Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 1: 1: Ngọc Môn Quan




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Tảng sáng.

Nền trời âm u chuyển dần sang một màu trắng bạc như bụng cá, làn gió mang hơi lạnh chợt ngừng thổi, bốn bề tĩnh lặng.

Có ánh lửa lập lòe cách đó không xa dần tắt, tòa thành sừng sững cao ngất hiện lên với những đường nét mờ ảo giữa chốn hoang vu bạt ngàn.

Những vì tinh tú ảm đạm hẳn đi, chỉ còn sót lại vài ông sao lưu luyến vẫn còn treo lơ lửng sáng ngời một góc nhỏ trên không trung, tựa như chỉ cần vươn tay là có thể với tới.

Tầng sương mỏng phủ lên chiếc mũ sắt của người lính thành bóng loáng.

Sương muối tháng chín, đêm ở đây rét vô cùng.
Đang giờ Mẹo, cả biên thành chìm trong giấc ngủ say, hỏa trường* canh gác vội vàng lau qua mặt rồi chạy vượt qua tường thành đổi ca trực.

Trong số các binh lính đứng gác có mấy người là tân binh từ Lưỡng Quảng đến, nửa đêm đông giá buốt, môi tím tái, tay chân cứng đờ không thể nhúc nhích, hỏa trường cầm cây giáo sắt đập lên mũ giáp từng người: "Mẹ mày, mới nửa đêm đã như con gà bệnh sắp chết thế hả, tất cả thẳng lưng lên cho ông!"
(*Hỏa trường: chức thủ lĩnh nhỏ trong quân đội thời xưa)
Hỏa trường tên Nghiêm Tụng, dáng người gầy đét, xuất thân ở núi Minh Sa huyện Đôn Hoàng, đã lăn lộn trong quân đội biên cương hai mươi năm có lẻ.

Tuy chỉ mới bốn mươi tuổi nhưng gương mặt đã nhuốm đầy vị gió sương gian khổ.

Trước kia Nghiêm Tụng vẫn luôn trấn thủ Hợp Hà, vài năm gần đây triều đình thống nhất quân trấn thủ Hợp Hà và quân Ngọc Môn làm một, thế nên Nghiêm Tụng mới đến nơi này.

Sắc trời dần sáng, gió thổi quét qua cánh đồng bát ngát, đất cát sỏi cũng bị cuốn theo.

Trên đỉnh đầu rợp một màu trong vắt như hòn ngọc bích, ráng mây phía chân trời nối thành đoàn, uốn lượn như ngọn lửa, lại như dải lụa dài vô tận.

Nghiêm Tụng tuần tra từ trên xuống dưới một lượt, anh ta dựa vào tường giũ lớp bụi vàng bám trên ủng, cỏ dại chỗ góc tường xám xịt bị gió cát vùi lấp đi hết nửa.

Sa mạc mênh mông chỉ có cát vàng và những mô đá gập ghềnh cứng nhắc, không mang theo chút sức sống nào.

Tia sáng lờ mờ chiếu rọi vào chỗ xa nhất, một làn mưa bụi vàng lất phất hứng lấy ánh cam hồng từ Tây Bắc thổi đến.

Nghiêm hỏa trường quan sát hồi lâu, lấy từ trong ngực ra chiếc ống dòm cũ kỹ rồi chăm chú quan sát.

Gương mặt khô quắt hiện lên ý cười, tay vẫy vẫy với đám binh lính đang đóng giữ dưới thành, sau đó đủng đỉnh bước xuống: "Mẹ kiếp, đúng là nhóm người của Tôn lão Bì Tử kia rồi!"
Có lẽ do đồi cát bao la quá đơn điệu, nên đã phóng cực đại vẻ xinh đẹp của vầng thái dương lên.

Mây trôi lững lờ đùn mấy cụm đỏ rực, nhuộm đẫm cồn cát dưới chân một màu đỏ tươi như máu.


Trong nắng ban mai chói rọi, những bóng đen dần dần hiện rõ hình hài, tiếng lục lạc vang lên đều đặn len lỏi trong đội ngũ đều tăm tắp.

Tốp đàn ông khoác những bộ phục sức khác nhau, trên lưng cõng bọc hành lý, dẫn theo lừa, lạc đà, trâu ngựa, thong thả tiến về quan ải cuối cùng của sa mạc cát vàng - Ngọc Môn Quan.

Mấy người đàn ông đi trước cưỡi toàn ngựa cao to, có cả người Hồ lẫn người Hán, trên đùi cột túi mũi tên.

Tiếp theo đó là lão già cưỡi lạc đà, miệng ngậm tẩu thuốc.

Đằng sau là cả đoàn lữ nhân chắc mẩm phải hơn trăm người, mặt mũi ai nấy cũng toát lên vẻ mỏi mệt uể oải, quần áo là những tấm vải nỉ lông cừu.

Trong đó chiếm số đông là những con buôn người Hán da vàng tóc đen, cũng có người Đại Thực mũi cao đầu trọc, hay người Ba Tư với mũ da và áo khoác dài, người Lật Đặc áo trắng râu rậm, và còn vài vị hòa thượng mặc áo cà sa đeo chuỗi châu ngọc, đàn con la với những chiếc túi mềm lớn chất trên lưng.

Đi phía vòng ngoài đoàn lữ hành là mấy người đàn ông mang theo mũi tên, ngẩng đẩu thúc ngựa tiến thẳng về phía trước.

Sương trắng phủ lấp mái đầu của lão già ngậm tẩu thuốc, nom tinh thần lão quắc thước lắm, đúng thật là Tôn lão Bì Tử mà hỏa trường nhắc tới rồi.

Lão Bì Tử là biệt danh người ta hay gọi vui cho người cưỡi ngựa trên sa mạc.

Tên thật của lão là Tôn Hành Ông, người Cam Châu, nay đã ngoài sáu mươi, kinh nghiệm hơn bốn mươi năm bôn ba trên con đường buôn bán ở Tây Vực, là người dẫn đường vô cùng có tiếng.

Bấy giờ, lão xoay người nhảy khỏi lưng lạc đà, miệng cắn tẩu thuốc lá, chắp tay thi lễ với Nghiêm Tụng, cười hết sức niềm nở: "Quân gia, già này lại tới quấy rầy rồi."
"Đi đã hơn năm tháng, nếu không về thì cũng thật là đáng lo đấy!" Nghiêm Tụng cười bảo: "Cổng thành vừa mở thôi, hôm nay lão là người đến đầu tiên."
"Đều nhờ phúc của triều đình cả.

Ngọc Môn mở lại, đường sá cũng được hanh thông, chúng tiểu nhân vì thế mà đẩy nhanh tốc độ, nhân cơ hội cửa hông vừa mở bèn vào thành nghỉ chân một chốc, bổ sung ít nước và lương thực." Tôn lão nói, "Hiện nay thương đội đều đổi từ Đôn Hoàng sang hành tẩu ở Ngọc Môn, ngựa thồ tấp nập, nếu đến muộn thì có lẽ phải mất hơn nửa ngày mới có thể vượt qua vòng kiểm tra."
Nghiêm Tụng gật đầu nói phải.

Vài năm trước triều đình đại chiến với Đột Quyết, khai thông đường cũ Y Ngô mà Đột Quyết chiếm cứ.

Ngọc Môn quan bị bỏ hoang của tiền triều được dời trăm dặm từ Đôn Hoàng đến thượng lưu sông Hồ Lô ở huyện Hà Thương, là nơi đóng quân của năm nghìn quân Ngọc Môn, tám trăm quân mã.

Trước khi đường Y Ngô được mở, sứ giả thương đội từ Đôn Hoàng chủ yếu chọn con đường đi qua Tây Vực.

Đường Đôn Hoàng nhiều sa mạc, thường bị gió cát vùi lấp, chỉ có thể dựa vào hài cốt của người ngựa hay phân ngựa ven đường để phân biệt, dọc đường đi khả năng lại gặp phải nhiều chuyện ly kỳ cổ quái, nói chung gian nan khổ cực trăm bề.

Nay đường Y Ngô đã về tay triều đình, bố trí thêm mười trạm dịch, từ đó đội buôn bắt đầu kéo đến nườm nượp, sứ giả lui tới không dứt, quả thực rất bận rộn.


Cổng thành vừa mở là nhóm lữ hành đã đứng dậy hoạt động gân cốt, chuẩn bị kiểm tra giấy tờ công văn.

Lẫn trong đám đông náo nhiệt, có con ngựa to khỏe với bộ lông nâu óng mượt nổi bần bật.

Mà tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người lại chính là chủ nhân của nó - một chàng trai trẻ tuổi, người khoác áo gấm, chân xỏ giày nhung, mặt mày sáng láng phong thái tự nhiên, và bãi cát vàng ruộm phía sau lưng như làm nền cho bức tranh diễm lễ chói mắt ấy.

Vị công tử cẩm y quay sang nói vài câu với người đàn ông trung niên râu ngắn mặt mày sáng sủa bên cạnh mình.

Cả hai xoay người xuống ngựa rồi cùng tiến đến đàn lạc đà xem xét hành lý, lại lệnh người dắt mấy con la chở lương thực ra.

Đôi mắt Nghiêm Tụng hằn lên vẻ nguy hiểm, cất giọng hỏi người trong đoàn: "Cẩm y công tử kia là ai thế? Nhìn chẳng giống thương gia chút nào."
Tôn lão bật cười thành tiếng: "Đó là Nhị công tử Đoàn gia ở Lũng Tây."
Nghiêm Tụng ồ lên: "Đoàn gia Lương Châu?"
"Chính thế." Tôn lão hút ngụm thuốc, "Từ sau khi chi trưởng của Đoàn gia chuyển tới phía đông thì công việc mua bán ở Hà Tây được giao cho chi thứ hai xử lý.

Thế nhưng lần này chẳng biết xảy ra chuyện gì mà người Đoàn gia ở Trường An lại xuất hiện." Tôn lão vân vê lá thuốc, "Nhị công tử lễ nghĩa đàng hoàng, tính tình khiêm tốn, là người tử tế."
Vùng Hà Tây không ai không biết Đoàn gia Lũng Tây.

Đoàn gia xuất thân là thương nhân nhưng lại không buôn bán ở Trung Nguyên.

Tơ lụa Thanh Châu Sơn Đông, lụa thêu Giang Tô Chiết Giang, gấm Tứ Xuyên, gốm sứ Việt Châu Hình Diêu, lá trà Giang Nam, phàm tất cả những thứ độc nhất của một vùng, đều được chất hết lên lưng lạc đà, băng qua Lũng Tây Hoàng Hà, xuyên tới thung lũng Hà Hoàng, dọc theo dãy núi Kỳ Liên.

Ngựa thồ đi xa Tây Vực, vận chuyển những món vô giá như nhũ hương, một dược, xạ hương, huyết kiệt, ngựa, trân châu dị bảo, đổ vào tám mươi mốt châu trong thiên hạ, chảy vào tay vương tôn quý tộc.

Từ bao đời nay, Đoàn gia lấy được bao nhiêu bảo vật, giấu đi bao nhiêu kỳ trân, không ai biết rõ, chỉ biết Đoàn gia vàng bạc chất đống, giàu nứt đố đổ vách.

Hơn ba mươi năm trước, con trưởng Đoàn gia là Đoàn Chi Đình thi đậu làm quan, việc làm ăn kinh doanh giao lại cho con thứ Đoàn Ngạo Minh xử lý.

Đích tôn cởi áo thương nhân dời đến Trường An, mang theo túi kim ngư* và đai bạch ngọc*, đặt chân vào lầu son thâm viện.

Nghiêm Tụng giữ chức vụ nho nhỏ trong quân, nhưng mấy tin đồn bên triều đình lại nắm rất rõ, lúc này giơ tay vuốt vuốt cằm: "Nghe nói phi tử mà hoàng thượng mới nạp tới từ Lũng Tây, là dòng bên của Đoàn gia..."
Đang nói chuyện thì bỗng bên cửa thành xảy ra tranh chấp.

Tên người Ba Tư đội chiếc mũ chóp, mũi cao râu dài, mày rậm mắt thâm đang cãi nhau quang quác với tên người Hán nón lụa áo xanh.

Tên người Hán có dáng người trung bình, áng chừng thấp hơn tên người Ba Tư một cái đầu hơn, giờ phút này mặt đỏ phừng phừng, ngửa đầu mắng: "Thằng ranh nhà mi vô lý nó vừa, lạc đà của mi không đi thì nhường đường hộ để người đằng sau còn đi lên.


Đứng chiếm hết đường lối thế thì ai đi được?"
Một con lạc đà lông xám thong dong gặm đám cỏ gai cạnh cổng thành, nó nằm chắn gần nửa đường.

Tên buôn Ba Tư không sõi tiếng Hán lắm, giọng địa phương cũng nặng, thấy đoàn người phía sau nhăn nhó phàn nàn nên hơi cuống, giải thích cả tràng vẫn chẳng hiểu là đang nói gì.

Đằng sau có cậu thiếu niên nom mười bảy mười tám tuổi thật thà dắt con la to màu đen tiến lên đuổi lạc đà đi.

Con lạc đà kia cũng lạ, càng đuổi thì nó càng ì ra đấy, bốn chân khuỵu xuống đất chặn kín cửa thành.

Mọi người chung quanh vừa tức vừa buồn cười, lạc đà ấy da dày thịt béo, lấy roi ngựa quất cũng chẳng xi nhê.

Tên buôn Ba Tư bó tay, trừng mắt thổi râu liên hồi, bất lực nhìn lạc đà của mình bị mọi người đá đuổi đến nỗi bẩn hết cả người.

Nghiêm Tụng chỉ vào cậu thiếu niên chất phác, hỏi: "Kia có phải con của Chu gia không?"
"Ừ." Tôn lão hút tẩu thuốc, "Sau khi Hổ Tử mất, đứa nhỏ này nháo nhào bảo muốn đi cưỡi ngựa.

Nương tử Chu gia sống chết không chịu, nhưng một nhà bảy tám miệng ăn, cuối cùng không thể không cho nó đi."
Tôn lão gọi thiếu niên kia lại: "Hoài Viễn, đến chào chú Nghiêm của mi đi này."
Thiếu niên từ xa chạy tới cười hì hì: "Chú Nghiêm ạ!"
"Đứa nhỏ này, trông rất có phong thái của Hổ Tử."
Lại phải nói, Chu Hổ Tử bôn ba sa mạc hai mươi năm rồi bỏ mạng trong bão cát.

Lúc chết ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy, chẳng biết trên đường đâu là xương ai chất đống, đâu là cô hồn cố nhân.

"Số cả thôi." Tôn lão chậm rãi phả ra làn khói trắng, "Chúng ta dẫn đứa nhỏ này theo, coi như có thể ăn nói với Hồ Tử."
Kỳ Liên núi bắc, Hợp Lê núi nam, Ô Sao Lĩnh núi tây, giữa ba núi là Hà Tây, bắc dựa Mạc Bắc; nam thông Hà Hoàng; tây tiến vào Lương Châu, Cam Châu, Túc Châu, Sa Châu.

Hà Tây vốn là quê hương của người Hồ.

Từ thời nhà Hán, triều đình đã đóng quân đồn điền ở nơi đây, người Hán đa số là dân nghèo và tội nhân được tổ tiên chuyển tới, nhà không tiền của ruộng đồng.

Vì để sống, trong đó không thiếu những người như Nghiêm Tụng, hai mươi tuổi đã đi lính, đến sáu mươi sẽ có đất có vườn, thoát khỏi cảnh lăn lộn trong quân mà địa vị thấp kém cùng mấy đồng quân lương bạc lẻ.

Khác cũng có Tôn Hành Ông và cha con Chu gia, dắt theo đội ngựa thồ, dẫn ngàn dặm thương khách kiếm lời, đi qua sa mạc mịt mùng, tới phương trời xa nhất bọn họ có thể tới, đổi lấy cuộc đời đủ đầy sung túc.

Giấy má đã kiểm tra được chừng hơn tiếng, trong đội buôn có đến mười hồ cơ* da trắng như tuyết mắt xanh như ngọc bị ngăn lại.

Binh lính giữ thành toàn là mấy tên trai đầu gỗ giương mắt nhìn chòng chọc cả buổi.

Có người đằng trước lục lọi trong ngực áo hồi lâu, thở hồng hộc lấy ra xấp sách lụa: "Binh gia, đây đều là vũ cơ tôi mua, sách ghi đây, mời xem thử."
(*Hồ cơ: chỉ thiếu nữ ngoại tộc đến từ phương bắc hoặc phương tây)
Đoàn Cẩn Kha kiểm tra thồ hàng xong, phủi phủi bụi đất bám trên người mình vào đàn lừa, dắt ngựa đi qua thì thấy Nghiêm Tụng chừa một lối đi bên cạnh hồ cơ, nói giọng đong đầy ý cười: "Công tử đi bên này."
Đoàn Cẩn Kha chắp tay: "Đa tạ hỏa trường."

Nghiêm Tụng báo tên họ, sau đó quay sang hàn huyên cùng đám người, anh ta gọi một ấm trà nóng: "Trà lâu năm, mong công tử đừng chê."
Đoàn Cẩn Kha cũng không từ chối, lập tức nói cảm ơn rồi uống một hơi cạn sạch.

Hành tẩu suốt đêm nên mặt mũi giờ đây đã dính đầy bụi cát, bụng dạ lạnh buốt.

Cuối thương đội, một người đàn ông trẻ tuổi mặc áo choàng xám và dắt con ngựa xám, xách theo bao đựng tên, vai khiêng bao lương thực, theo sau là phu xe đuổi con trâu con la cũng vào Ngọc Môn Quan.

Khóe mắt Nghiêm Tụng nhác thấy bóng dáng người đàn ông, lớn giọng gọi hắn: "Lý Vị."
Người đàn ông xoay người lại, hàng mày rậm sắc, gương mặt dính bụi, sáng sớm rét như thế mà bên thái dương lấm tấm mồ hôi.

Một người một ngựa nóng như muốn bốc cả hơi.

"Nghiêm đại ca."
"Trở về sắp xếp ổn thỏa rồi đến nhà uống chén rượu."
"Khi nào rảnh chắc chắn sẽ đến."
Đoàn Cẩn Kha ngồi uống trà bên này, nghe cuộc đối thoại của hai người thì ngẩng đầu lén nhìn sang.

Y có biết Lý Vị, mỗi lần Tào Đắc Ninh ra Tây Vực đều nhờ Lý lão dẫn đường, đoàn người của Lý Vị đi cùng luôn.

Hành trình ngàn dặm nguy cơ đầy rẫy, ngoại trừ mấy thanh - tráng niên tự mở hiệu buôn thì ít ai thuê thêm hộ vệ quen đường quen lối theo trông coi.

Trong đoàn người này, Lý Vị tuy kiệm lời, nhưng tài bắn cung cực kỳ đỉnh.

Đầu xuân theo Tào Đắc Ninh xuất phát từ Cam Châu qua Ngọc Môn, An Tây tứ trấn, thẳng đến nước Đại Uyên.

Đi được khoảng năm tháng, mang bao nhiêu là tơ tằm vượt hàng ngàn dặm, rốt cuộc cũng về tới Ngọc Môn Quan.

Vào Ngọc Môn Quan, lòng người thấp thỏm cũng an tâm hẳn.

Đi thêm mấy ngày ra Túc Châu, nghỉ chân ở Túc Châu một ngày, ba bốn ngày là có thể vào Bạch Mã Thú.

Sau Bạch Mã Thú chính là ranh giới Cam Châu.

Uống hớp rượu cuối cùng trong túi nước, mắt quan sát đoàn người hàng lên tiếp tục lên đường, Tôn lão dụi người vào con lạc đà, thoải mái chợp mắt.

(còn tiếp)
>>Chương 2: Một khuôn mặt nhỏ nhắn trầy xước phảng phất nét mỏi mệt dần hiện ra dưới tấm khăn, da dẻ trắng xám như tờ giấy.

Nom khuôn mặt này, cùng lắm cũng chỉ độ thiếu nữ mười bốn mười lăm tuổi thôi.

*Chú thích
.