Tung Hoành Nam Hạ

Quyển 2 - Chương 16: Lý luận





Bạch Vân mời mọi người về phòng nghỉ ngơi. Gã ngồi tính toán một lúc liền ra khỏi phòng. Gã hỏi một gia nhân: nơi trú ngụ của Điếu Ngư bang. Được chỉ dẫn, gã liền phóng người đi.

Bên ngoài bãi biển.
Từng cơn sóng vỗ ào ạt vào bờ, gió biển ban đêm rất lạnh. Có hai người đang đứng dọc bờ biển, dường như không sợ bị nhiễm phong hàn.
Hầu Lạc liếc Bạch Vân, hắn nói:
“Ta đã hứa không xen vào chuyện của Kình Ngư bang nữa, sao ngươi còn bắt ta đến đây?”
Bạch Vân nhìn thẳng Hầu Lạc, gã nói:
“Ta cần ngươi giúp một tay.”
Hầu Lạc ngạc nhiên, sau đó cười khì khì:
“Ngươi giỏi lắm mà, còn có việc phải nhờ ta sao?”
Bạch Vân lắc đầu nói:
“Ta là người chứ không phải thánh.”
Hầu Lạc trêu chọc:
“Ngươi biết vậy là được rồi. Muốn ta giúp sao? Được, xin ta đi, cầu xin ta đi… haha”

Bạch Vân nhìn từng cơn sóng thay nhau vỗ vào bờ. Gã hỏi:
“Hầu Lạc, ngươi là người nước nào?”
Hầu Lạc phun vèo một bãi nước bọt, hắn la lên:
“Ngươi nói nhảm cái gì thế? Ta là con dân nước Đại Nam, là người Đại Nam chính gốc đấy.”
Bạch Vân lại hỏi:
“Ngươi là con dân nước Đại Nam. Vì sao bọn hung nô đến đánh chiếm vùng biển, ngươi lại chỉ biết lo cho riêng mình.”
Hầu Lạc ấp úng:
“Việc này, việc này…”
Bạch Vân tiếp:
“Thân là con dân Đại Nam nên vì nước quên mình, dù có chết nơi chiến trường cũng không từ nan. Nhưng ngươi đã làm gì? Chỉ biết chia rẽ nội bộ, tranh đoạt quyền lợi với mọi người, tụ thủ bàng quan, tạo cơ hội cho bọn hung nô hà hiếp dân chúng.”
Hầu Lạc cãi lại:
“Ngươi nói sai rồi. Khi hung nô đến, Điếu Ngư bang chúng ta giết hung nô nhiều nhất đấy.”
Bạch Vân lắc đầu:
“Đấy chỉ là “nuôi bệnh”. Nếu như có thể đuổi chúng đi thì không phải càng tốt hay sao?”
Hầu Lạc nhếch miệng:
“Nói hay lắm, ngươi làm nổi không?”
Bạch Vân quay đầu lại, nhìn Hầu Lạc thật sâu. Gã dõng dạc nói:
“Nổi, chỉ cần ngươi giúp ta là được.”
Hầu Lạc thấy ánh mắt Bạch Vân kiên định liền thấy xấu hổ. Người thanh niên này chỉ mới hai mươi mấy tuổi nhưng tài nghệ rất cao cường, quan trọng hơn là sự kiên định của hắn, đây mới là điều làm cho Hầu Lạc phải nể phục gã. Hầu Lạc gật đầu thật mạnh, hắn nói lớn:
“Được. Ta sẽ giúp ngươi.”

Bạch Vân về đến phòng liền thấy Phạm Công đang ngồi chờ gã. Bạch Vân áy náy nói:
“Phạm bá bá sao không nghỉ sớm, ngày mai bàn tiếp cũng được mà.”
Phạm Công cười nói:
“Công tử lo nhiều thứ, lão chỉ có một việc thôi, sao lại cực nhọc cho được.”
Phạm Công trải tấm giấy to lên bàn, Bạch Vân nhìn qua liền giật mình. Quả nhiên rất tỉ mỉ và chi tiết. Bạch Vân xếp tấm bản đồ lại, gã nói:
“Chuyện xây quán ăn đã xong. Ta có việc cần hỏi Phạm bá bá một chút.”

Phạm Công không thấy Bạch Vân khen chê bản vẽ của mình một câu liền không vui, lão hỏi:
“Công tử còn có việc chi?”
Bạch Vân hỏi:
“Phạm bá bá đi nơi khác mua bò, gà các thứ… về nuôi có được không?”
Phạm Công giật mình, lão nói:
“Nơi đây quanh năm gió biển thổi qua, chăn nuôi rất khó khăn. Vả lại, muốn dẫn nước ngọt đến, phải tốn công sức rất nhiều.”
Bạch Vân suy tư, gã thầm nghĩ: “mọi việc nên từ từ, không thể gấp được.” Gã cười nói:
“Phạm bá bá không nên để ý làm gì, chỉ là thuận miệng hỏi mà thôi. Bá bá khổ cực rồi, bản vẽ này rất tốt. Ngày mai ta sẽ cho người làm ngay.”
Phạm Công vui mừng, lão nói:
“Công tử quá khen. Nếu không có gì nữa, lão cáo lui trước.”
Bạch Vân xem xét lại bản vẽ một lúc, gã thiếp đi lúc nào không hay.

“Công tử, công tử, mau dậy đi.”
Bạch Vân lờ mờ nghe Phạm Kiều Như gọi mình. Gã bật người dậy hỏi:
“Đã trễ rồi sao?”
Phạm Kiều Như gật đầu, nàng vội lấy khăn lau mặt cho gã. Vừa lau vừa nói:
“Phó bang chủ đã đi ra chợ rồi. Phó bang chủ kêu muội đánh thức công tử đó.”
Bạch Vân hỏi:
“Sao lại gọi là phó bang chủ?”
Phạm Kiều Như đáp:
“Kình Ngư bang chưa lập bang chủ mới, vì vậy muội vẫn phải gọi là phó bang chủ. Mọi người đều gọi thế cả.”
Bạch Vân định hỏi thêm vì sao Thanh Nga không lên làm bang chủ thì có tiếng chuông vang lên. Gã thầm kêu khổ, biết thế gã dặn Cuồng Thanh Nga đến trưa hãy đánh chuông. Sau ba hồi chuống vang vọng khắp cả vùng. Bạch Vân nhắm hướng chợ lao đi. Đến nơi, gã thầm kinh ngạc với số người đang hiện hữu. Chẳng những mọi người dân đều đến, mà các bang các phái cũng đã có mặt: Kình Ngư bang, Điếu Ngư bang, Phi Giang phái, Trường Giang bang… Chợ bây giờ ồn ào, đông đúc gấp mấy lần. Ai ai cũng hớt ha hớt hãi, kinh hoảng vô cùng. Có người chưa kịp y phục chỉnh tề đã chạy đến, có người cầm theo bồ cào, gậy gọc… làm vũ khí. Không khí rất khẩn trương. Một lão già mặc áo xanh, đã gần sáu mươi tuổi nhìn Cuồng Thanh Nga hỏi:
“Thì ra người đánh chuông là phó bang chủ của Kình Ngư bang. Bọn hung nô từ hướng nào đến?”
Cuồng Thiên Nga thầm than hỏng bét. Bạch Vân dặn nàng đánh chuông, nàng chỉ làm theo mà thôi. Kêu nàng trả lời, nàng biết trả lời thế nào bây giờ? Lão già thấy Cuồng Thanh Nga hai mắt láo liên liền nhíu mày, lão gằn giọng:
“Bọn hung nô đến từ hướng nào?”
Cuồng Thanh Nga đang không biết phải làm thế nào thì có tiếng nói từ trên mái nhà vọng xuống:
“Không có hung nô nào cả.”
Tiếng nói rất rõ ràng, vang vọng đến tai từng người có mặt ở nơi đây. Mọi người nơi đây nghe thế liền xôn xao bàn tán, ồn ào cả lên, có người còn lớn tiếng mắng chửi… Hầu Lạc chỉ nghe Bạch Vân nhờ vả: ủng hộ chủ ý của gã. Nhưng hắn không ngờ Bạch Vân lại làm lớn chuyện thế này, hắn lẩm bẩm:

“Tên này chỉ biết làm nổi.”
Bạch Vân đứng trên mái nhà, gã giơ hai tay ra hiệu mọi người im lặng. Nhưng dường như chẳng có chút tác dụng nào cả. Gã vận nội công quát to:
“Mọi người hãy yên lặng.”
Tiếng quát đó làm mọi người phải im lặng, nhìn về hướng gã thanh niên mặc áo trắng, đứng trên mái nhà. Ai ai cũng phải thấy rõ nội lực ẩn chứa trong tiếng quát đó ghê gớm đến thế nào. Lại nghe Bạch Vân nói:
“Tại hạ Bạch Vân. Vì có tâm nguyện muốn gởi gắm đến mọi người nhưng không biết phải làm thế nào, đành phải dùng hạ sách này. Mong mọi người bỏ quá cho.”
Mọi người đều im lặng nghe gã nói. Bạch Vân tiếp:
“Ai sinh sống ở nơi đây đều biết: hiện giờ triều đình đang vào lúc dầu sôi lửa bỏng, chống giặc ngoại xâm ở phía tây bắc và bọn hung nô đang muốn chiếm vùng biển của chúng ta. Nếu vùng biển này bị đánh chiếm, triều đình sẽ bị hai mặt giáp công, nước Đại Nam sẽ nguy mất. Chúng ta đều là con dân Đại Nam, tất nhiên phải có trách nhiệm đánh đuổi bọn hung nô kia.”
Có người lớn tiếng nói:
“Việc này ai chẳng biết, không cần tên nhóc con ngươi phải dạy bảo đâu.”
Người khác lại nói:
“Chúng ta chỉ là ngư dân. Quanh năm chỉ biết ra khơi, đánh bắt… Triều đình không phái binh đến dẹp hung nô, chỉ dựa vào sức chúng ta, thử hỏi làm sao có thể đánh đuổi được chúng chứ?”
Mọi người liền hùa theo, gật đầu không ngớt. Những lời vừa rồi cũng là nỗi lòng chung của người dân nơi đây. Bạch Vân nói:
“Không có việc gì khó, chỉ sợ người không có lòng. Nếu mọi người đồng tâm, hung nô sẽ bị đánh cho tan tành.”
Lão già áo xanh bước ra nói:
“Lão già này xin lắng nghe cao kiến.”
Bạch Vân dõng dạc nói:
“Việc đánh đuổi hung nô không thể gấp được. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng ình một đội quân giàu sức chiến đấu, phòng tuyến kiên cố và quan trọng là lương thực phải dồi dào. Khi mọi thứ sẵn sàng, chúng ta vượt núi, đánh bọn chúng không kịp trở tay.”
Lão già áo xanh hỏi:
“Ai đồng ý với đề nghị của vị thiếu niên này?”
Cuồng Long bước ra nói:
“Ta phản đối.”