Từng Lỡ Hẹn Với Thanh Xuân

Chương 15: Chương 15






Bình thường Huy hay sử dụng chiếc Limouse Dcar để di chuyển, lần này lại đi một chiếc xe 5 chỗ bình thường nên tôi không nhận ra.
Nhưng để anh ta thấy mình và em trai đang giằng co như thế này thì thực sự rất xấu hổ, thế nên mất mấy giây ngẩn ra, tôi mới lúng túng nói:
- Sao anh lại ở đây?
- Đang chờ tài xế mua café.
Nói đến đây, Huy lại dời mắt nhìn về phía em trai tôi, lạnh nhạt hỏi:
- Thừa sức khỏe nên phá hoại tài sản của người khác à?
Ban đầu khi thấy chủ xe có mặt ở đây thì Long có vẻ hơi lo sợ, tuy nhiên sau khi biết Huy quen tôi, nó bắt đầu ỷ vào chị nên vênh váo nói:
- Gớm, đấm một cái cũng chẳng hỏng được.

Xe của anh đắt tiền thế có mà đâm vào cũng chả hỏng.
- Đắt tiền cũng là xe của tôi, cậu không có quyền đụng vào.
- À thì…
Thấy Huy không nể mặt tôi, Long bắt đầu ấp úng.

Thường ngày nó chỉ dám lấc cấc với mấy người dễ bắt nạt thôi, lần này đụng trúng cái ông "mặt lạnh như tiền" này thì không dám láo nữa.

Long không biết làm sao nên lại đẩy rắc rối sang tôi:
- Nếu ông sợ xước xe thì ông xuống kiểm tra đi.

Hỏng chỗ nào thì chị tôi đền.
- Liên quan gì đến chị cậu?
- Thì tôi không có tiền, chị tôi thay tôi đền.

Tiền nào chả là tiền, cứ đền cho ông là được chứ gì?
- Thế à?
Anh ta khẽ nhếch môi một cái, chẳng rõ là cười hay không cười nhưng bộ dạng thực sự khiến người khác phải nổi da gà.

Huy nhìn em tôi vài giây rồi lại dời mắt sang chỗ tôi, ánh mắt phảng phất mấy tia dò xét, dường như muốn xem tôi sẽ giải quyết như thế nào.
Thực ra, nếu như bình thường thì tôi sẽ sợ xấu hổ mà đứng ra nhận đền bù cho em trai mình, nhưng bây giờ sức chịu đựng của tôi đối với thằng em ngỗ ngược này đã chạm đến giới hạn.

Tôi không muốn tiếp tục nhượng bộ nó nữa, với cả thấy thái độ của Huy như vậy, biết anh ta cũng chẳng thèm nể mặt tôi nên tôi chẳng việc gì tự chuốc thêm nhục vào thân.
Cho nên cuối cùng điều tôi lựa chọn là im lặng.

Long thấy tôi không đả động gì thì bắt đầu sốt ruột, nó quay sang trừng mắt bảo tôi:
- Chị, bạn chị đòi tiền em kìa.

Chị giải quyết đi.
- Đấm vào xe của người ta thì phải đền là đúng, kêu cái gì?
- Đấm có một cái thôi chứ có gì đâu, cũng chả móp méo chỗ nào.

Em thấy ông kia muốn làm khó em thì có.

Mà chị có bạn kiểu gì thế, bạn gì mà chả thèm nể mặt, còn làm khó người khác.
- Ai làm thì người ấy chịu, chẳng liên quan gì đến bạn với bè cả.

May mà còn là người quen, nếu không mày tự nhiên đấm vào xe người ta thế, người ta còn đánh cho mày sưng mặt ấy.

Mà mày còn chưa xin lỗi người ta câu nào đâu.

Sai còn không biết đường xin lỗi à mà còn nói kiểu đấy?
- Chả việc gì phải xin lỗi.

Ông ấy đang đòi tiền đấy, chị trả tiền cho bạn chị đi.
- Không có, mày tự đi mà trả.
- Em không có tiền, bạn chị thì chị trả.
Cái thằng này chuyên bắt nạt tôi, tôi điên lắm nhưng đánh không được, chửi nó cũng không nghe.

Đang không biết phải nói sao thì đột nhiên Huy lại lên tiếng lần nữa:
- Không có tiền à?
- Không có thì sao? Có phải ai cũng giàu, có tiền đi xe xịn như ông đâu.
- Không có sao còn mạnh mồm nói đền?
Long nghe thế thì cau có đáp:
- Tôi nói rồi, chị tôi đền.

Tiền nào chả là tiền mà ông phải hỏi đểu thế.
Vừa nói dứt lời thì Huy đột nhiên mở cửa xe ra, không báo trước tiếng nào khiến Long đang đứng sát đó không tránh kịp, cửa đập mạnh vào người làm nó loạng choạng lùi về phía sau mấy bước.
Huy bình thản bước xuống xe, không buồn hỏi thăm mà chỉ lạnh nhạt liếc em trai tôi một cái:
- Khỏi cần tiền nữa, đập một cái thế này cũng được.

Đền nào chả là đền.
- Mẹ, cái thằng...
Long bị đau nên nổi khùng lên lao lại định vung nắm đấm về phía Huy, có điều, tay nó còn chưa kịp chạm vào mặt anh ta thì đã bị anh ta giữ lại.
Huy chỉ dùng đúng một bàn tay đã có thể khống chế được em trai tôi, sau đó lạnh lùng vặn ngược một cái khiến nó đau đến mức kêu lên oai oái:
- Á...!đau...đau...!bỏ ra ...!cái ông này bỏ ra không.

- Thằng nhóc con, định đánh ai đấy?
- Đau quá, chị Chi cứu em.

Chị Chi bảo bạn chị bỏ tay em ra đi, đau quá.
Tất nhiên là tôi có thương em, nhưng tôi cũng không có ý định giúp nó nên chỉ đáp:
- Tự đấm người ta trước mà, kêu cái gì.
- Chị bảo ông này bỏ ra đi, vặn như thế gãy tay em rồi.

Á...á...!á.
Long còn chưa nói hết câu thì đã bị anh ta vặn thêm một cái, nó đau đến tái mét mặt mày, nhưng cố sống cố chết thế nào cũng không thể vằng ra khỏi tay Huy.
Anh ta không cần dùng sức nhiều, bóng lưng cao lớn cũng không hề nhúc nhích, cơ thể vững chãi tựa như núi:

- Sao? Đàn ông làm được không chịu được à? Gây chuyện xong lại gọi chị giải quyết là thế nào?
- Anh trai ơi, tôi biết sai rồi, anh trai bỏ ra đi, tôi đau quá.

Tôi sai rồi.
- Sai chỗ nào?
- Tôi không nên đấm vào xe anh...!Á...!á...!Không phải, tôi không nên nói láo với anh....!Không, không...!tôi không nên đấm anh....!Á...!á...
Mỗi một lần nó nói sai chỗ nào thì Huy lại tăng lực vặn thêm, giống như anh ta không hài lòng với câu trả lời đó vậy.

Long bị vặn đến mức cổ tay gần như sắp trật ra đến nơi, cuối cùng, nó mới nói:
- Tôi không nên gây chuyện xong đòi chị giải quyết.

Tôi là đàn ông thì làm được phải chịu được.

Tôi đau quá rồi, tôi xin anh đấy, bỏ tôi ra đi.
Lúc này, Huy mới chậm chạp nới lỏng bàn tay ra, anh ta lạnh nhạt đáp:
- Đàn ông sức dài vai rộng thì tìm việc tử tế mà làm.

To xác thế rồi mà đi dựa dẫm vào một người phụ nữ thì hèn lắm, biết chưa?
- Vâng, vâng...!Biết rồi, biết rồi ạ.

Anh thả tay ra đi.
- Nói lại, biết chưa?
- Em biết rồi đại ca, em biết rồi.
- Lần sau không có chuyện thế này nữa đâu, đảm bảo đến thẳng bệnh viện bằng xe cứu thương đấy.

Nhớ chưa thằng nhóc?
- Vâng, em biết rồi ạ.

Đại ca, em đau quá.
Đến đây, Huy mới hừ lạnh một tiếng rồi buông tay em tôi ra.

Nó vừa được thả thì lập tức ôm lấy cổ tay xuýt xoa, sau đó cũng không dám đứng lại nữa mà chỉ liếc tôi một cái rồi bỏ chạy mất tăm mất dạng.
Sau khi Long đã đi rồi, tôi mới ngượng ngập đi lại gần anh ta, lí nhí nói:
- Xin lỗi anh, em trai tôi còn ít tuổi, cư xử không biết phép tắc trên dưới, làm ảnh hưởng đến anh.

Xin lỗi anh.
- Bao nhiêu tuổi?
- 24 ạ.
- 18 tuổi đã thành người trưởng thành rồi.

Anh ta quay đầu nhìn tôi, ngữ điệu bình thản và dứt khoát:
- Nếu cho người khác một viên kẹo, người ta sẽ biết ơn cô.

Nhưng nếu ngày nào cũng cho người ta kẹo, họ sẽ nghĩ đó là trách nhiệm của cô.

Đến khi cô không cho người đó kẹo nữa thì họ sẽ trở mặt với cô.

Một người học quản trị kinh doanh như cô mà không hiểu nguyên tắc đơn giản đó à?
Nghe thế, tôi mới sửng sốt ngẩng lên nhìn anh ta, không nghĩ chỉ qua một lần gặp mà anh ta đã hiểu thấu được nhiều chuyện đến thế.
Nhưng con mắt của người làm kinh doanh vốn dĩ luôn tinh tường như vậy, tôi không thể qua mặt được Huy, cho nên đành gượng gạo cười đáp:
- Tôi biết rồi.

Cảm ơn anh đã nhắc nhở.
- Đi đây.
Nói rồi, anh ta định xoay lưng bước lên xe, nhưng Huy vừa đi được mấy bước, tôi đã vội vàng chạy theo:
- Khoan đã.

Việc xe của anh...
Tôi định bảo "tôi đền xe cho anh", nhưng còn chưa nói hết câu, anh ta đã ngồi vào xe rồi.

Huy thờ ơ bảo tôi:
- Em cô nói rồi, xe của tôi bị đâm cũng chẳng hỏng.

Khỏi phiền cô lo.
***
Sau hôm đó, Long không đến tìm tôi nữa, có mấy lần tôi gọi điện thoại về hỏi mẹ về tình hình của nó thì mẹ tôi nói giờ Long đi làm ở Bắc Giang hay Bắc Ninh gì đó, trường đuổi học rồi nên nó theo bạn đi làm quảng cáo, mẹ tôi hỏi làm với ai thì nó cứ ậm ừ, lúc thì trả lời, lúc thì không.
Tôi nghĩ con người ai cũng phải trưởng thành, ai cũng phải lớn, tôi và mẹ không thể đi theo để kèm cặp nó mãi được, thế nên tôi nói:
- Thôi mẹ cứ chờ một tháng xem nó có tu chí làm ăn không.

Nếu nó đưa lương về cho mẹ thì tốt, không thì mẹ thử hỏi nó xem.
- Ừ.

Tao biết rồi.

Mà sao bảo đưa Bí Ngô về rồi mãi không đưa thế, hơn nửa năm rồi còn gì? Giờ thằng Long nó đi suốt, tao ở nhà chỉ có mỗi một mình, mày đưa nó về chơi với tao mấy hôm cho đỡ buồn.
- Lịch học của Bí Ngô chưa giãn ra cơ, để mai kia con thử nói với nhà họ xem thế nào, xin được thì con xin đưa nó về thăm mẹ.
- Ừ, đưa nó về chứ tao nhớ nó lắm rồi, ngủ cứ mơ thấy nó thôi.
- Vâng.
Nói là nói thế thôi chứ tôi biết mình không thể đưa Bí Ngô về được, nhưng những lời nói của mẹ cứ canh cánh trong lòng tôi mãi.

Nhắc mới nhớ, tôi đã ở trong ngôi nhà này nửa năm rồi, Bí Ngô cũng đã không gặp bà ngoại nửa năm, dù ở cùng Hà Nội này thôi nhưng tự nhiên lại cảm thấy xa xôi quá.

Chẳng biết bao giờ mới được tự do thoải mái như ngày xưa…
Cuối tuần đó, theo lịch Huy sẽ dành một buổi chiều chủ nhật để đưa tôi và Bí Ngô đến bệnh viện thăm Tuấn.

Kể từ lần đầu tiên anh ta có phản ứng, đến tận bây giờ vẫn không có thêm động tĩnh gì, mấy lần tôi đến thăm chỉ thấy anh ta vẫn nằm yên trên giường, mỗi ngày chân tay một gầy khô.
Bí Ngô theo thói quen vẫn hỏi tôi:

- Mẹ ơi, bao giờ thì bố dậy hả mẹ? Ông nội nói con sắp lên lớp 1 rồi, con sắp có bạn mới mà bố vẫn chưa dậy nữa.

- Bố sắp dậy rồi.

Bí Ngô lại gọi bố đi, biết đâu bố nghe thấy tiếng Bí Ngô lại dậy đấy.
- Nhưng mẹ ơi, sao người bố lại có kim tiêm hả mẹ?
- À…
Trẻ con hay hỏi những câu rất ngây ngô, nhưng thực sự cũng rất khó trả lời.

Tôi không biết nói sao nên đứng ngần ngừ mãi, may sao lúc này Huy ở phía sau lại lên tiếng:
- Vì bố con không nghe lời.
- Ồ.
Con bé tròn xoe mắt chạy lại chỗ bác cả rồi dang tay ra, tỏ ý muốn Huy bế.

Anh ta cúi xuống ôm lấy Bí Ngô rồi bế nó lên cao, con bé được bác cả bế thì cười rúc rích:
- Bí Ngô không hư nên không bị tiêm bác cả nhỉ?
- Ừ.

- Hôm trước Bí Ngô đọc tiếng anh được điểm A đấy, Bí Ngô chưa khoe với bố đâu, Bí Ngô khoe với bác cả trước.

Bác cả hứa mua kẹo cầu vồng cho Bí Ngô rồi, hôm nay bác cả mua cho Bí Ngô nhé?
- Được điểm A cơ à?
- Vâng ạ.

Điểm A to đùng, màu đỏ nữa, to thế này bác cả này.
Con bé vẽ một vòng tròn to trên không, nhìn chẳng ra hình thù gì, thế nhưng bác cả thường ngày hiếm khi cười của Bí Ngô nghe xong, đột nhiên lại cong môi lên, để lộ một nụ cười khe khẽ:
- Ừ, được điểm A thì mua kẹo cho Bí Ngô.
- Con có một yêu cầu nữa được không ạ?
- Bí Ngô muốn gì?
- Con muốn về nhà thăm bà ngoại ạ.

Bà ngoại con nấu canh cá chua ngon lắm, con thích ăn kẹo cầu vồng, nhưng con thích ăn cả canh cá chua nữa.
Nghe xong câu này, Huy hơi nhíu mày liếc tôi, thái độ của anh ta rõ ràng đang nghi ngờ tôi dạy Bí Ngô nói những lời này.
Thực ra tôi cũng muốn bảo con bé xin anh ta cho về nhà thăm bà ngoại, nhưng nghĩ lại, lại thấy mình không nên dạy con trẻ như vậy nên lại thôi, không ngờ hôm nay Bí Ngô vẫn nói như thế.
Huy nhìn tôi vài giây rồi quay sang hỏi Bí Ngô:
- Canh cá chua là canh gì?
- Là canh màu vàng, có con cá, ăn chua chua mặn mặn ấy ạ.

Ngon lắm.

Con bảo bà nấu cho bác cả một bát thật to nhé?
Anh ta chần chừ vài giây rồi cuối cùng cũng gật đầu:
- Ừ.
Sau khi rời khỏi bệnh viện, Huy chiều theo ý Bí Ngô, chở mẹ con tôi về nhà cũ để ăn cơm.

Lúc tôi gọi điện thoại đến thông báo cho mẹ biết, bà có vẻ rất mừng, còn ra chợ mua rất nhiều đồ ăn về để nấu canh giấm cá cho Bí Ngô ăn.
Khi ba người bọn tôi đến nơi, mẹ tôi mở cửa thấy cả một người đàn ông mặt mày như tảng băng đang bế Bí Ngô thì lập tức ngẩn ra.

Tôi ngại quá nên đành lên tiếng giới thiệu:
- Mẹ, đây là bác cả của Bí Ngô.
- À… à… chào bác cả.
Anh ta khẽ gật đầu, vốn dĩ tôi cứ tưởng Huy sẽ cư xử như lúc gặp em tôi, ai ngờ anh ta rất lịch sự nói:
- Chào bác.
- Nhìn bác cả giống Bí Ngô quá.

Mời bác cả vào nhà.

Vì nhà tôi vừa chật vừa nhỏ, đồ đạc lại cũ nữa nên mẹ tôi có vẻ ngại ngùng.

Bà dọn sạch sẽ lại ghế ngồi, còn phủi đi phủi lại mấy lượt rồi mới bảo Huy:
- Ngại quá, không biết bác cả đến nên chưa kịp dọn nhà.

Nhà cửa hơi bừa bộn, bác cả thông cảm nhé.
- Không có gì, bác đừng khách sáo.
- Vâng.
Anh ta nói xong thì đặt Bí Ngô xuống, con bé về nhà quen thì sung sướng cười toét miệng, chạy lại ôm lấy chân bà ngoại:
- Bà ngoại ơi, bà ngoại không nhớ Bí Ngô à? Sao bà ngoại chỉ hỏi chuyện mỗi bác cả thế?
- Ôi, cha bố cái con bé này.

Sao lại không nhớ Bí Ngô được? Bà xem nào? Bí Ngô cao lên bao nhiêu rồi đấy nhỉ?
- Bí Ngô nặng 16 cân rồi đấy bà ngoại ạ.
Lâu rồi mới gặp cháu, dù trước kia có thế nào thì mẹ tôi vẫn cùng tôi chăm sóc con bé từ nhỏ nên ít nhiều gì cũng vẫn có tình cảm, giờ bà cứ ôm rồi hôn hít con bé mãi.

Mãi tận một lúc lâu sau mới nhớ ra phải làm cơm đãi khách nên lại lật đật vào bếp nấu cơm với tôi.
Lúc ở dưới bếp, mẹ tôi hỏi:
- Đó là anh trai của bố Bí Ngô à?
- Vâng.

- Ôi nhìn giống nhỉ? Đúng là nòi nào giống nấy, con Bí Ngô giống hệt bố nó lẫn bác cả, chẳng khác tý nào.

Mà bác cả này có phải là giám đốc cái tập đoàn Lạc Thành không?
- Vâng.


Người ta không thích nói những chuyện ấy ra ngoài đâu, mẹ đừng hỏi mà cũng đừng nói với ai.
- Ừ thì tao biết thế, tự nhiên đi nói làm gì.

Ông này nhìn rõ đẹp trai sáng sủa nhỉ? Có vợ chưa?
- Chưa ạ.
- Ơ, mà sao bố nó không đưa mẹ con mày đến, lại để bác cả đưa đến?
- Bố Bí Ngô ốm nên không đi được, hôm nay bác cả con bé rỗi nên tiện đưa con đi.
- Mày ngày xưa mà vớ được ông này có phải tốt không, nhìn phong độ còn hơn bố của con Bí Ngô ấy chứ.

Mà còn làm tổng giám đốc nữa.
- Thôi mẹ đừng nói linh tinh.

Mẹ nấu canh đi, Bí Ngô nó đòi ăn canh này của mẹ nấu, con không biết nấu.
Mẹ tôi gật đầu, lật đật chạy lại nấu canh.

Hôm ấy bà nấu rất nhiều món, canh cũng nấu cả một nồi đầy, lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm làm con của bà, tôi mới thấy mẹ tôi nấu một bữa ăn sang đến vậy.
Trong bữa ăn, mẹ tôi cứ khách sáo bảo Huy:
- Bác cả ăn đi.

Đồ ăn của nhà tôi thì dân dã, nhưng thỉnh thoảng đổi món chắc cũng lạ miệng.
- Vâng.

Cảm ơn bác.
- Thế Bí Ngô với cái Chi nhà tôi ở bên ấy chắc không phiền đến bác cả nhiều chứ? Con gái tôi nó còn ít tuổi, với cả con Bí Ngô cũng còn bé nữa, có gì không biết thì bác cả thông cảm nhé.
- Không có gì đâu ạ.

Bí Ngô rất ngoan.
- Vâng, vâng.

Mời bác cả.
Tính Huy không thích nói nhiều, nhưng bữa ăn hôm ấy mẹ tôi hỏi gì anh ta cũng đáp, thậm chí cũng không chê bai thức ăn nhà tôi mà vẫn động đũa ăn một vài món, làm tôi thấy cảm kích vô cùng.
Không phải cảm kích vì anh ta không khinh thường ra mặt người nhà tôi, mà là cảm kích vì anh ta đã cho mẹ con tôi về đây, còn chịu ăn cơm với gia đình tôi một bữa.

Với tôi, như thế là quá đủ rồi.
Ăn uống xong, anh ta lại chở mẹ con tôi quay về nhà bên kia.

Lúc đi đường, Bí Ngô buồn ngủ nên thiếp đi trong vòng tay tôi, cuối cùng chỉ còn tôi với anh ta ngồi trong khoang xe mà lại chẳng biết nói với nhau câu gì.

Ngại quá nên dù nói cảm ơn thì quá thừa thãi nên tôi vẫn bảo:
- Hôm nay được về nhà bà ngoại, Bí Ngô có vẻ vui lắm.

Cảm ơn anh nhé.
- Nói mấy lời cảm ơn chẳng có tác dụng gì.
- À…
Tôi gượng gạo cười, cũng chẳng biết nói gì nữa nên cũng thôi.

Lát sau lại nghe Huy nói:
- Có mấy bản báo cáo, muốn cảm ơn thì tối nay làm cho tôi.
- Báo cáo về gì ạ?
- Về hợp đồng mới.

Bên phòng kinh doanh làm phần sườn rồi, tôi không có thời gian kiểm tra lại, cô có thời gian thì làm đi.
- À vâng.

Thế cũng được ạ.

Để tôi xem có làm được không.
Thế là tối đó tôi phải ôm một xấp tài liệu dày bằng cả gram giấy về phòng nghiên cứu.

Thực ra phần sườn đã được làm hết rồi nên tôi chỉ đọc sơ qua một lượt, sửa chỗ nào thì sửa thôi, đại loại là làm bớt phần việc kiểm duyệt giúp cho Huy.
Đọc mới biết là sắp tới Lạc Thành hợp tác với một công ty nước ngoài, bọn họ là công ty công nghệ nên cần các nguyên liệu để sản xuất, trong khi có những thành phần mà ở trong nước không có nên phải đặt mua độc quyền từ nước ngoài.
Mà độc quyền thì cũng tương đương với việc mua vào rất khó khăn, hợp đồng soạn thảo cũng phải thật chắc chắn về điều khoản.

Tôi thức ròng rã 3 đêm mới nghiền hết được từng chữ trong bản hợp đồng, sửa xong lại đưa về cho Huy.
Anh ta kiểm tra xong, cũng chẳng khen tôi câu nào mà chỉ bảo:
- Tạm được.
Mặt tôi ngơ ngơ ngác ngác, tự nhiên lại có cảm giác như mình vừa nộp báo cáo lên cấp trên chứ không phải làm giúp người ta vậy.

Huy thấy vậy mới "tốt bụng" nói thêm một câu:
- Vẫn cần phải đọc thêm tài liệu nhiều.

Sách ở trong phòng tôi, cô thích lấy cuốn nào thì lấy.
Nghe thấy anh ta cho tôi mượn số sách quý đó, tôi mừng đến nỗi quên luôn cả chuyện anh ta chẳng buồn cảm ơn tôi.

Hai mắt tôi lập tức sáng lên, cười tươi hỏi lại:
- Thật à? Anh cho tôi mượn sách trong đó à?
- Mấy ngày tới tôi không có nhà.

Cô lấy sách thì tự vào phòng lấy.
- Cảm ơn anh.
- Ừ.
Phải nói là số sách trong phòng Huy toàn là sách hiếm của hiếm, có bỏ ra cả đống tiền cũng không thể mua được.

Với một đứa thích nghiên cứu tài liệu như tôi, chừng ấy sách là cả một kho tàng, có cơ hội được đọc cũng coi như được mở mang toàn bộ tầm mắt.
Tôi quên béng luôn cả việc hỏi anh ta không có nhà là đi đâu, mãi sáng hôm sau thấy chị Oanh không pha café như mọi ngày mà chỉ loay hoay lau dọn, tôi mới hỏi:
- Sáng hôm nay chị không phải pha café ạ?
- Không, sáng nay cậu Huy đi sớm nên chị không phải pha café nữa.

- À… Anh cả đi đâu thế hả chị?
- Đi Hồng Kông.

Sáng nay mới 5 giờ đã đi rồi, chị hỏi cậu cả có uống café không, cậu ấy bảo lên máy bay rồi uống nên không cần chị pha.
- Vâng.
- Hôm nay cuối tuần chắc em cũng được nghỉ chứ?
- Có ạ, em được nghỉ.

Anh Huy cho em mượn sách nên em lên phòng anh ấy đọc sách chị nhé.
- Ừ.


Lên đến phòng anh ta, tôi mới quên mất là mình chưa hỏi xin khóa phòng, nhưng lúc tiện tay vặn cửa ra thì thấy cửa không khóa, dường như anh ta cố ý để cho tôi vào.
Tôi vào phòng cũng không dám đi lung tung, chỉ đi thẳng đến giá sách rồi ngước lên cả đống sách khổng lồ trên kệ của anh ta bằng ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ, sau đó nhanh chóng lôi từng cuốn ra đọc.
Ham quá nên từ hôm Huy đi, hôm nào tôi cũng mò vào phòng anh ta để đọc sách.

Ban ngày đi làm và đi học nên không đọc được, đến tối dỗ Bí Ngô ngủ rồi lại sang bên ấy ôm sách đến tận khuya.

Có một hôm, đọc sách đến tận hơn hai giờ sáng, đang còn muốn đọc tiếp nhưng mỏi mắt quá nên tôi đành dừng lại một chút, tựa đầu vào ghế tranh thủ nghỉ ngơi.
Lúc này, tôi mới có tâm trạng nhìn xung quanh bàn làm việc của anh ta, thấy mọi thứ ở đây đều sắp xếp rất đơn giản, gọn gàng và sạch sẽ hơn cả phòng của tôi.

Trên bàn làm việc để một chậu cây xương rồng nhỏ rất kỳ lạ, hình như là loại xương rồng Zig Zag thường được trồng ở phía Nam Châu Phi thì phải.

Từng chiếc lá hình zig zag của xương rồng rất sạch sẽ, nhưng nhìn kỹ lại thấy nó hơi héo, chắc là lâu rồi không được tưới nước.
Tôi chạy về phòng mình lấy một cốc nước bé tý mang sang, tỉ mẩn tưới chậu xương rồng cho Huy.

Lúc này chẳng hiểu sao lại thấy lòng cứ thiêu thiếu một thứ gì đó, nghĩ mãi mà không hiểu là thứ gì, mãi đến hôm sau khi Bí Ngô hỏi tôi "Mẹ ơi, bao giờ bác cả mới về", tôi mới nhận ra là thiếu sự có mặt của anh ta.
Suốt mấy tháng nay, dường như tôi đã bắt đầu quen với sự xuất hiện của Huy trong cuộc sống của tôi.

Anh ta với Bí Ngô thậm chí còn thân thiết hơn cả cha con, đối xử với tôi tuy vẫn lạnh lùng nhưng lại tôi lại có cảm giác anh ta giống như một người "anh cả" của mình.

Thỉnh thoảng giúp đỡ tôi từ những việc nhỏ nhặt nhất, sửa bài tập giúp tôi, cho tôi mượn sách, ngay cả laptop cũng cho tôi dùng.
Chẳng biết đó là thương hại hay bố thí, nhưng ngay cả em ruột tôi cũng chưa từng tốt với tôi như vậy, cho nên tôi thấy cảm kích, mà cũng dần dần coi anh ta như anh trai của mình.

Vắng anh trai ở nhà, đúng là thấy thiêu thiếu thật đấy.
Huy đi công tác 5 ngày, mọi người trong nhà ai cũng ngóng trông, nhất là Bí Ngô, ngày nào đi học về con bé cũng chạy lên phòng bác cả, không thấy anh ta lại tiu nghỉu đi xuống.

Có mấy lần Bí Ngô đòi tôi gọi video cho bác cả, nhưng tôi sợ làm phiền anh ta, với cả cũng ngại nên đành dỗ con bé:
- Mấy hôm nữa bác cả về thôi, giờ bác cả bận lắm, Bí Ngô gọi là làm phiền bác cả đấy.

Chờ mấy hôm nữa rồi bác về nhé con.
- Sao bác cả đi lâu thế hả mẹ?
- Bác cả đi làm kiếm tiền mà.

- A, con biết rồi, bác cả đi làm kiếm tiền mua sữa cho Bí Ngô, giống như bố ấy mẹ nhỉ?
Tôi định giải thích, nhưng nghĩ sự thật vốn dĩ là như thế, bây giờ không phải Tuấn nuôi Bí Ngô mà là Huy, thế nên chỉ cười xoa đầu con:
- Ừ.

Bí Ngô ngủ đi, mấy hôm nữa bác cả về nhé.
- Dạ.
Con bé ngủ rồi, tôi sang phòng anh ta đọc sách, nhìn thấy cây xương rồng zig zag lại chẳng có tâm trạng nào đọc nữa, đành lấy điện thoại ra mở thử vào nick Zalo của anh ta.
Tôi cứ nghĩ anh ta không dùng Zalo cơ, nhưng lúc ấn vào số điện thoại thì ra một cái tên rất hay ho: "Glorious", hình đại diện chính là chậu xương rồng Zig Zag trước mặt tôi.

Tôi nhìn nhìn nick anh ta một lúc rồi bật cười.

Glorious, vinh quang, huy hoàng, rực rỡ.

Anh ta phù hợp với cái tên này thật đấy!
Ngày hôm sau, tôi đi học thì mấy đứa nhóc trong trường thông báo một tin mới rất sốt dẻo:
- Chị Chi, biết tin hot gì chưa?
- Hả? Tin gì?
- Tập đoàn Lạc Thành tài trợ máy chiếu mini cho trường mình ấy.
- Ừ, chị biết rồi.

Hôm trước nhà trường chẳng treo băng rôn khắp nơi còn gì? Nghe nói hiệu trưởng trường mình thân với phó giám đốc marketing tập đoàn Lạc Thành nên mời được người ta tài trợ mà.
- Vâng, nhưng đó chưa phải là tin sốt dẻo đâu.

Chiều nay trường tổ chức lễ tri ân hay cảm ơn gì đấy.

Rồi nghe nói có cả người bên Lạc Thành tham gia, bọn họ sẽ thuyết giảng cho mình về kinh doanh với cả công nghệ nữa đấy.

Eo ơi, Lạc Thành toàn nhân tài thôi, được nghe bọn họ thuyết giảng chắc mở mang tầm mắt lắm đấy nhỉ?
- Thế hả? Thế mấy đứa có đi không?
- Có chứ ạ.

Bọn em cử thằng Lâm đi xí chỗ rồi.

3 giờ tổ chức đấy.

Đông người lắm nên phải bảo thằng Lâm đến trước xí chỗ.

Chị đi không? Em giữ chỗ cho.
Tôi nghĩ được nghe những người giỏi thuyết giảng thì mình càng có thêm kiến thức, có sẵn chỗ hay không thì tôi vẫn đi, thế nên gật đầu bảo:
- Đi chứ, giữ chỗ cho chị nhé.
- Yên tâm, thằng Lâm béo như con lợn, kiểu gì cũng tranh được cả đống chỗ.
Vì đông người quá nên 2 giờ bọn tôi đã trốn tiết đến hội trường trước rồi, cứ nghĩ đến trước sẽ ít người, ai ngờ cả hội trường đông nghịt, chen mãi mới vào được.

Trường tôi thì rất chú trọng buổi lễ này, cũng muốn đón tiếp những người của Lạc Thành cẩn thận nên làm rất trịnh trọng và rầm rộ.

Còn có cả đội văn nghệ lên biểu diễn các kiểu.

Mấy đứa nhóc cứ trêu tôi:
- Tại đợt bảo chị Chi tham gia đội văn nghệ, chị Chi không tham gia chứ em thấy chị Chi đẹp hơn đứt mấy bà này.
- Xùy, nói thế người ta lại tưởng thật đấy.

Kìa, hình như bên Lạc Thành đến rồi kìa.
Mấy đứa bọn tôi nhìn lên khán đài, lúc này có mấy người đàn ông mặc vest từ cánh gà đi vào, chẳng biết sao lại lạc cả luật sư Vinh cũng xuất hiện ở đây.

Ban giám hiệu trường tôi thấy bọn họ thì lập tức hô to giới thiệu, sau đó cả hội trường đứng dậy vỗ tay rần rần.
Sau tiết mục cảm ơn và giới thiệu sơ qua về những thiết bị mà Lạc Thành tài trợ cho trường tôi, một nhân viên cấp cao của Lạc Thành được mời lên để thuyết giảng về việc lĩnh vực quản trị kinh doanh, lấy ví dụ cụ thể là máy chiếu mini vừa ra mắt.

Tôi ở bên dưới cầm giấy bút ghi ghi chép chép, bận quá nên không ngẩng mặt lên nhìn khán đài được.

Một lúc sau, lại nghe tiếng nhân viên cấp cao kia giới thiệu:
- Nhưng so về lĩnh vực kinh doanh này, có lẽ một người mới có thể thuyết giảng toàn diện nhất.

Một người hơn tôi cả mười bậc về kinh nghiệm và tài năng kinh doanh.
Tất cả những người bên dưới đều háo hức muốn biết người ấy là ai, tôi thì bận rộn không để ý, giữa những tiếng ồn ào huyên náo chỉ mải mê ghi chép.

Mãi sau, đột nhiên tôi nghe một âm thanh trầm trầm quen thuộc truyền qua mirco:
- Chào mọi người!.