Uế Sinh

Chương 4: C4: Chương 4




Có thực đơn, có sổ sách, có thư tình lén lút giữa thị nữ thị vệ, còn có hình vẽ linh tinh của mấy thư đồng…

Nó cũng không nghĩ nhiều, chỉ cần có chữ là lôi ra bằng sạch.

Trương Dẫn Tố xem xét mãi, chợt chú ý tới một cuốn lụa… Nó là một mảnh gấm đỏ tươi, nét bút khí phách, không phải thư từ của đám tôi tớ tầm thường.

“Nửa đêm, cầu Ngũ Lộc.”

Y hỏi Liễu Chí: Đây là thư từ của ai?

Lá thư này tìm thấy trong thư phòng của Liễu Ô, dưới đồ rửa bút.

Mọi động tĩnh trong Liễu phủ này đều không qua mắt được Liễu Chí, phần nhiều sinh linh ở đây đều đã dính nhiều hoặc ít âm khí, từng hành vi cử chỉ đều bị nó biết được… Nó biết thỉnh thoảng Liễu ô sẽ dẫn thị nữ tâm phúc ra ngoài vào nửa đêm.

Trương Dẫn Tố rất nghi ngờ chủ nhân của cuốn lụa này: Nếu cô ấy lén lút rời khỏi phủ, ngươi hãy gọi ta.

Chắc chắn Liễu Chí không vui lòng rồi, ngộ nhỡ điều tra ra Liễu phủ thông đồng với địch thật, chắc chắn người lòng dạ ác độc này sẽ vạch trần phủ tướng.

Nhưng nếu không điều tra được gì thì họ Trương này cũng sẽ không dừng lại, xác suất tỷ tỷ thông đồng với kẻ địch Đào thị gì đó chắc chắn phải thấp hơn phụ thân Thừa tướng.

Tra xong xuôi cũng chưa chắc điều tra được gì nghiêm chỉnh, có khi sau vụ này, y sẽ thỏa mãn đi báo cáo với thượng cấp luôn chăng.



Cầu Ngũ Lộc ở phía Bắc thành, rất gần Hồng Điên Quan. Dịp Thất Tịch, nam nữ qua cầu không ngớt.

Muốn vào cung cũng phải đi qua cầu này. Sớm nay, Trương Dẫn Tố về nhà thay thường phục, vào cung yết kiến.

Vào mùa hè, khắp nơi trong cung đều có quạt đá làm mát. Ngự hoàng ban cho y một bát đã, bên trong là các loại hoa quả tươi ngâm lạnh.


Ngự hoàng kế vị khi còn trẻ, rất kiêng dè đám lão thần rắc rối trong triều, làm gì cũng phải cẩn thận rụt rè. Nhưng hắn cũng rất quan tâm việc ở Liễu phủ.

Trước hết là thứ ô uế, rồi đến Liễu Ô hẹn gặp người khác… Cử tâm phúc đến Liễu phủ là đúng đắn, ở đó có rất nhiều chuyện thú vị.

Lý Dung: Nếu thứ ô uế kia nguy hiểm quá, có cần mời sư huynh khanh xuống núi không?

Trương Dẫn Tố lạnh mặt: Quốc sư bận rộn, không làm phiền tới hắn thì hơn.

Nhắc đến sư huynh, Trương ái khanh sẽ lạnh mặt ngay. Lý Dung bèn dỗ dành: Trẫm đùa thôi.

Lý Dung: Hắn là sư huynh ngươi, kế thừa vị trí chưởng môn là chuyện hiển nhiên, hà tất phải cố chấp thế?

Trương Dẫn Tố: Thần không cố chấp.

Lý Dung: Thế ái khanh ăn hoa quả đi.

Trương Dẫn Tố: Thần không nuốt nổi.

Lý Dung buông thìa: Cứ nghĩ có thể Nam Phật đang hẹn hò cùng người khác, ta cũng nuốt không trôi.

Hôn sự của Liễu Ô trì hoãn tới nay chẳng phải vì đợi ban hôn sao? Trương Dẫn Tố nhìn lên ghế cao, vẻ mặt người trên thương cảm, nhưng không áy náy.

Vì sợ Thừa tướng mượn việc liên hôn mở rộng thế lực, hay là…

Y thay lại trang phục mặc mọi ngày, về Liễu phủ. Đi qua cổng chính, cảm nhận ngay sự u ám trên đỉnh đầu… Liễu Chí bò dọc theo họa tiết khắc hoa trên tường, bám theo y.

Liễu Chí: Đi tố cáo đấy à? Ngươi hay thật đấy…


Trương Dẫn Tố làm bộ chào hỏi “Liễu công tử” ở cửa, bình tĩnh đi qua cửa tiếp theo.

Đến nơi không người, y ném hộp điểm tâm lạnh mang trong cung về cho Liễu Chí, chiếc hộp biến mất trong bóng đen, như thể bị “ăn mất”.

Trương Dẫn Tố: Nam Phật tiểu thư đã từng vào cung chưa?

Có lẽ điểm tâm đã mua chuộc được nó, Liễu Chí không thèm suy nghĩ: Khi phu nhân Thừa tướng còn sống hay được Thái hậu triệu vào cung bầu bạn, bà sẽ dẫn Liễu Ô theo.

Chỉ dẫn con gái, không dẫn con trai? Trương Dẫn Tố sững ra, sau đó hiểu ngay… Khi đó, Liễu Chí thật sự hẳn vẫn chưa ra đời. Thứ ô uế này đã chiếm cứ chỗ này từ lâu rồi, sau đó giữa chừng chộp cơ hội thay thế Liễu công tử thật sự.

Chính thất của Liễu Thừa tướng là cáo mệnh phu nhân được phong tước, dẫn con gái vào cung thăm Thái hậu và Thái phi là chuyện thường tình. Vậy cũng tức là rất có thể, Liễu Ô và Lý Dung từng gặp khi còn nhỏ.

…Trương Dẫn Tố bỗng cảm thấy mình đã bị kéo vào một vụ rắc rối.

Người trẻ tuổi đi ra từ nhà quan truyền đời như y được trời phú cho khả năng nhận biết những chuyện phiền phức. Có những chuyện trông thì không đáng kể nhưng có thể gây ra chuyện lớn, họ đều cảm nhận được.

Liễu Chí không quan tâm, chỉ sợ thiên hạ không loạn: Ngươi thích tỷ tỷ ta rồi đúng không? Cũng có tí nhan sắc đấy, biết làm thơ làm phú, vẽ tranh gảy đàn nữa…

Lời nói ra ngả ngớn, nhưng cũng hợp tình hợp lý.

Một bài “Lan Hải Phú” năm xưa khiến Liễu Nam Phật nổi danh khắp thiên hạ khi mới tuổi mười hai.

Sau này vì chuyện ban hôn mà cô phải chờ đợi năm này qua năm khác. Khi tuổi tác lớn dần, không thể ra vào hội bút thường xuyên nữa, thơ phú viết ra không được lưu truyền, danh tiếng cũng nguội dần.

Khắp thiên hạ đâu có mấy người môn đăng hộ đối. Trương Dẫn Tố rất tò mò, người cô nàng lén gặp nửa đêm trên cầu Ngũ Kiều là thần thánh phương nào.




Thị nữ của Liễu Nam Phật lại đến mượn sách, mượn mấy cuốn tranh của danh gia, và mấy cuốn sách chú giải.

Liễu Chí đùa cợt: He he, đừng nói tỷ ấy thích ngươi rồi đó.

Trương Dẫn Tố ngồi thẳng người, đọc sách: Trong đầu ngươi chỉ có từng ấy chuyện thôi à?

Nó chui qua chui lại trong tay áo y, sau đó chui khỏi vạt áo: Thế đầu ngươi không có à?

Liễu Chí: Trong đầu của con người toàn mấy chuyện này thôi, ta thấy rõ lắm…

Cửa thư phòng chợt mở ra. Thư đồng vào đưa bút mực.

Ánh sáng bên ngoài hắt lên người làm y giật mình. Chi mảnh màu đen kia lúc nhúc trước mắt y, che ánh sáng cho y. Thứ đó thì thầm: Xem kìa, ngươi bắt đầu sợ ánh sáng rồi. Ta che cho tiên sinh nhé…

Liễu Chí khẽ cười: Nhanh thôi, ngươi sẽ chẳng bước vào chùa miếu được nữa. Gần mực thì đen mà.

Trương Dẫn Tố xua nó đi, mở giấy âm bọc đồng xu ra. Cơ thể y dần dần ấm lên, xua tan cái lạnh.

Thứ ô uế này không bỏ qua sự dao động ngắn ngủi của y: Còn cố chấp gì nữa? Phu nhân Thừa tướng năm xưa cũng không chịu theo ta như ngươi vậy… cuối cùng… ha ha… sinh con mấy năm xong cũng chết rồi…

Y nắm chặt đồng xu của đạo gia, bình tâm lại.

…Thật ra hầu hết người ở Liễu gia vẫn không có gì lạ thường. Y nhận ra điều đó.

Nếu thứ ô uế này có thể kéo cả Liễu phủ xuống bùn, thì nó cũng có thể kiểm soát âm khí.

Trương Dẫn Tố hỏi: Liễu gia sống ở đây lâu lắm rồi nhỉ?

Liễu Thừa tướng vào đây ở từ khi được phong chính ngũ phẩm. Căn nhà này giá rẻ, bởi thường xuyên có những vụ việc kỳ lạ như cả nhà đột tử xảy ra.

Những vụ án mạng này đều có trong hồ sơ Đại Lý Tự, y đã đọc hết rồi.


Sau khi Liễu gia vào ở, ban đầu còn có mấy vụ người hầu chết khó hiểu, song không lâu sau mọi thứ đã lắng lại, hơn nữa đường làm quan của Liễu công hanh thông, bước thẳng lên vị trí Thừa tướng.

Mọi người nói rằng Liễu gia có phúc khí, có thể trấn được thứ kia.

Phúc khí gì chứ? Y rất rõ ràng, ô uế có âm khí, đạo gia có thanh khí, “phúc khí” chỉ là lời đùa trong dân gian thôi chứ không thật sự tồn tại.

Hiện giờ Liễu gia có phu nhân đã chết, có thể là cả công tử chết bệnh nữa, nhưng mọi việc bất hạnh dừng lại ở đó, như thể Liễu Chí đã kiểm soát một vài việc, thu hồi âm khí lại.

Nó ở lầu Bắc, bày một bàn thờ Phật ngay trước cửa, bệ thờ quay lưng vào cửa. Với nhà bình thường thì đây là đại hung đại sát, bởi Phật hướng mặt vào phòng sẽ khiến hung sát, âm khí bị chặn lại bên trong, chúng không dám đi qua mặt Phật để ra ngoài.

…Nhưng để ở lầu Bắc của Liễu Chí, bệ thờ chặn lại hết sát khí tràn ra ngoài. Toàn bộ âm tà dơ bẩn đều bị cản trong lầu Bắc, bảo vệ những nơi khác của Liễu phủ.

Trương Dẫn Tố: Bàn thờ Phật quay lưng vào cửa kia là tự ngươi đặt, không ai dám bày trí như vậy trong nơi ở của công tử hết.

Trương Dẫn Tố: Ngươi không muốn người Liễu gia “theo ngươi”, ngươi muốn họ ra ngoài. Liễu tướng lên triều hằng ngày, ở trong cung là nhiều. Vậy chỉ còn lại Liễu Ô, ngươi muốn cô ấy đi, mà cách duy nhất để cô ấy ra ngoài là lấy chồng.

Liễu Chí không nói nữa, thậm chí là không còn ở đây, không biết trốn đi đâu rồi. Y nhìn ra ánh sáng rực rỡ bên ngoài, giờ mới cảm nhận được đôi chút ấm áp.

Sự yên tĩnh này kéo dài đến tối, mưa trút xuống bên ngoài. Nước mưa xối xuống ầm ĩ cả đất trời, Trương Dẫn Tố ngồi trên sạp, bịt tai. Sấm chớp đánh xuống, ánh sáng chói mắt làm mắt y đau nhức.

Thời gian ngủ buổi tối của y ngày càng ít, ban ngày thì càng thêm thơ thẩn. Cứ vậy nữa, y rất rõ kết cục của mình sẽ thế nào. Y sẽ giống như những người vào Liễu gia ở trước kia, dần yếu ớt, lãng tai, phát điên… rồi chết.

Liễu Chí bảo vệ người Liễu gia nhưng không bảo vệ y. Âm khí của thứ ô uế đó ngang ngược quấn quanh y, đồng tiền Tử Lôi trên người đã nhạt màu.

Y vẫn chưa biết nguồn gốc của thứ ô uế này. Khí của ô uế chia thành dương, bình, âm, thủy, hung; còn tính thì có quỷ, lệ, không, tâm, sát.

Hung và sát là ác nhất trong khí và tính. Người thường chạm phải không chết thì bị thương, dù là đạo Xá Uy với hàng ngàn năm lịch sử cũng chỉ có chút ghi chép ít ỏi về hung sát thôi.

Mà Trương Dẫn Tố rất chắc chắn, “Liễu Chí” này, chính là hung sát.

Y lấy kiếm hoàng kim ra đâm vào d ái tai, một giọt máu đen chảy lên thân kiếm; bấy giờ y mới thấy bình thản và nhẹ nhõm hơn, bắt đầu hơi buồn ngủ.

Bất chợt, mặt gương đục ngầu, sấm chớp đánh qua chiếu sáng thứ lúc nhúc bò trên cửa giấy. Nó đến, nói cho trương Dẫn Tố, Liễu Ô vừa ra ngoài nhân lúc trời mưa.