Vãn Xuân Lâu - Tam Mục

Chương 11: Hoàn




72.

Màn đêm buông xuống, ta hầu hạ Trịnh Thích Đăng an giấc.

Hắn ôm ta vào lòng, bảo ta gối lên ngực mình.

Ta nghe thấy tiếng tim đập mạnh mẽ, từng tiếng vọng vào tai.

Hắn cúi đầu, hơi thở ấm áp phả lên trán ta, ta nghe hắn trầm giọng nói: “Nàng thật lòng nhớ ta, hay thật lòng oán ta?”

Ta vòng tay ôm cổ hắn, trao một nụ hôn, tựa như từng lời đều chân thành: “Đương nhiên là nhớ chàng rồi.”

Trịnh Thích Đăng khẽ cười: “Vậy là oán ta rồi.”

Ta làm nũng, đẩy hắn ra rồi lăn vào góc, tỏ vẻ giận dỗi: “Đã biết ta oán chàng, sao còn hỏi nhiều.”

Trịnh Thích Đăng không tới bắt ta lại, chỉ nói: “Ta nay chẳng phải là đến giúp nàng hay sao, bà chủ nhỏ.”

Rồi hắn cũng không nói gì thêm.

Ta nghe tiếng thở đều đều của hắn, cả đêm không chợp mắt, cũng cả đêm không ngủ được.

Trước kia dùng tình giả che đậy tình thật, quá non nớt, khiến người ta dễ dàng nhìn thấu.

Giờ đây, thật giả khó phân, quả là đã tiến bộ nhiều.

Ngày hôm sau, hầu hạ Trịnh Thích Đăng thức dậy, hắn rời đi, trước khi đi còn hôn lên môi ta, nói đầy ẩn ý: “Bà chủ nhỏ, đừng khiến ta thất vọng.”

73.

Về sau, đúng vào mùa thi, sĩ tử khắp nơi đổ về kinh thành.

Vãn Xuân lâu ngập tràn hơi thở của những chàng thư sinh, chỉ trong vài ngày, thơ ca về các cô nương nơi đây đã lan truyền khắp nơi.

Có thể nói là gấm vóc thêm hoa, lửa đổ thêm dầu.

Tử Vi muốn thừa thắng xông lên, bàn bạc tổ chức thi hội, mở tiệc chiêu đãi các tài tử.

Trong lòng ta thấy bất an, luôn có chút không yên tâm, nhưng các tỷ muội đều đồng ý, lại thêm Tử Vi tính tình kiên quyết, ta đành phải thuận theo.

Thi hội do Tử Vi toàn quyền lo liệu, gần đây sức khỏe ta không tốt, ăn uống không ngon miệng, nên không nhúng tay nhiều.

Vãn Xuân lâu trước đây đã từng tổ chức sự kiện, mọi người đều quen việc.

Thi hội được tổ chức rất long trọng, khiến Vãn Xuân lâu nổi tiếng khắp kinh thành, khách khứa mỗi ngày như muốn đạp đổ cửa.

Cũng nhờ đó mà Tử Vi được nở mày nở mặt, đi đứng cũng thêm phần oai phong. Còn ta thì nôn mửa đến trời đất quay cuồng trong phòng.

Tử Vi đi ngang qua, rồi lại quay trở lại, bất ngờ nói một câu: “Ngươi nôn mửa thế này, đừng nói là có thai rồi đấy nhé.”

Nàng nói xong liền đi, để lại ta trong phòng như bị sét đ á n h.

Ta vội sai người đi mời đại phu, lại không yên tâm, dặn bà tử cẩn thận, tránh người khác.

Bà tử đồng ý, nhưng lang trung được mời đến lại là người xa lạ.

Ông ấy bắt mạch, chòm râu dê run run, mở miệng chúc mừng, nói ta đã có thai hai tháng.

Ta bảo người thưởng tiền, khách khách khí khí tiễn ông ấy ra về.

Khi chỉ còn một mình, ta chống tay lên trán, cảm thấy khó thở.

Ta cẩn thận nhớ lại, mỗi lần uống thuốc tránh thai ta đều rất tích cực, còn có thể sót chỗ nào nữa sao?

Người đầu tiên ta nghĩ đến không phải là Trịnh Thích Đăng, mà là Lạc nương.

Nghĩ đến nàng dẫm lên vũng m á u, từng bước rời xa cái đầu người lăn tới.

Ta bồn chồn lo lắng, ôm bụng như muốn ngăn nó đến chậm lại một chút.

74.

Mấy ngày liền, lòng ta rối bời, chưa quyết định nên nói với Trịnh Thích Đăng hay âm thầm bỏ đi giọt m á u này, càng không dám đoán ý hắn.

Thực ra, ta vẫn còn chút hy vọng mong manh, giữ lại đứa bé này bên cạnh cũng tốt, nhưng Vãn Xuân lâu nào phải nơi để nuôi con.

Đưa cho Trịnh Thích Đăng… xa lìa mẹ, e rằng cũng chẳng được yêu thương.

Từ đầu đến cuối, ta nào dám mơ tưởng Trịnh Thích Đăng sẽ vì đứa bé mà cưới ta.

Chuyện như thế, nếu có xảy ra, chỉ thêm nực cười.

Chưa kịp quyết định, đêm khuya, cửa phòng bị hai bà tử đạp tung.

Khi bị ấn quỳ xuống đất, ta mới hốt hoảng nhìn thấy một nữ tử đứng ở cửa.

Vừa nhìn đã biết người kia là tiểu thư khuê các, quạt tròn che nửa mặt, nhưng vẫn thấy rõ vẻ chán ghét trong ánh mắt nàng.

“Là nàng sao?” Nữ nhân hỏi.

Bà tử bóp mặt ta, đưa cho nàng xem: “Đúng là nó, có nốt ruồi đây, không sai!”

Nàng ta gật đầu, bà tử đứng ngoài bưng bát thuốc đen ngòm bước vào. Bước đi vội vàng, thuốc sánh ra vài giọt rơi xuống đất. Ta như nghe thấy tiếng kêu ai oán từ chỗ thuốc chạm đất.

Mặt ta tái mét, tóc tai bị giật tung, so với phu nhân kia, thật là tiều tụy.

Mấy lần ta muốn giơ tay, đều bị bà tử bẻ xuống, ngay cả há miệng cũng không được.

Phải đến khi nàng ta lên tiếng, mới có người buông ta ra.

Nàng hỏi: “Ngươi muốn nói gì? Chẳng lẽ mang thai con hoang còn muốn sinh ra? Định dùng đứa bé để uy hiếp, mong tướng gia nâng ngươi vào cửa sao?”

Ta phủi váy, chống tay xuống đất, chậm rãi đứng dậy.

Ta đón lấy bát thuốc, uống cạn một hơi, cười đưa bát không cho nàng xem.

“Phu nhân, nô tỳ không dám trèo cao, cũng xin phu nhân yên tâm.”

Thuốc đắng chát, nuốt xuống như nuốt kim, cứa vào cổ họng đau rát. Ta cố nén cơn buồn nôn, mặt không đổi sắc ngồi trên giường, làm ra vẻ cung kính tiễn khách.

“Thuốc cũng đã uống, xin phu nhân và gia nhân rời khỏi. Vãn Xuân lâu là nơi hèn mọn, không đáng để phu nhân đặt chân đến. Thước nương không phiền phu nhân bận tâm, cũng mong phu nhân đừng quấy nhiễu chuyện làm ăn của Vãn Xuân lâu.”

Nàng ta hừ lạnh, ngay cả m ắ n g c h ử i cũng chỉ một câu: “Không biết liêm sỉ.”

Ta mỉm cười, thản nhiên nhận lấy lời này.

Làm nghề này, kẻ biết liêm sỉ đã sớm quyên sinh rồi.

Nàng ta như đấm vào bông, hậm hực bỏ đi, bà tử kia còn phẫn nộ khạc nhổ một bãi.

Người xem náo nhiệt ngoài cửa không nhiều, ta đoán là Tử Vi đã ngăn lại.

Khi bọn họ hoàn toàn rời đi, ta đã đau đến không thể duy trì nụ cười. Lục phủ ngũ tạng như bị nghiền nát, tan thành vũng m á u, nhỏ giọt từ giữa hai chân xuống, váy áo đều bị nhuộm đỏ.

Ta loạng choạng đứng dậy, chậm rãi bước đi, mỗi bước chân in một dấu m á u.

Đến cửa, mới thấy Tử Vi hốt hoảng đưa lang trung đến, là vị thường khám bệnh đêm ở y quán quen thuộc của Vãn Xuân lâu.

Tử Vi lo lắng, muốn m ắ n g nhưng không nói ra lời, dìu ta lên giường, giận dữ trách móc: “Đã ra nông nỗi này rồi, còn đóng cửa cho ai xem nữa?”

Mặt ta tái nhợt, không nói nên lời, vỗ vỗ tay nàng, muốn nàng yên tâm.

Lang trung châm cứu cho ta, rồi bảo Tử Vi đi xem thuốc ông ấy mang theo đã sắc xong chưa, bưng đến cho ta.

Đợi Tử Vi đi, lang trung cầm bút viết đơn thuốc.

Ta yếu ớt hỏi: “Tiên sinh, mấy hôm trước có ai từ Vãn Xuân lâu đến mời ông không?”

Lang trung lắc đầu, rồi suy nghĩ một lát lại gật đầu: “Nhớ là có một bà tử đến, mời Tiết tiên sinh, nhưng chưa được nửa khắc, Tiết tiên sinh đã tự mình quay về.”

Ông ấy còn muốn nói thêm, nhưng ta xua tay, ôm bụng, cuộn tròn trên giường.

Không biết có phải vì quá đau hay không, nước mắt lại tuôn rơi, đọng thành vũng nước mắt.

Lòng ta tràn ngập bi thương, Trịnh Thích Đăng à Trịnh Thích Đăng, miệng chàng nói không phải, nhưng trong lòng vẫn xem thường ta.

Sao chàng phải làm vậy, vừa đổi lang trung, vừa ngầm cho phép phu nhân đến Vãn Xuân lâu làm loạn.

Chàng chắc chắn ta sẽ giữ đứa bé, phá hỏng ước hẹn trăm năm của chàng và phu nhân, hủy hoại tiền đồ rộng mở của chàng sao?

Càng nghĩ càng cảm thấy nực cười, ta khẽ nói: “Vậy Tống Thước… vẫn là cảm tạ tướng gia ban thưởng.”

75.

Ta sảy thai, mê man ngủ rồi tỉnh lại nhiều lần.

Trong cơn mê, dường như đã gặp Trịnh Thích Đăng, hắn đứng bên giường ta, nhìn xuống ta thật sâu.

Ta há miệng muốn nói, nhưng cuối cùng lại nuốt vào.

Tướng gia vẫn là ân khách, nhưng ta đang bệnh, hãy nói ít thôi.

Sau đó hắn đi, để lại chiếc vòng tay mã não mà ta từng nói thích. Đặc biệt là khi biết ta hôn mê bất tỉnh, hắn đã sai người đổi lang trung của Vãn Xuân lâu, mời đại phu nổi tiếng hơn đến.

Khiến ta ngay cả trong mơ cũng trải nghiệm tâm trạng của Lang tần nương nương ngày trước.

Trong giấc mơ, ta gặp lại nhiều người.

Thủy bà tử trẻ lại, không còn búi tóc lớn gọi Khải lang nữa, mà hầm cho ta một nồi canh gà, bưng lên bàn còn nóng hổi đến mức suýt làm bỏng tay, hai tay bịt tai.

Lân Ca nhi dáng vẻ khỏe mạnh, bước vào phòng không còn chân khập khiễng nữa. Trang phục chỉnh tề, không giống làm việc nặng nhọc, mà như một vị lão gia.

Huynh ấy đến sờ trán ta.

Thủy bà tử đẩy huynh ra, nói: “Tay con lạnh, đừng làm con bé bị lạnh.”

Lân Ca nhi hậm hực rụt tay, mặt đen sạm đỏ ửng, xoa xoa lòng bàn tay rồi mới đặt lại lên trán ta: “Không lạnh nữa, sờ còn nóng.”

Thủy bà tử cằn nhằn: “Ai bảo con dẫn nó đi hội chùa ăn linh tinh, đau bụng cả đêm, lớn rồi mà còn không để ta yên.”

Lân Ca nhi không nói, cúi đầu thấp hơn.

Thủy bà tử hỏi hôm nay cửa hàng làm ăn thế nào, Lân Ca nhi trả lời ngắn gọn.

Đang nói chuyện, một đôi phu thê bước vào, chắp tay xin lỗi Thủy bà tử.

Giọng nam nhân quen thuộc, nói: “May nhờ có thẩm, chúng ta ở trang trại bận tối mắt tối mũi, à, đây là lê đúng vụ, chúng ta chọn cả giỏ, bà và Lân Ca nhi cứ ăn.”

Là giọng cha, ta kinh ngạc, muốn ngồi dậy nhìn, nhưng không thể cử động.

Thủy bà tử nói: “Có gì mà phải cám ơn, láng giềng với nhau cả mà, ta coi Thước nha đầu như nữ nhi của mình, đừng nói chăm sóc một đêm, chăm sóc cả ngày lẫn đêm ta cũng bằng lòng.”

Từ bao giờ, Thủy bà tử lại là hàng xóm của ta?

Lại thấy một phụ nhân ngồi bên giường ta, bà đắp chăn cho ta, ta mới nhìn rõ, là mẹ ta.

Bà vẫn dịu dàng như trong ký ức, vỗ về ta như dỗ trẻ con, bất đắc dĩ nói: “Con bé này, lại gặp ác mộng sao? Mặt nhăn như quả mướp đắng.”

Thủy bà tử đùa: “Có khi là mơ thấy Liễu cô nương kiểm bài, không trả lời được bị đ á n h tay đấy.”

Vừa dứt lời, cửa truyền đến tiếng cười, giọng Liễu nương trong trẻo du dương, giống như trong ký ức xa xăm.

“Thủy thẩm lại bôi nhọ danh tiếng của ta rồi, Thước nha đầu ham học, chưa bao giờ bị đ á n h cả.”

“Đúng vậy, chỉ có Tử Vi mới bị đ á n h, ba ngày hai bữa lại trèo tường đi xem khỉ, nào ra dáng nữ nhi đâu chứ.”

Đây là giọng Lạc nương.

Tiếp theo là một giọng nói xa lạ.

“Thôi nào, Tử Vi không phải lúc nào cũng nghịch ngợm, muội cứ nói nó mãi, coi chừng nó giận muội đấy.”

Lạc nương nũng nịu: “Tỷ tỷ, tỷ cứ chiều nó đi!”

Tỷ tỷ… đó là Lang tần nương nương sao…

Ta càng lúc càng choáng váng, nghe họ nói gì đó về Vãn Xuân lâu, nhưng Vãn Xuân lâu này là một khách điếm, họ muốn mời chủ gánh hát đến biểu diễn, ngay cả hoa đán nổi tiếng Kiều tỷ cũng sẽ đến, còn nói Kiều tỷ sinh một bé gái xinh xắn, khiến cha nó mừng rỡ.

Mẹ hỏi chuyện hôn nhân của tỷ muội Lạc nương.

Thủy bà tử đỡ lời cho họ, bảo lo lắng nhiều như vậy, còn không bằng quan tâm đến lúc nào con bé hết sốt.

Ta càng lúc càng không phân biệt được mình đang ở đâu, chỉ tham luyến những âm thanh này, những tiếng cười này, những hơi thở sống động này…

Nếu thật sự như vậy, bệnh cả đời cũng chẳng sao.

Nhưng dần dần thân thể có cảm giác rơi xuống, ta như cầu cứu mà quờ quạng trong không trung, gọi tên tất cả bọn họ.

Mọi người vây lại đây.

Ta cố hết sức mở mắt, tham lam muốn nhìn rõ tất cả…

“Ta…”

Lạc nương nắm tay ta, vẻ mặt xúc động, có chút không đành lòng.

“Thước nha đầu, hãy sống thật tốt nhé.”

Âm thanh vẫn còn văng vẳng bên tai, ta bừng tỉnh giấc, toàn thân ướt đẫm mồ hôi lạnh, nhìn đồ đạc quen thuộc trong phòng, qua khe cửa hé mở có thể thấy lờ mờ những món đồ gấm vóc ngọc ngà của Vãn Xuân lâu…

Trong mơ ta nào biết mình là khách, nên mới chìm đắm trong chốc lát vui vẻ ấy…

Ta nước mắt giàn giụa, xỏ dép bước ra ngoài, dường như muốn nắm lấy thứ gì đó hoặc người quen thuộc, để biết mình đang ở đâu.

Nhưng đẩy cửa ra…

Ta thấy cảnh đìu hiu, các cô nương ngồi túm tụm, nghe tiếng động đều ngẩng đầu lên.

“Thước nương! Không ổn rồi, Tử Vi bị quan binh bắt đi!”

76.

Tử Vi bị bắt đã hai ngày.

Nguyên nhân lại liên quan đến buổi thi hội trước đó.

Có một thư sinh làm thơ đã đỗ trạng nguyên, nhưng hôm sau bị vu cáo trong thơ có nhiều câu phỉ báng thánh thượng và triều đình. Sau đó lại liên lụy đến nhiều sĩ tử khác, và cả quan giám thị.

Trong một thời gian ngắn, vô số người bị giam giữ và thẩm vấn.

Với tư cách là nơi tổ chức thi hội, Vãn Xuân lâu cũng bị liên lụy. Có lẽ việc điều tra Vãn Xuân lâu chỉ là thuận tay, dù sao cũng chỉ là một thanh lâu.

Tử Vi là bà chủ nên mới bị bắt.

Các cô nương khác muốn liên hệ người đến cứu, nhưng đều bị cự tuyệt.

Có những thanh lâu khác thấy Vãn Xuân lâu gặp khó khăn, liền nhân cơ hội châm thêm dầu vào lửa, tung tin đồn nhảm, khiến không ai dám đặt chân đến Vãn Xuân lâu.

Đã hai ngày không mở cửa đón khách.

Ta cố gắng chống ngồi ở phía dưới, giơ tay ra hiệu cho họ im lặng.

Chuyện thi hội không liên quan nhiều đến Vãn Xuân lâu. Nếu Lạc nương còn ở đây, với tài năng và quan hệ của nàng, sẽ không để mọi chuyện trở nên nghiêm trọng như vậy.

Người thừa kế các mối quan hệ của Lạc nương ở đây là Tử Vi, nhưng lại chính nàng bất ngờ bị bắt, không có cách nào cầu cứu.

Còn Lạc nương thì ở tận trong cung, tìm nàng khó như lên trời.

Ai có thể giải quyết tình thế cấp bách của Vãn Xuân lâu…

Ta chợt nhớ đến lời Lạc nương nói – nếu gặp chuyện bất trắc, hãy tìm Trịnh Thích Đăng.

“Ha.” Ta cười lạnh, tự giễu lắc đầu. “Tìm cho ta một bộ y phục trang nhã.”

Trước gương, nha hoàn chải tóc cho ta, định cài trâm hoa, ta ngăn lại.

“Đơn giản thôi, chỉ là không muốn trông quá tiều tụy, làm người ta sợ.”

Các nha hoàn ngơ ngác gật đầu, chỉ chọn một chiếc trâm ngọc cài lên tóc ta.

Ta lục tủ, hỏi: “Vòng tay mã não đâu?”

“Cái nào ạ?” Nha hoàn hỏi.

Ta nói: “Cái Trịnh tướng quân tặng, chắc hẳn chàng đã đến đây.”

Các nha hoàn đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng tìm ra chiếc vòng từ đáy tủ, run rẩy đưa cho ta, hỏi: “Bà chủ, người… định đi tìm Trịnh tướng quân sao?”

Ta đeo vòng vào: “Không phải ta tìm chàng, mà là chàng muốn ta đi tìm.”

77.

Bà tử canh cửa nói xe ngựa của Trịnh tướng quân sắp đến.

Bà ấy mang theo một chiếc ô giấy dầu, ngẩng đầu nhìn trời, lẩm bẩm: “Sắp mưa rồi, bà chủ, cầm ô đi.”

Ta nhận lấy, nhìn mây đen kéo tới, cùng đến với xe ngựa của Trịnh Thích Đăng là tiếng sấm ầm ầm.

Ông trời cũng chiều lòng người, khi hắn dừng lại bên cạnh ta, mưa như trút nước.

Trịnh Thích Đăng vén rèm, nghiêng đầu nhìn, chưa nói gì.

Ta khẽ khom người, nghiêng ô về phía sau, để lộ vòng tay trên cổ tay, đôi mắt ta nhìn qua, ôn nhu gọi: “Tướng gia.”

Trịnh Thích Đăng liếc nhìn cổ tay ta, gật đầu: “Thân thể đã khá hơn rồi.”

Ta cười: “Nhờ lang trung mà tướng gia mời đến, đã đỡ hơn nhiều rồi. Chỉ là ít gặp tướng gia, sợ tương tư sinh bệnh, nếu Vãn Xuân lâu sụp đổ, thật sự không còn gặp được tướng gia nữa, thì sẽ trở thành tâm bệnh cả đời của Thước nương.”

Trịnh Thích Đăng cuối cùng cũng nở nụ cười, vẻ mặt đùa cợt không hợp với gương mặt tuấn tú của hắn, nhưng đây là lần đầu tiên hắn hoàn toàn bộc lộ sự lạnh lùng và tàn nhẫn trước mặt ta.

“Lên xe đi.”

Ta lên xe, ngồi bên cạnh hắn.

Trịnh Thích Đăng giang tay, ta thành thục nằm vào lòng hắn, hít một hơi thật sâu, như đã mong nhớ từ lâu, khẽ trách móc: “Hãy thả Tử Vi ra, mọi chuyện đã ầm ĩ thế này, Vãn Xuân lâu sụp đổ, làm sao ta có thể tận tâm làm việc cho tướng gia đây.”

Tay hắn siết lại, nhẹ nhàng vuốt ve eo ta: “Làm việc? Ta chưa từng yêu cầu bà chủ nhỏ làm gì cả.”

Ta: “Vãn Xuân lâu được tướng gia che chở, Thước nương cũng được tướng gia thương yêu, mọi việc làm đều xuất phát từ tâm.”

Lại hỏi: “Chuyện thơ phản nghịch, có thật sự không thể cứu vãn được nữa không?”

Trịnh Thích Đăng khẽ nhắm mắt, trước đây hắn không nói với ta chuyện quan trường, ta cũng không bao giờ hỏi.

“Không sao, ngày mai sẽ thả Tử Vi ra, nàng cứ gửi thiệp mời cho những khách quen, đặc biệt là những sĩ tử đó, đỗ hay không đỗ đều mời đến.”

Ta xoa nhẹ mi tâm cho hắn: “Tướng gia cũng sẽ đến sao?”

Hắn cười, ta vừa nhìn đã biết hắn sẽ đến.

“Tình nghĩa đưa than ngày tuyết, tất nhiên là khó quên.” Hắn nói, “Ta đến vì họ, cũng là vì nàng.”

Ta giả vờ cảm động, mắt đỏ hoe: “May mà chàng còn thương ta.”

Thương ta đến mức cho ta uống bát thuốc đó, sợ ta oán hận, lại ban thêm một “ân huệ”, khiến ta sợ hãi.

Ngày xưa… Lạc nương và Vương gia, có lẽ cũng như vậy.

Ta nghĩ, đều là trăm sông đổ về một biển thôi.

78.

Trịnh Thích Đăng vui vẻ làm thơ cùng các tài tử thiên hạ, lại nói tốt cho họ trước triều đình.

Đúng như dự đoán, hắn lại một lần nữa trở thành tấm gương mẫu mực mà các văn nhân ngưỡng mộ.

Sóng gió của khoa cử cuối cùng cũng tan.

Trạng nguyên kia tuy bị phạt, tiền đồ bị ảnh hưởng, nhưng dù sao cũng không bị tước danh hiệu trạng nguyên, nghe nói ngày thứ hai sau khi được thả đã đến Trịnh phủ cảm tạ.

Vãn Xuân lâu trải qua kiếp nạn này, một thời gian nhân khí ảm đạm, nhưng chưa đến mức tổn hại nặng nề.

Dưới sự nỗ lực của Trịnh Thích Đăng, Tử Vi và ta, Vãn Xuân lâu lại giành lại danh tiếng đệ nhất thanh lâu kinh thành.

Tử Vi trở nên trầm ổn hơn nhiều, nàng và ta cùng uống rượu dưới trăng, uống được một nửa mới nhớ ra, hỏi ta có phải không được uống rượu không?

Ta nói thân thể đã khỏi từ lâu, uống cũng không sao.

Nàng nhìn trời sao lấp lánh: “Ta đã gặp Lạc nương.”

Ta không ngạc nhiên, biết rõ thần thông của Lạc nương: “Ta không cố ý giấu ngươi.”

Nàng tự giễu: “Ta biết, là ta quá tự phụ, thật sự bị nhốt vào thẩm vấn mới biết, chỉ dựa vào gương mặt và thân thể này, chẳng có tác dụng gì cả.”

Ta giả vờ già dặn, véo má nàng: “Lớn rồi đấy, Tử Vi tỷ.”

Nàng trợn mắt, hỏi ta: “Còn ngươi… ngươi đi cầu xin hắn, trong lòng không thấy khó chịu sao?”

Ta lắc đầu: “Người như chúng ta, không nên đau lòng vì những chuyện nhỏ nhặt này, càng không nên nói đến tức giận, chỉ là đôi bên cùng có lợi mà thôi.”

Nàng im lặng hồi lâu, hỏi: “Thật sao?”

Ta ghé vào tai nàng nói: “Ngươi có biết vì sao nhà họ Giả tham ô bị bắt, vì sao họ Lưu bị giáng chức không?”

Nàng mở to mắt, không phải ngạc nhiên vì Trịnh Thích Đăng có thể làm được những việc này, mà là ngạc nhiên vì ta còn nhớ đến hai người này.

Ta uống cạn chén rượu, cười sảng khoái: “Đây mới là đôi bên cùng có lợi, để những kẻ ta hận đau khổ tột cùng, những người ta yêu bình an vui vẻ, và để nâng cao giá trị của ta.”

Mắt ta tràn đầy ý cười: “Tử Vi, ta đã hứa với Lạc nương sẽ bảo vệ Vãn Xuân lâu.”

“Chỉ cần ta còn ở đây một ngày, Vãn Xuân lâu sẽ không sụp đổ.”

“Ta sẽ bảo vệ các tỷ muội trong Vãn Xuân lâu, hiện tại và cả tương lai, cho đến khi nào giấc mơ của ta thành hiện thực, trên đời không còn thanh lâu, không còn nạn buôn bán trẻ em, không còn… nhiều sự bất đắc dĩ và bất lực như vậy, không còn tình yêu phải dựa vào xuất thân cao thấp sang hèn, không còn người chờ đợi mãi không đến, và tình cảm bị ruồng bỏ một cách tùy tiện nữa.”

“Có thể ta sẽ không đợi được đến ngày đó, nhưng rồi sẽ có một ngày như vậy.”

“Nhất định sẽ đến…”

79.

Đợi đến khi ta hai mươi bảy tuổi.

Lại là một buổi trưa sau Trung thu.

Trong hậu viện, một tên nha tử khom lưng khúm núm như chó, cười nịnh bợ đến trước mặt ta.

Đằng sau hắn là một chuỗi các cô nương, hắn nói với ta: “Thước nương, người chọn đi, đều là những hạt giống tốt.”

Ta phe phẩy chiếc quạt, không mấy hứng thú, liếc mắt đã nhìn ra đám nha đầu này chán ghét Vãn Xuân lâu đến cùng cực, thậm chí còn sợ hãi bị bán đến đây.

Ta không muốn ép người quá đáng, lời từ chối vừa thốt ra, tên nha tử liền lôi ra một tiểu nha đầu, có thể thấy được vài phần xinh đẹp.

Hắn vặn mặt nha đầu lại, đẩy đến trước mặt ta.

“Nha đầu này, dung mạo thanh tú, vừa nhìn đã biết có mệnh hoa khôi, Thước nương, người xem có muốn nhận không?”

Ta nhìn vào đôi mắt nàng, chớp chớp mang theo vẻ ngây thơ và vụng về.

Thấy ta nhìn đến, nàng ngây ngốc mỉm cười.

Trong lòng chợt dâng lên một trận đau nhói, ta giống như nhìn thấy chính mình ngày trước, nốt ruồi Quan Âm bị cạy đi cạy lại, lời nói cũng na ná, nụ cười cũng tương tự.

Ta mua nàng, tốn bảy mươi lượng.

Ta hỏi nha đầu, nàng có oán cha nàng không.

Nha đầu cười ngây ngô nhưng lại lộ ra vài phần trưởng thành sớm: “Không oán đâu, cha bán mười lăm lượng, lỗ rồi.”

Hết.