Tôi không biết có phải vì cô ta giàu nên ghét những người nghèo như tôi không, hay là vì lý do nào khác, nhưng mới đến mà bị phủ đầu bởi cái thái độ khinh thường người khác này khiến tôi rất bực mình.
Chị Oanh thấy Phương đã đi rồi mới quay sang bảo tôi:
- Em đừng suy nghĩ gì nhé, tính cô ấy xưa giờ tính vẫn thế, ăn nói hơi khó nghe tý thôi.
- Vâng, không sao đâu ạ.
- Mà em mới đến đây, chắc vẫn chưa biết hết mọi người trong nhà đúng không?
- Vâng, em chưa biết ai cả, hôm qua mới chỉ gặp mặt ông nội của Bí Ngô thôi ạ.
- Ừ, nhà có ba anh em trai.
Cậu Huy là con cả, cậu Tuấn là thứ hai, cậu Hải là con út.
Cô Phương ban nãy là vợ của cậu Hải, bọn chị vẫn hay gọi là cô ba.
Thì ra cũng là con dâu của Lạc Thành, nhưng có lẽ cô ta xuất thân tốt hơn tôi, lại đến đây trước, cho nên mới vênh váo ma cũ bắt nạt ma mới như thế.
Tôi cười đáp:
- À… vâng.
Hôm qua em có gặp trong phòng khách ở nhà bên kia rồi nhưng không có ai giới thiệu nên không biết.
- Ừ, bình thường thì ông nội của Bí Ngô sống bên đó, vợ chồng cậu Hải cũng ở bên đó luôn.
Bên này chỉ có mình cậu Huy thôi.
Nhưng cậu Huy bận lắm, đi sớm về muộn nên chắc em sẽ ít gặp.
- Thế hả chị? Em thấy bên kia nhà rộng quá, mấy gia đình ở cũng không hết, sao lại tách riêng ra tận hai khu thế này hả chị?
- À thì… vì công việc ấy mà.
Nói chung nhà có mấy anh em trai cũng phức tạp, với cả cậu Huy không thích ồn ào, mà bên đó lại nhiều người nên mới xây thêm cái nhà ở khu bên này.
Ở đây thì ít người giúp việc hơn, trước chỉ có mình chị thôi, nhưng sau khi có Bí Ngô đến thì thêm 2 người để chăm sóc Bí Ngô.
Nói đến đây, chị Oanh lại cười cười bảo tôi:
- Nhưng mà bên này dễ thở hơn bên kia, rộng rãi nhưng ít người, cũng ít phép tắc hơn nên thoải mái hơn em ạ.
- Vâng.
Em mới đến nên chưa quen, có gì thì chị chỉ bảo em nhé.
- Có gì đâu mà chỉ bảo, chị cũng chỉ là giúp việc ở đây thôi.
Nhưng mà nói chung ngoài cậu Huy ra thì vẫn còn có ông chủ nữa, thế nên bên này dù thoải mái hơn nhưng vẫn phải tuân thủ phép tắc như thường.
Chị biết em vì Bí Ngô nên mới đến đây, nhưng đã sống ở đây rồi thì chịu khó sống theo nếp gia đình cho dễ thở em ạ.
- Vâng.
- Nếu như có cậu Tuấn khỏe mạnh thì lại khác, có chuyện gì cũng có người che chở, nhưng đằng này chỉ có một mình em thì em cố gắng nhé.
- Em biết rồi ạ.
Hôm ấy, chị Oanh nói với tôi rất nhiều về những chuyện được làm và không được làm khi sống trong ngôi nhà này.
Trước kia tôi cũng nghe loáng thoáng là giới nhà giàu bây giờ đua đòi theo Tây, hoặc là cuộc sống của giới thượng lưu thì hào nhoáng nhưng bên trong thì có rất nhiều thứ lễ nghi khắt khe, vốn dĩ những việc như vậy chắc cũng bình thường thôi, thế nhưng khi chị Oanh nhắc nhở tôi, tôi mới biết ở đây sống rất khó.
Tôi biết, đã đến ở nhà người ta thì tất nhiên sẽ không tự do thoải mái như nhà mình, không muốn cũng buộc phải chấp nhận.
Tuy nhiên, với Bí Ngô thì lại khác.
Con bé một ngày phải học rất nhiều ca, từ học chữ học viết cho đến học Tiếng Anh, học năng khiếu, thậm chí nhỏ như thế mà cũng phải rèn cả lễ nghi phép tắc.
Hôm nào Bí Ngô cũng được đưa đi từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về, hôm thì được ăn cơm ở nhà, hôm thì không.
Thấy con mệt, tôi xót quá nhưng không biết làm sao cả, không gặp được Huy cũng không thể nói với ông nội con bé, thành ra chỉ biết động viên con cố gắng vậy thôi.
Cứ như thế cho đến một hôm Bí Ngô được về sớm, con bé rất mệt nên mặt mày ủ rũ, lúc bước vào nhà, thấy mẹ thì ánh mắt nó mới có vẻ sáng lên.
Bí Ngô chạy lại ôm lấy chân tôi:
- Mẹ, Bí Ngô đi học về rồi này.
- Bí Ngô hôm nay đi học có ngoan không? Có mệt không?
Bình thường nó sẽ trả lời không mệt, thế nhưng hôm nay con bé lại chun mũi bảo tôi:
- Bí Ngô không thích học chào đâu, Bí Ngô mỏi lưng.
Lưng Bí Ngô đau ở chỗ này mẹ Chi này.
- Mẹ xem nào? Mẹ xoa lưng cho Bí Ngô nhé?
- Vâng ạ.
Lịch học của Bí Ngô rất dày, tôi xoa lưng một chút rồi lại phải đưa đi tắm rồi ăn cơm cho kịp giờ học ca tiếp theo.
Hai mẹ con vội vội vàng vàng, lúc dắt Bí Ngô từ trên cầu thang xuống thì lại thấy Huy về.
Đây là lần đụng mặt anh ta đầu tiên kể từ khi tôi đến đây, thường ngày anh ta đi sớm về muộn, thành ra ở chung một nhà mà chẳng gặp nhau bao giờ.
Trong lòng tôi vẫn có ác cảm với Huy nên không niềm nở, chỉ cúi đầu chào một cái.
Còn Bí Ngô thì lại không hề sợ người đàn ông này, vừa thấy bác cả đã vội vàng chạy lại, sung sướng reo lên:
- Bác cả, bác cả về.
Anh ta cúi xuống nhìn con bé chỉ cao đến hơn đầu gối mình một chút, hơi nhíu mày.
Tôi cứ nghĩ anh ta sẽ khó chịu khi Bí Ngô thân thiết với mình, tuy nhiên Huy lại ngồi xổm xuống, kéo Bí Ngô ra khỏi người mình rồi nghiêm giọng nói:
- Bí Ngô, không được ôm.
Con gái tôi chớp chớp mắt, ngẩn ra nghĩ ngợi vài giây rồi mới đáp:
- A, Bí Ngô quên mất.
Bác cả đi làm về, quần áo chưa sạch sẽ nên Bí Ngô không được ôm.
- Ừ.
Ngữ điệu của Huy dường như rất dịu dàng, khác hẳn khi nói chuyện với tôi:
- Hôm nay Bí Ngô đi học những gì?
- Bí Ngô học chào ạ.
Các bạn trong lớp biết chào hết rồi, chỉ có mình con không biết chào.
Các bạn cười Bí Ngô.
Nhưng mẹ con bảo không việc gì phải xấu hổ hết, con học sau các bạn thì con chưa biết chào là bình thường.
Ngày mai con sẽ làm tốt hơn.
Nghe đến đây, anh ta đưa mắt nhìn về phía tôi, ánh nhìn sắc bén khiến tôi hơi chột dạ.
Huy chỉ nhìn đúng một giây rồi quay đi, tiếp tục nói với Bí Ngô:
- Mọi người làm được thì con cũng phải làm được.
Đã học sau thì phải nỗ lực hơn người học trước, nếu không con sẽ thua kém các bạn, hiểu không?
- Dạ, con nhớ rồi.
- Được rồi.
Đi học đi.
- Vâng ạ.
Sau khi con bé được đưa đi học, tôi quay trở về phòng, suy nghĩ rất lâu mới quyết định đi sang phòng bên cạnh gõ cửa.
Tôi biết bây giờ mình không có quyền quyết định bất cứ việc gì liên quan đến Bí Ngô, nhưng thấy con học nhiều như thế tôi không đành lòng.
Hiếm khi “chủ nhân” của căn biệt thự này có mặt ở nhà, cho nên tôi phải tranh thủ tìm anh ta, hy vọng anh ta có thể giảm bớt thời gian học của con tôi.
Tôi gõ cửa bốn, năm tiếng, cuối cùng mới có một âm thanh trầm trầm vọng ra:
- Vào đi.
Khi tôi mở cửa bước vào thì Huy đang ngồi trước bàn làm việc, anh ta đang cau mày nghiên cứu gì đó trên máy tính.
Tôi không muốn tò mò, nhưng đập vào mắt tôi là một căn phòng ít đồ đạc đến mức sơ sài.
Bên trong chỉ có một tủ sách rất to, một bàn làm việc, một chiếc giường ngủ và một tủ quần áo.
Ở đầu giường đặt một kệ rượu nho nhỏ, mọi thứ được sắp xếp đơn giản và gọn gàng đến mức làm tôi phải ngạc nhiên.
Huy nghe tiếng bước chân mới ngẩng đầu lên nhìn, thấy tôi đi vào, ánh mắt của anh ta sượt qua vài tia nghi hoặc.
Tuy nhiên, anh ta chỉ nhìn chứ không mở miệng nói gì, chỉ có tôi hơi ngại ngùng bảo:
- Tôi muốn nói chuyện với anh một lúc, cho tôi vài phút được không?
- Có chuyện gì?
- Về việc học của Bí Ngô.
Nó còn bé, học nhiều ca như thế thì không có sức.
Có thể giảm bớt việc học cho con bé được không?
Anh ta hơi nhíu mày, sau đó chậm chạp buông tay khỏi bàn phím rồi nhàn nhã tựa lưng vào ghế.
Huy trả lời tôi một câu chẳng hề liên quan:
- Từ mai, cô ngủ riêng phòng với con bé.
- Tại sao? Tôi đang nói đến chuyện học của Bí Ngô, anh bắt con bé ngủ riêng với tôi thì ít nhất cũng phải có lý do chứ?
- Cô đến đây để chăm sóc Bí Ngô, không phải để nó dựa dẫm vào cô.
Trẻ con 4 tuổi nên ngủ riêng, con bé phải tập thói quen tự lập.
- Ở tuổi này trẻ con phải ăn, phải chơi, nó phải có tuổi thơ chứ không phải chỉ biết học.
Bí Ngô còn bé, anh có nhất thiết phải bắt nó tự lập sớm như thế không?
- Nếu không, cô định bao giờ mới để con cô học được cách thích nghi?
Huy hỏi câu này khiến tôi có chút cứng miệng, nhất thời không biết phải đáp như thế nào.
Trước tôi có nói Bí Ngô cần có thời gian để học cách thích nghi với cuộc sống mới, bây giờ anh ta đang thực hiện đúng những việc đó, Huy không muốn tôi quá gần gũi với con, như thế nó sẽ bám tôi và không xa tôi được.
Phải tôi, suýt nữa thì tôi quên mất, sớm muộn gì tôi cũng sẽ phải đi khỏi đây, sớm muộn gì gia đình anh ta cũng không cho Bí Ngô ở gần tôi nữa.
- Có thể cho con bé thêm một ít thời gian được không?
- Không.
Anh ta trả lời rất dứt khoát:
- Tôi không thừa thời gian để làm những việc vô bổ.
Qua mấy lần nói chuyện, tôi cũng dần dần hiểu khi Huy đã nói như vậy nghĩa là tôi có thuyết phục thế nào cũng vô dụng.
Thế nên tôi không nhắc đến chủ đề này nữa, chỉ bảo:
- Thế còn việc học của con bé thì sao? Một ngày học nhiều ca rất mệt.
- Người khác làm được, nó cũng phải làm được.
Nói đến đây, anh ta không nhìn tôi nữa mà dời tầm mắt sang màn hình máy tính, tỏ ý không muốn tiếp chuyện thêm với tôi:
- Kể từ bây giờ tốt nhất đừng để tôi nghe thấy cô dạy con bé "chưa bằng các bạn là bình thường".
Xuất phát điểm khác nhau thì nỗ lực phải khác nhau, học sau thì phải nỗ lực để theo kịp những người học trước, gia đình tôi không chấp nhận việc thua kém người khác.
Cô nhớ cho kỹ.
Tôi không hiểu sao người này lại nghiêm khắc với một đứa trẻ như vậy, vừa bắt tự lập lại vừa ép phải nỗ lực.
Dù sao Bí Ngô chỉ mới 4 tuổi thôi, thấy con phải gồng mình lên để sống theo những thứ vô lý nhà họ đặt ra, tôi thực sự rất khó chịu.
Vì không muốn tiếp tục phải chịu đựng cuộc sống ngột ngạt như vậy nên sau khi quay về phòng mình, trong lòng tôi đã toan tính đến việc trốn đi.
Tôi muốn dẫn theo con đi khỏi nơi này, chạy đi càng xa càng tốt.
Thế nhưng tối hôm đó khi tôi mới chỉ hỏi Bí Ngô việc có muốn đi khỏi đây không, con bé nói:
- Bác cả cho con đi hả mẹ?
- Sao Bí Ngô lại nói thế? Con sợ bác cả à?
- Không ạ.
Nhưng mẹ dạy con đi đâu phải xin phép người lớn, thế nên mình về bà ngoại thì phải xin phép bác cả mẹ nhỉ?
- À… ừ.
Thế nếu ngày mai bác cả không cho Bí Ngô ngủ với mẹ nữa thì sao? Bí Ngô có muốn được ngủ với mẹ không?
- Có ạ.
Con bé trả lời rất dứt khoát, sau đó lại bổ sung thêm:
- Nhưng mà bác cả nói Bí Ngô lớn rồi, Bí Ngô phải ngủ riêng.
Các bạn trong lớp con cũng ngủ riêng hết đấy mẹ Chi ạ.
Em Jin Jin cũng ngủ riêng nữa.
- Em Jin Jin là ai hả con?
- Em Jin Jin nhà chú ba ấy ạ.
Mẹ em Jin Jin không thích con, mẹ em Jin Jin hay mắng con.
Tôi nghĩ mẹ em Jin Jin chắc hẳn là Phương, tính khí cô ta thế nào thì tôi cũng đã được nếm thử sơ sơ rồi, cứ nghĩ cô ta chỉ ghét mỗi tôi thôi, không ngờ đối với một đứa trẻ cũng chẳng tha.
Tôi không muốn nhắc đến những điều xấu với Bí Ngô, đành quay lại chủ đề kia:
- À… Thế Bí Ngô có sợ ngủ riêng không?
- Có ạ.
Nhưng bác cả bảo con ngủ vài hôm sẽ quen, bác cả còn nói nếu ngoan sẽ đưa con đi chơi nữa, bác cả hứa mua kẹo cầu vồng cho con đấy.
Con nói cho mẹ Chi nghe một bí mật nhé.
Ông nội không cho Bí Ngô ăn kẹo cầu vồng đâu.
Nhìn mặt con tỏ ra vô cùng nghiêm túc, tôi cuối cùng cũng đành chịu thua, bật cười ôm lấy con:
- Ừ, được rồi.
Bí Ngô ngủ đi.
- Chúc mẹ Chi ngủ ngon.
- Chúc Bí Ngô ngủ ngon.
Cả ngày đi học, đêm cũng đi học, con bé mệt nên thiếp đi rất nhanh, còn tôi thì lại cứ thao thức mãi không ngủ nổi.
Ai đã làm mẹ chắc chắn sẽ hiểu được phần nào đó cảm giác của tôi lúc này, thương con và lo cho con, càng không muốn đêm ngủ phải xa Bí Ngô, nhưng bây giờ ngay cả con bé cũng đồng ý ngủ tách riêng ra với tôi, thế nên trong lòng tôi cứ hoài nghi và nặng trĩu.
Không ngủ được nên tôi thử vào mạng xem thử, lúc tra google, thật kỳ lạ, hầu như tất cả những tờ báo chính thống đều khuyên trẻ em 4 tuổi trở lên nên ngủ riêng.
Vừa tăng tính tự lập cho bé, giúp trẻ tự tin hơn, lại vừa giúp con có thể ngủ được sâu giấc.
Nói chung ngủ riêng vào lúc này chỉ có lợi chứ không có hại gì cả.
Thành ra tôi đọc xong tự nhiên lại thấy việc Huy ép Bí Ngô ra ngủ riêng cũng không có gì sai, lúc ấy, cảm giác khó chịu bất giác cũng vơi đi một ít.
Tôi nghĩ hình như mình đã quá nóng vội rồi thì phải, tường nhà anh ta vừa cao vừa dày thế kia, camera lại lắp khắp nơi, tôi mà dẫn Bí Ngô trèo tường trốn thì có lẽ chưa đi được qua sân đã bị phát hiện.
Lúc đó thì tôi sẽ bị tống cổ khỏi đây và mãi mãi không được gặp lại con chứ đừng mong được nhìn thấy Bí Ngô mỗi ngày nữa.
Nếu vậy, tạm thời tôi cứ ở đây, tìm cơ hội sau thì vẫn hơn!
Cuối tuần đó, theo lịch học thì Bí Ngô vẫn chẳng được nghỉ buổi nào cả, thế nhưng hôm ấy mới 3 giờ chiều đã thấy con về, theo sau còn có cả Huy.
Thấy con về giờ này, tôi ngạc nhiên nên chạy ra hỏi con bé:
- Hôm nay Bí Ngô phải đi học ca chiều mà, sao hôm nay về sớm thế hả con?
- Bác cả nói hôm nay bác cả được nghỉ sớm nên đưa Bí Ngô đi thăm bố đấy mẹ Chi ạ.
- À…
- Mẹ đi với Bí Ngô nhé, Bí Ngô dẫn mẹ đến gặp bố.
Nghe thế, tôi theo phản xạ ngước lên nhìn Huy, thấy anh ta vẫn im lặng đứng ở cửa, vẻ mặt không biểu cảm gì.
Thực ra từ hôm đến đây tôi cũng muốn hỏi thăm về Tuấn, nhưng trong lòng vẫn lấn cấn mãi về chuyện ở quá khứ, thế nên có mấy lần tôi định hỏi chị Oanh xong lại thôi.
Bây giờ Bí Ngô lại muốn tôi đến thăm anh ta, tôi cũng chẳng biết phải làm sao cả.
Con bé thấy tôi không trả lời thì tiếp tục nói:
- Mẹ đi với con đi.
Con xin bác cả chở cả mẹ đi rồi.
Mẹ đến gặp bố của Bí Ngô đi, bố của Bí Ngô ngủ mãi thôi.
- …
- Bác cả ơi, mẹ của con cũng đi nhỉ? Bác cả chở mẹ Chi của con đi cùng nữa nhỉ? Phải không bác cả?
Huy thờ ơ đáp một tiếng:
- Ừ.
Bí Ngô nghe xong lại reo ầm ỹ, sau đó chạy lại túm tay tôi kéo đi:
- Mẹ nhanh lên, hôm nay bác cả chở mẹ đi bằng ô tô đấy.
Bí Ngô được ngồi ô tô rồi, nhưng mẹ chưa được đi ô tô.
Ô tô của bác cả đẹp lắm.
Mẹ đi với Bí Ngô đi.
- Bí Ngô, mẹ phải ở nhà nấu cơm chiều.
Hay là Bí Ngô đi với bác cả nhé?
- Không, Bí Ngô đi với mẹ cơ.
Bác cả ơi, bác cả hứa với con rồi, giờ mẹ không phải nấu cơm, chỉ cần đi với Bí Ngô thôi nhỉ?
Lần này, Huy không đáp mà chỉ lạnh nhạt quay người đi, sau cùng, trước khi ra khỏi cửa, anh ta bất chợt bỏ lại một câu:
- Đi thôi.
Kết quả là tôi bị Bí Ngô kéo thẳng ra xe của anh ta, lần này không phải chiếc Limouse Dcar dài bóng loáng hôm trước, cũng không có tài xế, chỉ có Huy tự tay lái một chiếc xe thể thao 4 chỗ chở tôi và Bí Ngô đến bệnh viện.
Sau gần 10 ngày trời chỉ được quanh quẩn ở biệt thự nhà anh ta, đây là lần đầu tiên tôi được ra ngoài, rõ ràng chỉ là đi từ nhà đến bệnh viện thôi mà cảm giác cứ như mình vừa từ trong ngục tù được quay lại nền văn minh vậy.
Tôi mở kính xe ra, tranh thủ hít hà một hơi thật sâu không khí tự do thoải mái ở bên ngoài, tranh thủ ngắm người đi đường và phố phường.
Bí Ngô của tôi cũng vui vẻ không kém, cứ ôm lấy tay tôi chỉ thứ này thứ kia, nó còn ngây ngô bảo tôi rằng:
- Mẹ ơi, sau này con xin bác cả đưa mẹ đi chơi với con nhé? Bác cả chở mẹ con mình đi nhà bóng mẹ nhỉ?
- Bác cả bận, Bí Ngô không được mè nheo đòi bác đưa đi chơi, biết chưa?
- Nhưng bác cả hứa dẫn con đi nhà bóng rồi mà.
- Mẹ nói phải nghe lời.
Con bé thấy tôi kiên quyết như vậy, đành tiu nghỉu gật đầu, cùng lúc này thì xe cũng dừng ở cổng một bệnh tư nhân rất lớn.
Ba người chúng tôi xuống xe rồi đi vào, suốt quãng đường đến đây Huy không nói gì, mãi đến khi tôi mải giữ giày cho Bí Ngô mà quên không nhìn cửa thang máy, lúc đi ra suýt bị kẹp vào, anh ta mới nhanh như chớp xông lại giữ chặt lấy cánh cửa rồi mắng tôi:
- Mắt cô nhìn đi đâu thế?
Bí Ngô đang được tôi bế, bị dọa nên co rúm người lại, còn tôi thì ngẩn mặt ra một giây, sau đó mới vội vội vàng vàng bước nhanh ra phía trước, ấp úng đáp:
- À...!tôi… xin lỗi, tôi không để ý.
Anh ta hừ lạnh một tiếng, sau đó hơi dùng lực đẩy cửa tách ra rồi đứng sát bên cạnh tôi, chắn cho cửa không đóng lại.
Thấy Huy làm vậy, tôi cũng vội vàng bế Bí Ngô đi ra, biết rõ thang máy khi gặp vật cản sẽ tự mở cửa lần nữa, có bị kẹp cũng chỉ hơi đau tý thôi.
Thế nhưng người lớn đau là một chuyện, trẻ con đau thì lại là chuyện khác, may mà có Huy để ý và giữ cửa giúp tôi.
Nhưng mà cũng kỳ lạ, rõ ràng là nãy giờ tôi đứng trong thang máy lâu hơn, anh ta có thể ra trước, thế mà Huy vẫn ở lại sau mẹ con tôi.
Giống như anh ta đang bảo vệ Bí Ngô vậy!
Chúng tôi bước hết một đoạn hành lang dài, đến một phòng bệnh ở riêng biệt hẳn một khu, bên ngoài có gắn một tấm biển VIP đỏ chói mới dừng lại.
Bí Ngô một tay ôm cổ tôi, tay còn lại chỉ vào bên trong:
- Mẹ ơi, bố ngủ ở trong kia kìa.
- Ừ.
Huy mở cửa đi vào trước, hai mẹ con tôi theo sau.
Lúc bước vào bên trong, tầm mắt của tôi ngay lập tức dừng lại ở một người đang nằm trên giường bệnh, xung quanh được cắm đủ loại kim truyền và máy thở, bên cạnh còn có một máy đo chỉ số sinh tồn, cứ cách mười mấy giây lại kêu "Tít" một tiếng.
Mấy hộ lý đang trông người bệnh ở gần đó thấy người đến mới vội vàng đứng dậy:
- Chào anh ạ.
- Tình hình mấy hôm nay thế nào?
- Tạm thời vẫn chưa có thêm tiến triển gì, hai hôm nữa mới đến lịch kiểm tra của bác sĩ ạ.
Nếu có kết quả tốt, bọn em sẽ thông báo với gia đình ngay.
Huy hờ hững "ừ" một tiếng, sau đó hai người hộ lý cũng biết ý nên nói mấy câu xong thì chủ động đi ra ngoài.
Khi phòng bệnh chỉ còn lại mấy người chúng tôi, anh ta mới quay sang nhìn mẹ con tôi nói:
- Bí Ngô, lại chào bố đi!