Túy Tử Đương Đồ

Chương 5: Absalom, Absalom (Hạ)




“Kiểu đầu mới này đẹp mà, tôi cũng muốn ra ngoài hẹn hò với cô!”

Nhà tôi nằm bên cạnh đài hóa thân, lúc đổi nhà chẳng lo lắng điềm dữ hay lành, chỉ ham của rẻ, lại tin lời người môi giới ba hoa, nói thật ra nơi này là “trong loạn có tĩnh”.

Lúc mới đến mỗi lần đưa tang tôi đều bực bội, tiếng chiêng trống vang ầm vang ĩ, người khóc tang còn ầm hơn cả.

Về lâu về dài mới hiểu, “Loạn và tĩnh” chẳng liên quan gì tới “Hiếu và nghịch”, ồn chưa hẳn đã là thương tâm, tĩnh chưa hẳn đã là bất hiếu, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ, cuối cùng đều trở thành những nấm mồ.

Thế là tôi nói với lão Viên, lúc ba còn sống con đối tốt với ba một chút, đến khi ba mất con sẽ không khóc.

Đêm xuống vỗ ngực, nghĩ thông được rồi, từ đó ngày ngày như vậy, tâm lặng như nước.

Ở trong tiểu khu không có chỗ gửi xe, tôi đành phải bỏ ra ít tiền tới khu vật nghiệp ở gần nhà để gửi, điểm tốt là không phải lo lắng đỗ xe lung tung bị dán giấy phạt, điểm dở là mỗi lần gửi xe phải đi bộ hai mươi phút.

Mưa lâm râm mãi cuối cùng cũng ngừng, trước khi nền trời tối đen, tôi đỡ lão Viên đi qua một con ngõ hẹp, đi về phía nhà mình.

Có lẽ là lão Viên cũng biết hôm nay quá loạn, ông cúi đầu khom lưng, dọc đường đi không nói với tôi câu nào.

Khu nhà ở lâu năm, cơ sở vật chất không tốt, mỗi lần mưa to cống thoát nước đều bị ứ đọng, cổng tiểu khu lúc này đã ngập nước, như một hồ nước sâu tĩnh lặng. Tôi nhìn nước sâu tới tận bắp chân, vì vậy đành xắn ống quần lên, cởi giày, bảo lão Viên cầm giày giúp mình. Tôi nói với ông, da trâu, quý lắm đấy, ba cầm chắc cho con nhé.

Sau đó tôi cúi mình, cõng người cha gầy còm lên lưng.

“Mọi người đều nói con cái là nợ của cha mẹ, cái rắm ấy! Nhất định là kiếp trước con nợ ba..” Nước sâu hơn tôi tưởng, vừa đục lại vừa lạnh, nhìn không thấy đáy, còn có mấy nắp chai lọ cộm lên dưới tất.

Lội qua vũng nước sâu rồi, lão Viên trên lưng tôi lại bắt đầu không an phận mà ngọ nguậy, hỏi tôi cứ đi như vậy, người đến sau thế nào?

Đầu óc lão già này lúc tốt lúc xấu, có lẽ giờ đang là lúc tốt. Tôi hiểu ý ông, gật đầu nói, vậy ba ngồi bên cạnh chờ một lát.

Tôi tới tới lui lui nhiều lần, tìm gạch và tấm ván gỗ, trải dọc đường vào tiểu khu, tìm vị trí nông cạn nhất, đệm cho người đi sau không cần cởi giày lội nước.

Đã cõng rồi thì phải cõng tiếp chứ sao nữa, tôi lại cõng cha trên lưng. Lão già kia nhìn gầy lom khom thế kia, thật ra như Thái Sơn đè đầu, nặng vô cùng. May là tôi luyện múa, thân thể được cái dẻo dai, bằng không nhất định đã bị ông ấy đè chết rồi.

Trầm mặc một hồi, lão Viên lên tiếng: “Cái người ở trong siêu thị hôm nay.. tốt lắm.”

Chẳng cần nghĩ cũng biết ông đang nhắc tới Lê Kiều, tôi liền gật đầu: “Ừ tốt lắm, cho hai nghìn tiền xe lận.”

Lão Viên lại nhấn mạnh giọng: “Đẹp trai nữa.”

Đây là lời nói thật, tôi lại gật đầu: “Ừ, người thường không thể so sánh được, chỉ e đến thần tiên vẫn còn phải tranh giành.”

Đột nhiên lão Viên đánh tôi, ông dùng giày tôi, cũng không phải là đánh giả, mà là nện rõ mạnh vào đầu.

Tôi vô tội bị đánh, nhảy dựng lên như nhà có hỏa hoạn: “Viên Quốc Siêu, con mẹ nó ông lại đánh tôi, có tin tôi ném ông xuống dưới nước hay không hả!”

Tình huống đột nhiên quay ngoắt, nào ngờ lão già kia lúc này lại còn giận hơn cả tôi: “Sao mày không thích con gái mà cứ chú ý tới mấy thằng đàn ông vậy hả? Nếu mày không cho tao ôm cháu, tao sẽ thiến sống mày!”

Tôi biết lão Viên vẫn muốn nắn lại tính hướng mình, thế nên không khách khí mà cãi lại: “Con có nguyện ý thích đàn ông đâu, có biết di truyền cách thế hệ hay không hả? Cháu ông lại có đức hạnh giống như ông, người ta trên có già dưới có trẻ, cha hiền con hiếu cả nhà cùng vui, con thì sao, tay ôm tiểu súc sinh, lưng còn phải cõng lão già đểu!”

Lão Viên lại đập một cái giày vào đầu tôi, phát hỏa lên: “Đức hạnh tao làm sao? Đức hạnh tao có xấu nữa thì tao cũng là cha mày!”

“Đức hạnh gì á? Ở trong siêu thị mà còn có thể đái ra quần như vậy tôi –” Suýt chút nữa không ngừng được miệng, tôi cố tỉnh táo lại, đoạn hỏi ông: “Mà này, Viên Quốc Siêu, ông nói thật với tôi đi, rốt cuộc ông có sờ cái bà kia hay không hả?”

Từ lúc lão Viên bị bệnh, tác phong kiêu ngạo ngày xưa dần thay đổi, đi đâu cũng cúi đầu tự nhận cháu chít, duy chỉ với tôi thì vẫn là một ông già xấu xa. Nhưng mồm mép ông không nhanh nhạy bằng tôi, bị tôi mắng xong không dám ho he nửa lời, một lát sau mới nói: Không nhớ nữa.

Tôi bật cười khúc khích: “Ờ rồi, cái ông lão lưu manh này, không uổng công hôm nay tôi quỳ đến nhũn chân –”

Lão Viên không nói lời nào, chỉ lặng lẽ ôm chặt lấy tôi.

“Sờ thì sờ, nếu ông thích đàn bà thật, sáng mai tôi đi ra phố tìm cho ông, tìm một em chân dài ngực to, cho ông sờ ông đẩy..” Lão già kia mà mắng tôi sẽ lập tức cãi lại, nhưng ông ấy im lặng thế này lại khiến sống mũi tôi lên men, tôi cố ý nói đùa, như người cha dỗ dành con nhỏ mà nói: “Một ngày nào đó, con trai ông nổi rồi, sau đó ông ra ngoài mà trướng bàng quang, nói cho người khác biết ông là bố Viên Lạc Băng, tất cả mọi người phải cung kính ông, có cởi quần cũng không bị bạt tai, muốn vạch chim thì vạch chim, muốn tè thì tè thật xa..”

Đèn trong tiểu khu không sáng rõ, tôi nương ánh sáng mờ, cõng cha trên lưng, bước từng bước kiên định mà tiến về phía trước.

Đêm lạnh như nước, thành phố như vừa được gột lớp bụi mờ, trăng đêm nay sáng rõ.

Về đến nhà, tôi vừa lau vừa giặt rồi thu dọn chỗ cho lão Viên lên ghế giường nằm, tôi rửa bát, cọ nồi, ngâm chiếc quần ngấm nước tiểu của ông vào trong một cái chậu, sau đó bật tivi lên xem ít tin tức giải trí.

Đẩy bàn ra một cái, không gian chật hẹp hiện ra một khoảng trống nhỏ. Ngồi trước tivi, nhẹ nhàng xoạc chân thành hình chữ “nhất” (一), giống như lúc đánh răng tôi cũng giơ cao chân lên đầu. Tuy rằng tôi không tin mình có cơ hội quay trở lại sân khấu, nhưng một phút trên sân khấu bằng mười năm gian khổ luyện tập, mười năm đổ lệ và máu, suy cho cùng cũng không dễ từ bỏ.

Thật ra bình thường tôi không thích xem mấy chương trình này, nhưng chẳng hiểu tại sao hôm nay tôi lại phá lệ một chút, quả nhiên, màn hình tivi còn chưa sáng rõ đã nghe thấy tên Lê Kiều.

Đó là một chuyên đề, tiêu đề cũng rất giật mình — Đếm lại “thất tông tội” của Lê Thiên Vương.

Nghe nói rằng hôm nay đài truyền hình có tổ chức một chương trình công ích gây quỹ từ thiện ủng hộ những trẻ em bị bệnh bại não, một loạt các ngôi sao đồng ý tham dự, mọi người đều ăn vận long trọng, duy chỉ có Lê Kiều mặc một bộ quần áo màu đen đơn giản, còn đến muộn một giờ. Sau khi xuất hiện cũng không trả lời các câu hỏi của ký giả, không nói chuyện với MC, từ đầu tới cuối đều không giải thích rõ, chỉ hé ra gương mặt thối “Con gái thấy tôi là liền lên đỉnh”.

Trùng hợp là hai ngày trước, hắn vừa gặp phiền phức, đẩy một fan tới gần ngã nhào.

Động thủ với fan thì thôi đi, fan lại còn là học sinh trung học. Chuyện này bị làm to lên, giới truyền thông lên án, nhưng Lê Kiều vẫn như cũ làm theo ý mình, từ chối xin lỗi.

Tôi suy nghĩ một chút, hình như Lê Kiều tới muộn là bởi vì mình, tuy rằng hắn coi tôi như bùn dưới đế giày, nhưng việc nào ra việc đấy, tôi không tin hắn thật sự đẩy nữ sinh trung học kia, cũng không tin hắn vô lại như lời truyền thông nói.

Đọc xong tin tức đi ra ngoài đổ rác, vừa hay gặp cô bé hàng xóm Phạm Tiểu Ly vừa đi luyện vũ đạo về, cô bé gọi tôi một tiếng: “Anh Băng.”

Cô bé này đầu năm nay vừa tròn mười tám, mắt phượng cùng gương mặt trái xoan, chân tay dài vóc người gầy nhỏ. Ông trời ban cho khiếu vũ đạo, Phạm Tiểu Ly đã học vũ đạo ở chỗ lão nương Bì nhiều năm, tôi đoán nhất định lão nương Bì vừa ý với khí chất nhanh nhạy của cô bé này, tôi cũng từng xem cô bé nhảy qua, quả thật rất linh hoạt khéo léo.

Lúc này Phạm Tiểu Ly đang toàn lực chuẩn bị cho cuộc thi Thanh Vũ lần thứ 21 tổ chức vào tháng tư, mỗi ngày đều thức dậy từ sáng sớm, đến tối khuya mới về, nhưng cô bé cũng không than phiền, cô tin nhất định mình sẽ thành danh từ Thanh Vũ, sau đó thuận lợi tiến vào showbiz; cô bé tin mình không phải là gà cũng không phải quạ đen, mà cô là con phượng hoàng đợi ngày sải cảnh lên mây xanh.

“Đã chọn được bài nhảy cho hôm thi chưa?” Tôi không đành lấy cảnh ngộ của mình năm đó ra để làm gáo nước lạnh tạt vào cô bé, cô bé nói cái gì thì là cái đó.

“Cô Tuyết Cảnh mong em nhảy bài “Túy tử Đương Đồ”, nhưng bài đấy khó quá, có lẽ em sẽ chọn một trong “Tiễn hành người Berber” và “Tố tử phu”.” Phạm Tiểu Ly kề mặt sát lại gần tôi, thấp giọng nói, “Anh Bằng, cho anh nghe một bí mật, em gặp một người tìm kiếm ngôi sao, cô ấy mời em tham dự chương trình, em còn chưa quyết xem có nên đi hay không.”

“Đi hay không em tự quyết, nhưng đừng nói cho lão nương Bì cái này, cô ấy là vũ si, cũng mong người khác giống như vậy. Nếu cô ấy biết em phân tâm vào chương trình khác, nhất định sẽ xé mặt em.” (Vũ si: vũ công ngu ngốc, bạn Viên chơi chữ)

Phạm Tiểu Ly lè lưỡi, biết tôi không dọa cô bé.

Đột nhiên tôi thở dài, “Nếu như em có thể nhảy “Túy tử Đương Đồ” thì hay rồi, tâm nguyện suốt đời này của lão nương Bì chính là tìm một người kế tục vũ đạo này.”

Phạm Tiểu Ly cũng thở dài: “Em không nhảy được thật. Em tập mấy trăm lần rồi, nhưng cứ như bắt chước bừa ấy, chẳng ra được thần thái kia.”

Dừng lại một chút, cô bé nói: “Nói lại nhớ, hôm nay cô Tuyết Cảnh lại nhắc tới anh, cô bảo với bọn em, trong số những học viên của cô, bản lĩnh vũ đạo của anh là đệ nhị (đệ nhất là cái người họ Viên kia), nhưng nói về thiên phú và năng lực, ai cũng thua xa anh. Mỗi lần nhắc tới anh là viền mắt cô ấy lại đỏ lên, em nhìn ra được cô ấy nhớ anh nhiều lắm. Sao anh chưa bao giờ về thăm cô?”

Vấn đề này hỏi tôi, tôi cũng không biết vì sao nữa.

Từ khi ngừng vũ đạo, quả thật tôi chưa từng về thăm lại lão nương Bì. Tôi biết cô oán trách mình, cô cho rằng tôi không nên lãng phí thiên phú vũ đạo của mình, cô cho rằng hẳn là tôi nên chết một cách chói lọi rực rỡ trên sân khấu, chứ không phải long đong hối hả ngược xuôi, sống như chó không bằng.

Bỏ vũ đạo được ba năm, lão nương Bì chủ động đến tìm tôi, cô mang theo thư báo trúng tuyển của học viện vũ đạo hoàng gia Tây Ba Nha Gissar.

Đó là ngôi trường nghệ thuật lừng danh thế giới, là nơi sinh ra rất nhiều vũ công nổi tiếng, lão nương Bì phải dùng tới rất nhiều quan hệ mới có thể để bên kia đồng ý nhận tôi vào, thậm chí cô còn định bán nhà của mình để trả học phí đắt đỏ cho tôi.

Đó là một tin tốt vô cùng, nhưng người đầu tiên cô tìm tới không phải là tôi, mà là lão Viên.

Lão Viên sĩ diện hão, ông không nhận của bố thí, cũng không muốn làm ảnh hưởng tới tôi. Cách duy nhất ông nghĩ ra mà có thể vẹn toàn đôi bên là là đi tìm quản đốc nhà máy, nghe đâu ông mang chăn đệm đến ngồi chồm hỗm trước cửa nhà quản đốc, ngăn không cho đối phương ra ngoài, ông vừa khóc vừa nói ông bệnh tật thế này là do ‘tai nạn lao động’ vì đỡ rượu cho lãnh đạo, quản đốc phải chịu trách nhiệm dưỡng lão lo ma chay lúc lâm chung cho ông, hoặc đơn giản hóa lại, đưa cho ông một khoản tiền bồi thường.

Cái nghe đâu này, là nghe từ cảnh sát.

Quản đốc bị lão Viên làm phiền, thả chó vài lần cũng không đuổi ông đi được, cuối cùng không thể nhịn được nữa đành báo cảnh sát. Cách sát không trách lão Viên, nhưng đến khi đưa ông về nhà thì lại trách tôi, nói người lớn tuổi trong nhà bị bệnh thì con cháu phải chăm sóc, đây là nghĩa vụ cơ bản nhất của đạo làm người.

“Đã hai năm rồi em không nhảy, đến xoạc chân còn không được. Nếu cô muốn giúp em thật thì đừng vòng vo gây chuyện nữa, đưa tiền mặt cho em đi.” Trong lòng tôi thầm oán lão nương Bì đã gây áp lực vô hình cho lão Viên, trên mặt lại cười đến là thoải mái: “Vừa đúng lúc em muốn đổi thuốc cho ba, tiện mua thêm cho ông ấy cái áo khoác da, hàng xóm cũ mời ông ấy đi uống rượu mừng, cho ông già kia chút mặt mũi.”

Lúc này lão nương Bì mắng tôi, mắng ánh mắt tôi thiển cận, ngu không ai sánh bằng, thậm chí cô còn đưa ra ví dụ, nói chính phủ tặng hạt giống để cứu tế nạn đói, kết quả nông dân lại đun sôi ăn sạch.

“Em chỉ là bùn nhão không trát được tường, cô đừng mù quáng quan tâm em nữa, rắm to rách đũng quần, thừa thãi.” Tôi hạ quyết tâm một cái, kéo cửa ra đuổi lão nương Bì về.

Từ đó về sau gần như không gặp lại. Lần gặp gần nhất cũng đã là nửa năm trước, lúc đó tôi dựng sạp bán đồ nướng ở cổng một trường trung học.

“Bao nhiêu tiền nói cho cô biết rồi đấy, này, cho cô..”

Để chứng tỏ mình bán đồ nướng chính tông, thi thoảng tôi thường buột ra vài câu tiếng Quảng Đông, giả mạo mấy thằng nhóc Quảng Đông xa xứ, chiêu này rất tốt, ngoài việc bán hàng nay đây mai đó ra, thu nhập cũng không tệ. Đang lúc tôi luyên thuyên nói tiếng Quảng Đông nửa đời không rõ với một cô gái, đột nhiên cảm thấy có một ánh mắt cách đó không xa đang nhìn mình chằm chằm.

Tôi ngước mắt lên, thấy lão nương Bì ở bên kia đường.

Có lẽ là bởi trời quá nóng, mặt tôi nhất thời nóng lên, mồ hôi chảy dài từ trán xuống. Trên tay đầy dầu tanh, tôi phải dùng khuỷu tay xoa xoa mặt, nhưng tay còn chưa buông, mồ hôi đã rơi xuống.

Tay chân luống cuống, chật vật bất kham.

Lão nương Bì đang dắt tay một đứa bé học vũ đạo, lặng lẽ đứng nhìn tôi, tôi thấy ánh chiều tà chiếu qua gương mặt cô, ánh mắt cô tựa như Biện Hòa dâng ngọc (1).

“Này, Tiểu Quảng Đông, sao đột nhiên mặt đỏ thế.”

“Nóng quá ấy mà!” Tôi dời đường nhìn khỏi lão nương Bì, cúi thấp đầu xuống.

Tôi từng đuổi không ít người đi, châm chọc khiêu khích không ít người; tôi từng tranh giành chỗ với những người bán hàng rong khác, khua môi múa mép cho tới giờ chưa từng rơi vào thế hạ phong.

Duy chỉ không thể chịu nổi ánh mắt như vậy của lão nương Bì.

Cô dâng trọn cuộc đời mình cho vũ đạo, tôi từng là huyết mạch vũ đạo duy nhất của cô.

Người đời không thể nhìn ra tôi là “ngọc bích họ Hòa” (2), ngay cả chính tôi cũng đã quên, thể như từ nhỏ mình đã ngang dọc lặn lội bán hàng rong, mỗi ngày về nhà đếm số tiền ướt dầu cũng đủ thỏa mãn.

“Đã bảo cái người kia đừng cắt, thế mà anh ta lại cắt nhiều như vậy, cậu xem, cái đầu trông rõ là ngu.” Cô gái vừa gọi tôi là “Tiểu Quảng Đông” là một khách quen, giờ vẻ mặt cô không vui như nói với bạn mình, dường như không hài lòng với kiểu tóc vừa cắt.

Làm ăn thì vẫn phải làm, tôi nhanh chóng cắt lát dưa chuột, thịt nướng, bỏ cơm vào hộp, bọc túi nylon vào. Tôi khôi phục lại nụ cười xán lạn, vỗ mông ngựa vô cùng vang dội: “Kiểu đầu mới này đẹp mà, tôi cũng muốn ra ngoài hẹn hò với cô!” (Vỗ mông ngựa: nịnh hót)

Cô gái được tôi khen đến là vui vẻ, nhận lấy hộp cơm đã được gói lại, cười cười bảo ngày mai lại tới ủng hộ tôi.

Đến khi tôi ngẩng đầu lên lần nữa, đã chẳng thấy lão nương Bì đâu. Chỗ cô vừa đứng không có bóng người, chỉ còn lại bóng đêm tĩnh lặng khi hoàng hôn vừa tàn.
(1) + (2) Nói về câu chuyện Biện Hòa dâng ngọc:

Biện Hòa nhặt được một viên ngọc chưa qua trạm trổ, ông liền dâng lên cho vua nước Sở là Sở Lệ Vương (SLV). Sau khi Sở Lệ Vương gọi thợ ngọc tới giám định, thợ ngọc nói đó chỉ là một viên đá bình thường, SLV tức giận cho rằng Biện Hòa là tên lừa bịp, liền chặt chân trái của ông.

Sau khi SLV chết, Vũ Vương lên ngôi vua nước Sở, Biện Hòa lại ôm ngọc tới dâng. Vũ Vương gọi thợ đến giám định, vẫn như trước, thợ ngọc cho rằng đây là một viên đá bình thường. Vũ Vương tức giận cho chặt nốt chân phải của ông.

Sau khi Vũ Vương qua đời, Văn Vương kế ngôi, Biện Hòa ôm viên ngọc khóc ba ngày ba đêm dưới chân núi, khóc khô nước mắt thậm chí còn ra máu. Văn Vương nghe tin liền cho người tới hỏi Biện Hòa, “Thiên hạ có rất nhiều người bị chặt chân, sao ông lại khóc thương tâm như vậy?”

Biện Hòa trả lời: “Tôi khóc không phải vì chân của mình đã bị chặt, điều tôi đau lòng là đá quý lại bị coi là hòn đá bình thường, người tốt trung thành lại bị coi là bịp bợm, đây mới chính là nguyên nhân tôi đau lòng”. Vũ Vương liền cho thợ ngọc nghiêm chỉnh gia công chạm trổ hòn ngọc này, quả nhiên phát hiện đây là một hòn đá quý hiếm thấy trên đời, do vậy liền đặt tên là “Hoà thị chi Bích”, tức hòn ngọc họ Hoà. (Nguồn: CRI- China ABC)
– Về tiêu đề chương “Absalom, Absalom”

Absalom là tên con trai lớn của vua David. Anh này muốn lên ngôi vua nhưng vua sống quá lâu, vì vậy muốn cướp ngôi vua. Các võ tướng trung thành với vua hợp lực tấn công anh này. Khi được báo tin con trai ông đã chết, vua David kêu lên: “Absalom..! Absalom..! Ước gì cha được chết thay cho con.”

Ngoài ra thì có một tác phẩm tên là Absalom, Absalom của nhà văn William Faulkner, nhưng không nói về nhân vật “Absalom” trong kinh thánh.