Tử Động

Chương 14: Thu Thuộc Hạ, Thu Nhầm Kẻ Phản - Tái Nhập Động, Tái Phục Võ Công




Sau đó một lúc lâu thấy hai gã đại hán vẫn quỳ, chàng kêu:

- Nhị vị sao cứ quỳ? Đứng lên đi!

Họ không đứng! Ngược lại họ còn dập đầu như đã dập đầu!

Chàng cười khổ:

- Tại hạ còn tư cách gì để làm chủ nhân của nhị vị? Võ công không còn, tại hạ tự lo cho bản thân còn chưa xong nói gì đến việc lo toan cho hai kẻ tùy tùng bất đắc dĩ?

Họ vẫn không thôi việc dập đầu!

Chàng đành phải dùng tay để ngăn cản hành vi của một trong hai gã!

Chàng bực tức vì không thể làm được như ý muốn! Họ có võ công và họ dễ dàng cưỡng lại sự ngăn cản vô lực của chàng!

Chàng đành nói với họ:

- Được rồi! Trước mắt, tại hạ đành chấp nhận cho nhị vị vui lòng, chờ sau này khôi phục võ công tại hạ nhất định để mắt đến nhị vị! Nhị vị đứng lên được chưa?

Trước khi đứng lên cả hai còn lại đáp tạ chàng ba lượt!

Thấy họ không những không bỏ đi mà còn đứng mãi sau lưng chàng, chàng kêu:

- Ơ kìa! Nhị vị sao còn đứng đó?

Họ cúi đầu xuống như muốn tránh tia mắt trách cứ của chàng!

Thấy vậy chàng tự bỏ đi với ý nghĩ: “Họ không đi thì ta đi! Chẳng lẽ họ lại sẽ lẽo đẽo theo ta?”.

Không như chàng nghĩ họ không hề có ý đi theo chàng!

Và sau cài nhìn vào mắt nhau, cả hai tung người lướt đến và xuất thủ nhắm vào chàng!

Hự!

Chàng chỉ kêu được một tiếng là bị cả hai khống chế huyệt Định thân và Á huyệt!

Chưa hết, cả hai còn xốc hai bên chàng và lập tức thi triển khinh thân pháp đưa chàng cùng đi với họ!

Chàng trợn trừng hai mắt đến suýt phải rách khóe! Chàng không ngờ hành vi ân nghĩa của chàng rốt cuộc chỉ nhận được sự báo oán!

Đây quả là một điều không ngờ và cho dù có ngờ trước đi nữa chàng cũng không thể nào tránh khỏi!

“Ai bảo ta hồ đồ, giúp kẻ ác hồi phục thương thế để vô tình chuốc họa vào thân? Chúng định đưa ta đi đâu? Đến chỗ Xích Huyết kiệu đang chờ đợi ư?”.

Vút! Vút!

Họ đi càng lúc càng nhanh! Và Đường Thượng Thanh càng ngẫm nghĩ càng uất ức!

Sau cùng, vì quá uất ức và không chỗ phát tiết, chàng cảm thấy máu trong huyết quản sôi lên bừng bừng và dẫn đến tình trạng ngất lịm.

* * * * *

Được họ giải khai huyệt đạo, Đường Thượng Thanh mắt tóe hung quang, miệng gào lên khàn khàn trước hai khuôn mặt đang bơ phờ vì đã vượt một chặng đường dài không ngừng nghỉ:

- Các ngươi hành động như thế này là để đáp tạ ta sao? Các ngươi muốn gì chứ? Muốn ném ta một lần nữa vào Tử động à?

Họ bối rối, sợ hãi và cùng quỳ xuống. Một gã chộp lấy một mẩu đá nhỏ như định biểu thị ý tưởng qua hình vẽ như gã từng làm!

Chàng giận dữ chồm đến, quyết giật mẩu đà khỏi tay gã:

- Các ngươi đúng là hạng khẩu Phật tâm xà! Hừ! Các ngươi định lừa dối ta nữa sao? Các ngươi bảo là tôn ta làm chủ nhân để rồi các ngươi có ý đồ ném ta vào Tử động! Sao các ngươi không giết ta khi các ngươi có thể? Hà tất các ngươi phải lặn lội đưa ta về đến Tử động này!

Thái độ của hai gã thật kỳ quái! Một gã thì dập đầu lạy như tế sao, gã còn lại thì từ tốn gỡ tay chàng ra và cứ chỉ mãi vào Tử động!

Thấy thái độ này, họ đâu cần phải nhân nhượng phải giữ lễ nếu họ thật sự có ác ý, Đường Thượng Thanh thoáng khựng người lại.

Đến lúc đó, gã kia mới dám dùng mẩu đá vạch xuống nền đất.

Gã vẽ Tử động với lối đi chi chít như chữ chi. Để đến cuối nét vẽ, gã đột ngột chấm dứt bằng một khuyên tròn.

Cạch! Cạch! Cạch!

Gã dùng mẩu đá gõ vào khuyên tròn ba lần gõ như thể đó là loạt ám hiệu không thể thiếu. Sau đó gã ngước mắt nhìn chàng với ánh mắt van lơn cầu khẩn.

Chàng nghĩ: “Sao gã phải van xin ta? Hay gã muốn ta đưa gã đến tận vị trí đó? Để làm gì?”.

Chàng nghĩ không ra những ám thị của gã nên đành hỏi:

- Ngươi cần ta đưa ngươi đến chỗ ngươi khuyên tròn?

Gã lắc đầu và ánh mắt tỏ ra sợ sệt.

Chàng nghi hoặc:

- Ngươi không dám vào?

Gã càng lắc đầu nhiều hơn

- Ngươi muốn ta vào đó thay ngươi?

Gã gật.

- Để làm gì?

Gã đưa tay chỉ vào khuyên tròn vừa vẽ và lại gõ ba lượt.

Cạch! Cạch! Cạch!

- Gõ vào đó?

Gã gật.

- Vậy thôi ư?

Gã lắc đầu trong khi đồng bọn của gã lại dập đầu vái lại.

Chàng đoán:

- Trong đó có vật ám tàng?

Gã nọ gật, gã kia lắc

- Có hay không có ám tàng?

Gã đang gật lại tiếp tục gật, gã đã lắc tuy không lắc đầu nữa nhưng bắt đầu sụp lạy.

- Ta hiểu rồi! Nơi đó vốn có thi hài của người thân hai người, đồng thời cũng có vật do người đó lưu lại?

Hai gã cùng mỉm cười hài lòng.

Chàng thở ra:

- Ta đã một lần gặp may, làm sao dám thử lại vận số?

Hai gã cùng quỳ lạy chàng

- Hà! Lần vừa rồi tuy ta bị hành hạ đến kiệt quệ nhưng dẫu sao cũng có thể tự vận khí để nhờ đó vận dụng tâm pháp Kim Sa và chống lại quái phong. Lần này võ công không còn, tâm pháp nọ vô phương thi triển, ta vào đó có khác nào đi vào chỗ chết?

Hai gã vẫn lạy khiến chàng phải than van:

- Hai người nỡ nào cam tâm buộc ta phải chết thảm sao?

Một gã ngẩng đầu lên đưa tay chỉ vào chàng và tiếp đó chỉ lên trời.

Chàng cười lạt:

- Ngươi cho rằng ta có phúc phận hơn người và được Phật Trời độ trì thật sao?

Gã gật đầu.

Chàng thở ra:

- Nếu ta cương quyết không ưng thuận thì sao? Hai ngươi sẽ có thái độ gì đối với ta?

Thật lạ, họ không nổi hung như chàng nghĩ. Ngược lại, họ hốt hoảng và chỉ biết đưa ánh mắt cầu khẩn nhìn chàng.

Kinh nghi, chàng hỏi:

- Vật gì đang được cất giấu trong đó?

Hai gã xua tay tỏ ý không biết.

- Nhân vật trong đó có quan hệ gì với hai người? Phụ thân? Mẫu thân? Huynh đệ? Sư phụ?

Để đáp lại từng lời gặn hỏi của chàng cả hai chỉ có cái lắc đầu mà thôi.

Sau cùng chàng hỏi:

- Là trưởng bối?

Họ gật.

- Thúc bá?

Họ lắc.

- Cô mẫu hay di nương?

Họ lắc.

- Nội tổ hay ngoại tổ?

Họ lắc.

- Hừ! Chẳng lẽ là sư tổ, sư phụ của sư phụ hai ngươi?

Họ gật.

Chàng giật mình:

- Là lệnh sư tổ?

Họ gật đầu thừa nhận.

Chàng thở hắt ra một hơi trước khi bảo họ:

- Được! Vì sự kỳ vọng của hai ngươi, ta quyết liều một phen nữa. Nhưng hai ngươi chớ quá trông chờ kết quả ở ta. Lần này đi...! Hà! Tạm biệt!

Chàng bước đi mà không có chút nào tin tưởng. Bởi chàng thừa biết sẽ có những gì đang chờ đợi chàng trong Tử động.

Tuy nhiên trong tâm tưởng của chàng thật sự đang có một tia hy vọng. Nếu y thuật như Tàn Lão Y không thể khôi phục võ công cho chàng, nếu Hà Thủ Ô Linh Bảo của Băng Ngọc cung cũng không giúp ích gì cho chàng thì biết đâu chính những trận quái phong trong Tử động lại giúp chàng dễ dàng vận dụng Kim Sa tâm pháp, nghĩ là khôi phục võ công!

U... u... u...

Tử động vẫn là Tử động! Chào đón chàng là một trận quái phong xuất hiện.

Bất chấp võ công thật sự không còn, chàng vẫn nghiến chặt răng và bắt đầu vận dụng tâm pháp Kim Sa.

Chân khí không xuất hiện. Ngược lại từng mảng da thịt nhỏ của chàng ngay lập tức đau buốt lên khi bị quái phong xuyên thấu.

U... u...

Quái phong nâng dần cường lực khiến thân hình chàng bắt đầu nghiêng ngả đảo chao. Tuy vậy, chàng vẫn tiếp tục vận dụng tâm pháp Kim Sa.

U... u...

Thân hình chàng bắt đầu chấp chới vì quái phong càng lúc càng tỏ ra hung hãn.

U... u...

Đúng vào lúc trận quái phong sắp sửa nâng bổng thân hình chàng lên để tha hồ dập vùi chàng vào một nơi không thể nào lường trước được, toàn thân đang rát bỏng của chàng bỗng căng phình vì khí huyết chợt sục sôi.

Trong nháy mắt, như có một tiếng nổ phát ra từ nội thể của chàng.

Bung!

Và lập tức, tâm pháp Kim Sa bắt đầu tỏ ra kiến hiệu, dẫn lưu chân khí của chàng đi khắp các kinh mạch.

Việc diễn ra quá bất ngờ khiến chàng phải bật kêu lên:

A... a... a...

Đó cũng là lúc trận quái phong lên đến đỉnh điểm của sự cuồng nộ.

U... u...

Sợ quái phong cuốn phăng đi, sợ chệch mất phương hướng mà gã nọ đã điềm chỉ, Đường Thượng Thanh lập tức ngồi thụp xuống, vận hết toàn bộ chân lực để chi trì thân hình.

U... u...

Thân thể lắc lư như cành liễu trước gió, chàng vẫn kiên trì chịu đựng.

U... u...

Bằng Thiên Cân Trụy, Đường Thượng Thanh vừa đè thân hình xuống vừa bấu chặt mười ngón tay vào nền động.

U... u...

Thân thể vẫn liên tục chao đảo khiến hai tay chàng bắt đầu chấp chới.

Chàng có phần kinh hãi, cố quờ tay chộp giữ.

Bộp!

Một cái khô lâu chợt lăn vào tận chân chàng, tiếp đó là một đoạn xương chân trắng hếu.

Bỏ qua cái khô lâu, chàng lẹ tay chộp lấy đoạn xương nọ.

Phập!

Vận lực vào hữu thủ, chàng cắm đoạn xương nọ vào nền động.

Thoáng mừng vì vô tình có được chỗ tỳ tay, Thượng Thanh lập tức giữ chặt phần còn lại của đoạn xương đang nhô cao khỏi nền động.

U... u...

Trận quái phong lui dần. Cho Thượng Thanh biết khoảng ngắn ngủi yên tĩnh cũng sắp đến.

Nhờ đó, trận quái phong vừa tan đi chàng lập tức đứng lên và di chuyển.

Di chuyển theo những gì gã nọ điềm chỉ, chàng phát hiện đó là lối di chuyển thật sự thuận lợi. Bởi cứ mỗi lần trận quái phong nổi lên thì y như rằng chàng đang dừng chân ở một điểm vừa kề vách đá vừa vô tình tìm được một mô đá nhỏ để bám giữ thân hình.

U... u...

Cứ thế, sau ba lượt chịu đựng quái phong Thượng Thanh bất ngờ dừng chân tại một vách đá hoàn toàn phẳng phiu.

Nghĩ quái phong sắp nổi lên mà ở vách đá này lại không có lấy một chỗ để bám giữ, chàng lo lắng đến bấn loạn.

U... u...

Trận quái phong rồi cũng đến lúc nổi lên. Và thật may, trong khi trận quái phong ở lượt đầu hãy còn kém hung hăng, hai tay chàng bỗng chạm phải một gờ đá nhỏ chạy dài theo hình tròn.

“Có phải đây là hình khuyên mà gã nọ đã ám thị?”.

Phải hay không, lúc này đối với Thượng Thanh không còn cần thiết nữa.

Bộp! Bộp! Bộp!

Chàng vỗ bừa vào vách đá, vừa đúng ba lượt vừa vỗ vào giữa vòng khuyên bằng đá nọ.

U... u...

Kẹt!

Vút!

Thật bất ngờ, chỗ mà Thượng Thanh vừa vỗ vào chợt dịch chuyển và để lộ một khoảng trống. Lập tức, vừa do trận quái phong xô đẩy vừa do có một hấp lực hít vào, toàn thân chàng liền bay bắn vào một nơi không thể ngờ là có.

Vút!

Trận quái phong không còn có lẽ do bí môn nọ đã khép lại, Thượng Thanh nhờ đó an tường hạ thân xuống.

Trước mặt chàng lúc này là một cung thất có dáng dấp như một lăng tẩm. Đường vào lăng tẩm được rải sỏi tạo thành một lối đi đủ cho một người bước vào. Cuối lối đi, trước khi bước vào phạm vi thật sự của lăng tẩm là một cổng tam quan chạm trổ cầu kỳ như bất kỳ cổng tam quan nào ở chốn nha môn. Và từ trên cánh cổng đang khép hờ là hai nhân viên dạ minh châu tỏa sáng. Ánh sáng tỏa ra từ hai viên minh châu dĩ nhiên không thểnào sánh được với ánh dương quang. Tuy thế, nhờ lối đi nhỏ được rải sỏi trắng, ánh sáng tạo nên từ hai viên dạ minh châu được tôn lên, tạo cho lối tiến đến cổng tam quan mang một sắc màu huyền hoặc và làm cho người lần đầu đặt chân đến như Đường Thượng Thanh lúc này, phải có tâm trạng như người đạt cõi phiêu diêu thoát tục.

Thượng Thanh cho đến lúc này vẫn lặng lẽ ngắm nhìn. Một ý nghĩ chợt thoáng qua tâm trí của chàng: “Có được sự sắp đặt này, sư tổ của hai gã đại hán kia chắc hẳn phải có lai lịch quan trọng. Nhưng nếu là thế thì lẽ nào nhân vật này không đào luyện hai gã đó thành người hữu dụng? Tại sao không có sự sắp đặt sẵn cho họ, giả như truyền thụ kiến thức hoặc lưu lại võ công cho họ có dịp tiến thân?”.

Chép miệng như có phần tiếc nuối cho sự sắp đặt không được hoàn hảo của chủ nhân nơi này, Đường Thượng Thanh sau đó mới cẩn trọng đặt chân đi trên con đường rải sỏi.

Đến cổng tam quan chàng đặt tay vào và đẩy nhẹ.

Thật lạ! Cánh tuy chỉ khép hờ nhưng vẫn nguyên vị cho dù đang bị chàng đưa tay đẩy vào.

Khẽ vận chút kình lực chàng lại đẩy. Vô ích, cánh cổng vẫn không dịch chuyển.

Tăng thêm chân lực, càng tăng nhiều ngần nào thì cánh cổng càng như bị gắn chặt chừng nấy.

Sau cùng, Thượng Thanh phải nghi ngờ: “Muốn mở rộng cánh cửa phải chăng cần nhờ có cơ quan điều động? Mấu chốt phát động cơ quan ở đâu? Có phải là ở một trong hai viên dạ minh châu được khảm bên ngoài cánh cổng?”.

Chàng đưa tay định chạm vào viên dạ minh châu ở bên tả! Kịp nhớ lại thái độ của hai gã kia lúc họ điềm chỉ cho chàng cách thức tìm ra địa điểm này, chàng vội rụt tay lại và không dám chạm vào bất kỳ vật nào nữa bên ngoài cánh cổng.

Chàng từ từ lùi lại và đưa mắt nhìn xuống chân để tìm kiếm.

Đúng như chàng nghĩ, khi chàng lùi xa cánh cổng độ ba bước thì ngay dưới chân chàng nằm trên bề mặt của lớp sỏi được rải đều đang lấp ló ẩn hiện một phiến đá vừa đủ cho một người có thể đặt hai chân vào.

Khẽ mỉm cười chàng đặt hai bàn chân lên chỗ có phiến đá.

Nụ cười của chàng dần biến mất đi khi ở hai cánh cổng vẫn không có dấu hiệu của sự đổi khác.

Ngẫm nghĩ một lúc nữa chàng mới vỡ lẽ.

Vội dịch lùi lại, chàng quỳ xuống, đặt hai đầu gối vào phiến đá nọ.

Như hai gã đại hán đã ám thị, Thượng Thanh bắt đầu sụp lạy và là hành lễ với cánh cổng.

Ngay lập tức, như bị cơ quan phát động hai cánh cổng bắt đầu mở rộng vào trong, tạo một lối đi dẫn thẳng vào lăng tẩm. Và ở chỗ tận cùng của lăng tẩm là một hình hài một người đang uy uy lẫm lẫm ngồi hướng mặt rangoài. Và thế là vô hình chung Đường Thượng Thanh đang hành lễ vớ nhân vật uy lẫm nọ.

Chàng bắt đầu bớt đi sự hoài nghi của chàng đối với sự sắp đặt của nhân vật nọ.

Bởi vị tất nhân vật nọ đã không kịp nghĩ đến và không có sự sắp xếp dành cho hai gã đại hán kia.

Vì nếu không có sự ám thị của hai gã đại hán Đường Thượng Thanh đâu thể biết phải gõ vào bí môn ba lượt để phát động cơ quan, đâu thể biết phải phục người hành lễ để phát động và khai mở cổng tam quan dẫn vào lăng tẩm?

Nhân vật nọ đã lưu hai gã đại hán ở bên ngoài là có ý này.

Thán phục, Thượng Thanh bắt đầu lên tiếng:

- Võ lâm mạt học Đường Thượng Thanh vì sự điểm chỉ của nhị lệnh đồ tôn nên vô tình quấy rầy sự thanh tu của tiền bối. Mong được lượng thứ!

Đáp lại chàng chỉ là những lời vọng lại từ ngôi lăng tẩm.

Ngỡ nhân vật nọ mãi hành công nên không thể nghe hoặc không thể đáp lời. Thượng Thanh sau một lúc quỳ chờ đợi bèn lập lại lần thứ hai:

- Võ lâm mạt học Đường Thượng Thanh...

Vẫn không có tiếng đáp lại, chàng chợt nghĩ: “Ta vẫn thường nghe bất kỳ vị cao nhân nào cũng vậy nếu đã có sự sắp xếp như thế này tất cả đều hóa thành người thiên cổ phải chăng vì thế nhân vật nọ chỉ còn là một di hài nên không có tiếng đáp lại lởi ta vừa diện kiến?”.

Chàng định đứng lên nhưng kịp nghĩ lại: “Để thử một lần nữa xem sao đã! Chẳng phải hai gã đại hán đã kiên trì quỳ phục trước mặt ta khi hành lễ bái kiến tân chủ nhân đó sao? Hoặc là ta phải kiên trì như họ hoặc đó là nhữngám thị của họ bảo ta phải thật nhẫn nại!”.

Chàng lại lớn tiếng bái vọng:

- Hậu bối Đường Thượng Thanh xin tham kiến tiền bối theo sự điềm chỉ của nhị lệnh đồ tôn.

Hoặc do lần này chàng lớn tiếng khiến âm thanh phải chấn động cơ quan, hoặc do chàng quỳ đủ lâu khiến cơ quan tiếp tục phát động, một trong hai nguyên nhân trên đã dẫn đến một điều thật bất ngờ.

Từ cổng tam quan trước chỗ chàng quỳ độ ba bước, một mảnh hoa tiên nọ vừa rơi vừa chao đảo thật nhẹ nhàng để sau cùng phải nằm yên trên nền đá chỉ cách chàng đúng một tầm tay với.

Chàng vẫn chưa dám đứng lên hoặc đưa tay cầm lấy mảnh hoa tiên nọ.

Chàng cứ quỳ như thế và tìm cách đọc những hàng lưu tự có ghi trên mảnh hoa tiên.

Mảnh hoa tiên tuy không có được một vị trí thuận mắt nhưng chàng vẫn đọc được như sau:

“Đã hành lễ bái sư, ngay lúc này ngươi chính thức là đệ tử kế truyền của bổn Tiên tử!

Mau đứng lên tiến đến và tiếp nhận di lệnh của ta!

Ngọc Điệp Tiên Tử”.

Đường Thượng Thanh tức thì bị chấn động khắp châu thân. Việc hành lễ bái sư ngoài ý định tuy có làm chàng kinh ngạc nhưng chưa đủ khiến chàng bị chấn động. Chàng bị chấn động vì một lẽ khác.

Một lần nữa sự tình cờ ngẫu nhiên đã đưa hai chữ Ngọc Điệp đến với chàng và có liên quan đến trú sở của Xích Huyết kiệu.

Một Đoàn Thu Nương được hoặc bị Xích Huyết kiệu thu dụng vốn mang trong người mảnh Liễu Yếm Ngọc Điệp có chữ Đoàn - là đại bối!

Chàng vì có mảnh Liễu Yếm Ngọc Điệp nên bị Xích Huyết kiệu hạ thủ và tra vấn. Đó là mảnh có chữ Đường thuộc hàng Nhị bối.

Tại Tử động chàng phát hiện di tự và sau đó là di hài cùng mảnh Liễu Yếm Ngọc Điệp của Ngũ Bối họ Hạ.

Và bây giờ tại một lăng tẩm thần bí ở ngay bên trong Tử động lại có di thể lẫn di lệnh của một nhân vật có ngoại hiệu là Ngọc Điệp Tiên Tử.

Phải chăng tất cả đều có liên quan và ở ngay chỗ này là câu trả lời cho tất cả?

Cúi đầu hành lễ như lãnh lệnh, Thượng Thanh sau đó tiến thẳng vào lăng tẩm.

Diện đối diện với hình hài còn tươi như sống của Ngọc Điệp Tiên Tử bất giác ở Thượng Thanh có một cảm nghĩ bái ngưỡng.

Vì Ngọc Điệp Tiên Tử tuy đã tạ thế nhưng chẳng hiểu sao dung nhan vẫn tươi nguyên và cho thấy Ngọc Điệp Tiên Tử thuộc hàng mỹ nhân có sắc đẹp thiên kiều bá mỵ.

Trước nhan sắc thập phần toàn mỹ này nếu ở Thượng Thanh chỉ có ý niệm ngưỡng mộ mà không có bái vọng tất sẽ nảy sinh tà ý dục niệm.

Tuy nhiên cũng may, ở chàng lại có đủ hai cảm nhận nọ nên chàng càng ngắm nhìn càng thêm kính ngưỡng như thái độ thường có ở thường nhân đối với bậc thánh tiên.

Tà niệm không có nên chàng từ từ lùi lại và không hề tự chủ khi phục người xuống tiếp tục hành lễ.

Cạch!

Từ vách đá phía sau chỗ Ngọc Điệp Tiên Tử tọa vị có một ngọn liễu đao bay vọt ra và cắm ngập xuống nền đá trước mặt chàng.

Chuôi của ngọn liễu đao hãy còn run lên bần bật cho thấy lực đạo bắn ra rất mãnh liệt.

Và trên chuôi là một mảnh hoa tiên được cuộn chặt.

Không nghĩ ngợi nhiều, chàng đưa tay từ từ gỡ lấy cuộn hoa tiên.

Chàng càng đọc càng nghe lạnh khắp người.

“Hảo đồ nhi!

Ngươi sẽ không đọc được những lưu tự này nếu ngươi dám xúc phạm đến nhục thể của ta.

Ngọn Điệp Vỹ sẽ cắm vào tâm thất của ngươi và lập tức biến ngươi thành cô hồn dã quỷ khi ngươi khởi tà niệm.

May cho ngươi và cũng là phận phúc của ngươi!

Hãy dùng ngọn Điệp Vỹ đào cho ta một mộ huyệt. Lấy chỗ ngọn Điệp Vỹ cắm vào làm tâm, ngươi chỉ có dịp này là dịp duy nhất để chứng tỏ thành ý của ngươi đối với ta là sư phụ của ngươi!

Vị sư phụ đã chết!”

Tuân theo sự sắp đặt của sư phụ - Đúng là một vị sư phụ đã chết trước khi thu nhận môn đồ - Thượng Thanh cẩn trọng dùng ngọn liễu phi đao được gọi là Điệp Vỹ (có nghĩa là đuôi bướm) và đào một mộ huyệt.

Một mộ huyệt như mọi mộ huyệt khác, ngang hai thước sâu ba thước dài ngót trượng (thước là thước mộc với năm thước thành một trượng).

Trong lúc đào, dù không hề tìm thấy bất kỳ vật nào trong phạm vi của mộ huyệt nhưng Thượng Thanh vẫn không nản.

Ngược lại khi một huyệt đã đào đủ với các bề như đã nói, Thượng Thanh tuy có phần thất vọng vì không phát hiện phần di vật chắc chắn phải có của sư phụ nhưng vẫn không dám đào sâu thêm hoặc dài hơn rộng hơn.

Chàng tin chắc vào sự sắp đặt của sư phụ qua những gì minh chứng.

Tuân thủ là tuân thủ, chàng bắt đầu bê nhẹ di hài của sư phụ lên.

Bộp!

Một vật gì rơi ra từ di hài sư phụ.

Đã nhìn thấy, chàng vẫn thản nhiên tiếp tục việc đang làm.

Hạ thổ, đắp đất và vun thành mộ. Chỉ sau đó chàng mới dám nhặt lấy quyển kinh sách nọ - chính là vật đã rơi ra.

Chàng đọc ngay trang đầu:

“Trên Ngọc Điệp chân kinh có tẩm độc nhưng ngươi hãy vững tâm vì trong di hài của ta có tẩm sẵn giải dược.

Hà...! Biết nói thế nào đây, có khi ngươi đọc xong bức thư di mệnh này thì đã chết. Vậy là ngươi chưa thực thụ là đồ đệ của ta!

Đào huyệt mà không phát hiện di vật, phải kẻ tham hắn sẽ bỏ dở nửa chừng. Hắn sẽ chuốc thảm họa do phần bên trên mộ huyệt chỉ có chất độc.

Ngược lại, hắn sẽ đào quá rộng hoặc quá sâu, tuy không chết vì có giải dược tẩm sẵn ở phía dưới một huyệt nhưng hắn sẽ động nộ để hủy hoại di hài của ta. Hắn cũng phải chết vì không có giải dược để giải trừ chất độc tẩm trong Ngọc Điệp chân kinh.

Nhưng khi hắn có tuân thủ và tuân thủkhông trọn vẹn, đang lúc an táng chợt phát hiện chân kinh, hắn vất bỏ di hài của ta để đạt ý đồ khởi phát từ lòng tham, hắn cũng phải chết do giải dược từ di hài của ta vì chưa đủ ngấm vào nội thể nên không đủ hóa giải chất độc ở chân kinh.

Nếu người không phải kẻ tham, nếu ngươi vượt qua bằng ấy thử thách của ta và nếu ngươi thật tâm muốn bái ta làm sư phụ thì hãy đặt chân kinh xuống, tìm cho được lối vào Ngọc Điệp cung thất. Ở đó ta đã sắp sẵn mọi sự cho ngươi.

Nhớ lấy”.

Hoàn toàn thán phục và kinh hãi trước sự sắp đặt quá chu đáo của Ngọc Điệp Tiên Tử sư phụ, lẽ đương nhiên Thượng Thanh nào dám chần chừ.

Chàng đặt Ngọc Điệp chân kinh xuống đúng nơi chàng đã nhặt và bắt đầu tìm kiếm lối dẫn vào Ngọc Điệp cung thất.