Truyền Thuyết Sông Nghi Hà

Chương 1




Chuyện này xảy ra vào năm 1968, khi đó cả nước nổi lên một vụ việc khác, nhưng việc đó không tác động nhiều lắm đến chỗ chúng tôi. Người dân lúc đó không thể nói là an cư lạc nghiệp, nhưng ít nhất cũng đủ ăn. Khi đó cuộc sống của ông cố và ông nội tôi đã được cải thiện rất nhiều rồi. Trong làng cấp cho họ một khoảng sân ba gian, ông nội tôi là người thật thà và chăm chỉ, ngoài ra còn biết tiết kiệm và rất giỏi quán xuyến việc nhà, những ngày tháng khi ấy cũng rất ổn định.

Ông cố tôi vẫn sống trong túp lều nhỏ bên bờ sông Nghi Hà, ông nội nhiều lần mời ông cố về sống cùng, nhưng lần nào ông cũng từ chối. Dẫu sao một nhà vợ chồng son sống cùng nhau là được rồi, ông cố đến làm phiền người ta, vậy thì sẽ được coi là gì chứ?

Khi đó ông cố tôi mới ngoài năm mươi, thân thể tráng kiện, không có việc gì làm sẽ đi xuống sông bắt cá mò ngọc trai. Thỉnh thoảng, cũng có người ở làng bên đến tìm ông cố hỏi chuyện, tiện tay mang đến cho ông một ít khoai lang, cà chua, đậu tương, đậu phộng, còn có trứng gà do chính gà nhà họ đẻ được. Hồi còn trẻ ông cố tôi có cuộc sống vừa sung túc vừa tự tại, không có người quản cũng chẳng ai hỏi han, sung sướng vô cùng.

Có điều, tôi vẫn thường hay thắc mắc, ông cố sống một mình trong chiếc chòi nhỏ bên sông Nghi Hà lẽ nào không cảm thấy cô đơn sao? Chuyện này tôi đã từng hỏi ông nội, ông nội nói chuyện này không vấn đề gì, chỉ là có một hôm ông nội đến thăm ông cố tôi, lại nghe thấy trong chòi có tiếng một người phụ nữ. Ông nội sợ ông cố, cũng không dám nhoài người vào khe hở chỗ cửa xem thử. Về sau, ông nội mới hỏi ông cố, người phụ nữ hôm đó ở trong chòi là ai, ông cố bình thản đáp, đó là một con ốc tinh trong sông Nghi Hà.

Vốn dĩ ông nội định khuyên nhủ ông cố, nếu như hai người có tình cảm với nhau thì cứ dứt khoát kết hôn là xong, đỡ phải một mình cô đơn lẻ bóng. Thế nhưng giờ lại nghe ông cố nói thế, lời vừa đến cửa miệng liền không thể nói ra được, dù sao các người cũng không thể khuyên ba mình lấy một con ốc tinh được đúng không?

Dường như ông cố cũng đoán ra được ý của ông nội, bèn nói với ông: “Chỉ là bạn bè bình thường thôi, hai bọn ta chẳng có gì cả.”

Ông nội thầm nghĩ, cho dù hai người có gì thì con cũng làm được gì sao, đó là một con ốc tinh đấy. Con nào có đạo hạnh như cha, vừa tìm đã tìm ngay một con ốc tinh, dâu cả trong nhà con đều chẳng được như thế.

Khi tôi nghe ông nội kể về chuyện này, cảm thấy bản thân rất có hứng thú với ốc tinh, tiếc là ông nội lại nói với tôi, rốt cuộc con ốc tinh đó hình dáng thế nào ông cũng chưa từng nhìn thấy. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, đã trực tiếp chạy đến hỏi ông cố, ốc tinh đó trông như thế nào, ông cố đưa cho tôi một bức tranh, trong bức tranh mà ông cố đã vẽ, tôi chẳng hề nhìn ra được ốc tinh đó đẹp ở chỗ nào cả.

Để tôi miêu tả lại một chút về bức tranh mà ông cố đã vẽ nhé. Đó là một cái vỏ ốc, từ trong vỏ ốc ló ra hai cái chân dài. Đương nhiên là còn có một cái mông lớn như ẩn như hiện giữa vỏ ốc và cái chân dài kia nữa.

Khi đó tôi cảm thấy rất kì lạ, bèn hỏi ông cố: “Ốc tinh này sao lại không có mắt, mũi và miệng vậy ạ?”

Ông cố nói ốc tinh này vẫn chưa tu luyện thành hình hoàn chỉnh, còn phải tu luyện vài trăm năm nữa mới có được hình dạng của con người, bây giờ nó chỉ có hai chân và một cái mông thôi.

Nhưng tôi lại nói với ông: “Vậy thì không đúng lắm, nghe ông nội nói nó còn có thể nói chuyện mà.”

Ông cố vỗ trán một cái, sau đó lại vẽ thêm hai con mắt, một cái mũi và một cái miệng vào trong bức tranh. Vẽ xong những thứ này, ông cố lại nói với tôi: “Con xem, bây giờ đã đầy đủ rồi này.” Đến bây giờ, mỗi khi nhớ đến bức tranh này, tôi vẫn luôn cảm thấy ông cố đang lừa gạt mình. Có điều dù sao ông cố cũng đã qua đời rồi, chuyện này cũng không thể nào chứng thực được nữa.

Trở lại năm 1968, ông cố tôi sống bên sông Nghi Hà rất thoải mái tự do. Khi đó Lưu đại gia vẫn chưa phải là Lưu đại gia, dáng vẻ cũng rất linh hoạt, mắt chưa mù chân chưa què, chỉ là hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lấy vợ. Không phải là Lưu đại gia người ngợm chậm chạp mà tôi biết, ông ấy làm việc rất hăng hái, đặc biệt là đôi bàn tay, vô cùng có lực.

Ông cố tôi thường hay trêu đùa Lưu đại gia: “Lưu à, mau tìm vợ đi thôi, mày không tìm vợ nhưng lại đi làm khổ đôi bàn tay này làm gì, mày nhìn thử tay của mình đi toàn là vết chai này.”

Nhưng Lưu đại gia chỉ cười, nói: “Chú, người đừng trêu chọc con nữa, theo tình hình này mà thấy, chẳng phải chúng ta cũng giống nhau thôi sao. Chú nhìn lại tay của chú đi, cũng chẳng rảnh rang gì.”

Những lời này của Lưu đại gia khiến ông cố tôi không cách nào tiếp lời được.

Ông cố nói, đừng thấy bình thường Tiểu Lưu lầm lì ít nói, mở miệng ra chẳng ai đỡ được.

Nguyên nhân Lưu đại gia không tìm vợ rất đơn giản, nhà ông ấy nghèo, thậm chí so với nhà chúng tôi còn nghèo hơn, không cha không mẹ, làng cũng không cấp nhà cho. Cách chỗ ông cố tôi không xa, cũng có một cái chòi nhỏ bên sông Nghi Hà, ông sống một mình ở đó.

Độc thân từ trong bụng mẹ đã hơn ba mươi năm, cho nên mọi người có lẽ sẽ hiểu được tại sao Lưu đại gia lại không có mong ước lấy được vợ rồi đấy.

Hơn nữa, Lưu đại gia không giống ông cố tôi, ông cố tôi có khả năng nói chuyện được với ốc tinh, Lưu đại gia lại không có được năng lực đó.

Chuyện xảy ra với Lưu đại gia, cũng là chuyện xảy ra ở sông Nghi Hà.

Đêm đó ông cố tôi ăn no không có chuyện gì làm, ốc tinh kia cũng không tới tìm ông, ông cố một mình ngồi ở trong chòi ngắm sao, cảm thấy vừa cô đơn vừa buồn chán, bèn cầm tẩu thuốc ra ngoài dạo chơi.

Khi đó thời tiết nóng nực, bên bờ sông lại có gió thổi vi vu, mát mẻ vô cùng. Cho nên dù là nửa đêm nhưng người ra ngoài đi dạo không hề ít, còn có nhiều người muốn tận hưởng cái mát lạnh của ngày hè, cầm theo tấm chiếu trải bên bờ sông rồi ngủ lại đó luôn. Có người lại lo lắng nói ngủ bên ngoài thế này có bị muỗi cắn không thế, muỗi thì không có bao nhiêu, gió lớn thế này, muỗi đứng lên chân còn không vững.

Thế nhưng không có muỗi, lại có thứ khác.

Lúc đó nhỏ chúng tôi thường chạy đến bờ Nghi Hà để ngủ, nhìn thấy có người xách theo đèn lồng xếp thành một hàng bên bờ sông. Ông nội nói với tôi, đó chính là quan tuần tra ở âm ty địa phủ đến để tuần tra nơi này. Tôi hỏi lại ông, những người này rốt cuộc đang tuần tra việc gì, ông nội cũng không đáp lại.

Còn có một lần, chúng tôi đến ngủ bên bờ Nghi Hà, đám trẻ con đang buôn chuyện với nhau rất vui vẻ, Ninh Ninh lại chỉ vào trong lòng sông nói, mau nhìn xem đó là cái gì. Chúng tôi nhìn theo hướng Ninh Ninh chỉ, lại nhìn thấy trên Nghi Hà xuất hiện hai chiếc đèn lồng khổng lồ. Hai chiếc đèn lồng chầm chậm di chuyển từ Bắc xuống Nam xuôi theo dòng nước, lúc đó chúng tôi còn cho rằng đó là thuyền nữa. Sau khi ông nội nhìn thấy, liền vội vàng hô hoán đuổi chúng tôi và đám trẻ con về nhà.

Lúc đó, còn có một vài đứa trẻ muốn đứng bên bờ sông nhìn thử, ông nội tôi cũng mặc kệ đó là trẻ con nhà ai, dứt khoát đá cho mỗi đứa hai cái. Có đứa còn nghênh ngang dám cãi lại ông nội tôi, ông nội cũng chẳng thèm để tâm, tặng bọn nó thêm cái tát nữa, đuổi hết tất cả về nhà.

Lát sau, ông nội mới nói với tôi, đó là Long Vương muốn trờ về biển đấy.

Tôi cứ luôn cảm thấy đó là ông nội bịa chuyện trêu chọc mình, sau đó tôi lại tìm ông cố chứng thực, ông cố mới nói với tôi, đó thật sự là Long Vương. Có điều Long Vương này hoàn toàn không giống những gì chúng ta thường nghe nói, thực sự là một con rồng trên trời, mà là rắn hoá thành giao long.

Con rắn này muốn hoá thành giao long, trước tiên phải chấp nhận thiên kiếp. Thế nhưng khi nó chấp nhận thiên kiếp tu hành ở trong núi, lỡ như bị người nào đó nhìn thấy thì việc tu hành sẽ bị gián đoán, phiền phức rất lớn. Cách tốt nhất chính là bơi ra biển, nơi đó rộng lớn, sét có đánh trúng cũng chẳng hề gì.

Có điều lúc đó nghe ông cố nói vậy, tôi cảm thấy những lời ông nói rất mơ hồ. Chú nhỏ của tôi nói, hai lão già đó đều đang đùa cợt tôi. Hai chiếc đèn lồng khổng lồ trên Nghi Hà kia chính là một con rắn lớn đang đi thăm họ hàng. Được rồi Thẩm Kiều, lời ngài nói nghe còn mơ hồ hơn hai vị kia nữa.

Ông cố tôi châm tẩu thuốc, thong thả bước đi trên con đường nhỏ dọc bờ Nghi Hà. Khi đó, bên bờ Nghi Hà toàn là bãi hoang, chẳng ai thèm, mọi người bèn đem số đất hoang đó phân chia ra, lén lút trồng khoai lang, cao lương gì đó, cũng không có ai quản. Ông nội và ông cố tôi cũng trồng được mấy mẫu, nào là dưa quả lê đào, hạt kê, lúa mì cũng trồng một ít, ít nhất cũng không chết đói được.

Bên cạnh mảnh đất canh tác mà mọi người đã phân chia đâu ra đó, còn có một lối đi nhỏ, từ nam đến bắc hướng về phương xa. Tôi hỏi ông cố, phương xa đó có gì? Ông cố nói, phương xa có sơn hải, lúc đó tôi còn nhỏ, không biết sơn hải là gì, cũng không biết sơn hải có thể ăn được hay không?

Khi ấy, ông cố tôi có nuôi một con chó, gọi là lão Lục. Bất kể ông cố đi đâu, lão Lục cũng đều lẽo đẽo đi theo. Tôi nghi ngờ lúc ông cố và ốc tinh ở bên nhau, lão Lục cũng có mặt bên cạnh. Nhưng chuyện này dù sao cũng đã qua rất lâu rồi, không cách nào chứng thực được nữa.

Lão Lục là một con chó rất có linh tính, cả đời nó hệt như ông cố tôi, đều độc thân. Sau này khó khăn lắm mới tìm được một con chó cái, hai bọn nó ân ân ái ái bên nhau một đời. Đáng tiếc chúng yêu nhau nhiều năm nhưng lại không sinh ra được lứa con nào cả.

Mấy năm trước khi tôi được sinh ra, con chó cái ấy sinh được một con chó con sau đó bởi vì khó sinh mà chết mất rồi. Con chó con đó bây giờ chính là Tiểu Lục của nhà chúng tôi. Lúc chó mẹ chết, ông cố tôi dùng tay áng chừng bụng của nó rồi nói, trong bụng của chó mẹ chỉ có một mình Tiểu Lục, ngoài ra không còn con chó nào khác.

Sau khi chó cái chết, lão Lục đau buồn tuyệt vọng, mấy ngày liền không ăn uống gì, cho nó chân giò ngâm tương cũng không ăn, cuối cùng tuyệt thực mà chết. Sau khi lão Lục chết, ông cố tôi rất đau lòng, ông đi khắp bờ Nghi Hà, tìm cho lão Lục một mảnh đất phong thuỷ tốt, rồi đem hai vợ chồng nó chôn xuống. Ông cố nói, hai vợ chồng nó kiếp sau có thể đầu thai thành người.

Cho nên lúc đó, Tiểu Lục ở trong nhà tôi được đối xử còn tốt hơn cả tôi, mà tôi thì lại được đối xử tốt hơn cha tôi.

(Còn tiếp)