Tử Dương

Chương 315: Ra biển




Dịch giả: argetlam7420

Địa nhũ có đầy một hũ, có thể làm được rất nhiều chữ, Mạc Vấn suy nghĩ một chút rồi khắc một hàng chữ vào khuôn đúc, "Ta có thể thấy nàng."

Trên đỉnh núi giá rét, địa nhũ rất nhanh đông lại thành chữ, Mạc Vấn đợi A Cửu dừng lại thở dốc rồi ném chữ "Ta" đã đóng băng vào nơi giam cầm, địa nhũ xuyên qua bình chướng, trượt đến bên chân A Cửu.

A Cửu có cảm giác, cúi đầu trông thấy một mảnh băng có hình chữ viết thì mừng rỡ vô cùng, nhanh chóng ngồi xuống nhặt lên.

Mạc Vấn thấy vậy lại tiếp tục đưa vào chữ thứ hai, lần này hắn ném hơi chếch về hướng tây bắc, A Cửu bước thêm mấy bước tới gần, nhặt lấy chữ "Có thể".

Mắt thấy A Cửu đã dần hiểu ý mình, Mạc Vấn lần lượt đưa vào mấy chữ còn lại, A Cửu từng hết từng cái một, ghép thành câu hoàn chỉnh, đọc xong nàng đưa tay lau nước mắt, rồi cầm một hòn đá khắc lên mặt đất, "Ta biết chàng sẽ đến mà."

"Thứ lúc trước nàng uống là Tiên Nhân Lệ, có thể bảo vệ nàng một năm không bị đói." Mạc Vấn lại truyền vào một câu.

A Cửu nhặt xem từng cái một, sau khi xem xong nàng nhìn về phía bức bình chướng gật đầu.

"Chữ là do địa nhũ đóng băng thành, có thể ăn được, dự phòng." Mạc Vấn truyền vào câu thứ ba, do không có cách nào biểu đạt sự ngắt câu, nên hắn chỉ có thể dựa vào thời gian ném chữ vào nơi giam cầm cách nhau dài hay ngắn để diễn tả.

"Chàng có tính toán gì không?" A Cửu lại khắc.

"Không vẽ Kim phù dời núi thì không thể phá được trận." Mạc Vấn trầm ngâm chốc lát lại truyền vào một câu, phải để cho A Cửu biết hắn có thể phá được trận, như thế sẽ giảm bớt được gánh nặng trong lòng nàng.

"Tuyệt đối không được, vết xe đổ của Triệu Chân nhân, chàng không nhớ ư?" A Cửu khoát tay lia lịa rồi khắc tiếp.

"Được rồi, nhưng ta nhất định sẽ nghĩ cách cứu nàng, ta và nàng chắc chắn sẽ được đoàn tụ, thế nên nàng phải tự bảo trọng, không được tuyệt vọng nản chí." Khắc hết một mặt tấm nghiên mực, Mạc Vấn đổi sang mặt sau.

A Cửu gật đầu xong lại khắc, "Ta sẽ đào một cái động nương thân, cố gắng chờ đợi."

Mấy lời này nếu đổi thành bình thường thì chỉ cần nói trong chốc lát là hết, nhưng Mạc Vấn phải khắc khuôn đúc, rồi cẩn thận đổ địa nhũ vào, xong còn phải chờ đợi địa nhũ đóng băng để đưa từng cái một vào, chỉ năm câu mà tiêu tốn mất cả đêm.

"Tiên Nhân Lệ không thể kiếm được nữa, địa nhũ cũng không phải kế lâu dài, ta sẽ ra ngoài tìm hạt giống linh căn, trong vòng nửa năm chắc sẽ không thể gặp được." Mạc Vấn mặc dù cố hết sức giản lược, nhưng số chữ cần khắc vẫn là rất nhiều.

"Chàng sẽ đi đâu?" A Cửu mặt có vẻ buồn rầu.

"Chưa biết, vẫn đang suy nghĩ. Cũng không phải quá gấp, sẽ hành động cẩn thận." Sợ để A Cửu lo lắng nên Mạc Vấn cũng không có nói thật với nàng.

"Nếu chàng gặp nạn, ta cũng không muốn phải sống một mình." A Cửu khắc lên.

Mạc Vấn nhìn thấy dòng chữ trên vách núi thì khẽ cau mày, trước nay hắn vẫn chỉ nghĩ nếu như mình chết thì A Cửu sẽ sống thế nào, nhưng quên không nghĩ tới cảm nhận của chính nàng. Ở trong giam cầm lúc nào cũng phải chịu đựng sự yên ắng tịch mịch tưởng như vô tận, hắn chính là động lực giúp A Cửu cố gắng bám trụ, nếu như hắn chết đi, nàng cũng không còn lý do gì để sống nữa.

"Được rồi." Mạc Vấn tìm trên bản khắc, lặp lại một chữ đã khắc lúc nãy.

Sau đó hắn lại tiếp tục: "Ta sẽ cố gắng tìm thật nhanh, nếu đến lúc sắp chết mà vẫn không thể cứu nàng thoát khốn thì ta sẽ vẽ Kim phù, đôi ta đoàn tụ."

"Trái tim ta đã trao cho chàng, sống chết có nhau." A Cửu khắc.

"Ta cũng vậy. Khai Dương mê muội, đã sát hại Ngọc Hành cùng ba lão sư Vô Lượng Sơn, nước Lương khởi binh đánh Triệu, nhà Tấn dồn binh lực xuống phía Nam, ngày thiên hạ đại loạn không còn xa." Mạc Vấn thấy tấm nghiên mực sắp dùng hết, bắt đầu thuật lại tin tức ở bên ngoài cho A Cửu, biết được bên ngoài đã xảy ra chuyện gì thì có thể giảm bớt cảm giác ngăn cách cô độc cho nàng.

A Cửu xem xong chữ viết, sững sờ kinh ngạc, vội vàng khắc, "Chàng định giải quyết thế nào?"

"Yên lặng theo dõi diễn biến. Lão Ngũ chờ ta đã lâu, ta đi đây, nàng đừng làm việc quá sức." Mạc Vấn khắc.

"Đi đường cẩn thận." A Cửu đáp lại.

Mạc Vấn khắc xong mấy chữ cuối cùng, liền đem chỗ địa nhũ còn thừa cùng tấm nghiên mực để cùng chỗ với chăn đệm, quay lại nhìn A Cửu lần cuối rồi xuống núi trong đêm.

Trở lại chỗ nghỉ chân, lão Ngũ đang uể oải chờ đợi.

"Lão gia, Cửu cô có khỏe không?" Lão Ngũ nhận lấy túi quần áo trên vai Mạc Vấn.

"Vẫn khoẻ." Mạc Vấn gật đầu nói, mọi chuyện trên đời đều chỉ là tương đối, A Cửu bị giam cầm sao có thể khoẻ được, nhưng mà so với trước kia không có thức ăn, tin tức hoàn toàn bế tắc thì tình huống hiện tại của A Cửu có thể coi là khá tốt rồi.

"Chúng ta lúc nào lên đường?" Lão Ngũ tiến vào nhà trọ, lớn tiếng kêu chủ quán dậy làm cơm.

"Ngày mai liền đi." Mạc Vấn nói.

Lát sau mì được bưng lên, Mạc Vấn ăn xong cơm tối trở về phòng ngồi tĩnh tọa, đến canh tư mới nằm xuống nghỉ ngơi.

Nơi hoang vu hẻo lánh, phòng xá cũng đơn sơ, nhưng ít nhất cũng đủ chắn gió, mệt mỏi nằm trên giường, Mạc Vấn thầm tính xem còn bao lâu nữa A Cửu mới đào được sơn động.

"Lão gia, trên biển có nhiều đảo không?" Lão Ngũ chẳng thấy buồn ngủ chút nào.

"Chắc hẳn sẽ không nhiều." Mạc Vấn nói, lão Ngũ hỏi câu này không thể nghi ngờ là lo bọn họ ra biển sẽ không có chỗ hạ xuống nghỉ chân, nhưng hắn chưa ra biển lần nào, chỉ biết là biển khơi diện tích so với Cửu Châu Hoa Hạ thì lớn hơn nhiều, nhưng rốt cuộc là lớn bao nhiêu, ở đâu có đảo thì hắn chịu.

"Nếu đi mãi không tìm thấy đảo thì chúng ta ăn cơm ngủ nghỉ ở đâu?" Lão Ngũ hỏi.

Mạc Vấn nghe vậy không đáp, không giống như bay lượn trên không, hắn mặc dù có thể đi trên mặt nước nhưng không thể vừa đi vừa cõng người được.

"Chẳng biết đại gia gần đây có bận gì không?" Lão Ngũ im lặng một lát rồi lại lên tiếng.

Mạc Vấn sao có thể không biết lão Ngũ muốn gì, nghe xong lắc đầu nói ngay, "Chuyện này không thể làm phiền Thiên Tuế được."

"Tại sao không chứ, đại gia ở Bích Thủy Đàm cũng có việc gì làm đâu, đằng nào cũng nhàn rỗi, không bằng ra biển mở mang kiến thức, nhỡ gặp phải chuyện gì cũng có thể có thể giúp đỡ lẫn nhau." Lão Ngũ trở mình ngồi dậy, đi sang chỗ giường Mạc Vấn.

"Thiên Tuế ở sông lớn không có đối thủ, nhưng ra biển thế nào thì rất khó nói, trên biển có rất nhiều thuỷ quái long xà, hình thể so với Thiên Tuế lớn hơn nhiều, không thể để cho gã mạo hiểm tính mạng." Mạc Vấn lên tiếng giải thích.

Lão Ngũ nghe Mạc Vấn nói vậy đành phải bỏ đi ý định nhờ Thiên Tuế, nhưng chỉ một lát sau gã liền hét toáng lên, "Lão gia, ta có biện pháp rồi!"

Mạc Vấn nghe tiếng nhíu mày, lão Ngũ xoay mình ngồi dậy, "Chúng ta có thể mang theo thuyền nhỏ, gì chứ mấy trăm cân ta có thể chở được."

"Cách này nghe được đó." Mạc Vấn trầm ngâm sau này gật đầu đồng ý.

Lão Ngũ còn muốn nói tiếp nhưng bị Mạc Vấn chận lại, "Đến bờ biển chúng ta sẽ hỏi thăm dân chài, chuyện biển đảo ta biết rất ít, hỏi ta không khác gì hỏi đường người mù."

Sáng sớm hôm sau, hai người rời khỏi biên giới, đi ngang qua nước Lương, ở biên giới nước Lương thỉnh thoảng có thể trông thấy những đoàn người dài vận lương, những con lừa con ngựa cùng phu khuân vác đang vận chuyển lương thảo ra tiền tuyến. Thường nói “ba quân chưa đi lương thảo đã đi trước”, đánh giặc chính là so đấu về quốc lực, về lương thảo, một khi chiến sự nổ ra, rất nhiều người sẽ đi đánh giặc, nhưng lại rất ít người ở lại trồng trọt lương thực, dưới tình hình như vậy chẳng bao lâu lương thực sẽ cạn kiệt, trăm họ sẽ mất cái ăn. Vậy nên tuy gọi là đánh giặc, nhưng cuối cùng người bị hại lại là bách tính.

Buổi sáng giờ Tỵ, hai người đên biên giới nước Lương, từ trên trời có thể thấy đại quân nước Lương từng đoàn nối đuôi nhau tiến về phía Bình Thành của nước Triệu, ở phía nam Bình thành còn có Sùng Châu và Tấn Dương, Lưu Thiếu Khanh không chia binh ra chiếm hai nơi đó, mà chỉ nhắm vào Bình thành, như vậy có thể thấy gã có lòng tin tất thắng, trực tiếp nhắm thẳng về hướng Nghiệp Thành đấy, Bình Thành nếu bị hạ, đi về phía đông chính là Ký quận, Ký quận là đất phong của em gái Thạch Chân, cũng là quận cửa ngõ để tiến vào kinh đô Nghiệp Thành nước Triệu.

**Bình Thành: nay là thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây.

Sùng Châu: nay là một huyện của thành phố Thành Đô.

Tấn Dương: nay là thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây.


Cũng không lâu sau lão Ngũ bay tới địa giới Nghiệp Thành, Mạc Vấn bèn bảo lão Ngũ đổi đường, đi về huyện Tây Dương** ở phía nam, đại chiến sắp tới rồi, hắn đã từng đảm nhiệm chức quốc sư nước Triệu, nếu quân Tấn di chuyển lên phía bắc thì có thể làm tổn hại đến mộ tổ tiên họ Mạc, phải lập thêm một lớp phù chú phòng vệ.

** huyện Tây Dương quê của Mạc Vấn, nay là trấn Tây Dương, thuộc huyện Qua Dương, địa cấp thị Bạc Châu, tỉnh An Huy, TQ. Nay mình rảnh tra trên wiki thấy như thế, chẳng biết có phải tên vẫn được giữ nguyên suốt từ thời nhà Hán đến nay không @@

Bây giờ đứng đầu nước Tấn là nhà họ Chử, Vương gia cùng Chu gia cũng nắm binh quyền, nước Lương khởi binh đánh nước Triệu chính là thời cơ ngàn năm có một để giành lại đất đai, quân đội nước Tấn đang tụ tập rất đông ở bờ sông, đốn củi làm thuyền, chờ cơ hội hành động.

Cửu Châu sắp phát sinh đại chiến quy mô lớn, đây vốn là thời cơ tốt để kiến công lập đại nghiệp, nhưng Mạc Vấn chẳng còn lòng dạ nào tham dự, cơ hội lập công để lại cho người khác đi.

Đến buổi chiều giờ Thân, hai người tới bờ biển Đông Hải, nơi này là khu vực cai quản của nước Triệu, do cách xa chiến trường nên trăm họ ở đây cuộc sống vẫn rất bình yên, hai người tìm đến một trấn nhỏ ven biển, chuẩn bị hành trang lần cuối cùng.

Lương khô và nước rất nhanh đã chuẩn bị xong, thuyền nhỏ cũng mua một chiếc, được đan bằng vỏ cây liễu, nặng hơn ba trăm cân, chút sức nặng này đối với lão Ngũ chẳng đáng là gì.

Lúc này còn chưa cò thuyền to, cho nên ngư dân ra biển chỉ dám đánh bắt gần bờ, nhưng dù thế thì đi biển cũng là một chuyện vô cùng nguy hiểm, trên đường đi thỉnh thoảng có thể thấy nhiều quả phụ trên vai áo có nhiều chỗ vá, quả phụ nhiều chứng minh nơi này đàn ông ra biển gặp nạn nhiều, tuy nhiên quả phụ nhiều cũng tức là nơi này cơm áo đủ ăn, bởi thời này quả phụ muốn tái giá phải có hai điều kiện, một là thủ tiết ba năm, hai là gia tộc nhà chồng không còn đủ sức chu cấp cho họ và con cái, chỉ cần nhà chồng vẫn có thể chu cấp được thì quả phụ không thể tái giá.

Mạc Vấn vốn là có ý định hỏi thăm một chút tình hình liên quan tới linh vật trên biển, nhưng ngư dân ở đây không đánh bắt xa, hỏi cũng vô ích, hai người nếu muốn tìm linh vật quý hiếm thì bắt buộc phải tiến sâu vào Đông Hải.

Lão Ngũ đã bay hơn nửa ngày, có chút mệt nhọc, ăn xong cơm tối lập tức đi ngủ, Mạc Vấn đề khí tung người bay dọc bờ biển, trên bờ biển có rất nhiều vỏ trai, con trai ở sông với con trai ở biển có khác biệt rất lớn, Mạc Vấn tay cầm vỏ trai trông về phía biển khơi, trong lòng rầu rĩ, hắn với lão Ngũ từ nhỏ đến lớn đều sống ở trên bờ, đối với biển biết rất ít, chỉ bằng một ít chuyện ghi lại trong dã sử cùng những lời truyền miệng mà đã mù quáng ra biển, quả thực có phần nông nổi.

Biển khơi hoàn toàn khác với đất liền, xa xa nước biển hiện lên màu xanh thẳm, chắc hẳn sâu không thấy đáy, hai kẻ không có chút kinh nghiệm đi biển nào rời khỏi đất liền đi ra biển khơi, hệt như thiêu thân lao đầu vào lửa.

Dừng chân trên bờ biển hồi lâu, Mạc Vấn bắt đầu muốn đổi ý, nhưng cuối cùng hắn vẫn kiên định với lập trường ra biển, một năm không phải là nhiều, địa nhũ cũng không có hiệu quả thần kỳ như Tiên Nhân Lệ, không thể chống đỡ lâu được.

Mạc Vấn có thói quen trước khi hành động đều phải suy nghĩ kỹ càng, cũng chính vì thói quen này cho nên bất kể làm chuyện gì hắn đều rất nắm chắc, không bao giờ bị động lúng túng. Nhưng lúc này trong lòng hắn lại không có cảm giác nắm chắc như thế. Hắn cảm thấy lo sợ cho tương lai, không biết mình với lão Ngũ sẽ gặp phải những chuyện gì, cũng không xác định trên đảo ngoài Đông Hải thật sự có Tán Tiên ẩn cư hay không.

Đến khi bị nước biển làm ướt giày Mạc Vấn mới ngớ ra, trở lại quán trọ nằm xuống nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, lão Ngũ dậy thật sớm, bổ sung đồ nhóm lửa cùng gia vị, các loại ngũ cốc cũng mang theo một ít.

Tới vách đá trên bờ biển, lão Ngũ cởi quần áo biến thân thành dơi bay lên trước, Mạc Vấn đem thuyền nhỏ úp ngược lên lưng lão Ngũ, sau đó mang theo đồ đạc nhảy lên.

Mạc Vấn hít sâu một hơi rồi bảo lão Ngũ: "Đi thôi.".

Lão Ngũ nghe được lệnh, vỗ cánh thịt bay về phía biển khơi...