Ván Cờ Người

Quyển 1 - Chương 3: Người thế chỗ




Hồ Bằng không đánh mạt chược nữa, anh trở về với cuộc sống vốn có. Đến cơ quan làm việc như chuồn chuồn đạp nước rồi kiếm cớ đi tìm Đại Trung và Hữu Ngư, nghe họ nói chuyện, xem họ đánh bài, bám sau mô-tô của họ lượn phố. Nếu họ tấn công nhau bên bàn mạt chược, anh cùng với họ uống rượu, gội đầu, ngâm chân, tắm hơi. Văn Hòa cũng không bảo giúp anh ta chơi mạt chược với vợ, xem ra bàn mạt chược của chị Hai Oánh không thiếu người.

Mùa hè, có một số đơn vị phát tiền phúc lợi chống nóng, Hồ Bằng cũng muốn kiếm vài đồng. Anh cùng Đại Trung đi chợ trà Nga Kiều ở tận huyện Phồn Xương tỉnh An Huy. Thời gian Đại Trung làm Giám đốc siêu thị quen một số đầu nậu trà, theo anh nói đến đấy cũng kiếm được. Họ mua trà kém chất lượng về, đóng gói thật đẹp, Hồ Bằng đem đến một số doanh nghiệp bán, hai người sẽ kiếm được một khoản.

Hữu Ngư chú ý đến ngân hàng của Văn Hòa. Công ty của anh ta kinh doanh than là chính, chuyên cung cấp cho mấy nhà máy có lò hơi lớn. Mua than là mua vật tư lớn, những nhà máy kia đều có qui định nghiêm ngặt, phải qua hóa nghiệm mẫu than, đốt thử, vài ba lần mặc cả giá. Cung cấp than rồi tiền cũng chưa dễ đến tay, phải đốt hương khấn vái mới có thể lấy đủ. Nhưng việc ấy anh không làm người khác sẽ làm, chỉ sợ không đến tay. Để kinh doanh than, Hữu Ngư có đủ mối quan hệ, dùng tiền rải đường. Anh ta là người nhỏ nhen chặt chẽ, nhưng khi phải tiêu những khoản ấy anh không cần chớp mắt, làm ăn lâu ngày, anh có quan hệ tốt với những nhà máy kia.

Nhà máy hóa chất Trường Hồng mấy năm trước làm ăn khá xôm, mấy năm nay không theo kịp thị trường, lợi ích kém, lòng người phân tán. Một số kĩ thuật viên lén đưa công nghệ về quê bán kiếm tiền, kéo theo nhân viên kinh doanh, khiến cho nhà máy phải lao đao về công nghệ và thị trường. Một vị Phó giám đốc nhà máy hóa chất Trường Hồng có quan hệ vô cùng thân thiết với Hữu Ngư, đề nghị Hữu Ngư mở xưởng, bảo chỉ cần anh chi tiền mua nguyên liệu và thiết bị, coi như ăn cánh với một nhà máy hóa chất, mượn gà đẻ trứng, gà vẫn là gà nhà người. Ông Phó giám đốc đưa ra những ví dụ của mấy xưởng hóa chất địa phương và dân doanh làm ăn phát đạt. Hữu Ngư cũng muốn mở xưởng.

Hữu Ngư nghe theo không phải là “gà” mượn của ông Phó giám đốc nhà máy, “gà” mà anh mượn chính là Văn Hòa, là tài khoản của ngân hàng.

Việc mở nhà máy hóa chất anh đã nói với Văn Hòa vài lần. Văn Hòa khuyên anh đừng nản lòng, làm ăn không sợ nhỏ, làm theo suy tính của mình là được, làm nhà máy không phải chuyện dễ. Không chịu nổi sự quấy quả của Hữu Ngư, Văn Hòa đưa cho anh một tập văn bản để anh ta xem, nhà nước không khuyến khích phát triển nhà máy hóa chất loại nhỏ, những nhà máy hóa chất nhỏ càng ngày càng khó làm ăn.

Từ đấy về sau Hữu Ngư không nói năng gì đến chuyện mở xưởng sản xuất, hình như anh xóa bỏ hẳn ý nghĩ này. Thật ra, anh có ý định khác, miếng thịt nạc ngân hàng nhất định phải ngoạm một miếng, chẳng qua chưa nghĩ ra cách gì đấy thôi.

Kì nghỉ Quốc khánh khá dài, Hữu Ngư hỏi Văn Hòa có chương trình gì không. Văn Hòa suy nghĩ giây lát rồi nói: “Phải đón con và bố mẹ từ Dương Châu lên chơi ít hôm, ngày thường quá bận không có điều kiện thăm nom. Với lại, mời mọi người đến nhà ăn bữa cơm, chị Hai với anh và cậu Bằng cũng là chỗ quen biết, không ai khác. Mình với các cậu vẫn chơi với nhau, cô ấy có phần không yên tâm, muốn biết các cậu là những ai, muốn làm quen”.

Văn Hòa mời khách nhân ngày Quốc khánh, Hồ Bằng cũng đến. Anh mời đầu bếp của khách sạn, thức ăn bán thành phẩm lấy từ khách sạn, không khác gì ăn ở khách sạn. Rượu ngon, hộp đựng chai rượu Ngũ Lương Dịch đã ố vàng, mở chai rượu ra mùi thơm nức.

Chị Hai Oánh mặc xường xám cải tiến màu xanh ngọc, bờ vai nõn nà mượt mà như đập vào mắt mọi người, khách mạnh dạn lắm mới dám nhìn đường cong cơ thể của chị. Hữu Ngư rất mặt dày buông lời khen: “Chị Hai bắt mắt quá!”. Đấy là lời nói anh ta học được ở nhà hàng karaoke. Chị Hai không chút xúc động, nhìn khắp lượt những người ngồi quanh bàn, ánh mắt dừng lại ở Hồ Bằng, thoáng nụ cười. Hồ Bằng liếc nhìn Hữu Ngư, vội nâng ly về phía chị Hai: “Chị Hai, em chúc mừng chị”. Chị Hai rất cởi mở, lần lượt chúc rượu từng người, nhấp một chút. Lúc đến gần Hồ Bằng, Văn Hòa nói: “Khỏi cần giới thiệu, đây là bạn mạt chược của em”. Chị Hai nghiêm sắc mặt: “Cậu Bằng, cậu phải uống nhiều một chút, được tiền rồi chạy làng, không mời cậu đến ăn cơm thì cũng chẳng thấy bóng cậu đâu”. Đấy là câu nói trách cứ Hồ Bằng, Hồ Bằng không biết nói gì hơn. Hữu Ngư bắt Hồ Bằng uống một li để nhận tội đồng thời bắt anh phải hứa từ nay về sau hễ chị Hai gọi đến chơi thì phải đến ngay.

Ăn xong, Văn Hòa bày ra hai bàn mạt chược. Chị Hai chơi thay cho Văn Hòa, Hồ Bằng ngồi chầu rìa sau lưng chị. Lúc chị Hai đánh bài, cố tình để Hồ Bằng trông thấy, sợ anh ta không thấy, thỉnh thoảng chị lại đưa bài ngang mặt anh. Chị Hai đánh lớn nhưng vẫn bình tĩnh. Hữu Ngư những lúc ra bài quan trọng nhất lại quay đầu nhìn Hồ Bằng, trưng cầu xem ý anh ta thế nào. Văn Hòa không đứng sau lưng vợ, chị không cho, sai anh phục vụ trà nước cho mọi người. Cả nhóm ai là người thích nhất? Văn Hòa là người oan ức nhất, nhưng lại không dám nói ra, chỉ có chị Hai chơi bài càng khách khí hơn.

Chị Hai liên tiếp ù, ù lớn. Đó là chuyện tình và lý. Chị ta rất phấn khởi, Văn Hòa càng phấn khởi hơn. Lúc tiễn khách, anh dặn Hồ Bằng: “Cậu phải thường xuyên gọi điện cho chị, xem chị có thiếu người chơi không, đừng để chị phải gọi”.

***

Câu lạc bộ của họ có thêm hai người, Trương Đức Lâm, Phó giám đốc sở Môi trường thành phố và Triệu Kim Thần, nhà doanh nghiệp nông dân. Hai người này nhập hội của Hữu Ngư, Văn Hòa cảm thấy chơi đa dạng hơn. Đức Lâm và Văn Hòa từng là bạn học mấy tháng ở trường Đảng, xưng hô với nhau như bạn học cũ. Đức Lâm đưa mọi người di tắm hơi trong thành phố, sau đấy lại đưa về tắm ở nông thôn. Nhà tắm hơi dùng lò hơi nhỏ, là đơn vị gây ô nhiễm. Đức Lâm nắm quyền sinh quyền sát đối với họ. Những ông chủ nhà tắm hơi phần đông là tư nhân hoặc nhận thầu, thấy Đức Lâm đến tắm, họ phục vụ như cha như mẹ, chỉ sợ có điều gì sơ suất. Nhưng tắm hơi có qui luật của tắm hơi, tắm có nước trà giải khát, đấm lưng, bóp chân không phải trả tiền, nhưng phải mua vé các em phục vụ, vì đấy là “việc riêng”.

“Việc riêng” do Kim Thần xử lý, các em này sau khi “chăm sóc sức khỏe”, “đấm lưng” cho Văn Hòa, Hữu Ngư, Đức Lâm và cả Đại Trung, còn ngồi lại hầu chuyện. Mọi người đều biết, Kim Thần mua vé, thưởng tiền cho các em. Những người làm việc ấy quan hệ rất thân thiết, là bởi việc riêng phải giữ kín, đến nước này rồi coi như không phân biệt tôi hay anh. Bây giờ không còn chuyện “cùng cầm súng, cùng qua sông”, cũng không còn “chung song sắt”, muốn quan hệ khăng khít, chỉ có thể cùng làm việc xấu.

Kim Thần rẽ ngôi giữa bằng dầu chải tóc, khuôn mặt đen đúa lúc nào cũng cười hì hì, làm ra vẻ ngây thơ. Anh ta kẹp cái cặp da đen ở nách, gặp lúc phải mua vé hoặc trả tiền trông giống như một thủ quĩ thu chi. Văn Hòa cảm thấy kì lạ, Kim Thần không bao giờ tìm các em. Anh cảnh giác hỏi Hữu Ngư, phải chăng Kim Thần có âm mưu gì.

Hữu Ngư nói, trước đây Kim Thần trong chuyện gái gú đã từng bị vấp ngã, may mà có anh giúp đỡ. Kim Thần thề không dính đến gái, anh mới cho vay tiền để vươn lên. Chính vì vậy, trước mặt Hữu Ngư anh ta không dám quan hệ với gái.

Văn Hòa rất phục sự quyết tâm của Kim Thần, bảo một người đàn ông như vậy sẽ làm nên việc lớn, nhưng Kim Thần chi tiền mời khách, Văn Hòa cũng có phần áy náy. Đại Trung nói: “Anh Hòa, anh không việc gì phải băn khoăn, không có việc gì mà không hưởng lộc. Thằng cha Thần lúc khó khăn được anh Ngư giúp đỡ, công ơn to như núi. Bây giờ anh ta chơi đẹp, tốn kém vài ba đồng là để tri ơn đền đáp, uống nước phải nhớ người đào giếng”.

Có một việc sau đấy khiến cho Văn Hòa tin ở Kim Thần.

Đại Trung uống say đi tắm hơi, cho ba em phục vụ mỗi em năm chục đồng, bảo các em lột quần Kim Thần. Ba cô cầm tiền rồi như sói như hổ xông đến chỗ Kim Thần, thoạt đầu mọi người cảm thấy vui, Kim Thần thắt chặt dây lưng, cài kín cúc quần xin tha, anh ta không thoát khỏi tay các cô gái, phải bật khóc. Mọi người cảm thấy Đại Trung đùa hơi quá, Văn Hòa nhìn không đặng, bảo các cô gái dừng tay, mắng Đại Trung “Kim Thần là con người thật thà, đừng nên bắt nạt người thật thà”.

Con người thật thà Kim Thần tỏ ra cảm kích biết ơn Văn Hòa, mời mọi người về nhà riêng ở nông thôn chơi, câu cá, thưởng thức rau tươi, trái cây không bón phân hóa học.

Cuối tuần, cả bọn ngồi xe cảnh sát bảo vệ môi trường của Sở Môi trường, rất thanh thản về nhà Kim Thần ở quê. Dọc đường, Hữu Ngư chỉ những ao cá nói với Văn Hòa: “Tất cả đều của Kim Thần, có đến mấy trăm mẫu, nuôi ba ba, cua, ếch và cả tôm hùm”. Văn Hòa hỏi trong hồ có nuôi cá không, Hữu Ngư nói có nuôi nhưng không nhiều. Đức Lâm khen Kim Thần biết nuôi xen ghép, đấy là khái niệm mới của bảo vệ môi trường. Văn Hòa tiếp lời, bảo Kim Thần nên tuyên truyền mở rộng, còn khuyên anh đến Sở Nông nghiệp, Sở Thủy sản xin được vay vốn. Hữu Ngư nói: “Anh Hòa đây là người năng động, biết tiền có thể sử dụng ở đâu”. Kim Thần gật đầu lia lịa, tỏ ra biết ơn.

Nhà Kim Thần ở quê nằm ngay mặt đường, làm theo kiểu biệt thự, tường ngoài ốp gạch men màu vàng nhạt, trông rất bắt mắt. Ô tô có thể chạy thẳng vào sân, xuống xe mọi người không ngớt lời khen, rằng Thị trưởng cũng không có nhà đẹp như thế này. Đại Trung phán, ở nông thôn như thế này tương đương với địa chủ ngày xưa, thuộc giai cấp bóc lột, phải tiến hành trấn áp, đấu tranh giai cấp. Hữu Ngư nói, nếu là trước kia chắc chắn phải qui là đại địa chủ. Văn Hòa khen, tầng lớp trung lưu bên Âu Mĩ cũng không được như thế này. Anh đã đi khảo sát ở Mĩ, nhân viên cao cấp của các ngân hàng bên đó cũng chỉ ở những tòa nhà như thế này. Kim Thần nhoẻn miệng cười: “Tất cả đều nhờ chính sách của Nhà nước, được mọi người giúp đỡ, không có bạn bè thì không có Kim Thần ngày nay”. Mọi người cùng bật cười, cười anh ta được trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ bồi dưỡng, hễ gặp ai là tuôn ra, giống như nói với nhà báo.

Mọi người bất ngờ nhất là vào nhà cảnh tượng khác hẳn. Trong nhà toàn những đồ đạc cũ kĩ nom thật gai mắt. Văn Hòa chỉ lắc đầu, Đại Trung nói thẳng: “Nông dân vẫn hoàn nông dân, mặc áo len rách trong bộ đồ Tây”.

Kim Thần cho biết, cái nhà là tiền kiếm được, đồ dùng trong nhà là của tổ tiên để lại. Như vậy hình thành sự so sánh, thời gian giáo dục mình phải sống tiết kiệm thật thà, không được lành vết thương mà quên đau. Hữu Ngư khen Kim Thần rất bản chất, không làm ra vẻ giàu sang phú quí, không như những anh nông dân kiếm được vài đồng đã huênh hoang phát tài.

Trong lúc nói chuyện thì người nhà đã đưa thức ăn sáng lên, mỗi người một bát trứng ốp-lết dầu vừng có rắc hành hoa. Đại Trung cầm đũa lật lên, có đến sáu cái trứng. Văn Hòa ăn trước, nói: “Như thế này chủ nhân mới vui lòng”.

Văn Hòa “ợ” rồi nói với mọi người, anh ta đã từng về nông thôn, làm thanh niên trí thức cắm rễ đội sản xuất. Hữu Ngư xua tay: đấy là những năm tháng vinh quang trong đời. Văn Hòa rất cảm khái, đính chính: “Đấy là những năm tháng vô ích, rất may về sau tớ đi bộ đội, được làm cán bộ”. Ăn sáng xong, mọi người đi câu. Kim Thần đưa cho mỗi người một cái cần câu, nửa bát giun đất trộn với bùn làm mồi câu, một cái chậu nước đựng cá câu được.

Câu cá ở ao nuôi rất ngon lành, chỉ một lúc sau Đại Trung đã câu được con trắm cỏ chừng ba kí. Hữu Ngư không thèm nhìn, chê: “Nhỏ, tớ câu được cá trắm cỏ mười lăm kí”.

Đại Trung vội ngắt lời, nói có lần Hữu Ngư đi câu cả ngày không câu nổi một con cá giống, vội ra chợ mua mấy cân cá đưa về nói dối vợ. Hữu Ngư không nói gì, chuyện này anh nói với Đại Trung, Đại Trung dùng gậy ông để đập lưng ông.

Cá cắn câu của Văn Hòa, giật lên chỉ được một con to bằng ngón tay, anh gỡ ra rồi thả xuống ao. Một lúc sau giật lên, lại một con cá nhỏ, anh gỡ ra, thấy ở mép nó có vết xước lưỡi câu, cho rằng vẫn là con cá vừa rồi. Với giọng cảm khái, anh nói: “Cá ơi, mi là thứ ngu xuẩn nhất đời, người ta câu mi lên, mi mắc câu một lần lại mắc câu lần thứ hai”. Anh bỏ con cá xuống đất, giẫm nát.

Câu được một lúc thì Kim Thần gọi vào ăn cơm. Đang lúc phấn khởi không ai muốn nghỉ tay. Kim Thần gọi mọi người, cơm và thức ăn đã nguội, Văn Hòa dẫn đầu bỏ cần câu xuống. Trên đường vào nhà, Văn Hòa ghé vào tai Đại Trung, bảo anh trong bữa ăn xin lỗi Kim Thần vì mấy hôm trước đã lột quần anh ta.

Đại Trung thấy câu nói chí phải, anh đi tới, kéo tay Kim Thần: “Anh Thần, hôm tắm hơi tôi uống quá chén, anh đừng giận. Để tránh những sự việc kiểu ấy tái diễn, trưa nay cho tôi uống ít chứ”. Kim Thần nói: “Thôi thôi, tôi đâu có để bụng, nhưng mà, không thể tránh bữa rượu trưa nay”.

Văn Hòa cười cười, Đại Trung làm đúng, anh ta xin lỗi Kim Thần, chỉ một câu nói nhẹ nhàng mọi chuyện được bỏ qua, đúng là một hòn đá ném trúng hai con gà, bữa rượu buổi trưa cũng tìm được lý do từ chối. Như vậy cũng tốt, nếu trong bữa ăn của nhà Kim Thần mà có chuyện gì không nên, không phải, người quen người lạ đều có, phạm vi càng lớn, càng làm khó cho gia chủ.

Bữa ăn nhà quê của Kim Thần thật ngon, nhất là nồi canh cá tươi, trắng phau, ai cũng chan mấy bát. Trong bữa ăn, Văn Hòa tiếc không có Hồ Bằng, anh nhìn đồng hồ, đã hơn một giờ, bảo lúc này có thể Hồ Bằng đang chơi bài với vợ anh và những người khác. Hữu Ngư nghĩ, cơn nghiện mạt chược của Văn Hòa đã kéo đến, liền bảo chiều này đừng đi câu nữa mà chuyển sang chơi mạt chược.

Văn Hòa bảo vẫn nên đi câu, đi câu là thú vui bổ ích cho sức khỏe. Anh rất sôi nổi nói, từ nay về sau mỗi tuần một lần nên dành thời gian để đi câu, leo núi, rèn luyện sức khỏe, dù sao cũng phải về nông thôn thay đổi không khí. Mọi người nhất trí phụ họa, cho rằng cứ khép kín trong căn phòng đầy khói thuốc, chơi mạt chược không lợi cho sức khỏe. Kim Thần bày tỏ nhà anh từ nay về sau sẽ là trung tâm hoạt động của mọi người.

Trên đường trở về thành phố, tâm lý Văn Hòa có gì đó bất ổn, nói cuối tuần không chơi mạt chược tay chân ngứa ngáy lắm. Đại Trung bảo thôi, không có “lợn” để giết, ta với ta như chuồn chuồn cắn đuôi nhau, chỉ là ta thắng ta.

Văn Hòa nói: “Đánh với nhau nhỏ thôi, nhỏ còn hơn không”.

Hữu Ngư nói: “Vậy thì được, xe chạy thẳng về công ty, bày bài ra, làm cách mạng phải tranh thủ sớm tối”.

***

Hồ Bằng chơi mạt chược với chị Hai và mấy chị kia, cuối chầu trở nên ồn ào. Mỗi tuần không dưới ba lần, buổi tối thứ sáu, và chiều thứ bảy, chủ nhật.

Người chơi không còn cố định như hồi đầu, chị có bộ mặt như cái bánh rán vàng là kế toán, mỗi lần chơi mạt chược đều tính toán rõ ràng, đến lần thứ mười ai được ai thua chị ta có đủ thống kê. Chị ta cứ lầu bầu trước mặt chị Hai, nói Hồ Bằng là sát thủ, đã được tổng cộng năm nghìn đồng, riêng chị ta thua chín trăm đồng. Chị Hai biết, thể nào chị ta cũng nói đến “Bánh vừng”, chị ta rất bất bình ngay trước mặt “Bánh vừng”: “Tôi thua nhiều cũng chẳng nói làm gì, chơi bài được thua là lẽ thường tình, chỉ nghĩ đến được liệu còn ai dám đánh nữa? Thua không chịu nổi thì đừng nên ngồi vào bàn, đừng giống như một nữ công nhân mất việc”.

“Bánh vừng” không nói gì, chồng chị ta là nhân viên tín dụng dưới quyền Văn Hòa. Nhưng chị ta từ đấy về sau hễ ngồi vào bàn mạt chược là sợ Hồ Bằng, thấy tư thế chơi bài của anh lại hoảng, đâm bối rối, không còn biết đánh quân nào, bắt quân nào, chó gà lẫn lộn. Chơi bài có lúc như thế, làm người khác khó đánh…

Cứ đến thứ sáu hàng tuần chị Hai lại hẹn người đến chơi, chị gọi việc hẹn người đến chơi mạt chược là “giữ chân”. Cái bàn chơi mạt chược có bốn chân, thiếu một chân không xong, đánh mạt chược cần bốn người, bực nhất là ba thiếu một. Mỗi lần như vậy Văn Hòa không dám đi đâu, chờ cho vợ tìm đủ người. Nếu buổi tối Văn Hòa không về ăn cơm, trước khi đi anh phải nhắc lại một câu giống mọi ngày: “Cơm đã đặt ở tiệm ăn Đầu bếp Du rồi”.

Khi những người đến chơi mạt chược với chị Hai đã đói bụng, nhân viên nhà hàng Đầu bếp Du đến, đưa đến ba món ăn và một tô canh, cho vào hộp đựng thức ăn. Như vậy, chị Hai cũng đỡ phải rửa bát. Chị cũng không cần trả tiền, ngay cả việc kí hóa đơn cũng không cần. Nhà hàng Đầu bếp Du là quán ăn đặt riêng và hẹn giờ của Văn Hòa. Nếu có người đến nhờ vả mời anh đi ăn, họ không đến các khách sạn lớn mà đến nhà hàng Đầu bếp Du. Ở đấy Văn Hòa thích nhất món đậu phụ hoa tuyết, lươn om, cá nấu chua, vịt hầm, đó là mấy món sở trường của nhà hàng này. Đầu bếp Du làm thức ăn không có thầy dạy, ông tự học, dựa vào mấy món ăn đó mà nhà hàng đắt khách. Văn Hòa là khách quen của nhà hàng này, ăn uống vẫn được người khác mời.

Người chơi bài mới đến là một cô gái trẻ tên là Chu Lâm, cô là y tá phòng mổ bệnh viện thành phố. Hẹn người đánh bài, người được hẹn nếu đã có nơi hoặc không có thời gian sẽ giới thiệu một người khác, Chu Lâm là do một người bạn giới thiệu. Chỉ chơi với Chu Lâm một hôm, chị Hai không muốn mời cô đến nữa, cảm thấy cô này rất lẳng lơ, đánh bài mà mắt cứ lúng la lúng liếng liếc nhìn Hồ Bằng, nói năng bỗ bã. Lúc ăn cơm, món thịt hấp đường phèn có vài sợi lông cô liền liên tưởng đến công tác của mình, nói ở phòng mổ cô ta vẫn cạo lông cho nam giới nhưng không bao giờ cạo sạch, bao giờ cũng để lại vài ba sợi, thường bị y tá trưởng mắng. Hồ Bằng tỏ ra mất tự nhiên. Chị Hai với giọng khinh bỉ hỏi, cô đã cạo cho bao nhiêu đàn ông rồi. Cô ta nói, không nhiều, cả già trẻ cộng lại chừng trên dưới một nghìn. Lại tiếp, có ngày cạo đến sáu người, thấy ông Viện trưởng làm phẫu thuật cũng muốn cạo. Nói xong, cô ta cười, liếc nhìn Hồ Bằng, hình như muốn tìm cách ra tay với anh ta.

Sáng chủ nhật, chị Hai gọi điện cho Hồ Bằng, bảo anh buổi chơi bài chiều nay không thành, vì thiếu một người. Hồ Bằng không cam tâm, anh hỏi thiếu mấy người, chị Hai bảo ba thiếu một. Hồ Bằng nghĩ đến Chu Lâm, chị Hai không thích, nhưng không dám nói, gọi điện bảo “Bánh vừng” tìm ai đó, mong Chu Lâm bận không đến. Nhưng Chu Lâm hễ gọi là đến ngay, lại còn kéo dài thời gian chơi bài vốn từ một giờ nâng lên mười hai giờ rưỡi.

Trong lúc chơi, mặt chị Hai nặng trĩu, không vui, uể oải, chán nản.

“Bánh vừng” rất sôi nổi, mắt nhìn Hồ Bằng: “Anh Bằng, chị Oánh uể oải, anh kể một chuyện vui đi”.

Bị “Bánh vừng” bắt cóc, Hồ Bằng học tiếng Thiên Tân kể câu chuyện người Thiên Tân mai phục:

“Có hai người Thiên Tân gặp nhau, chào hỏi:

- Ông anh, có việc gì đấy?

- Đi kiện.

- Kiện gì? Nguyên cáo hay bị cáo?

- Nguyên cáo.

- Bốc phét, làm nguyên cáo vinh dự lắm.

- Bốc phét gì? Chị dâu cậu đang bị cưỡng hiếp đấy”.

Chuyện kể xong chỉ một mình Hồ Bằng cười, anh không nhanh không chậm, đổ bài: “Ù rồi, tự ù, thất đối”.

Chu Lâm giơ tờ bạc một trăm lên ngang mặt Hồ Bằng, bảo câu chuyện của anh nhạt hoét, hỏi mọi người có muốn nghe một chuyện có nóng có lạnh không? Chị Hai sa sầm nét mặt, ném quân bài trong tay vào đống bài. Hồ Bằng và “Bánh vừng” thấy vậy không dám ho he, Chu Lâm thấy không có người nghe, cũng thôi.

Chơi xong ba ván mới năm giờ, “Bánh vừng” được, vui lắm, đề nghị tiếp tục. Chị Hai không đồng ý. Trong tình huống đó thường phải nghe theo người thua, chị bảo không đánh, không đánh nữa. Chu Lâm là người đứng dậy đầu tiên. Hồ Bằng nhìn phần cơ thể của Chu Lâm để lộ ra ngoài mà cứ ngẩn ngơ. “Bánh vừng” dùng tay che tấm lưng Chu Lâm, nói: “Cô gái này điên tình rồi, thấy ai cũng chòng ghẹo”. Chị Hai chen vào: “Thế thì tốt, cậu Bằng đây có việc để làm. Mắt cậu ấy như cái dùi, nhìn không chớp”. Nói xong, chị bĩu môi cười.

Hồ Bằng tiếp lời, vội thanh minh: “Em chỉ là gia vị của các chị, ba người, chọn người con gái gầy nhất đem ra làm hại em”. “Bánh vừng” nói, mốt bây giờ là gầy, mình dây mới đẹp. Hồ Bằng nhìn vào ánh mắt chị Hai, nói: “Em vẫn thích người khỏe mạnh, vợ em mập hơn cô ấy, vậy mà em vẫn không thích”.

“Bánh vừng” lập tức hỏi vợ Hồ Bằng béo thế nào. Hồ Bằng bắt đầu ba hoa, ánh mắt rơi lên người “Bánh vừng” và chị Hai thăm dò rồi ngập ngừng: “Dù sao thì chỗ nào cũng không mập bằng hai chị”. Chị Hai đỏ mặt, vội chuyển sang chuyện khác.

Tâm trạng chị Hai vui lên, chị giữ Hồ Bằng và “Bánh đa vừng” ở lại ăn cơm tối.

Hôm nay chị Hai có phần mệt mỏi, bàn mạt chược kết thúc từ lâu mà vẫn không thấy thức ăn Văn Hòa đặt ở nhà hàng Đầu bếp Du mang tới. Giữ Hồ Bằng và “Bánh vừng” ở lại ăn cơm phải làm thức ăn, chị mở tủ lạnh lấy thức ăn. Chị hỏi Hồ Bằng muốn ăn gì, anh nói tùy đấy, “Bánh vừng” nói tùy đấy có thể không ngon, chị Hai cười, lấy ra mấy cái lạp xường, nói với “Bánh đa vừng”: “Đàn ông không chịu ăn đạm bạc”. “Bánh vừng” cười, nhìn vẻ mặt Hồ Bằng. Hồ Bằng đáp lại: “Đàn ông ăn cá, ăn thịt cả xương”.

Chị Hai làm cơm ở trong bếp, Hồ Bằng ngồi ở sofa xem ti vi, “Bánh vừng” muốn nói chuyện với Hồ Bằng, nhưng nhìn cái vẻ lơ là của anh, chị ta lặng lẽ vào nhà vệ sinh. Đấy là điều mà Hồ Bằng mong muốn, anh lập tức đứng dậy vào bếp.

Hồ Bằng hỏi chị Hai cần giúp gì không, chị Hai xua tay bảo anh đi lên nhà, trong bếp không có việc gì cần nam giới. Hồ Bằng tìm lý do, bảo muốn xem chị nấu nướng. Chị Hai bảo nấu nướng không có gì đáng xem, trong bếp đầy khói. Hồ Bằng nói không đúng, phụ nữ nấu nướng trông rất sinh động. Chị Hai hỏi, anh ở nhà có thích như thế không, có hay vào bếp xem vợ nấu nướng không. Hồ Bằng lắc đầu.

Chị Hai nhanh tay thái rau, trong bếp nóng, mặt chị ửng đỏ. Lúc xào rau, chị nhờ Hồ Bằng giúp chị thắt tạp dề. Hồ Bằng quàng cái tạp dề cho chị nhưng không thắt ngay, từ phía sau anh vòng tay ôm chị, ôm chặt người chị. Chị Hai dùng cùi tay thúc vào người anh, vùng ra. “Muốn chết à?” Chị mắng rất khẽ, giọng nũng nịu, mặt càng đỏ hơn.

Hồ Bằng ghé vào tai chị, nói nhỏ: “Oánh đẹp lắm!”. Chị Hai giơ cái xẻng xào thức ăn lên dọa, nhưng chỉ giơ lên vậy thôi. Mỡ trong chảo cháy, khói bay lên, chị đổ mỡ trong chảo rồi rửa lại lần nữa. “Ra đi, ra đi”. Chị khẽ đẩy Hồ Bằng. Hồ Bằng đoán “Bánh vừng” cũng sắp ra, anh lại về ngồi ở sofa, điều chỉnh vẻ mặt của mình.

Ăn xong, chị Hai bảo Hồ Bằng đưa “Bánh vừng” về. Dọc đường “Bánh vừng” tìm chuyện để nói với Hồ Bằng, trò chuyện nhưng bụng dạ anh vẫn để đâu đâu. Trước mặt phụ nữ chuyện gì cũng có thể nói, nhưng trước mặt chị Hai anh chỉ biết: “Oánh đẹp lắm”.

Dù sao thì chuyện đó cũng sẽ xảy ra với chị Hai, anh vững tin như vậy.