Mẹ Lý luôn miệng thở dài, bà quăng đồ rất mạnh tay, cả ngày chẳng thèm nhìn ai, thấy Trần Kiều đứng trước cửa, bà lập tức đi ra ngoài, lúc đi ra ngoài đụng phải người cô, bà cũng không nói không rằng. Bãi đất bên cạnh có ruộng rau nhỏ, lúc xới đất mẹ Lý lầm bầm cả buổi chiều. Trước kia Trần Kiều đã từng xem các cô thôn nữ chửi đổng trên TV, lúc đó cô cảm thấy rất ngạc nhiên, không có cách nào tưởng tượng được, hôm nay giống như được đến nơi phát sóng trực tiếp vậy.
Biết mẹ đang tức giận nên Lý Tồn Căn dắt con dê về tránh vài ngày, cách ngày lại lấy tiền ra ngoài, còn lấy theo một rổ trứng gà. Lúc ấy mẹ nhắc nhở ngay, nếu sống mà cứ không biết tính toán như vậy sớm muộn gì gia đình cũng không cầm cự nổi, còn nợ nữa, nợ nần chưa giải quyết gì hết, chỗ nào trong nhà cũng cần tiền.
Một vài phụ nữ khi khó chịu sẽ rất thích làm người khác xấu hổ, trong lòng Trần Kiều hiểu rõ, những thái độ nhỏ nhặt đó đều ám chỉ cô, chỉ cây dâu mắng cây hòe, tính tình cổ quái, cũng không phải chưa gặp lần nào.
Lúc đầu cô rất tức giận, cô nghĩ chỉ cần còn ở trong nhà này một ngày, thì chắc chắn sẽ không bao giờ đồng cảm được với họ, khó có thể hiểu được những khó khăn của những gia đình nông thôn. Nhưng vì dạo gần đây cô đã nói chuyện với Hoa nhi nên đột nhiên không muốn so đo với mẹ Lý nữa. Tất nhiên cô vẫn không đồng tình với bọn họ, vì thật ra chỉ cần thả cô về, bao nhiêu tiền mà không có chứ, chẳng qua do bọn họ thà chết không chịu thông suốt thôi.
Mẹ Lý chắc khoảng 50 tuổi, da vàng vàng, mặt phủ đầy nếp nhăn cứ như vỏ cây mùa thu. Hơn nửa đời người phải cặm cụi nuôi ba đứa con, ngậm đắng nuốt cay, người như thế làm sao có thể lạc quan được, tầm mắt vĩnh viễn chỉ có thể thấy được những việc tầm thường ở nhà. Trần Kiều không muốn cãi nhau với bà, cô chỉ muốn tránh xa cái nơi ngột ngạt này càng lâu càng tốt, cô sợ bản thân sẽ biến thành một người như mẹ Lý, đúng là ác mộng không thể tỉnh lại mà.
Những việc đó đều do Lý Tồn Căn tự nguyện, cô chưa bao giờ trông chờ bọn họ sẽ đối xử tốt với mình, nỗ lực nhiều hay ít thì liên quan gì tới cô? Trần Kiều tự nhủ với mình, ngàn vạn lần không được mềm lòng. Cũng may, tuy rằng mẹ Lý không thích thế, nhưng cũng không nhân cơ hội này làm gì cô, Trần Kiều né tránh, bà cũng coi như không thấy.
Buổi tối cơm nước xong, Hoa nhi cầm một nhánh hoa thắt thành vòng tay, Trần Kiều không biết làm gì nên đi theo nhìn cô bé. Mẹ Lý dọn bàn xong đi vào nhà bếp rửa chén, Lý Tồn Căn nhìn trái nhìn phải, cũng vào theo. Đêm xuống lạnh như băng, ve sầu cùng ếch nhái đêm hè kêu từ xa vọng lại cứ như tiếng ma sát của giấy nhám, tiếng kêu cũng yếu dần. Trần Kiều ngồi dựa vào cột, cách phòng bếp không xa, mơ hồ nghe được một chút âm thanh.
Hai người bàn bạc chuyện trong nhà một chút, đất nào thì nên trồng cây, thu hoạch đậu ở đâu, hoặc nên đốn củi ở nơi nào trên núi. Mẹ Lý đã lớn tuổi, nhiều lúc phải chờ con trai quyết định, gánh nặng gia đình đang dần được chuyển giao, có lẽ hai mẹ con đều chưa nhận ra.
An tĩnh trong chốc lát, chỉ còn lại âm thanh chà nồi, mẹ nói: “Con dê chú Đạt cho con đưa đi luôn à. Không nói gì thêm sao?”
“Không có, chú chỉ bảo con nuôi nó thật tốt, đến lúc thì dắt đi lai giống, chia cho họ một con dê là được.”
“Lại nợ ân tình người ta, tự con cân nhắc đi, gia đình mình thiếu thốn một chút có sao đâu chứ. Cứ để họ làm vậy, nợ ân tình khó trả lắm, họ giúp gia đình mình không biết bao nhiêu lần rồi.”
“Đều là hàng xóm láng giềng, con cũng hứa với chú Đạt, năm sau ông ấy sửa nhà con sẽ qua phụ.”
“Chuyện trong nhà thì sao, để mẹ làm hết? Để Hoa nhi nghỉ học làm thay? Hay giao cho cô vợ cái gì cũng không biết làm của con? Con chỉ biết nói tốt thôi, toàn tốn công vô ích, muốn mẹ nói tiếp hay tự trả con dê đó về?”
Lý Tồn Căn cúi đầu, cầm đồ gắp than khảy khảy đống than trước bếp, dưới ánh đèn nhàn nhạt khuôn mặt kiên nghị như giảm đi vẻ bồng bột của thiếu niên, “Nhà chúng ta đúng là thiếu người, nhưng sau này sẽ nhiều thôi, cơ thể A Kiều hiện giờ không tốt, làm sao có thể sinh con? Những việc này con có tính toán, mẹ đừng nhọc lòng.”
“Mẹ cũng không muốn ‘nhọc lòng’, cha mày mất sớm, mẹ mà không ‘nhọc lòng’ thì không có tụi bây của ngày hôm nay đâu.” Mẹ hầm hừ, lửa giận đầy mặt, “Mày mê nó hết thuốc chữa rồi, con gái thành phố thì tốt lắm hả? Phải chi mày như trước kia, đánh chết cũng không mua vợ thì tốt biết mấy. Ngược lại, giờ vì nó, mà lỗ thủng trong nhà càng ngày càng lớn.”
Lý Tồn Căn muốn phản bác, vừa ngẩng đầu thì thấy mái tóc bạc của mẹ, anh cũng không phải đứa bất hiếu, mẹ cố chấp như vậy vì đã khổ cực quá nhiều năm rồi. Anh vò đầu, giận dỗi, “Chẳng phải chỉ là một con dê thôi sao, đâu đến mức phải nhịn đói không có cơm ăn. Đúng là A Kiều được mua về, nhưng cô ấy là vợ con chứ không phải gia súc, cô ấy sẽ sống với con đến cuối đời. Ngay cả những chuyện sinh hoạt cơ bản nhất con cũng không lo được, thì dựa vào đâu để giữ cô ấy lại chứ.”
“Lý do vĩ đại quá, mày nhìn xung quanh đi, có ai mua vợ xong là về cung phụng như mày không.”
“Cho nên họ đều muốn chạy trốn…” Vốn định khuyên nhủ mẹ đừng nói A Kiều như vậy, nghĩ lại mẹ vì cha mà rất có thành kiến với người thành phố, nên anh không nói nữa.
Trần Kiều vẫn luôn nghe, câu cuối cùng của Lý Tồn Căn thật sự làm cô hơi xúc động. Người sống trong núi như anh, bằng cấp không cao, kiến thức nông cạn, ý nghĩ lại không tồi. Nhưng đã nghĩ được như vậy, tại sao không cưới một cô vợ đàng hoàng cùng nhau phấn đấu chứ. Cô hừ một tiếng, quay đầu đi thì thấy Hoa nhi nhìn chằm chằm mình, Trần Kiều sờ sờ mặt, không hiểu, “Em nhìn chị làm gì?”
Hoa nhi nhỏ giọng nói: “Chị à, anh ba thích chị thật lòng đấy.”
Nhưng anh lại là người giam cô trong địa ngục, bỗng nhiên trong lòng bực bội, Trần Kiều châm chọc nói: “Phải thích thôi, chị cũng đâu phải cho không, gia đình em cũng mất hơn 1000 mà.”
“Không phải đâu, trước đó đã có người đến một lần, nhưng anh ba luôn không muốn. Anh ấy còn vì chuyện này mà ầm ĩ một trận, cậu phải đến mới khuyên được anh ấy mua chị.” Hoa nhi nhỏ giọng, “Chị ơi chị cũng thích anh em một chút đi, anh em thật sự rất tốt, khi còn nhỏ mẹ bận bịu, anh là người đã cõng em đi xem ruộng đồng, chăn dắt trâu bò, dạo quanh núi. Anh còn học rất giỏi, nhưng vì trong nhà quá nghèo nên phải nghỉ, lúc ấy thầy giáo tới khuyên, anh ấy không nói gì, nhưng em lại thấy anh ấy ra sau nhà lặng lẽ khóc rất lâu, những quyển sách hồi nhỏ anh ấy học hiện tại vẫn còn giữ trên gác mái.” Gương mặt nhỏ nhắn của Hoa nhi tràn ngập ngưỡng mộ và lưu luyến, thật ra hai năm trước trong nhà đã không còn tiền lo cho cô bé đi học rồi, chỉ có anh ba vẫn luôn kiên trì nhất định phải lo được cho cô bé, “Nhà em giờ đây không tốt, nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt, đậu đại học, kiếm tiền về cho gia đình, anh trai em cũng sẽ nổ lực. Anh ấy thường xuyên nói sau này cuộc sống khá hơn, sẽ sửa nhà thành hai tầng lầu, mỗi năm đều sẽ mua cho chị thật nhiều quần áo mới, mua thêm một con bò lớn, còn cùng nhau đi chợ nữa.”
Hoa nhi tuổi còn nhỏ, vì sống trong cảnh nghèo khó nên đã mài giũa được một tâm hồn cần mẫn tỉ mỉ. Từ khi Trần Kiều tới nhà cô bé, anh trai cô bé đã cười rất nhiều, việc từ trong nhà đến ngoài ngõ đều đảm đương hết, dù anh trai không thích nói chuyện hay mệt mỏi thế nào, nhưng anh ấy vẫn rất vui vẻ, chịu thương chịu khó nhiệt tình gấp mười lần, nhanh nhẹn chăm chỉ. Hoa nhi đau lòng thay anh trai, cô bé muốn anh mình vẫn luôn vui vẻ như thế. Cô bé cũng mơ hồ đoán được, những thay đổi tích cực đó của anh mình đều bởi vì Trần Kiều luôn ở đây.