Bầu không khí ở đồn công an hoàn toàn khác với đội hình sự, người cần tiếp xúc cũng khác nhau. Đội cảnh sát hình sự chủ yếu tiếp xúc với những tên tội phạm hung ác, đôi khi sẽ gặp những tên tội phạm thông minh, phải vừa dùng mưu vừa dùng sức để đấu, chỉ một chút sơ sẩy là sẽ để tội phạm trốn thoát.
Nhưng đồn công an thì khác, ở đây đa phần chỉ là những việc lặt vặt hay tranh cãi giữa bạn bè thân thích hoặc những người xa lạ. Đa số họ đều là những người dân tốt bụng, trình độ văn hóa có lẽ hơi thấp nhưng không hề có ý xấu. Cái bọn họ thiếu chủ yếu là cách biểu đạt, vậy nên làm việc ở đồn công an cần sự kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Ông Trần là người nổi tiếng tốt tính nhất trong đồn, chưa từng tranh chấp với ai, mỗi lần gặp nhân vật khó giải quyết ông đều đứng ra giải quyết. Nhưng hôm nay gặp chị gái mập này, ông lại thấy đau đầu. Đúng là quá đáng, vốn chỉ là việc nhỏ thôi, nhường nhịn chút là được nhưng chị ta cứ khăng khăng không chịu nhượng bộ.
Chàng thanh niên kia trông có vẻ hiền lành chất phác. Cảnh sát đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cậu ta, biết trong nhà có mẹ già bị bệnh tim nên bình thường gia đình không dám làm gì ồn ào. Hôm nay bà chị này tới nhà người ta gây chuyện, làm bà cụ sợ tới mức phải nhập viện. Người ta còn chưa nhắc đến chuyện bồi thường, chị ta vẫn khăng khăng mình đúng.
"Đồng chí cảnh sát, tôi bị bệnh tim cũng là vì có những hàm xóm như vậy đấy. Bây giờ tôi còn mắc thêm chứng rối loạn lo âu, đến tối không dám ngủ, phải gần sáng mới vào giấc, nếu bị đánh thức, tôi sẽ thức trắng cả đêm. Đừng có thấy bà cụ kia nhập viện, tình trạng của tôi còn nghiêm trọng hơn." Bà chị mập này liên tục lải nhải không cho ai xen vào.
Ông Trần bắt được cơ hội nói chen ngang một câu: "Nếu hai bên không cho tôi hòa giải thì đi tố tụng dân sự theo trình tự đi. Đến lúc đó ai có bệnh thì nằm viện, đối phương phải bồi thường kinh tế. Nhưng với tình hình này thì hai bên không ai nắm được phần thắng hoàn toàn đâu."
"Vậy thì hòa giải, tôi yêu cầu hòa giải!" Bà chị kia vội nói, "Đồng chí cảnh sát, tình hình cụ thể là thế này. Tôi bị bệnh..."
Chị ta lại bắt đầu vào trạng thái lải nhải không ngừng.
Khúc Mịch ngồi bên cửa sổ thấy có tờ báo trên giá bên cạnh thì lấy đọc, cứ như đây là chốn không người.
Đầu ông Trần ở cạnh như muốn nổ tung, ông cố gắng vừa đấm vừa xoa vừa hù dọa, nhưng bà chị kia như cái máy ghi âm, khăng khăng ý của mình.
"Đồng chí cảnh sát nói đúng, nhưng tình hình cụ thể là thế này, tôi thực sự bị bệnh..." Thấy ông Trần gật đầu tỏ vẻ thông cảm, bà chị lại khóc lóc kể lể.
Chàng trai kia thì vô cùng bất lực.
Ông Trần uống miếng nước, liếc nhìn Khúc Mịch đang thản nhiên đọc báo, vội chỉ anh kêu: "Mới tới đúng không? Qua đây!"
Thấy Khúc Mịch quay đầu, ông nhấn mạnh: "Đúng, là cậu đấy! Cậu qua đây trông chừng cho tôi một cái, tôi đi WC."
Nói rồi ông đứng dậy, lúc đi ngang Khúc Mịch, ông hạ giọng dặn dò: "Đừng xảy ra án mạng là được."
Ý của ông Trần quá rõ, nếu đã không thể hòa giải thì cứ để họ cãi nhau, nếu xảy ra xung đột tay chân, cảnh sát sẽ có lý do bắt họ lại, đến lúc đó xem ai dám không phục. Khúc Mịch không cần giúp hòa giải, chỉ cần chờ cơ hội là được.
Ông đi WC, hút điếu thuốc mới quay lại văn phòng. Nhưng về đến nơi, tình hình trước mắt lại khiến ông giật mình.
"Hai người kia đâu? Chắc không phải đánh nhau nên vào bệnh viện rồi đấy chứ?"
Trong văn phòng im ắng, chỉ có một mình Khúc Mịch ngồi bên cửa sổ đọc sách.
"Đi rồi."
"Đi rồi? Giải quyết xong rồi à? Chuyện của họ giải quyết sao vậy?"
"Tôi chỉ đề nghị họ đổi giường."
"Cậu bảo họ chuyển nhà?"
Khúc Mịch đóng sách lại: "Chuyển nhà thì phiền phức quá, tôi chỉ đề nghị họ tối nay thử đổi chỗ ở, chỉ cần mang theo tiền và đồ quý giá theo là được, ngoài ra không cần chuyển thứ gì khác. Tôi còn đề nghị họ dùng di động hoặc thiết bị ghi âm ghi âm lại xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì."
Ông Trần tự vỗ đầu mình. Cách đơn giản như vậy sao ông không nghĩ ra chứ?
Đồn trưởng Vương từ trong văn phòng bước ra: "Ông Trần à, đây là Khúc Mịch mới tới, sau này sẽ đi theo ông. Đồn công an của chúng ta chỉ có ông là cảnh sát lâu năm, nhớ hướng dẫn cậu ấy nhiều vào."
"Không phải tôi không muốn mà e là tôi không làm được. Đồng chí Khúc Mịch tuy không có kinh nghiệm làm việc nhưng vừa thông minh vừa sáng tạo. Chỗ chúng ta có thêm những chàng trai trẻ thế này tới, tôi có thể nghỉ ngơi nhiều rồi." Ông Trần không có ý gì cả, thậm chí còn vui vì có người kế nhiệm.
Ông làm cảnh sát nhân dân ở đây cả đời, xử lý việc vặt nhiều đến nỗi thấy mệt rồi. Mười năm nữa mới đến tuổi về hưu nhưng ông định xin về sớm, có điều ở đồn có một đồng chí nữ sinh nghỉ thai sản, một đồng chí nữ khác quản lý hồ sơ, người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn chỉ có ông và Tiểu Lưu.
Sáng nay có hai cuộc điện thoại báo án, ông và Tiểu Lưu đi giải quyết. Khi nãy Tiểu Lưu lại nhận được cuộc gọi báo nhà kho ở gần đồn bị mất đồ nên đã đi một mình.
Giải quyết việc bên này xong, ông Trần dẫn Khúc Mịch đến chỗ Tiểu Lưu. Vừa ra khỏi đồn công an, cả hai đã gặp một chàng trai mặc đồng phục cảnh sát cao khoảng 1m75, mày rậm mắt to, sải bước đi tới.
"Lưu Thiên, mới tới ba năm, cũng là người mới." Ông Trần giới thiệu hai bên, "Khúc Mịch, đồng chí hôm nay mới đến."
Khúc Mịch gật đầu, theo họ về văn phòng. Chị quản lý hồ sơ nghe nói có người tới nên ra xem, vừa thấy Khúc Mịch liền khen ngợi không ngớt.
"Cậu với Tiểu Lưu đều là kiểu thanh niên các cô gái thích. Có bạn gái chưa? Để chị làm mai cho cậu, chỉ với khuôn mặt và nghề của cậu thì bên ngoài có rất nhiều cô gái chờ cậu lựa chọn đấy." Đây là điển hình của phụ nữ có gia đình, hiền hòa, thích lo chuyện bao đồng, không có ý xấu.
"Tôi đã kết hôn rồi, vợ còn đang mang thai." Nhắc đến Thương Dĩ Nhu, ánh mắt Khúc Mịch dịu dàng hơn nhiều.
"Thế à, tiếc quá. Vợ cậu làm ở đâu?"
"Cục công an thành phố."
"Chỗ tốt thế, cùng hệ thống với chúng ta, còn cao hơn chúng ta một bậc. Được đấy, hai bên ít nhất có chung tiếng nói, người ta cũng có thể hiểu nỗi khổ của chúng ta. À đúng rồi, vợ cậu cũng quản lý hồ sơ ở cục công an hả?"
"Cô ấy làm ở khoa pháp y."
Nghe đến đây, sắc mặt mọi người lập tức thay đổi. Tuy họ là cảnh sát nhân dân nhưng cơ hội nhìn thấy thi thể lại không nhiều. Những vụ án đó do đội hình sự xử lý, bọn họ chỉ giải quyết những tranh cãi dân sự bình thường thôi.
Nhắc đến khoa pháp y, chị gái này liền liên tưởng đến những cảnh máu me, không khỏi rùng mình. Khoảng thời gian gần đây có vụ án bầm thây, rồi vụ án thi thể biến thành tượng sáp, sau khi nghe chị từng sợ đến mức không dám ngủ. Một đồng chí nữ sao lại làm pháp y chứ?
"Mang thai mà vẫn đi làm hả?"
Khúc Mịch gật đầu.
"Thời gian phụ nữ mang thai sinh con quan trọng lắm, lúc này phải chú ý nhiều vào. Công việc đó rất máu me, không tốt cho việc thai giáo đâu. Tôi có quen biết với phó cục trưởng cục công an, cậu có muốn tôi mở lời cho vợ cậu ở nhà nghỉ ngơi mấy tháng không."
"Cảm ơn chị, có việc gì tôi sẽ nhờ." Khúc Mịch không quen với sự nhiệt tình của người lạ.
Trong đồn trừ một chị đang nghỉ thai sản ra thì Khúc Mịch đã làm quen với tất cả. Sau đó ai về chỗ người nấy. Đồn trưởng đi lấy bộ đồng phục mới bảo Khúc Mịch thấy, vừa thấy anh mặc đồng phục, hai mắt mọi người liền sáng ngời.
Khi nãy có người dân đến báo án nhà kho bị trộm, Tiểu Lưu đã đi xem tình hình. Đó là nhà kho với cửa gỗ đã cũ kỹ, bên trong không có đồ gì quý giá. Tên trộm cạy cửa vào lấy đồ, đến khi phát hiện đó không phải đồ đáng tiền thì vứt đi. Tiểu Lưu hỗ trợ tìm kiếm, cuối cùng tìm thấy trong bãi cỏ.
Chàng trai này mệt đến nỗi người đầy mồ hôi, vừa ném mũ lên bàn liền cầm ly nước uống ừng ực.
Đến trưa, đồn trưởng mời mọi người ra ngoài ăn một bữa.
"Giờ tôi phải đến cục công an, buổi tối tôi muốn mời mọi người, mọi người chọn quán đi." Đây là điều Thương Dĩ Nhu đã dặn Khúc Mịch, tới chỗ làm mới phải chú ý tới các mối quan hệ.
Vừa nghe có người mời ăn, ai nấy đều rất vui. Chị quản lý hồ sơ tươi cười nói: "Hay quá, thế buổi tối nhớ dẫn vợ cậu đến cho mọi người làm quen luôn nhé."