Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 11-4: Mùa Hè Athens 2004 4




Trong suốt thời gian diễn ra Olympic, Tô Nhất có ấn tượng sâu sắc nhất với trận chung kết chạy vượt rào một trăm mười mét nam. Đây là trận đấu mà Chung Quốc trông đợi nhất, cô đã thức cả đêm để xem cùng cậu.

Điền kinh là thế mạnh của Trung Quốc, vận động viên trẻ tuổi Lưu Tường gần đây nổi như cồn trong làng điền kinh Quốc tế, từng nhiều lần giành được ngôi vị quán quân trong các giải điền kinh châu Á, nên rất được kì vọng.

“Với thực lực và trình độ hiện nay của Lưu Tường, nếu giữ được tâm lí ổn định thì chắc chắn có thể lọt vào top 3. Kì Olympic này, anh trông đợi nhất chính là phần thi chạy vượt rào một trăm mười mét của anh ta.”

Trận đấu khốc liệt sắp bắt đầu, hàng chục ngàn khán giả ngồi kín mít sân vận động bỗng im ắng hẳn. Tô Nhất và Chung Quốc cũng bất giác nín thở theo. Ngôi vị quán quân chỉ có một, đêm nay, trong cuộc chiến đỉnh cao của làng điền kinh, các “danh tướng thiên hạ” đều tập trung ở Athens, ai sẽ là người thành công đứng trên đỉnh cao thế giới đây?

Dường như ngay sau khi tiếng súng hiệu lệnh vang lên, Lưu Tường đã xuất phát. Anh ta lao đi như một tia chớp và vượt lên dẫn đầu ngay ở rào chắn đầu tiên.

“Cố lên, cố lên...” Cổ động viên Trung Quốc trên khán đài hô hào cổ vũ cho Lưu Tường, Tô Nhất và Chung Quốc cũng hô hào theo.

Lưu Tường mặc một bộ quần áo thể thao màu đỏ, trông giống như một mũi tên lửa tiến thẳng về vạch đích. Anh ta bỏ xa các đối thủ và về đích đầu tiên với thành tích ngang bằng kỉ lục thế giới. Phút chốc, cả sân vận động vang dội tiếng hò reo long trời lở đất.

Đêm hôm đó, mặc dù đã hơn hai giờ sáng nhưng điện thoại di động của Chung Quốc vẫn liên tiếp báo có tin nhắn. Đó là nhóm bạn học cùng yêu thích thể thao của cậu thông báo tin vui và nhiệt tình chia sẻ những cảm xúc về phần thi đặc sắc vừa diễn ra. Tô Nhất chụm đầu cùng Chung Quốc xem tìm tin nhắn, trong đó cái tên Từ Văn Lượng là cô quen thuộc nhất. Ngoài ra, còn có tin nhắn của Diệp Kha: “Chung Quốc, cậu nói rất có khả năng Lưu Tường sẽ đoạt được huy chương môn điền kinh, anh ấy quả nhiên đã giành được huy chương vàng. Tuyệt vời thật đấy!”

Một người nhã nhặn như Diệp Kha mà cũng thức khuya xem Olympic sao? Lại còn câu “Tuyệt vời thật đấy” kia nữa, không biết là cô ấy đang nói Lưu Tường hay là Chung Quốc tuyệt nữa. Tô Nhất nghĩ chắc hẳn là người thứ hai, bèn giở giọng giấm chua, giơ điện thoại tra hỏi Chung Quốc: “Có phải anh thường xuyên nói chuyện với cô ấy không?”

Chung Quốc liến thoắng kêu oan: “Anh đâu có nói chuyện với cô ấy, anh chỉ bàn luận về thể thao trên lớp thôi, có rất nhiều bạn cùng lớp ngồi nghe mà, cô ấy cũng chỉ là một trong số đó thôi.”

Cô thấy thoải mái hơn một chút, sau đó lại ra lệnh một cách ngang ngược: “Vậy anh không được phép trả lời tin nhắn của cô ấy. Nhắn đi nhắn lại dễ sinh chuyện.”

“Vâng, thần tuân chỉ.”

“Nếu anh trốn vào nhà vệ sinh lén lút nhắn lại, em mà phát hiện thì anh chết chắc đấy!”

Cậu bắt chước dáng vẻ người hầu, nịnh nọt: “Anh biết mà, đã được lĩnh giáo một lần rồi, suýt thì không được mặc áo len mới, không dám có lần thứ hai đâu. Anh vẫn đang mong mùa đông năm nay được đắp chăn len, đi tất len, đeo găng tay len do em đan mà.”

Cô hài lòng nói: “Chỉ cần anh ngoan ngoãn biểu hiện tốt thì chăn len, tất len với găng tay len cũng sẽ có luôn.”

Cuối cùng thì Olympic Athens cũng kết thúc sau mười sáu ngày tranh tài sôi nổi. Hơn hai giờ sáng ngày 30 tháng 8 năm 2004 giờ Bắc Kinh, Tô Nhất và Chung Quốc lại thức xem lễ bế mạc Olympic.

So với lễ khai mạc long trọng như sử thi, lễ bế mạc lại giống như một lễ hội tươi vui với âm nhạc và những điệu nhảy đầy bản sắc dân tộc Hi Lạp. Tô Nhất háo hức chờ đợi nhất là nghi thức trao cờ Olympic cùng Tám phút Bắc Kinh1.

1. Cuối lễ bế mạc Olympic là tiết mục giới thiệu của quốc gia đăng cai tổ chức kì Olympic tiếp theo, trong trường hợp này là Trung Quốc.

Tám phút Bắc Kinh do đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, dàn dựng lên hình một cách lung linh. Những màn trình diễn âm nhạc, vũ đạo dân gian, võ thuật, kinh kịch Trung Quốc lần lượt được giới thiệu. Chỉ trong tám phút, những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc Trung Hoa đã được phô diễn trước toàn thế giới.

Kết thúc tiết mục, một cô bé xinh xắn, đáng yêu tay cầm đèn lồng đỏ, đứng trên một chiếc đèn lồng đỏ cỡ lớn biểu diễn bài Hoa nhài. Giọng hát non nớt, thuần khiết như làn nước, trong trẻo đến rung động lòng người trôi bồng bềnh khắp sân vận động. Sau màn trình diễn, cô bé cất lời mời tới toàn thế giới: “Welcome to Beijing.”

Cùng lúc đó, tấm băng rôn với dòng chữ “Hẹn gặp lại vào năm 2008 tại Bắc Kinh” được mở ra. Sân vận động quốc gia Athens rực rỡ pháo hoa, bầu không khí hội hè tưng bừng đã lên đến cao trào.

Chung Quốc dang hai cánh tay về phía Tô Nhất, nhìn cô bằng ánh mắt long lanh và thốt lên một câu: “Welcome to Beijing.”

Cô cười và sà vào lòng cậu. “Đồ quỷ anh còn thay mặt Bắc Kinh chào đón em nữa, cứ như Bắc Kinh là của anh không bằng.”

Cậu ôm cô vào lòng, nhoẻn miệng cười, nói: “Bắc Kinh chính là của anh mà, sau này sẽ là của chúng ta nữa. Tô Nhất, năm 2008, chúng ta đều đã hai mươi lăm tuổi có thể kết hôn rồi. Em nói xem chúng ta tổ chức hôn lễ Olympic vào tháng Tám năm đó có được không?”

Câu nói này không cần phải hỏi cũng biết là câu Tô Nhất thích nghe nhất, nhưng ngoài miệng cô vẫn nói: “Kết hôn với anh á? Kết hôn với anh thì có lợi gì cho em chứ?”

“Em muốn được lợi gì nào, đại tiểu thư? Được ăn ngon mặc đẹp đã đủ chưa?”

Cô lập tức gật đầu. “Được. Vậy sau này sẽ theo anh ăn ngon mặc đẹp, năm mươi năm cũng không được phép thay đổi đấy.”

Chung Quốc cười lớn, nói: “Có mỗi năm mươi năm không thay đổi thôi à? Anh phát hiện yêu cầu của em không cao lắm, ít ra thì cũng phải một trăm năm không thay đổi chứ.”

Đêm hôm đó, họ đã hẹn với nhau sau khi tốt nghiệp, Tô Nhất sẽ đến Bắc Kinh ở cùng Chung Quốc. Chung Quốc hào hứng hứa với cô, Olympic Bắc Kinh 2008, cậu sẽ đưa cô đi xem Lưu Tường chạy vượt rào một trăm mét, để cô được tận mắt nhìn thấy phong thái của người bay châu Á.