Ba, bốn giờ sáng, thôn làng bắt đầu tỉnh giấc sau một đêm dài, những bếp lửa bắt đầu nhóm lên, khói bếp lan tỏa, người lớn đun sôi một nồi cháo, để lại hai thanh củi âm ỉ trong lò để ủ cháo, chưa kịp ăn miếng nào đã mang theo nông cụ ra đồng.
Với cái bụng đói, họ tranh thủ thời gian, cố gắng cắt nhiều lúa mì trước khi mặt trời lên cao.
Lũ trẻ vẫn còn say giấc trên chiếu cói, nước miếng chảy từ khóe miệng xuống tấm chiếu rồi thấm vào tấm ván lót bên dưới. Một tuổi thơ vô lo vô nghĩ.
Làn gió mát thổi từ ngọn cây xuống cánh đồng lúa mì.
Hầu như nhà nào cũng có người ra đồng. Nhà trưởng thôn năm nay trồng thêm một mẫu vì Tiểu Vụ nói sẽ về phụ họ gặt lúa.
Một con đường chạy dọc phía Tây Nam của thôn kéo dài ra, hai bên là cánh đồng lúa mì, xe ba bánh hoặc xe bò đỗ bên lề đường. Yến Vi Sí lái xe ba bánh về phía này, Trần Vụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ phía sau, tam thể và chó vàng, hai vệ sĩ lớn, mỗi con một bên.
Đi đến đâu cũng có tiếng chào hỏi nồng nhiệt của thôn dân.
“Tiểu Vụ! Tiểu Yến! Các cháu tới rồi à!” “Ăn sáng chưa, sao dậy sớm thế!” “Tiểu Yến còn biết lái xe ba bánh à! Giỏi quá”
Yến Vi Sí đâu chỉ biết lái, chiếc xe ba bánh trong tay hắn như biến thành một chiếc motor phân khối lớn đầy phong cách.
Trần Vụ kẹp chai nước giữa hai chân để không bị đổ, trong tầm mắt là ánh bình minh yếu ớt và bóng lưng người yêu. Đôi mắt sau cặp kính của anh khẽ nheo lại, ánh nhìn dịu dàng vô cùng.
Xe ba bánh dừng lại, ruộng lúa mì của nhà trưởng thôn ngay trước mắt.
Trần Vụ nhảy xuống xe: “A Sí, lần cuối anh ngồi xe ba bánh là lúc em đi giao hàng vào đêm giao thừa.”
Yến Vi Sí lần lượt lấy từng món đồ từ phía sau xe xuống: “Em chỉ nhớ anh lừa em nói là về quê ăn Tết, kết quả là đi dạo trong ngõ với một cô gái, tay còn cầm đèn hổ điện tử.”
Trần Vụ ấp úng: “Lúc đó anh đã giải thích rồi mà, sao em còn…”
Một chiếc mũ rơm được đội lên đầu anh, anh ngậm miệng lại, ngẩng mặt lên để Yến Vi Sí buộc dây mũ cho mình.
Xung quanh vang lên những ánh nhìn trêu chọc và tiếng cười nói, vì giờ này vẫn chưa cần đội mũ rơm.
Trần Vụ đỏ mặt.
Yến Vi Sí vẫn thản nhiên, hắn buộc dây mũ dưới cằm Trần Vụ, điều chỉnh độ chặt: “Có phải bôi kem chống nắng ít quá rồi không?”
“Đừng nói nữa, cả thôn chắc chỉ có mình anh bôi kem chống nắng.” Trần Vụ lầm bầm, “Bản thân em còn không bôi, lại còn bắt anh bôi.”
Yến Vi Sí nhướng mày: “Em làm sao so với anh được? Anh không thấy mình trắng trẻo mịn màng thế nào à? Mấy năm nữa, chúng ta cùng đi ra ngoài, chắc em sẽ bị nhầm thành cha của anh mất.”
Trần Vụ: “…”
Một người dân làng đi ngang qua, Trần Vụ thẹn thùng đẩy đẩy Yến Vi Sí, sợ hắn lại nói đùa lung tung, “Cắt lúa thôi, cắt lúa thôi.”
Lúa mì mọc dày, trưởng thôn và bác gái chưa đến, Trần Vụ dẫn Yến Vi Sí xuống ruộng, nhanh chóng cắt một nắm lúa.
Động tác nhẹ nhàng và thuần thục.
Khi ngồi trong lớp học ở Đại học Lâm Nghiệp, trên người Trần Vụ không hề thấy dấu vết nào gánh nặng của những năm tháng gồng gánh một gia đình nghèo khó. Chỉ khi anh đứng trên cánh đồng cầm nông cụ, kinh nghiệm phong phú của anh mới được thể hiện rõ.
Cởi giày để lộ đôi chân cũng có thể nhìn thấy chút ít, đó là những vết chai sần sau nhiều năm bôi thuốc vẫn không thể xóa sạch hoàn toàn.
Đã từng xuống ruộng, lội sông, leo núi, từ bùn lầy đến tuyết giá, cõng trên lưng hy vọng của Quý Trường Hà.
Tướng do tâm sinh, có lẽ vì không oán trách, không phàn nàn, không ép buộc bản thân cũng không ép buộc người khác, nên trong lòng không sinh ra tiêu cực và mệt mỏi, trên mặt cũng không thể hiện ra.
Trần Vụ tận tình hướng dẫn một lúc lâu, đến lúc kiểm tra kết quả giảng dạy, bạn học Yến làm theo đúng hình mẫu, suýt nữa cắt trúng tay.
Nếu Trần Vụ không kịp thời nắm lấy cổ tay hắn và điều chỉnh lực, thì sẽ không chỉ là một vết xước nhỏ trên da.
Yến Vi Sí cảm thấy rất thất bại: “Em làm đúng theo các bước của anh mà, có vấn đề gì đâu.”
Trần Vụ nói có.
Yến Vi Sí tỏ ra rất khiêm tốn: “Xin chỉ giáo.”
Trần Vụ chỉ ra vấn đề của hắn: “Sau khi nắm chặt thân lúa mì, em phải kéo nó về phía mình rồi mới cắt, lúa mềm oặt thì không dễ cắt đứt.”
Yến Vi Sí không để ý đến điều này.
Bây giờ, những cánh đồng lúa mì của các nhà khác đã được gặt một phần, còn ruộng của Trần Vụ hầu như chưa có gì thay đổi.
Trần Vụ không hề chê Yến Vi Sí làm không tốt, gây thêm rắc rối tốn thời gian, cũng không sợ hắn lại cắt vào tay mình, mà đưa cho hắn một lưỡi liềm mới, nói: “Em thử lại đi.”
Yến Vi Sí giải quyết vấn đề một cách thực tế, thử hai lần liên tiếp. Hắn đứng thẳng dậy từ cánh đồng lúa mì, trên tóc mái dính vài hạt lúa mì.
Trần Vụ nhìn qua: “Gốc rạ còn cao quá, hạ thấp xuống một chút, giống như lúc anh dạy em cắt ấy.”
Yến Vi Sí liếc những chỗ anh vừa cắt, rồi so sánh với chỗ của mình, có được câu trả lời nhưng vẫn hỏi: “Một chút là bao nhiêu centimet?”
Trần Vụ dùng tay trái nắm một nắm lúa mì, kéo về phía mình, tay phải cầm liềm vung lên, chỉ vào gốc rạ vừa cắt và nói: “Đến đây.”
Yến Vi Sí vuốt tóc vàng vài cái: “Tại sao không thể để cao hơn?”
“Cắt sẽ tốn sức.” Trần Vụ giải thích tỉ mỉ, “Cũng dễ làm hỏng lưỡi liềm.”
Yến Vi Sí tiếp tục điều chỉnh.
Trần Vụ đứng bên giám sát một lúc, thấy Yến Vi Sí sau khi cắt vài nhát thì đã thành thạo hơn nhiều, bèn đến chỗ khác để cắt tiếp.
Những bông lúa vàng ươm, căng mẩy, khi mặt trời lên cao, chạm vào đã bắt đầu thấy nóng.
Trong làn gió nóng pha lẫn hương lúa và đất khô, những người làm việc dưới ánh nắng mặt trời nhễ nhại mồ hôi, trên mặt mệt mỏi nhưng trong lòng vui vẻ
Vụ mùa bội thu, dù có vất vả đến đâu cũng xứng đáng.
Dự báo thời tiết thường không chính xác, mọi người đều gấp rút cắt lúa, tốt nhất là xong trong một hai ngày, họ vội vã về nhà ăn chút gì đó rồi lại trở lại ruộng.
Nếu nhà có người, họ không về nhà mà người nhà sẽ mang đồ ăn đến.
Bác gái đã đưa cơm tới.
Trưởng thôn cởi trần, mồ hôi chảy ròng ròng, bác gái lấy khăn đội trên đầu lau mồ hôi cho ông, lau khắp ngực và lưng đỏ ửng đến thâm đen vì nắng.
Trần Vụ và một miếng cơm rồi nhìn sang.
“Được rồi được rồi, lớn tuổi còn không biết ngượng.” Trưởng thôn giật lấy chiếc khăn trong tay vợ, tự lau vài cái qua loa cho xong.
Bác gái nhăn mặt, trợn trắng mắt xì một tiếng, sau đó cười hiền từ với Trần Vụ: “Tiểu Vụ, nước đường bác mang cho cháu đây, trong cái hũ này.”
“Ồ, vâng ạ.” Trần Vụ mở nắp hũ sứt mẻ, “A Sí, uống đi.”
Yến Vi Sí bưng hũ uống nước đường.
Mặc bộ quần áo xanh xám giản dị và rẻ tiền, gặt lúa cả buổi sáng, toàn thân bám bụi, lưng ướt đẫm mồ hôi, những hình dáng cơ bắp hiện lên tỏa ra mùi mồ hôi nóng hổi. Khí chất hắn nổi bật, đường nét cương nghị vượt trội, không thể che giấu được sự cao quý.
“Đừng uống nhiều quá.” Trần Vụ gắp đậu phụ và rau mầm đậu vào bát của hắn đặt trên mặt đất, màu xanh lẫn màu trắng, nhìn như một mảng màu mát mẻ giữa mùa hè oi bức.
Yến Vi Sí ăn một ít rau mầm đậu trông rất ngon miệng, giòn giòn hơi ngọt. Trước mặt hắn có rất nhiều người dân cũng đang ngồi bên đường ăn cơm như họ, những người nóng lòng đã bắt đầu ôm từng đống lúa lên xe ba gác, kéo về làng.
Những chiếc khăn vắt trước ngực thôn dân đung đưa theo từng động tác, đều đã ướt sũng mồ hôi. Cổ của họ đầy những vết hằn đỏ do lau mồ hôi nhiều lần.
Lần đầu tiên trong đời, Yến Vi Sí trải nghiệm cảm giác cắt lúa. Hắn làm vậy vì tò mò, còn những người ở đây, và Trần vụ trước đây, là đang sống qua ngày.
Đủ loại công việc làm thêm trong nhà và ngoài trời hồi ở Xuân Quế không cùng đẳng cấp với công việc đồng áng.
Trần Vụ thấy Yến Vi Sí nhìn mình, chớp mắt khó hiểu nhìn lại.
Yến Vi Sí thấp giọng: “Sao không thuê máy gặt?”
“Có dây cáp điện.” Trần Vụ vừa ăn vừa nói, âm thanh phát ra không rõ ràng, “Cũng không muốn tốn tiền, quen tự làm rồi, thấy yên tâm hơn.”
“Ăn đi.” Anh gắp cho Yến Vi Sí rất nhiều thịt nạc được phủ một lớp bột non mềm.
Giữa trưa nắng gắt, mặt đất dưới chân như đang bị thiêu đốt, khi ra ngoài cơ thể đều bốc hơi như sắp nổi lửa.
Dân làng xách theo cốc nước lớn đến gần trò chuyện, trong cốc ngâm hoa kim ngân hoặc hoa cúc, đều là Tiểu Vụ dạy họ.
Trần Vụ trò chuyện với mọi người, Yến Vi Sí gục trên lưng anh nghe một lúc, hơi thở nóng hầm hập phả vào tai anh: “Buồn ngủ quá, muốn ngủ trưa.”
Thế là Trần Vụ không nói chuyện nữa, kéo Yến Vi Sí đi tìm chỗ râm mát.
Cả hai đều không mang điện thoại khi ra ngoài, trong thời tiết nắng nóng này, nếu để điện thoại trong túi quần, cả màn hình và vỏ máy sẽ ướt đẫm.
Yến Vi Sí nhắm mắt đi, tay được Trần Vụ nắm, Trần Vụ dẫn hắn đi đâu thì hắn đi đó, không sợ ngã chút nào, bóng râm dưới vành mũ che khuất sắc mặt ngái ngủ.
Tiếng rao bán từ xa vọng lại.
Người bán kem đã đến, gánh hai cái thúng, trên mỗi thúng đều phủ một lớp chăn bông.
Thứ thường thấy khi còn nhỏ, về sau hiếm gặp hơn, nên mỗi lần xuất hiện đều được mọi người chào đón nồng nhiệt.
Trần Vụ đợi một lúc, đợi đến khi người lớn và trẻ em nghe tin chạy đến mua xong hết mới tới lượt mình.
Ông lão bán sạch một thúng kem, vui mừng không khép miệng lại được. Ông mở nắp chăn bông của thúng còn lại, làn khói trắng lập tức bị sóng nhiệt xâm chiếm.
“Cho hai cây kem vị cam.” Trần Vụ nói xong mới nhớ ra trong túi không có tiền, anh vội gọi người dân gần mình nhất.
Người nọ lập tức chạy tới móc ra một tờ tiền giấy.
Với giá cả đắt đỏ như hiện nay, hai cây kem một tệ là rất hiếm thấy.
Dưới bóng cây bên ao cũng nóng, nhưng vẫn tốt hơn là hoàn toàn phơi mình dưới ánh nắng chang chang. Trần Vụ ăn từng miếng kem: “Thêm hai năm nữa, cây cam trong thôn sẽ kết quả.”
“Lúc đó anh dẫn em về ăn nhé, em muốn ăn những quả đầu tiên.” Yến Vi Sí tựa lưng vào gốc cây, một chân co lên, một chân duỗi ra tùy ý, mắt nhắm nghiền, trông phờ phạc ỉu xìu. Que kem trên cỏ sắp tan chảy.
Trần Vụ cắn kem nhìn hắn, nhanh chóng ăn xong rồi nhích lại gần lắng nghe nhịp tim hắn: “Tim đập nhanh thế.”
Lồng ngực Yến Vi Sí rung động: “Còn chẳng phải vì anh sao?”
“Vì say nắng đấy.” Trần Vụ nắm lấy bàn tay vừa ẩm ướt vừa lạnh lẽo của hắn.
“Không thể nào.” Yến Vi Sí mở mắt ra.
Trần Vụ sờ lên gò má ửng đỏ của hắn: “Chúng ta đừng ở ngoài nữa, bây giờ về nhà thôi.”
Yến Vi Sí không thừa nhận mình cắt ít lúa mà đã bị cảm nắng, nhất quyết không chịu về.
Trần Vụ không lay chuyển được: “Vậy thì ra bờ ao ngâm chân một lát.”
“Ngâm chân thì được.” Yến Vi Sí cầm que kem lên, nó đã tan thành một túi nước, trong lòng chửi thầm một tiếng, hắn ấm ức nói, “Em chưa ăn mà.”
“Uống cũng giống như ăn thôi.” Trần Vụ xé bao bì, đút nước cam cho hắn.
Trời quá nóng, mấy con trâu nằm ngủ dưới ao.
Trần Vụ và Yến Vi Sí ngồi trên phiến đá lớn nơi người dân thường dùng để giặt quần áo, tháo giày và tất ra, nhúng chân vào nước.
“Thoải mái.” Yến Vi Sí thở dài.
“A Sí, chiều nay em đừng gặt lúa nữa.” Trần Vụ nhìn những gợn sóng trên mặt nước.
Yến Vi Sí hờ hững: “Chê em vướng víu ha.”
“Không có không có.” Trần Vụ sống chung với hắn lâu rồi, dù là lời trêu chọc hay nghiêm túc, anh đều đáp lại một cách chân thành, “Anh muốn em lên núi giúp anh dọn cỏ quanh mộ.”
Yến Vi Sí nhíu mày: “Anh dám để bạn trai mình lên núi một mình à?”
Trần Vụ: “Ban ngày ban mặt…”
“Ban ngày thì không nguy hiểm à?” Yến Vi Sí nói, “Em nhát gan lắm đấy.”
Trần Vụ: “Thế chờ anh…”
“Thôi, em mạnh mẽ lên chút vậy.” Yến Vi Sí mím môi.
“Em vất vả rồi, lát nữa anh sẽ đi tảo mộ.” Trần Vụ vuốt mái tóc xoăn của hắn, như đang vuốt ve một chú cún nhỏ, “Em là người nhà của anh, em dọn cỏ trên mộ cũng được mà.”
Yến Vi Sí không nhịn được cười, câu nói “Em là người nhà của anh” đi thẳng vào trái tim hắn.
Trần Vụ nhấc chân lên khỏi mặt nước, đặt lên phiến đá mát lạnh: “Em nói xem, Đậu Đậu Miên Miên đi đâu rồi nhỉ?”
“Chúng đâu phải đồ ngốc, nắng thế này chắc chắn tìm chỗ trốn rồi.” Yến Vi Sí quay đầu, thấy gì đó, sắc mặt đanh lại, “Đệt, anh làm gì đấy?”
Trần Vụ cởi áo ngắn, để lộ vai lưng và eo trắng nõn cân đối: “Không mang khăn, anh định nhúng áo xuống nước để lau lưng cho em.”
“Lau lưng cái gì, em thấy anh muốn làm em tức chết thì có.” Yến Vi Sí vội vàng mặc áo lại cho anh.
Trần Vụ ngơ ngác: “Xung quanh có ai đâu.”
Yến Vi Sí: “Thế cũng không được.”
“Nhưng mà…”
“Anh còn dám nhưng mà!” Yến Vi Sí gắt một câu.
Trần Vụ im lặng.
Một bàn tay luồn vào từ phía sau áo anh, lòng bàn tay mát lạnh lướt qua sống lưng anh, nắm lấy vòng eo hơi ẩm ướt của anh, sau đó là cái đầu nóng hổi tựa vào vai anh, mái tóc cọ vào mặt anh.
“Chỗ nào của anh cũng hồng hồng.” Yến Vi Sí lẩm bẩm, “Lúc nào cũng hồng hồng.” Hắn tặc lưỡi, nhờ khuôn mặt điển trai đoan chính nên không có vẻ gì là thô tục, cứ lặp đi lặp lại như bị ma ám, “Sao lại hồng thế không biết.”
“…” Trần Vụ đẩy kính giả vờ không nghe thấy, tai đỏ bừng.
“Em vất vả rồi, lát nữa anh sẽ đi tảo mộ.” Trần Vụ vuốt mái tóc xoăn của hắn, như đang vuốt ve một chú cún nhỏ, “Em là người nhà của anh, em dọn cỏ trên mộ cũng được mà.”
Yến Vi Sí không nhịn được cười, câu nói “Em là người nhà của anh” đi thẳng vào trái tim hắn.
Trần Vụ nhấc chân lên khỏi mặt nước, đặt lên phiến đá mát lạnh: “Em nói xem, Đậu Đậu Miên Miên đi đâu rồi nhỉ?”
“Chúng đâu phải đồ ngốc, nắng thế này chắc chắn tìm chỗ trốn rồi.” Yến Vi Sí quay đầu, thấy gì đó, sắc mặt đanh lại, “Đệt, anh làm gì đấy?”
Trần Vụ cởi áo ngắn, để lộ vai lưng và eo trắng nõn cân đối: “Không mang khăn, anh định nhúng áo xuống nước để lau lưng cho em.”
“Lau lưng cái gì, em thấy anh muốn làm em tức chết thì có.” Yến Vi Sí vội vàng mặc áo lại cho anh.
Trần Vụ ngơ ngác: “Xung quanh có ai đâu.”
Yến Vi Sí: “Thế cũng không được.”
“Nhưng mà…”
“Anh còn dám nhưng mà!” Yến Vi Sí gắt một câu.
Trần Vụ im lặng.
Một bàn tay luồn vào từ phía sau áo anh, lòng bàn tay mát lạnh lướt qua sống lưng anh, nắm lấy vòng eo hơi ẩm ướt của anh, sau đó là cái đầu nóng hổi tựa vào vai anh, mái tóc cọ vào mặt anh.
“Chỗ nào của anh cũng hồng hồng.” Yến Vi Sí lẩm bẩm, “Lúc nào cũng hồng hồng.” Hắn tặc lưỡi, nhờ khuôn mặt điển trai đoan chính nên không có vẻ gì là thô tục, cứ lặp đi lặp lại như bị ma ám, “Sao lại hồng thế không biết.”
“…” Trần Vụ đẩy kính giả vờ không nghe thấy, tai đỏ bừng.
Anh chợt nhớ ra một chuyện, thở dài: “Cái hộp gỗ nhỏ của cha nuôi anh thực sự không tìm thấy nữa rồi. Anh cứ tưởng lúc sửa lại nhà cũ không thấy là do nó được cất ở đâu đó.”
Yến Vi Sí nói: “Để em tìm giúp anh.”
Trần Vụ có chút thất thần, dường như không nghe rõ lời Yến Vi Sí nói, chìm đắm trong thế giới của riêng mình: “Không còn nữa, anh đã tìm khắp rồi.”
Yến Vi Sí vuốt ve eo Trần Vụ, thu hút sự chú ý của anh, khi anh mở miệng nói ngứa, hắn hôn lên môi anh.
Toàn thôn biết Trần Vụ và Yến Vi Sí sẽ rời đi vào tối Chủ nhật, nên đã rút hết nước của hai cái ao ngay trong đêm, chỉ còn lại một lớp bùn sâu đến bắp chân.
Cả người già và trẻ nhỏ đều xuống ao bắt cá.
Cuộc đời của Yến Vi Sí lại có thêm một lần đầu tiên, cá bơi ngay bên chân hắn mà hắn không bắt được.
Thậm chí còn buồn bực hơn cả việc gặt lúa hôm qua.
Có một con cá nhảy lên, cực kỳ ngạo mạn. Yến Vi Sí gọi vợ mình đến.
Trần Vụ bắt cá rất chuẩn, sau đó bỏ nó vào cái giỏ sau lưng. Anh nhìn Yến Vi Sí hai tay trống trơn nhưng quần áo bẩn đủ chỗ: “Không dễ mượn được vợt bắt cá vì mọi người đều đang dùng, nhà mình cũng không có. Em ra bờ ao nhặt tôm nhỏ đi.”
Yến Vi Sí ngồi xổm xuống, nhìn chằm chằm vào lưng những con cá ngay dưới mắt mình.
Ao này có rất nhiều cá quả, đúng là khó bắt thật.
“Tôm ăn ngon lắm, phơi khô rồi xào rất thơm.” Trần Vụ móc từ trong túi ra chiếc túi nilon, giũ giũ rồi đưa cho Yến Vi Sí, tiện tay lau vết bùn trên cằm hắn, “Dùng cái này mà đựng, em đi nhanh đi, muộn là sẽ không còn đâu, bị người ta nhặt hết đấy.”
Đây là lời nói dối.
Có cá lớn ai thèm để ý đến tôm nhỏ, chẳng ai muốn, chúng nằm la liệt trên bờ ao. Nếu không ai nhặt, chẳng mấy chốc chúng sẽ khô queo dưới nắng giống như bùn.
Yến Vi Sí xách túi nilon đi nhặt tôm.
Trần Vụ không yên tâm bèn đi đến gần Yến Vi Sí để bắt cá, điện thoại trong túi có tin nhắn đến, hai tay anh đều bẩn nên không thể lấy điện thoại ra xem, cứ mặc kệ.
“Tiểu Vụ, cháu có muốn con cá trê này không? Các cháu mang về đi.” Một người dân dùng ngón tay móc một con cá trê lại gần, nặng khoảng bảy tám cân.
Trần Vụ nói: “Thời tiết này cháu sợ nó bị hỏng.”
“Không hỏng đâu, con gái chú về để quên một cái thùng nhựa trong nhà, chú sẽ đổ nước rồi thả cá vào, mang về còn sống.”
“Nhưng mà nó sẽ quẫy bắn nước tung tóe.” Thím bên cạnh cầm vợt lắc lắc, một đàn cá nhỏ nhảy loạn xạ, “Đưa con cá trê cho tôi, tôi sẽ làm thành cá viên cho Tiểu Vụ mang về.”
“Cá viên ngon đấy!” Chú cười lớn rồi treo con cá trê vào giỏ của thím.
Một lúc sau lại có người muốn cho Trần Vụ cá, toàn chọn những con to cho anh. Anh lên khỏi ao, chân lấm lem bùn đi đến một vũng nước rửa tay rồi xem tin nhắn.
Trên màn hình điện thoại là bức ảnh chụp ở mộ hôm qua. Trong ảnh là cái cây anh và Yến Vi Sí trồng năm ngoái, đã phát triển mạnh mẽ, như một thiếu niên nhỏ.
Đều đang trải qua mưa gió, trưởng thành tốt đẹp.
Trần Vụ đọc xong nội dung tin nhắn, trong bầu không khí náo nhiệt bình dị, anh trả lời.
Tin nhắn từ căn cứ, có việc quan trọng.
Chủ tịch lớn tuổi của Yến thị đã không còn, nhưng dự án vẫn chưa kết thúc, vẫn đang được thực hiện.
Vậy ai sẽ tiếp quản sau khi nuôi trồng xong? Cho chủ tịch Tiểu Yến sao? Không ai đặt ra câu hỏi này.
Bây giờ Trường Ninh đột nhiên mắc một căn bệnh lạ, không tìm thấy nguồn lây nhiễm, cũng chưa từng thấy triệu chứng tương tự. Trưởng nhóm số 7 đã nói sơ qua với anh về tình hình, phương án điều trị vẫn đang được thảo luận, chưa có quyết định cuối cùng.
Trưởng nhóm nghi ngờ có người đầu độc, giả thuyết này hiện tại chỉ tiết lộ cho Trần Vụ.
Có lẽ muốn thông qua Trần Vụ để cụ Dư, Viện Khoa học Lâm nghiệp, và cả người quản lý mới của Yến thị chú ý đến.
Quan trọng nhất là chờ đợi Trần Vụ có thể đưa ra ý kiến gì.
Trần Vụ không ở Thủ Thành, không thể chạm vào cây trồng, không thể đưa ra phán đoán, chỉ có thể đợi anh trở về rồi tính.
Các thôn dân vừa gặt lúa mì vừa rút nước ao bắt cá, tất cả đều dồn vào một lúc, họ dựa vào một nguồn sức mạnh để chống đỡ.
Không có nguồn sức mạnh đó thì sẽ kiệt sức.
Ví dụ như Yến Vi Sí. Hắn giặt quần áo bẩn của mình và Trần Vụ rồi phơi dưới nắng, sau đó quay vào giường nằm, chó vàng tưởng hắn sắp chết, dụi vào chân hắn rên rỉ.
Tam thể nhảy qua nhảy lại trên người hắn.
Khí áp xung quanh Yến Vi Sí đột nhiên giảm xuống, cả mèo lẫn chó đều chạy mất.
“A Sí, chúng ta sẽ đi lúc tám giờ tối.” Trần Vụ cầm hai lọ chè mè đen không biết ai đưa bước vào phòng.
Yến Vi Sí hơi sốt: “Được.”
Trần Vụ điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, lấy nước lau người cho Yến Vi Sí để hạ nhiệt. Khi cài cúc áo sơ mi cho hắn, anh dừng lại, ánh mắt rơi vào vết sẹo trên eo hắn.
“Đừng suy nghĩ lung tung.” Yến Vi Sí an ủi, “Em mệt mỏi là do dạo này thường xuyên thức khuya làm thêm giờ thôi.”
Trần Vụ rũ mắt cài hai cúc áo sơ mi của hắn: “Vậy sau này em còn phải thức khuya nữa không?”
Yến Vi Sí cười nói: “Có anh ở nhà đợi em, em làm sao mà thức khuya được.”
Trần Vụ không nói gì thêm, rót nước cho Yến Vi Sí uống.
Ngoài sân truyền đến tiếng gõ cửa.
“Tiểu Vụ!” “Tiểu Vụ ơi ——”
Trưởng thôn xách một xô nhựa đến tìm Trần Vụ, trong xô có một quả dưa hấu, đã được ngâm trong suối, ngọt hơn cả để trong tủ lạnh.
“Lát nữa chúng cháu ăn.” Trần Vụ nhận lấy xô, ngẩng đầu thấy trưởng thôn đang xoa cổ liền hỏi thăm một câu.
“Ăn bánh bột ngô khó nuốt, hơi cứng, bị nghẹn họng.” Trưởng thôn ho khan vài tiếng, cổ họng đau rát, “Nấu chín kỹ thì không sao.”
Chân Trần Vụ khựng lại khi đang bước qua ngưỡng cửa: “Đã đến bệnh viện khám chưa ạ?”
“Cái này còn phải đi bệnh viện à?” Trưởng thôn ngơ ngác, “Không phải bị nghẹn thôi sao, có phải bệnh gì đâu?” Thấy Tiểu Vụ nhìn mình, ông không khỏi lo lắng, “Có phải là bệnh viêm họng gì đó mà con trai cả nhà bác nói không?”
Không biết Trần Vụ đang nghĩ gì, lông mày hơi nhíu: “Cảm giác nghẹn khi nuốt xuất hiện từ khi nào ạ?”
“Chỉ gần đây thôi.” Trưởng thôn trả lời rành rọt, “Mới xảy ra không lâu lắm.”
Trần Vụ nói: “Chiều nay đi bệnh viện.” Ngay sau đó, anh thay đổi thời gian, “Sáng mai đi, cần phải nhịn ăn, tối nay bác đừng ăn gì.”
“Hầy… Hầy! Hầy!” Trưởng thôn vẫn chưa hoàn hồn, “Nhưng Tiểu Vụ, không phải tối nay hai đứa phải đi rồi sao?”
“Không sao đâu, cháu có thể đi muộn một chút.”
Trần Vụ muốn thay đổi thời gian về, Yến Vi Trì dời tất cả công việc vào thứ Hai sang hôm sau, mọi thứ đều lấy anh làm trung tâm.
Ngày hôm sau Trần Vụ bảo Yến Vi Sí ở nhà nghỉ ngơi, còn mình thì cùng trưởng thôn đến bệnh viện huyện.
Đến bệnh viện huyện kiểm tra, nghi ngờ là ung thư thực quản, Trần Vụ đưa trưởng thôn đến bệnh viện lớn ở thành phố.
Kết quả đã có.
May mắn không mỉm cười.
Trưởng thôn biết mình được chẩn đoán chính xác, phản ứng đầu tiên là thở phào nhẹ nhõm: “May mà bác gái của cháu không đi cùng, bà ấy hay làm ầm ĩ lắm.”
“Tuy sớm muộn cũng phải biết, nhưng làm ầm ĩ ở bệnh viện thì làm phiền người khác lắm.” Ông cầm chiếc túi lớn của bệnh viện, bên trong là phim chụp, báo cáo, sổ khám bệnh,… “May mà bà gái của cháu không đến.”
Trần Vụ đứng dựa vào tường ở hành lang, tháo kính ra cầm trên tay.
Hơi thở trở nên không đều.
Càng lúc càng gấp gáp.
Có chất lỏng nóng ẩm rơi ra từ đôi mắt đẫm lệ của anh, để lại những vệt nước trên khuôn mặt trắng ngần, chảy xuống cằm anh.
Rồi lại một giọt, hai giọt, chẳng mấy chốc cổ anh đã ướt đẫm.
Trưởng thôn bối rối: “Tiểu Vụ à, sao cháu lại khóc thế? Ai rồi cũng sẽ ra đi, ai rồi cũng sẽ ra đi thôi.”
Trần Vụ vẫn tiếp tục rơi nước mắt, rất yên tĩnh.
“Cháu từng làm tiểu hòa thượng mà, người xuất gia không phải đều cho rằng sinh tử có số, luân hồi có đạo sao?” Trưởng thôn đem hết vốn liếng trong bụng ra mà không làm cho đứa trẻ này khá hơn, ngược lại khiến mình nghẹn ngào. Ông lau khuôn mặt đang run rẩy, “Bác cũng không đi ngay, không phải bác sĩ đã nói rồi sao, phát hiện sớm thì khả năng chữa trị được không thấp.”
Trần Vụ khàn giọng: “Bác phải nói với gia đình.”
Trưởng làng vội vàng đáp: “Nhất định nói! Nhất định nói!”
“Lên Thủ Thành làm phẫu thuật đi, cháu sẽ nhờ A Sí giúp bác tìm bệnh viện phù hợp, sau phẫu thuật sẽ kết hợp điều trị bằng đông y.” Trần Vụ cố gắng bình tĩnh lại, đôi mắt và chóp mũi đều đỏ bừng, “Cháu sẽ xin thầy của mình giúp, nhờ thầy giới thiệu bác sĩ Đông y giỏi, viết thực đơn cho bác.”
Trưởng thôn nghe theo mọi thứ: “Được, được.”
“Bác hãy giữ tâm trạng thoải mái.” Trần Vụ nói nhẹ nhàng, “Đừng suy nghĩ nhiều quá.”
Trưởng thôn xốc tinh thần: “Bác đã xem nhẹ mọi thứ rồi, ở cái tuổi gần đất xa trời này, không còn là thanh niên trai tráng nữa, sống thêm một ngày là lời một ngày, hơn nữa thôn mình đã khá lên rồi, cái gì cũng đã thấy.”
Trần Vụ lắc đầu: “Thôn Lão Thạch không thể thiếu bác, dưới sự dẫn dắt của bác, thôn còn có thể tốt hơn nữa.”
“Còn có thể tốt hơn nữa…” Trưởng thôn lẩm bẩm, “Nó sẽ như thế nào đây?”
Trần Vụ dùng khăn giấy lau mặt: “Cháu không biết, cháu hy vọng bác có thể cho cháu thấy.”
“Hơn nữa…” Anh đeo kính lên, “Cháu không còn người thân nào, bác trong lòng cháu cũng quan trọng như cha cháu vậy. Sau này lỡ như cháu bị A Sí bắt nạt, cháu mong bác có thể bảo vệ cháu.”
Thay đổi cách khích lệ trưởng thôn.
Tuy nhiên, trưởng thôn lại nghe có chọn lọc, ông ngẩng đầu ưỡn ngực, nghiêm mặt nói: “Tiểu Yến bắt nạt cháu à? Đi! Về ngay bây giờ! Bác sẽ dạy dỗ thằng nhóc đó thay cháu!”