Ba người vừa xuống núi là Đoạn Lãng cười toét miệng suốt, như hoa tươi nở trên nền tuyết trắng. Đoạn Lãng líu ríu chuyện trò cả đường đi. Nhiếp Phong thỉnh thoảng mỉm cười gật đầu, đáp một đôi câu. Chỉ có Bộ Kinh Vân là đi cách họ xa chừng hai mét, trầm mặc không nói gì.
Đoạn Lãng thỉnh thoảng lại liếc Bộ Kinh Vân, lầm bầm: “Đi xa thế làm gì, người ta còn tưởng không phải cùng một hội.”
Bộ Kinh Vân lạnh lùng liếc qua, Đoạn Lãng liền rùng mình. Thế là Đoạn Lãng tiếp tục nói chuyện với Nhiếp Phong, mặc kệ Bộ Kinh Vân.
Bộ Kinh Vân đi từng bước trên nền tuyết, cảm giác tuyết dưới núi lạnh hơn trên Thiên Sơn. Có lẽ đây là lý do mà Bộ Kinh Vân chưa từng muốn xuống núi. Chắc vì trên núi người làm ấm tim nó. Chắc vì chỉ có Thiên Sơn mới là nhà của nó. Trong nhà có người thì dù trời lạnh thấu xương, lòng vẫn ấm áp.
Nhạc Sơn nằm ở vùng Tứ Xuyên. Ba người ngày đêm lên đường, càng xa Thiên Hạ Hội tuyết càng ít, thời tiết cũng không còn quá lạnh. Cuối cùng đã đến được vùng Nhạc Sơn.
Nhạc Dương là một thôn nhỏ ở vùng Nhạc Sơn. Mùa đông nơi đây không có gió lạnh ù ù, ấm áp hơn Thiên Sơn nhiều.
Ba người dạo chợ trong thôn, thấy biển người tấp nập hối hả, tiếng rao chen tiếng nói, vô cùng náo nhiệt.
Đoạn Lãng đã ở Nhạc Sơn từ khi lọt lòng, tuy không sống tại thôn Nhạc Dương nhưng lại rất quen thuộc với nó, nay quay lại lòng bỗng trào dâng cảm giác thân thiết khôn tả.
Nhiếp Phong nhìn dòng người chen vai nhau đi, không khỏi nhớ lại ngày cha già quy ẩn, nhớ về thôn làng bình yên đó. Chỉ không biết, liệu mình có ngày nào trở về thôn trang ấy hay không. Trong ba nguời, chỉ mình Bộ Kinh Vân là không quen với khung cảnh biển người chen chúc thế này. Mà dường như thôn dân cũng không chào đón nó, vừa chạm phải ánh mắt nó là tránh đi ngay.
Nó có đôi mắt dọa lùi cả muôn người.
Nhưng, ẩn sau cặp mắt ấy là một trái tim mà không ai biết cũng không ai hiểu.
Chẳng hay đến tháng nào năm nao trái tim ấy mới được đào ra khỏi tầng tầng lớp lớp băng dày, để người ta nhìn cho thấu cho tỏ.
Bất chợt, có bóng người bay ra từ gian nhà đá tồi tàn cách họ không xa. Người đàn bà nọ tuổi chừng ba mươi, gào khóc thảm thiết ngã nhào ra đất. Một gã đàn ông cao to vạm vỡ chạy từ trong nhà ra, mắng xối xả: “Con đàn bà thối này, ông chỉ đến nhà lão Hoàng uống mấy chén mà mày làu nhà làu nhàu suốt cả ngày. Ông phải dạy cho mày một trận!”
Ra là chuyện lục đục vợ chồng. Nhưng giữa ban ngày ban mặt mà hành hung một người phụ nữ như thế thì ai ngồi yên cho được.
Có điều, gã này vóc người vạm vỡ, nắm đấm to bằng cái bát. Thôn dân có thấy cũng đành vờ như không biết.
Thấy mọi người làm dưng, chẳng ai lên trừ bạo giúp yếu, Nhiếp Phong bất bình không chịu nổi, tiến lên nâng người đàn bà nọ dậy: “Cô không sao chứ?”
Người nọ gật đầu. Gã kia thấy có người đứng ra giúp vợ mình thì bực quá, trừng mắt gào lên: “Thằng oắt con kia, mày lại dám xen vào chuyện của lão Lý tao à, không muốn sống nữa hả?”
Lúc này Đoạn Lãng cũng chạy lên, chen miệng vào: “Ông đường đường là đấng mày râu mà lại nặng tay đánh một người phụ nữ yếu đuối, không biết thẹn à? Hừ, chưa thấy ai mặt dày như ông. Tôi còn nhỏ tuổi hơn huynh ấy, nhưng tôi cũng muốn làm cho rõ chuyện này!”
Gã kia nghe xong tức không chịu nổi, giận đùng đùng vung tay lên, nhắm thằng hai đứa nhóc mà đánh, quát: “Được lắm! Ông sẽ dạy cho chúng mày một trận!”
Nhưng một đấm này của gã không trúng được mục tiêu, vì đã có người túm lấy nó trước.
Lão Lý hoảng hốt quay đầu lại, thấy đó là một thiếu niên mặc áo đen thì gắt lên: “Mày buông tay ông ra, không thì ông làm thịt luôn cả mày!”
Đến giờ phút này rồi mà gã còn hống hách không chịu hối cải. Bộ Kinh Vân không nói gì, nhẹ nhàng chém ra một chưởng liền đánh gã bay tít ra xa, xoay hơn mười vòng mới dừng lại.
Vợ lão Lý thấy chồng mình bị đánh bỗng hét rú lên: “Ối làng nước ơi! Sao lại đánh người ta ra nông nỗi này hả trời? Có ai không! Thằng nhóc này nó vô cớ đánh bị thương người ta rồi!”
Đúng là trắng đen lẫn lộn, đúng sai điên đảo. Cứu người ta lại bị người ta cắn cho một phát. Lý lẽ ở đâu? Nhiếp Phong vội giải thích: “Cô ơi, sư huynh cháu cũng vì muốn giúp cô nên mới …”
Còn chưa nói xong, người đàn bà kia đã quắc mắt mắng lại: “Bà nhổ vào mặt mày! Ai cần nó giúp? Lão Lý mà bị nó đánh chết thì sau này ai nuôi bà?”
Người đàn bà nọ vội vàng chạy đến chỗ lão Lý, thấy miệng lão chảy máu thế là lại rít lên: “Có ai không! Giết người rồi! Có ai không!”
Thấy bà ta lấy oán trả ơn, Bộ Kinh Vân dửng dưng quay đi. Nhưng người đàn bà kia cứ gào lên, các thôn dân thấy thế liền bâu vào xem rồi xì xào bàn tán: “Đúng là đồ ngang ngược vô lý mà, sao không dưng lại đánh người ta như thế chứ. Chắc chắn không phải hạng tốt lành gì!”
“Phải đấy! Vừa rồi tôi nhìn vào mắt nó sợ đến suýt ngất đi ấy. Đáng sợ thật!”
“Tôi thấy người có ánh mắt hung dữ như thế chắc chắn là kẻ khát máu thành tính, có khi từng giết người rồi cũng nên.”
“Thế … phải làm sao bây giờ? Cho cái ngữ này vào thôn thì chẳng còn ngày yên lành nữa đâu.”
“Chúng ta mau đi xem cáo thị trong trấn xem gần đây có tên hung đồ nào thế này không.”
“Không cần xem! Cứ hợp nhau vào đuổi nó đi!”
Cả đám người lời ra tiếng vào, túm năm tụm ba mà nói mà bàn. Người đời lắm khi mù quáng thế đấy, chẳng phân biệt ân oán đúng sai, bị kích động là nhào lên, người cầm đá người cầm sỏi thi nhau ném vào Bộ Kinh Vân.
Nhiếp Phong vội gọi: “Vân sư huynh, mau tránh đi!”
Nhưng Bộ Kinh Vân làm như không nghe thấy, cũng không định tránh.
Nó bỗng quay đầu lại nhìn.
Ánh mắt hung dữ nhìn những cục đá trong tay thôn dân. Mọi người thấy thế thì khựng lại, không ai dám ho he gì. Nhìn thoáng qua còn tưởng họ hóa đá hết rồi.
Không ngờ lại dùng cách này để dẹp loạn.
“Vân sư huynh …” Nhiếp Phong ngơ ngác nhìn Bộ Kinh Vân. Hắn đột nhiên phát hiện ra, khoảnh khắc lúc Bộ Kinh Vân quét mắt nhìn mọi người, trong con ngươi là nỗi bi thương không lời nào tả nổi.
Nhưng chút cảm xúc ấy loáng qua rất nhanh. Bộ Kinh Vân quay đi, bỏ lại đám thôn dân đằng sau. Nó chợt nhớ lại lời sư phụ nói mấy ngày trước. Sư phụ mong nó đi nhiều gặp nhiều, tiếp xúc với những kiểu người khác nhau … trong đó có thể có loại người này …
Bộ Kinh Vân nhớ tiếng nói nhẹ nhàng và ánh mắt hiền hòa của sư phụ, bỗng thấy dòng người ồn ã xung quanh như biến thành không khí. Trong đôi mắt không còn nỗi bi thương chẳng ai hiểu được, thay vào đó là sự hờ hững khi liếc nhìn mọi người.
Người đàn bà kia vẫn gắt giọng hô hào thôn dân nhào lên bắt người. Cuối cùng Nhiếp Phong cũng hiểu tại sao lão Lý kia lại muốn đánh bà ta một trận.
Đoạn Lãng dù thích đối đầu với Bộ Kinh Vân nhưng dẫu sao cũng là một đứa trẻ, lại là sư huynh đệ với nhau, nên không thực sự ghét Bộ Kinh Vân.
Bây giờ thấy người đàn bà kia không biết lý lẽ, nó liền nhặt một quả quýt rơi trước sạp hoa quả lên, ném mạnh một phát, quả quýt vọt thẳng vào mồm người đàn bà đang kêu ré lên kia, lấp luôn cổ họng của bà ta.
Đoạn Lãng cười khẩy: “Hứ! Đồ đàn bà chanh chua! Bị đánh cũng đáng đời.”
Ba người không để ý tới đám đông huyên náo nữa, cứ thế rời đi.
Nhiếp Phong và Đoạn Lãng vào thôn tìm thợ khắc bia mộ cho hai vị phụ thân đã khuất, sau đó đến Lăng Vân Quật. Cả bọn mới tiến lên chừng mười mét là Nhiếp Phong đã thấy Tuyết Ẩm hắn c4m vào tượng phật ngày đó. Hắn dùng sức rút nó ra, vác lên lưng. Vào sâu bên trong tầm trăm mét thì thấy thi hài Đoạn Soái cùng Hỏa Lân Kiếm. Đoạn Lãng khóc nức nở, mãi lâu sau mới thu gom di hài phụ thân, vác Hỏa Lân trên lưng, ra ngoài tìm nơi yên nghỉ cho phụ thân. Đường đi rải đầy xương cốt, nhưng Nhiếp Phong không biết cái nào mới là phụ thân mình. Càng đi càng sâu, loáng thoáng thấy phía trước hiện ra ngã ba, đường vào trong sâu không thấy đáy.
Bộ Kinh Vân lạnh nhạt nói: “Nên ra ngoài thôi.”
Nhiếp Phong chần chừ, nhưng cũng biết không nên vào sâu hơn, nên đành ngậm ngùi ra khỏi động.
Nhiếp Phong với Đoạn Lãng dựng mộ bia bên ngoài Lăng Vân Quật, gập người vái lạy.
Không ngờ một năm sau biến cố, con trai của hai tuyệt đại cao thủ vốn là kẻ địch của nhau lại trở thành bạn tốt. Thiết nghĩ cũng là “duyên số” trêu ngươi.
Bộ Kinh Vân lẳng lặng nhìn hai người lễ bái vong linh phụ thân, chợt nhớ về chuyện cũ.
Lúc ấy Bộ Kinh Vân đến Thiên Hạ Hội chưa đầy một năm, còn mấy ngày nữa là đến ngày giỗ của Hoắc Bộ Thiên. Bấy giờ nó vẫn còn khép mình, cả ngày ngồi một mình trong phòng. Ai ngờ hôm đó Lăng Ngạo Thiên đột nhiên bước vào, nói với nó lúc trước đã liệm quan dựng mộ cho tất cả người nhà họ Hoắc, hỏi nó có muốn đi thăm mộ không. Khi ấy, Bộ Kinh Vân không hiểu sao thấy rất cảm động, nhưng rồi vẫn từ chối. Nếu là người khác chắc sẽ tức giận chất vấn Bộ Kinh Vân sao lại không đi. Còn Lăng Ngạo Thiên thì chỉ nhìn sâu vào mắt nó rồi bình thản nói: “Nếu có một ngày con muốn đi, thì nói với sư phụ.” Sau đó xoay người bước đi, để lại tiếng thở dài khe khẽ sau cánh cửa đã khép chặt. Khoảnh khắc đó, Bộ Kinh Vân rút cuộc cũng hiểu, sư phụ thực sự hiểu nó, hiểu tâm tư của nó. Không phải nó không muốn đi tế mộ Hoắc Bộ Thiên, mà là hy vọng báo thù xong mới đi. Nó không muốn Hoắc Bộ Thiên ở trên đó phải lo lắng cho nó.
Đang lúc Bộ Kinh Vân thất thần thì đột nhiên có tiếng gọi rất khẽ từ đâu truyền tới: “Ai, Hoắc Kinh Giác …”
Một tiếng “Hoắc Kinh Giác” này khiến Bộ Kinh Vân toàn thân chấn động.
Âm thanh ấy nhẹ bẫng như thì thầm bên tai, lại như vọng từ nơi xa xôi đến, như thực như ảo. Người gọi nó phải là người có nội lực thâm hậu, nếu không khó mà đưa âm thanh truyền đi xa như vậy.
Nhiếp Phong có Băng Tâm Quyết trợ giúp nên nghe thấy tiếng gọi này trước Bộ Kinh Vân. Hắn nhướng mày, xem chừng không xác định, hỏi Bộ Kinh Vân: “Vân sư huynh, huynh có nghe thấy tiếng ai gọi ‘Hoắc Kinh Giác’ không?”
Bộ Kinh Vân không đáp.
Đoạn Lãng cũng luyện Băng Tâm Quyết nên có nghe thấy, lấy làm hiếu kỳ, hỏi: “Ai là Hoắc Kinh Giác?”
Bộ Kinh Vân vẫn giữ im lặng, chậm rãi bước đến mép gối tượng phật, nhìn xuống dưới một vòng mà không phát hiện ra cái gì.
Trên đời này, ngoại trừ nó, sư phụ, ông chú áo đen, Kiếm Thần, thêm cả cha con Hoắc Liệt, không còn ai biết đến Hoắc Kinh Giác.Vậy thì người gọi cái tên này là ai?
Người này không chỉ biết tên nó là Hoắc Kinh Giác, mà còn biết nó đã tới Nhạc Sơn.
Ai lại có công lực thâm hậu truyền âm xa được như thế? Ai lại có bản lĩnh thông thiên biết rõ bí mật của Bộ Kinh Vân? Giọng nói này không phải sư phụ, cũng không phải người áo đen, Kiếm Thần với cha con Hoắc Liệt thì không có công lực lớn như vậy.
Hơn nữa, người này gọi tên nó như là muốn nhắn nhủ gì đó.
Hai bên thái dương Bộ Kinh Vân chảy xuống mồ hôi lạnh.
Lúc ba người từ Lăng Vân Quật trở lại thôn Nhạc Dương đã là lúc hoàng hôn.
Ráng chiều nghiêng vàng đỏ khiến đất trời như cũng dần mờ nhạt. Ba người bước qua cửa thôn thì chợt thấy bên cửa có một ngôi miếu nhỏ.
Hầu như thôn nào cũng có miếu thờ nên chuyện này không có gì lạ. Nhưng ngôi miếu này có một điểm rất thú vị, đó là nó không có tên, ngoài cửa chỉ treo một tấm biển lớn ghi mỗi chữ to đùng: “Miếu.”
Giống như mấy quán mì nhỏ ở quê, lúc nào cũng chỉ treo biển độc một chữ “mì”.
Đoạn Lãng xem xét một hồi thì thích thú reo lên: “Nhìn này! Tên cái miếu này thú vị thật đấy. Hay là chúng ta vào xem thế nào đi?”
Nhiếp Phong cười khẽ, quay sang nhìn Bộ Kinh Vân. Bộ Kinh Vân không ý kiến gì. Thế là Đoạn Lãng chạy ngay vào miếu.
Trong miếu còn nhỏ hơn khi nhìn bề ngoài, đổ nát hoang tàn không chịu nổi. Vì là hoàng hôn nên chẳng còn thấy bóng ai cúng tế gì. Vậy mà trong miếu vẫn tràn ngập khói đặc, khiến người ta không thấy rõ trên bệ thờ là thần thánh phương nào.
Trong màn khói, một người ngồi trong góc tối, hình như là ông từ (người trông giữ miếu), nhưng ba người không sao thấy rõ mặt người nọ, loáng thoáng thấy người đó bọc trong lớp áo đen sì.
Người nọ thấy ba người bước vào thì chậm rãi nói: “Tại hạ là người trông coi ngôi miếu này. Không biết ba vị thí chủ muộn thế này còn đến đây là vì muốn tá túc, cầu thần, hỏi quẻ hay xem tướng?”
Lời vừa cất lên, ba người liền biến sắc mặt.
Bởi vì giọng nói của người này khiến họ vô cùng khiếp sợ.
Đó là giọng nam trầm, vốn rất bình thường, nhưng lại là giọng nói họ nghe thấy lúc ở Lăng Vân Quật khi nãy!
Từ lúc vào miếu đến giờ Bộ Kinh Vân đều hờ hững, bây giờ rút cuộc mắt cũng thoáng qua tia sáng, xem chừng hứng thú với khuôn mặt thật của ông từ này lắm.
Nhiếp Phong thấy chuyện này thật quái lạ. Hắn biết người này không tầm thường, toàn thân trở nên căng thẳng như sợ người này có hành động bất thường nào.
Đoạn Lãng còn nhỏ tuổi, ngày thường cà lơ phất phơ nhưng thực tế lại là người tinh tế nhạy bén, lúc này tay đã nắm chặt chuôi kiếm.
Ông từ kia dường như biết ý nghĩ của họ, cười nói: “Ba vị thí chủ sao phải căng thẳng thế? Tại hạ chỉ hỏi ba vị đến miếu để làm gì thôi mà.”
Bộ Kinh Vân bỗng lên tiếng: “Tôi muốn xem tướng.”
Người nọ cười hỏi: “Thí chủ muốn xem tướng gì?”
Bộ Kinh Vân đáp: “Chân tướng!”
Lời vừa dứt liền kết hợp bộ pháp Vân Tung Mị Ảnh với Bài Vân Chưởng vọt đến trước mặt ông từ nhanh như chớp, muốn nhìn cho rõ bộ mặt thật của ông ta.
Nào ngờ người nọ không chút hoang mang, còn cười ung dung, nói: “Thí chủ, muốn xem tướng cũng không cần vội vàng như thế.”
Tiếp đó thân hình lướt một cái đã bay ra xa cả trượng, thân pháp cực nhanh, không thua kém gì Bộ Kinh Vân.
Bộ Kinh Vân lạnh giọng hỏi: “Ngươi là ai?”
Kỳ thực Bộ Kinh Vân không lo lắm chuyện thân phận bị bóc trần. Vì dù sao Bộ Kinh Vân bây giờ không phải người bái kẻ thù làm thầy. Chuyện này có truyền ra cùng lắm chỉ khiến Độc Cô Nhất Phương đề phòng hơn mà thôi. Nhưng bây giờ sư phụ còn chưa lật mặt với Độc Cô Nhất Phương, nó cũng chưa đủ sức báo thù, nên không muốn gây thêm rắc rối cho sư phụ.
Không ai biết, Lăng Ngạo Thiên đang đứng trên nóc miếu lúc này đã toát mồ hôi lạnh.
Đúng vậy, Lăng Ngạo Thiên đang ở đây!
Lăng Ngạo Thiên nắm rõ hành tung của ba người. Khi họ quay lại, Lăng Ngạo Thiên liền lẳng lặng theo sau.
Hắn biết theo nguyên tác ba đứa sẽ gặp người này. Nhưng giờ lịch sử đã thay đổi, Lăng Ngạo Thiên còn chưa gặp mà không ngờ ba đứa lại chạm mặt với người này.
Gặp phải Nê Bồ Tát!
Nê Bồ Tát, theo nguyên tác là người gây nên bi kịch cả đời của Hùng Bá, thực tế chính là người nói ra câu “Kim Lân há là vật trong ao, gặp được phong vân khắc hóa rồng”, đồng thời là người phán “rồng tại cửu thiên nhìn trời đổi, phong vân tề tựu hết vẫy vùng”.
Mắt Lăng Ngạo Thiên ánh lên sắc lạnh. Chẳng lẽ Nê Bồ Tát có thể tính ra người thúc đẩy sự kiện nhà họ Hoắc năm đó là mình? Vốn Lăng Ngạo Thiên không tin mấy chuyện thế này, nhưng hôm nay hắn đã nhìn ra Nê Bồ Tát cũng là người có cầu nối với thiên địa!
Truyền kỳ cao thủ có thể có những thiên phú khác nhau. Ai biết được Nề Bồ Tát có khả năng đoán biết thiên cơ hay không. Nói một cách đơn giản thì là khả năng tiên đoán, không quá kỳ lạ hay quá hiếm nên rất có thể là sự thật.
Lăng Ngạo Thiên bình tĩnh lại, cẩn thận quan sát một phen, bỗng nhếch môi cười, lập tức vận sức chờ phát động. Hắn đã nhìn ra Nê Bồ Tát tuy bắc được cầu nối với thiên địa nhưng võ công cùng lắm cũng chỉ mới vào tuyệt thế cảnh giới. Rất có thể người này trời sinh đã có dây nối với trời đất. Những người như vậy thường có khả năng thiên bẩm rất đặc biệt, có điều chưa chắc đã là cao thủ võ lâm, mà rất có thể còn vì thế mà không đạt được thành tựu cao trong con đường võ học. Lăng Ngạo Thiên thầm suy tính, nghĩ bụng nếu Nê Bồ Tát thực sự định nói lời không nên nói sẽ lập tức thuận theo số trời, cho hắn chết trong tay “Hùng Bá”!
Ông từ nọ từ đầu đến cuối đều ẩn mình trong màn khói dày đặc, không để ai thấy được diện mạo. Hắn bùi ngùi thở dài: “Ta là người thông thấu thiên cơ, đáng tiếc tự thân lại không thoát khỏi thiên cơ …”
Nhiếp Phong đứng một bên cuối cùng cũng lên tiếng: “Tiền bối hiểu rõ thiên cơ, vậy thì có liên quan gì đến ba chúng tôi?”
Ông từ liếc nhìn ba người họ, nói: “Đơn giản là vì, các ngươi vậy mà có thể tránh được thiên cơ!”
Lời vừa thốt ra, cả ba đều kinh ngạc. Ông từ kia quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, nói: “Thật ra, sở dĩ các ngươi tránh được vận mệnh bi kịch do thiên cơ sắp đặt là vì có người đó …”
Nói rồi giọng trầm hẳn xuống: “Tại sao kẻ đó có thể thay đổi thiên cơ? Tại sao thay đổi thiên cơ lại không bị trời phạt? Ta mới chỉ thoáng để lộ chút thiên cơ đã gặp báo ứng thế này … Rút cuộc là tại sao? Tại sao?”
Lăng Ngạo Thiên mới đầu còn thấy lạnh gáy, không biết Nê Bồ Tát có phải đã phát hiện ra hắn không phải Hùng Bá hay không. Nghe tiếp thì mới thở phào nhẹ nhõm. Nê Bồ Tát cũng chỉ thế mà thôi. Lại nghĩ, hắn chẳng cần Nê Bồ Tát tiết lộ thiên cơ, mà hình như hắn ta còn phải nhận báo ứng vì tiết lộ thiên cơ nào đó cho người khác. Bởi vậy mới nói, người này vốn đã có lòng tham, thế nên không thay đổi được vận mệnh.
Lúc này, ông từ nhìn chăm chăm vào Bộ Kinh Vân, nói với giọng điệu quái lạ: “Ngươi thực sự rất may mắn!”
Nghe thế, Bộ Kinh Vân không khỏi tỏ ra ngờ vực. Lại nghe ông từ kia nói tiếp: “Ngươi vốn sẽ cơ khổ cả đời … Ngươi mang mệnh số ‘cô tinh’, không có duyên lục thân, mà nguời không có quan hệ huyết thống với ngươi lại yêu thương ngươi hết mực, giống như cha dượng ngươi … Đáng tiếc, mệnh họ như tơ, với ngươi đều là ‘tình sâu duyên mỏng’, kết cục chỉ thành những ký ức đau khổ theo ngươi suốt đời …”
Bộ Kinh Vân hoảng hốt. Không có quan hệ huyết thống? Mệnh mỏng như tơ? Tình sâu duyên mỏng? Chẳng lẽ …
Ông từ kia nói đến đó lại cười khằng khặc, trong tiếng cười xen lẫn sự ghen ghét, nói tiếp: “Nhưng lại có người phá giải được mệnh số cô tinh của ngươi. Sát khí của ngươi chẳng những không ảnh hưởng đến hắn, mà còn bị hắn bài trừ …”
Bộ Kinh Vân khựng người. Người có thể phá giải? Chẳng lẽ đó là …
Ông từ ngửa mặt lên thở dài: “Tại sao lại có người may mắn đến thế, có được tất thảy những gì mình muốn? Tại sao ta cứ luôn mất đi hết cái này đến cái khác?”
Sau đấy lại nói: “Nhưng ta đã tiết lộ thiên cơ cho kẻ địch của hắn, hắn sẽ không còn có được mọi thứ đơn giản như vậy nữa … Nhưng ta lại bị ông trời trừng phạt!”
Hắn càng nói càng huyền ảo. Nhiếp Phong với Đoạn Lãng nghe chẳng hiểu gì. Chỉ có Bộ Kinh Vân lạnh lùng nhìn bản mặt ghen ghét thấy rõ của hắn, sát khí trong mắt càng lúc càng tăng, nghe đến chữ “kẻ địch” thì mắt sắc lẻm như biến thành thanh kiếm.
Đoạn Lãng cười khẩy, chế nhạo: “Hừ, thuật sĩ giang hồ, ăn nói lung tung, ai mà tin được.”
Ông từ kia chỉ cười khẽ, nói với giọng buồn bã: “Vậy sao? Thế thì ta sẽ nói cho các ngươi nghe một lời tiên đoán, để chứng minh xem ta có nói ngoa không.”
Lúc này đến Nhiếp Phong cũng cảm thấy hứng thú: “Ồ? Tiền bối có tiên đoán gì?”
Ông từ nói: “Nhạc Sơn sắp gặp đại nạn.”
Đoạn Lãng nghe thế cuời khinh bỉ: “Hứ! Nhạc Sơn yên lành thái bình thế này, ở đâu ra đại nạn? Sư huynh, đừng tin hắn.”
Ông từ không để ý đến Đoạn Lãng, mắt nhìn Nhiếp Phong với Bộ Kinh Vân, trông có vẻ cực kỳ lo lắng, hô lên: “Lão phu chỉ có thể nói đến thế. Đại nạn đã đến, mau lo thoát thân đi!”
Lời vừa dứt, hắn lập tức bay thẳng lên trên, phá tan nóc nhà mà đi. Lăng Ngạo Thiên lúc nãy đứng trên nóc miếu nay đã chẳng thấy bóng đâu, như thể chưa từng xuất hiện.
Tai họa đến nơi, Nhiếp Phong với Bộ Kinh Vân chưa kịp phản ứng đã nghe tiếng ầm ù bên tai.
“Hả? Đây là …” Nhiếp Phong vô cùng khiếp sợ.
Hắn chưa kịp nói cũng đã biết đây là tiếng gì. Cả ngôi miếu bỗng rung chuyển, như thể có cây trụ đá ngàn cân liên hồi nện xuống.
Bộ Kinh Vân, Nhiếp Phong và Đoạn Lãng gần như cùng lúc quay ra nhìn cửa miếu, bắt gặp “thiên uy” nghiêm nghị xông cửa mà vào. Uỳnh! Một tiếng nổ rung trời. Cả ngôi miếu tan nát.
Người đó nói không sai.
Thực sự là đại nạn!
Là hồng thủy!