Tương Vọng Đào Hoa

Chương 56




- Đa tạ Nguyễn bá phụ....Nguyễn đại tướng quân đã giúp mạt tướng điểm binh!

Nguyễn Chấn thở dài, nhìn nàng một lúc rồi quay đầu đi, chỉ để lại một câu:

- Có rất nhiều chuyện ta không thể nói rõ với ngươi. Mong ngươi sớm ngày khải hoàn. Ta sẽ cho ngươi một lời giải thích thỏa đáng!

Anh Ngọc ngẩn người, Nguyễn Chấn là đang nói với nàng sao? Lời giải thích thỏa đáng, Anh Ngọc quả thật cũng cần nghe một lời giải thích này đây!

Ba vạn quân theo chân chủ tướng Mạnh quận công thẳng tiến Phồn An. Trên đường, nắng mưa bất thường, khổ không kể xiết. Anh Ngọc chưa từng đi hành quân, càng là chưa từng phải chịu cảnh ngồi ngựa giữa trời không thế này. Lúc trước được Nguyễn Thập Lục đưa lên kinh, nàng đều là ngồi xe ngựa. Nhưng lúc này đang là hành quân, nàng thân là chủ soái, bắt buộc phải ngồi ngựa dãi nắng dầm mưa cùng binh sĩ. Những đêm, đoàn quân phải hạ trại giữa rừng. Nàng dù ở trong lều chủ soái nhưng vẫn bị cái lạnh của rừng về đêm tựa như cắt da cắt thịt. Đêm đó, nàng không ngủ được, khoát hờ một chiếc y bào rồi bước ra đi dạo một vòng trong doanh. Binh sĩ dưới trướng của nàng không có dựng lều để ngủ, chỉ trãi lá cây, đốt lửa ủ ấm rồi tựa vào nhau ngủ thôi. Nàng nhìn những thanh thiếu niên kia vì quen trải gió sương, khuôn mặt phong trần rắn rỏi vẫn phải co rúm lại vì lạnh khiến nàng vừa thấy thương vừa thấy ngưỡng mộ.

Nàng đi vòng qua một đường sau đó dừng lại trước doanh trại của phó tướng Phạm Nghị, người được Lê Duy Minh cất nhắc cho theo trợ giúp nàng. Phạm Nghị này là một trong mười tùy tướng thủ hạ trung thành nhất với Lê Duy Minh. Đêm hôm ấy ở trong cung, trước mặt Vĩnh Thuận đế thà chết cũng muốn bảo hộ Lê Duy Minh cho nên mới được tin dùng đến thế. Lê Duy Minh bố trí cho Phạm Nghị theo nàng, nói thì là để giúp nàng nhưng nàng cũng thừa biết, nhiệm vụ của Phạm Nghị lại chính là giám sát nàng. Anh Ngọc cười khổ. "Mặc kệ. Ta cũng không giống với các ngươi có ý đồ với ba vạn quân này. Đến được Phồn An, gặp Mộng Khuê rồi, ta xem tình hình thế nào. Có cơ hội ta cũng tự tìm cách thoát thân. Sau đó tìm đến mẫu thân. Còn có Diễm Yên. Nếu nàng ấy không chê bỏ ta, chúng ta sẽ cùng nhau mai danh ẩn tích, không quan tâm đến các người tranh đấu. Cuộc sống mà phải ta nghi ngươi, ngươi nghi ta, ta hại ngươi ngươi lừa ta, không thích hợp với ta. Ta cũng không cần vì các người mà liên lụy."

Nàng đi một vòng rồi quay trở lại doanh trại của mình. Lúc sắp đến nơi, vô tình thấy hai lính trực đêm đang tựa vào một gốc cây nói chuyện. Một người nói:

- Nghe nói chủ soái Mạnh quận công của chúng ta là chính là người mấy tháng trước chắn nghi trượng của cung phi của tiên đế Vĩnh Thuận nên đã bị hoạn. Sau lại có công gì đó với hoàng thượng hiện tại cho nên mới được thánh sủng. Nói đến cùng cũng là một kẻ xu nịnh, có bản lĩnh gì mà lãnh binh ra trận. Thật không hiểu hoàng thượng nghĩ sao, giao của mấy vạn huynh đệ chúng ta cho một tên thái giám. Thật không muốn ra trận chút nào!

Người kia lại nói thêm:

- Chưa hết đâu, ta còn nghe nói sở dĩ Mạnh quận công xin ra trận cũng là bởi vì cung phi tên Đinh Mộng Khuê của trước kia đó. Nàng ta đã bị đưa đến Phồn An làm cống phẩm tặng cho thủ lĩnh Phồn An. Thế mà Mạnh quận công dù đã tịnh thân nhưng tâm vẫn không bỏ được, mới dựa vào ưu ái của hoàng thượng xin ra trận. Mục đích của chuyến đi này ta nghĩ đều là vì nữ nhân kia. Huynh đệ chúng ta phen này lâm vào hiểm cảnh thật rồi!

Người còn lại liền lên tiếng:

- Thật vậy sao? Vậy khổ rồi! Một vị tướng bất tài, không có kinh nghiệm chẳng nói đi, lại còn là vì một nữ nhân mà đến...Ôi trời ơi, ta còn thê tử đang mang thai. Ta không muốn chết trận đâu!

Anh Ngọc nghe xong, chỉ lặng lẽ quay trở về doanh trướng của mình. Ngồi bên soái án, nàng lại mở bức tranh vẽ Mộng Khuê ra xem. Vị tiên nữ trong tranh chính là bầu trời của nàng, là nguồn sống, niềm tin của nàng. Thế nhưng chỉ vì muốn gặp nàng ấy, nàng ra quyết định này không nghĩ lại liên lụy nhiều người đến như vậy. Trận chiến này, liệu nàng có thể đánh thắng không? Liệu rằng nàng có đủ bản lĩnh đưa các chiến sĩ kia bình an về nhà hay không?

Trời sáng, nàng liền cho gọi các thuộc tướng vào soái trướng bàn chuyện. Nàng mở bản đồ, hỏi ý kiến từng người về cách bố trí và tấn công địch. Bàn bạc cho đến khi thỏa đáng mới thôi. Sau đó, nàng mới nhắc đến chuyện làm lều và tăng thêm quân nhu cho binh sĩ. Phạm Nghị và các thuộc tướng khác nhìn nhau khó xử. Phải nói là hành quân ở địa hình như hiện tại thật không tiện để dựng quá nhiều lều cho binh sĩ. Còn nói thêm quân nhu chống lạnh, vậy thì phải cần thêm quân khố. Nhưng mà quân khố của đoàn quân này chỉ có thể từ đủ hoặc thiếu. Không thể nào dư dã đến mức có thể mua thêm quân nhu. Anh Ngọc thấy được khó khăn của các thuộc tướng. Nàng thở dài. Nghĩ nghĩ, liền nói:

- Như vậy đi! Chúng ta hành quân trên đường cũng không có việc gì làm. Nhân tiện cho binh sĩ mỗi người phát cây mọc chắn dọc đường, mỗi người lấy một bó củi. Lại cho một nhóm đi săn thú. Khi đến phủ thành kia, chúng ta tìm nhà giàu, bán cho củi và thú săn cho họ để đổi lấy vải làm quân nhu cho binh sĩ được không?

Nàng vừa nói xong, Phạm Nghị và các thuộc tướng đều mặt ngẩn mày ngơ, không ai dám tin những lời vừa nghe được. Đường đường là đại quân hoàng triều lại làm chuyện bán củi, bán thú săn ư? Chuyện này đồn ra, người trong thiên hạ cười chết mất. Nhưng hiện tại Anh Ngọc là chủ soái, lại còn là đại hồng nhân được hoàng thượng tín nhiệm nhất. Cả Phạm Nghị cùng các thuộc tướng dù không đồng tình cũng không dám cãi lại, đành cúi đầu nhận lệnh rồi lui ra, phân phó lại với các binh sĩ dưới trướng mình.

Đến biên giới giữa Thiên Nam và Phồn An. Quan thủ trấn ở đây là một vị trung niên khoảng tứ tuần tên Lê Hữu Hào. Biết vị chủ soái vừa đến chính là đại nhân vật đương thời liền ra sức nịnh nọt. Đại quân vừa tiến đến, Lê Hữu Hào đã ra tận cổng thành để đón tiếp. Nhìn thấy quân đoàn ai nấy đều mang củi bó, còn có thú săn. Lê Hữu Hào kinh ngạc tròn mắt. Đoàn quân này sợ nơi này đói nghèo đến mức không có củi, không có thức ăn hay sao mà đường xa không ngại vất vã mang đến như thế? Nhưng sau đó, chủ soái đỉnh đỉnh của ba vạn đại quân Mạnh Kì Phong bước lên, chắp tay vái Lê Hữu Hào một cái rồi liếc sang đám thổ hào, đại hộ đi cùng với Lê thủ trấn tươi cười nói:

- Đại quân của ta hành quân vất vã, lại thiếu thốn quân nhu. Trên đường, mưa nắng dãi dầu, băng rừng vượt suối lạnh lẽo thấu xương. Nhân đã đến đây, ta muốn dùng ít củi và thú săn của binh sĩ chúng ta săn được đổi với ít vải vóc, dược liệu của các vị có được không?

Lê Hữu Hào cũng đám thương nhân, thổ hào đều kinh ngạc, sau đó kinh hoảng, liền cúi đầu vâng vâng dạ dạ. Anh Ngọc hài lòng mỉm cười, quay sang Phạm Nghị nói:

- Thấy không? Đại hộ ở đâu cũng phải cần củi đốt. Chúng ta cứ mang củi đổi với họ, chắc chắn họ sẽ mua.

Phạm Nghị ngoài mặt thì cười nhưng trong lòng thầm lắc đầu: "Là bởi vì ngài mới dám như vậy thôi. Nếu gặp một tướng quân khác, e rằng ngày mai lập tức bị dâng tấu nhũng nhiễu quan dân địa phương thì cho dù trận này có toàn thắng trở về, cũng công không bù nổi tội!"

Quả đúng như Phạm Nghị nghĩ, Lê Hữu Hào và đám thổ hào vừa nghe Anh Ngọc mở miệng, liền huy động toàn lực thu gom vải vóc dược liệu mang đến doanh trại dâng lên. Anh Ngọc nhìn số quân nhu kia quá nhiều so với tưởng tượng. Nàng cũng không nghĩ nhiều. mỉm cười hạ lệnh cho binh sĩ mang củi và thú săn hồi lại cho các thổ hào đã góp quân nhu. Đám thổ hào rời khỏi doanh trại mà vuốt mồ hôi không kịp, trong lòng thầm oán hận không thôi. Vốn đã nghĩ Mạnh quận công này được là đại hồng nhân bên cạnh hoàng thượng, ít nhiều gì các ngài cũng phải có lễ ra mắt cho thượng quan. Nhưng không ngờ, vị thượng quan Mạnh quận công này còn là tham quan cực kì lộ liễu. Vừa gặp mặt đã dùng thẳng thắn mạnh miệng xin quân nhu. Lê Hữu Hào và các thổ hào vội vã chạy đi chuẩn bị. Lo xong quân nhu, Lê Hữu Hào cùng các thổ hào còn bận rộn làm một bữa tiệc thật linh đình để chiêu đãi Mạnh quận công cùng ba quân. Ai nấy đều than thầm nhưng vẫn phải cắn lòng bấm bụng, không dám để mất lòng đại quan từ kinh thành đến.

Sau bữa tiệc lớn, Anh Ngọc rủ theo Phạm Nghị cùng hai thuộc tướng là Trịnh Vũ và La Khắc Tân cùng đến vùng biên quan khảo sát. Lê Hữu Hào cũng ra sức thể hiện, dẫn đường và tận tình giới thiệu về tình hình lối sống sinh hoạt của dân cư vùng biên ải này. Anh Ngọc đứng trên đầu tường thành, nhìn xuống nơi cửa thành đang đóng kín, lại phóng tầm mắt nhìn ra xa, nói:

- Chẳng lẽ dân cư Thiên Nam và người Phồn An không thể hòa hợp sao? Thủ trấn đại nhân, ngài có thể nói cho bọn ta nghe về tình hình của Phồn An gần đây thế nào không?

Lê Hữu Hào nghe xong trong lòng mắng thầm: "Thì ra ngươi cũng biết hỏi đến dân cư ở đây sao? Hừ, Mạnh đại soái thật cao cả! Ngài đến một lần vơ vét so với người Phồn An đánh sang còn đáng sợ hơn!" Nhưng ngoài mặt, Lê Hữu Hào vẫn tươi cười nói:

- Bẩm quận công, thật ra trước đây Phồn An và Thiên Nam thật thường hay xảy ra giao tranh. Nhưng từ khi vương tử Cầm Long của Phồn An lên nắm quyền, vì muốn tạo lập quan hệ thân tình với Thiên Nam quốc mà tự nguyện sáp nhập, muốn nương nhờ của Thiên Nam, đối kháng lại các nước lân cận luôn nuôi dã tâm tìm cách thôn tính Phồn An. Từ khi Vĩnh Thuận hoàng đế phê chuẩn cho sáp nhập, cửa biên này được mở ra dân cư Phồn An và Thiên Nam qua lại cũng rất đông đúc, trao đổi mua bán náo nhiệt rất có sinh khí. Nhưng chẳng bao lâu, nhị vương tử của Phồn An là Cầm Hổ đã sát hại Cầm Long, chiếm ngôi thủ lĩnh, lại từ chối lệ thuộc vào Thiên Nam quốc, tự xưng quốc vương và câu kết với Lão Qua, đánh đuổi người Nam quốc của chúng ta ở lãnh thổ Phồn An trở về nước. Lại còn thêm chuyện Cầm Hổ tranh đoạt quyền vị với hậu duệ của Cầm Long là Cầm Thiên. Cầm Thiên tuy tuổi nhỏ nhưng lại rất được lòng dân. Tuy đại thế đã bị hoàng thúc của mình là Cầm Hổ chiếm hết nhưng ngày nào còn Cầm Thiên, Cầm Hổ vẫn không thể danh chính ngôn thuận ngồi lên ngai vị. Nội bộ của Phồn An cứ tranh đấu như thế. Vốn họ cũng không dám đánh sang Thiên Nam nhưng là do hạ quan lo lắng người Phồn An sợ chiến tranh sẽ thừa cơ chạy sang Thiên Nam chúng ta gây loạn cho nên dứt khoát đóng quan rồi thỉnh tấu lên triều đình. Cũng may các vị đại nhân đã đến.

Anh Ngọc nghe xong, không hỏi gì, chỉ quay sang Phạm Nghị nhìn như hỏi ý. Phạm Nghị nhíu mày đáp:

- Từ đây đến vùng chiến sự của Phồn An còn hơn năm mươi dặm. Quận công, chúng ta có thể tiến sát rồi hạ trại, tốc chiến tốc thắng hay sao?

Anh Ngọc lắc đầu:

- Không cần. Hạ trại bên ngoài quan ải này được rồi.

Phạm Nghị kinh ngạc nhưng vẫn gật đầu:

- Thuộc hạ lập tức đưa quân ra hạ trại đóng bên ngoài quan ải.

Phạm Nghị đáp xong liền quay đầu đi trước. Anh Ngọc cùng hai thuộc tướng còn lại cũng xuống khỏi tường thành, chỉ có Lê Hữu Hào là mặt mày xám xịt. Ông trời ơi, Mạnh quận công đại soái này đến đây đánh trận hay đến đây làm khó thủ trấn như ông đây? Đưa ba vạn đại quân ra trận lại không đến vùng chiến sự, mà trú bên ngoài quan ải trấn giữ của Lê lão gia ông. Chẳng lẽ muốn ở làm khách, để dân vùng biên các ông hầu hạ? Mạnh quận công này thật sự là quá đáng, thật là làm khó thủ trấn ông quá mà!