thằng bé lại là người Hán được, nó không mang họ Hách Liên à? Trông nó giống người Hán? Người không chảy dòng máu của người Khương?"
Những lời ấy đâm thẳng vào sâu trong lòng Lục Minh Nguyệt.

Mặt mũi Gia Ngôn giống cha, vóc người cao ráo, khuôn mặt sắc nét và đôi đồng tử nhạt màu, nhìn kỹ cũng giống Hách Liên Quảng.

Vì ngoại hình khác biệt của mình, nên từ bé Gia Ngôn thường hay bị mấy đứa con nít khác đuổi theo đánh chửi.

"Ha!" Lục Minh Nguyệt trỏ ngón tay vào Hách Liên Quảng, nói: "Gì mà người Bạch Lan Khương, bộ lạc Bạch Lan diệt vong từ lâu rồi! Mấy chục năm trước các người làm nô lệ cho dân tộc Thổ Dục Hồn, giờ lại trở thành nô lệ của dân tộc Thổ Phiên, hồ Thanh Hải mà các người cho là tự hào cũng đã thuộc về thổ địa của dân tộc Thổ Phiên.

Hiện tại các người chẳng có gì trong tay, không là cái thá gì hết!"
Sắc mặt Hách Liên Quảng phút chốc lạnh đến cùng cực.

Hắn nhìn chằm chằm khuôn mặt đỏ bừng vì giận của Lục Minh Nguyệt, nhíu đầu mày, cất giọng thờ ơ: "Người Bạch Lan Khương chúng tôi là nô lệ, nhưng chị cũng vẫn lấy đấy thôi, thủ tiết cho đàn ông Bạch Lan nữa còn gì?"
Lục Minh Nguyệt đứng phắt dậy, mày liễu dựng đứng, lạnh lùng nhìn hắn.

Hách Liên Quảng chẳng ừ chẳng hử, quay đầu bỏ đi.


"Mẹ...!mẹ đừng giận." Lúc này Gia Ngôn mới biết sợ, rụt rè nom vẻ mặt mẹ mình, "Con không đi nữa, mẹ đừng cãi nhau với chú Quảng."
Ngực Lục Minh Nguyệt phập phồng, mặt đỏ gay, tức tối quát lên: "Quay về phòng ngay, đừng có suốt ngày bám theo tên chú không biết chui từ xó xỉnh nào ra nữa!"
Bên kia, Lý Vị quấn khăn chít đầu, thay chiếc sam cũ chuẩn bị đi.

Trường Lưu thấy cha mình sắp ra ngoài, khăng khăng muốn theo chơi cùng.

Lý nương tử hết cách, đành mặc quần áo chỉnh tề cho cậu.

Trước khi đi, Lý Vị thoáng nhìn qua Xuân Thiên một mình ngồi dưới khung cửa sổ chái Tây thêu đồ, biết vết thương nàng đã lành, đi đứng thoải mái, thêm việc nàng đã ở trong nhà suốt ba tháng trời, bèn hỏi: "Vết thương cũ lành rồi, có muốn ra ngoài hít thở không khí không?"
Nơi xa nhất Xuân Thiên đi cũng chỉ loanh quanh trong hẻm Người Mù, đang muốn dạo đây đó cho khuây khỏa, nghe vậy bất giác gật đầu.

Lý Vị cất giọng gọi, dẫn luôn cả Tiên Tiên theo, bốn người lớn nhỏ cùng nhau ra ngoài.

Mấy đứa nhỏ chưa từng thấy mổ lợn Tết lần nào, Xuân Thiên thì lại càng không cần nói, đích xác là mới nghe lần đầu tiên.

Đến nhà Tôn Ông lão, đàn ông đứng hết ngoài phòng, trong phòng có hơn mười người toàn nữ quyến và con nít, hết sức sôi nổi.

Thục Nhi cũng có mặt, vẫy tay gọi mấy người Xuân Thiên: "Lại đây ngồi này!"
Phụ nữ ở đây đều là gia quyến của đội lạc đà, bình thường rất hay qua lại, nàng nhận ra khá nhiều người.

Lập tức, Xuân Thiên, Trường Lưu, và cả Tiên Tiên, lễ phép chào từng nương tử một, rồi được các cô các dì cho bao nhiêu là kẹo.

Trong đó có vị Quách nương tử to giọng, cười tủm tỉm kéo đám nhỏ lên giường lò ngồi.

Nương tử Tôn gia bưng ấm trà đồng ra đãi khách đến, cười bảo: "Ngoài kia bẩn lắm, để mấy ông đàn ông tự xử đi.

Mình ngồi trong phòng uống trà được rồi."
Có người nhìn qua chuồng lợn, la lên một tiếng: "Cừ thật!" Đó là một con lợn rừng da lông bóng nhẫy, răng nanh loang loáng, thở phì phò, thân mình to uỵch, cường tráng như con bò, nặng khoảng chừng hai ba trăm ký.

Nó giương mắt nhìn đám người vây xem, có vẻ bất an nằm lết xuống bùn, cọng dây chão cột móng sau đã lơi lỏng, dưới đất đào một cái hố thật lớn.

Trong số tám chín người đàn ông tráng niên, Tiền Thanh là người Thục, ưa sạch sẽ, cau mày nhìn đầu lợn, tự đi mài dao.

Đáp Na Đề là người Hồ, chê thịt lợn có mùi khai của đất nên không chịu ăn, đương nhiên chẳng thèm động tay vào.

Thẩm Văn và Hách Liên Quảng xắn tay áo nhảy vào giữa đám.

Lợn rừng nghe tiếng dao mài roèn roẹt bên cạnh, mắt đỏ ngầu long sòng sọc, rướn cổ rú lên từng tràng dài liên tiếp.

Nó nằm trong vòng tròn lăn đụng khắp nơi, ý đồ lao ra ngoài, thấy có người nhảy vọt vào, nó cong lưng đâm đầu tới chỗ hai người.

"Chà, lợn rừng này dữ đấy." Nhóm nữ quyến cắn hạt dưa, rõ ràng đã tiến đến trạng thái bắt đầu xem trò vui.

Hách Liên Quảng chờ lợn rừng chạy lại, người lóe lên, nhào sang bên cạnh, hai tay vươn ra trước nắm lấy hai cái răng nanh lợn rừng ấn xuống dưới.

Thẩm Văn phối hợp kéo hai chân sau thô chắc của nó về đằng sau, kìm hãm con súc sinh đang lên cơn điên.

Lợn rừng gào rít thảm thiết, bị hai người dồn sức đè xuống đất, nó vùng vẫy dữ tợn.


Con lợn này khỏe kinh người, khiến hai tên đàn ông không tài nào ghìm chặt nổi, hô: "Mang dây thừng tới đây!"
Lý Vị cầm dây thừng bước lên, trói chặt hai chân sau của lợn rừng.

Nào ngờ con lợn càng vật càng hăng, nó bạt mạng hòng thoát khỏi những bàn tay và sợi dây như xiềng xích.

Hách Liên Quảng lẫn Thẩm Văn quần quật bở hơi tai, tay rã rời đến nơi.

Hông Lý Vị giắt chủy thủ, vai và khuỷu tay hướng về trước, khống chế cái tai to như quạt hương bồ của lợn rừng.

Thanh chủy thủ làm bằng gang, bổ phát thẳng xuống cổ con lợn.

Lợn rừng tru tréo lên một tiếng, biên độ giãy giụa giảm đi, bấy giờ mới cho người ở ngoài thừa cơ trói bốn chân lại.

Trong phòng có đứa nhỏ bạo gan chạy ra ngó nghiêng.

Từ nhỏ Trường Lưu đã sùng bái uy phong của cha mình, lại chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng thế này, cậu nghiêng đầu nhìn cha, kéo góc tay áo Xuân Thiên đi ra theo.

Ngoài sân đã chuẩn bị sẵn nồi lớn đun nước tuyết tan.

Bốn chân lợn rừng bị trói chặt, nhưng nó vẫn liều chết nhe cặp răng nanh, đấu tranh giành sự sống, kêu rên liên hồi, xới tung hết cả bùn đất.

Nước nóng xối qua thanh chủy thủ, hai người ấn xác con lợn, Lý Vị quỳ xuống đất, con dao sắc bén lóe lên tia sáng lạnh lẽo, chọc một nhát vào cổ lợn rừng.

Bọn nhỏ đứng nhìn tròn mắt ố á.

Trường Lưu co rụt người, Xuân Thiên ôm vai cậu, nâng tay áo che mắt và tai Trường Lưu lại: "Đừng nhìn."
Trường Lưu ngửi thấy luồng hương thơm ngát xộc lên mũi, bụng dạ bối rối, không khỏi nắm chặt tay áo Xuân Thiên.

Máu tươi bắn tung tóe, lợn rừng kêu re ré, tiếng kêu thấu tận trời xanh, mắt nó trợn ngược, bốn chân giãy đành đạch, tiếng rú của nó khiến da đầu những người chung quanh tê rần.

Mùi máu tanh ngòm quyện trong gió rét, làm ai nấy cũng có cảm giác cổ họng lợn cợn.

Máu nóng đỏ tươi tuôn ồ ạt, thấm vào bùn vào đất, tạo dòng chảy xuôi theo chỗ người đứng.

Mấy người cuộn tay thành nắm đấm, đè nghiến con lợn vật vã sắp chết.

Bên cạnh có người vội vàng đưa chậu gỗ qua, máu chảy đầy vào chậu, sóng sa sóng sánh, rồi từ từ đông thành hình.

Cảnh máu đầy đất thế kia thực sự không đành lòng nhìn thẳng.

Xuân Thiên mới thấy lần đầu, toàn thân run run, sống lưng lạnh toát, muốn mở mắt ra nhưng màu máu như đóng đinh vào mắt nàng.

Lợn rừng còn đang rên những tiếng đứt quãng, nghe thôi cũng thấy tàn nhẫn rợn người.

Buổi mổ lợn ồn ào bỗng chốc trở nên nhạt nhẽo hẳn.


Trường Lưu hơi lo, giật tay áo Xuân Thiên: "Chị ổn chứ?"
Lợn rừng dần từ bỏ đấu tranh, tiếng khàn đặc, nhưng tứ chi nó còn đang co giật.

Tất cả mọi người thở phào nhẹ nhõm, yên tâm chờ tiết chảy hết.

Xuân Thiên buông tay áo, ôm Trường Lưu lẳng lặng nhìn.

Mấy người Lý Vị thả tay, đợi lợn rừng tắt thở, bình tĩnh chuẩn bị dụng cụ giết mổ.

Lông mày họ không nhăn lấy một cái, đứng trong chuồng lợn bẩn thỉu, mặc bộ quần áo đàn ông bình thường.

Chợt Xuân Thiên nghĩ, hằng năm bọn họ bôn ba nơi đại mạc hoang dã, vậy đã từng giết người chưa, họ sẽ dùng cách gì để kết thúc sinh mệnh của một người, nhìn máu tràn khắp đất, có thấy sợ hãi chăng?
Nàng nhớ lại ngày mình gặp mã phỉ, mắt chúng hung tợn, trường đao vô tình, cứ thế nhắm vào nàng mà tấn công.

Đó là một thế giới khác xa so với quá khứ của nàng.

Chuyện mổ bụng moi lòng thật không có gì hay ho để coi, mùi từ bụng lợn rừng cũng chẳng thơm tho lắm cho cam, nhóm nữ quyến đã vào nhà, tốp đàn ông phân công làm việc.

Đến khi xong xuôi, mấy người mới lại chỗ mái hiên rửa tay.

Xuân Thiên đứng ngoài nửa buổi trời, hai má thấm hơi lạnh đỏ ran, ngón tay tê tê.

Lý Vị ngẩng đầu, thấy chóp mũi nàng ửng hồng, ngẩn ngơ nhìn chăm chăm bàn tay mình, hắn bèn hỏi.

"Thấy rồi à?"
Nàng gật gật.

"Không sợ?"
Nàng lắc đầu, khuôn mặt nhợt nhạt hơi khựng, rồi lại gật.

Lý Vị nở nụ cười.

Hắn cười rất đẹp.

Nụ cười của một người đàn ông trẻ tuổi, mà cũng không tính là quá trẻ, giống như ngày đông giá rét này, mang theo cảm giác lành lạnh mà tươi sáng, cởi bỏ lớp vỏ che giấu của thân phận địa vị và thời vận tính cách, để lộ nét thuần túy rực rỡ như hòn ngọc lúc nguyên sơ.

Hắn cúi đầu rửa tay, đôi bàn tay đàn ông dính bột xà phòng, nhẹ nhàng chà xát, cọ rửa vết máu, trả lại dáng vẻ vốn có của nó.

Bàn tay hắn rộng như lá hương bồ đan lại với nhau, ngón tay thẳng tắp, khớp xương rõ ràng, bụng ngón tay và lòng bàn tay có những vết chai với độ dày không đồng nhất.

Thoạt nhìn, cho dù là đao kiếm hay roi ngựa, được bàn tay ấy cầm xem chừng đều thực thích mắt.

Nàng duỗi ngón tay chỉa chỉa vào một bên má mình, nói với hắn: "Chỗ này."
Hắn giơ ống tay áo lau vết máu trên mặt, đáp: "Cảm ơn."
Thu dọn sạch sẽ, Tôn đại nương dùng lá hương bồ khô gói thịt lợn rừng, dán giấy đỏ lên rồi biếu cho mọi người.

Lý Vị xách túi lá, dẫn mấy đứa nhỏ về nhà, ven đường có người đưa hàng rong cắp giỏ trúc bán xâu mứt quả, hắn dừng lại, lấy ví tiền ra mua mỗi người một xâu.

Xuân Thiên nhìn mứt quả đỏ au Lý Vị đưa cho nàng, cổ bỗng đầy ứ, cắn môi lắc đầu: "Tôi không ăn đâu."
"Bị dọa rồi hả?" Lý Vị trông sắc mặt nàng xám trắng, "Là lỗi của tôi."
Trướng Lưu cầm xâu mứt, cũng thấy hơi khó xử: "Cha, con cũng không muốn ăn lắm." Nhìn mứt quả màu đỏ thế này, khó tránh lại nghĩ tới cái chết bi thảm vừa rồi của con lợn rừng.

Chỉ có Tiên Tiên, vừa thấy mứt quả là quên hết sạch sành sanh.

"Cha, chúng ta khỏi cần ăn thịt."

"Không ăn thịt thì ăn cái gì?" Miền Bắc không so được với phương Nam, rau dưa rất ít, vào đông băng tuyết lấp kín đất, còn mỗi mấy loại củ cải dưa muối.

Trường Lưu suy tư một hồi, không ăn thịt, thế chắc chỉ có nước chết đói, cho nên sách vở mới ghi, quân tử xa nhà bếp.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu mọi người đều xa nhà bếp, há chẳng phải ngày đó ai ai cũng đói chết ư?
Đêm khuya.

Lục Minh Nguyệt nghe thấy tiếng mở cổng ngoài sân cùng tiếng bước chân quen thuộc của người đàn ông, biết Hách Liên Quảng đã về, trái tim chị thả lỏng, thở hắt ra một hơi.

Sau khi Hách Liên Quảng ra ngoài, Gia Ngôn sụt sùi lên xuống, mà thằng bé này trước giờ có mấy khi khóc nhè, khiến lòng người mẹ là chị nhức nhối khôn nguôi.

Hồi chị mười hai tuổi, vì cha viết bài báo làm mích lòng trưởng quan địa phương, cả nhà lưu vong biên tái, chưa tới Hà Tây mẹ đã nhắm mắt xuôi tay, từ đó cha con chị định cư ở Sa Liễu doanh.

Người ở Sa Liễu doanh đều là tội nhân của các châu các phủ, đi đày ở đồn điền nơi đây.

Cha con hai người, một già một trẻ, phải chịu biết bao khổ cực.

Trong doanh đủ loại đàn ông, chúng thể hiện vẻ thèm muốn một cách lộ liễu, chị bị chúng chòng ghẹo đủ đường.

Ở chốn ấy, khó mà giữ gìn được trinh tiết.

Trong Sa Liễu doanh có nô lệ chuyên gánh phân bón phân tên Hách Liên Bá, là một tội phạm người Bạch Lan Khương.

Trên mặt Hách Liên Bá có vài vết sẹo do đao chém, trông cực kỳ dữ tợn.

Nhưng thân hình hắn cao lớn, lực mạnh vô cùng, lại còn độc lai độc vãng, lưu dân cả doanh ai cũng có phần e ngại hắn.

Tuy thân phận của Hách Liên Bá thấp kém, nhưng hắn luôn âm thầm giúp đỡ chị, còn hơn đám lưu dân răng vàng tanh hôi trong doanh luôn lăm le ý đồ xấu với chị.

Sau khi cha ngã bệnh qua đời, một mình chị ở Sa Liễu doanh như dê vào miệng hùm.

Lòng trăm mố, lo âu, chị bèn nương thân vào Hách Liên Bá, quyết định lấy hắn.

Đương thời, Hán quý Hồ tiện, Hách Liên Bá còn là nô lệ của người Hồ, xuất thân lại càng rẻ mạt.

Đàn ông cả doanh đều coi khinh chị vì đã lấy một tên nô lệ gánh phân, mỗi lần đi ngang qua đều nhổ nước bọt vào chị, sỉ nhục không chút kiêng dè.

Hách Liên Bá chết, cơ hội đã đến, chị dẫn Gia Ngôn mới hai tuổi đi đến Cam Châu.

Ở Cam Châu có khu thành người Hồ - Hán sống lẫn lộn tạp nham, cuộc sống của Gia Ngôn khá hơn rất nhiều.

Vài năm sau Hách Liên Quảng tới Sa Liễu doanh tìm anh cả của mình, cuối cùng đã tìm được cháu trai và chị dâu ở hẻm Công Đức.

Ban đầu, người Bách Lan Khương sinh sống bên hồ Thanh Hải linh thiêng, họ tự xưng mình là con của trời, dê bò béo mập, sở hữu những cánh đồng muối dài rộng thênh thang và những bao hàng khan hiếm ở khắp nơi.

Nhưng chẳng được bao lâu, mọi thứ đã bị dân tộc Thổ Dục Hồn và dân tộc Thổ Phiên chiếm giữ.

Người Bạch Lan Khương bị lăng nhục và tàn sát, kết cục sau cùng là không thể thoát khỏi kiếp nô lệ cho cường Hồ.

Con cái của người Bạch Lan Khương là giống người yếu kém nhất, bị gán với những xưng hô như tạp chủng, cẩu nô.

Chị chỉ muốn Gia Ngôn được sống tốt hơn, giống người Hán hơn một chút thôi.

(còn tiếp).